Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2018

BA ĐIỀU KHÔNG THỂ ĐỂ MẤT


          Đời người vốn vô thường, nên không có gì được coi là vĩnh cửu, không đổi dời, bất biến, trái lại tất cả đều có thể phôi pha, tan biến như  hoa sớm nở tối tàn, như dòng sông lúc đục lúc trong. Vì thế, mất - còn là chuyện bình thường và người ta phải làm quen với những còn - mất xẩy ra trong đời, nếu không muốn đời tàn vì sốc nặng.

     Bạn cũng như tôi ít nhiều đã thấy những người sa cơ thất thế, mới hôm qua “tiền hô hậu ủng”, hét ra lửa, thở ra khói, nói ra tiền, thế mà chỉ qua một đêm không còn gì, mà còn bị truy nã, tù đầy, thân bại danh liệt, gia đình xa lánh, bạn hữu bỏ rơi, thiếu thốn, ô nhục. Có thể bạn và tôi đã nếm mùi thất bại, và hơn một lần thấm thía nỗi khổ của người kém tài năng, nỗi đau của kẻ thua cuộc, hay  nỗi buồn của người bị phản bội. Dù thế nào và tại sao, chúng ta ít nhiều đã hiểu cái trống vắng kinh khủng của mất mát: mất quyền, mất tình, mất người, mất của.

    Trước những lần mất với những cái mất tưởng như không bao giờ tìm lại được, người ta có nhiều lựa chọn khác nhau. Có người căm phẫn, oán hận, trả thù đời, báo thù người; có người sợ hãi, khiếp đảm, chán nản, buông xuôi; có người kiên trì, nhẫn nại tìm cách xây dựng lại từ đầu. Và kết qủa tùy thuộc mức độ đúng sai của mỗi lựa chọn.

     Ở đây, chúng ta không bàn về lựa chọn Çúng sai, cho bằng chia sẻ với nhau về những gì không thể để mất, ngay cả đã mất tất cả; những gì không thể coi như mất, cho dù đã rơi vào tình trạng không còn gì để mất, bởi ở con người luôn có một kho tàng vô gía, bí mật không  được để mất, vì mất kho tàng này, người ta sẽ vô phương tìm lại được những gì đã mất.
  Kho tàng ấy gồm  Khiêm Tốn, Lòng Tốt, và Hy Vọng .

      1. Khiêm tốn:
  Tự bản chất ai cũng muốn mình là nhất, số một, nổi trội hơn người. Không ai muốn thua thiệt, kém cỏi, yếu thế, nên không ai tự bản chất đã khiêm tốn, tự nhiên đã khiêm nhường, tự động là nhu mì, khiêm cung; trái lại, “cái tôi” luôn thúc dục lòng ganh ghét, tính kiêu căng cố hữu không ngừng xúi bậy đầu óc hoạch định những mưu mô, thủ đọan đốn hạ người khác để mình ngoi lên, triệt hạ đối phương để dành cho mình chỗ đứng vững, chỗ ngồi cao, thế thượng phong, vị trí ngất ngưởng. Cũng vì tiềm tàng trong lòng sự ghen tuông, mà người ta sẵn sàng sử dụng bạo lực để thực hiện mọi ý đồ sở hữu, thống trị người khác. Tính tự kiêu, lòng tự phụ, thái độ tự mãn vì thế cứ như diều gặp gió khuynh đảo lý tưởng nhân ái, nhân hoà, nhân hậu là điều không thể thiếu ở con người đạo đức.

   Thực vậy, người không khiêm tốn sẽ khó có thể đứng vững trước những mất mát trong cuộc sống, bởi kiêu căng, người ta không có khả năng chấp nhận những giới hạn của mình, trong khi giới hạn là bản chất của con người, nếu không muốn nói: giới hạn là chính con người. Bị giới hạn bởi không gian và thời gian, con người là sinh vật có nhiều giới hạn và chỉ sống hạnh phúc với ý thức và thái độ lạc quan trước giới hạn không thể tránh của mình. Vì thế, người hạnh phúc trước hết phải là người biết đón nhận giới hạn của kiếp người, dám trực diện với thân phận người vốn giới hạn, và chỉ với tinh thần thông thoáng trước giới hạn , người ta mới hiểu được ý nghiã và giá trị thực của  đời làm người, đồng thời say mê với hạnh phúc được sống đời người nhiều giới hạn.

      Chấp nhận mình có giới hạn, người ta sẽ không căm phẫn khi thất bại, không nản chí, sờn lòng khi thua cuộc, không tuyệt vọng khi mất mát, bởi tận thâm tâm đã sẵn sàng trước thân phận luôn có giới hạn của mình. Nhưng điều quan trọng hơn tất cả, đó là tâm tình và thái độ khiêm tốn ở con người biết mình có giới hạn. Họ khiêm tốn với chính mình, nên không than thân trách phận, hay tự dằn vặt, quay quắt khi thua cuộc. Họ khiêm tốn với người, nên không ghen tức, oán thù, vì ý thức giới hạn không chỉ dành cho riêng họ, nhưng mọi người đều chung số phận. Nhờ thế, họ hiền lành được với mình và bao dung được với người khi sa cơ, khánh kiệt. Người khiêm nhường khác người kiêu căng trong thất bại, khi họ bình tĩnh và đằm thắm chấp nhận những vô thường của kiếp người vốn dĩ giới hạn ở mọi bình diện. Nếu người ngạo mạn phẫn nộ, từ chối giới hạn để sa lầy trong thất bại vì kiêu căng, thì người khiêm tốn làm lại được tất cả từ vực sâu mất mát, bởi họ đứng được trên đôi chân và đi từng bước bằng bàn chân của chính mình. Lòng khiêm tốn cho phép thành công nẩy mầm và nâng đỡ những bước chân tuy có yếu đuối, nhưng không run rẩy, sợ hãi, đầu hàng.

     Tóm lại, trong mọi thất bại và tình huống bi thảm, khốc liệt, chúng ta vẫn không được để mất lòng khiêm tốn, vì chỉ với khiêm tốn, ta mới thương được  mình, hiền lành được với  mình, bao dung được cho mình khi cỗ xe cuộc đời thê thảm đổ dốc, mộng ước không thành, công danh sự nghiệp tiêu tan, bởi chính lúc này, cái mình mới thực là đối tượng bị nguyền rủa, chê bai, trách móc và đáng thương hơn cả. Đánh mất khiêm tốn, mình sẽ cay nghiệt trách móc mình, mình sẽ nghiêm khắc lên án mình, mình sẽ tàn nhẫn hành hạ mình. Đánh mất khiêm tốn, mình sẽ uất hận trước thành công của người khác khi mình thất bại; sẽ bực bội trước may mắn của người khác khi mình  gặp vận xui; sẽ bất mãn, bất bình trước những người có điều kiện thăng tiến hơn mình. Đánh mất khiêm tốn, mình cũng sẽ mất lòng thương của người khác, vì có mấy ai thương kẻ kiêu căng, hợm hĩnh, và mấy người rộng lượng chia sẻ, giúp đỡ kẻ ngạo mạn, ngang tàng?

      Cố giữ  lòng khiêm tốn, dù tất cả có thể mất, để có thể hiền lành, nhẫn nåi làm lại tất cả, tìm lại những gì đã mất. Khiêm tốn chính là chià khóa của thành công và điều kiện của an bình, mà chúng ta không thể để vụt mất.

   2. Lòng tốt:
     Lòng tốt là kho tàng người ta dễ đánh mất nhất, mặc dù là kho tàng không thể để mất, vì vô cùng qúy giá. Người ta dễ đánh mất lòng tốt vì ghen tuông, ích kỷ, không muốn làm cho người khác điều tốt lành, vì sợ người khác hạnh phúc hơn mình. Người ta dễ coi thường lòng tốt vì toan tính, so đo, khi biết tốt với ai là chính mình phải tốn kém, hy sinh cho họ trước. Người ta dễ bỏ quên lòng tốt, vì  thực dụng nghĩ rằng lòng tốt chỉ là xa xỉ của giao tế, đồ trang sức của quan hệ xã hội. Chính vì coi lòng tốt như đồ phụ tùng không cần thiết, mà lòng tốt không luôn giữ được vị trí trọng yếu của mình nơi con người. 

    Lòng tốt được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau như lòng nhân, nhân đạo, nhân ái, thiện tâm, lòng thành. Tuy mỗi danh xưng có một sắc thái riêng biệt, nhưng tựu trung tất cả đều quy về tấm lòng tốt  con người dành cho nhau. Lòng tốt vì thế nói lên phẩm chất cao qúy của con người, nét đẹp nhân loại mà chỉ loài người mới có. Điều này có nghiã : nếu làm người mà không có lòng tốt, thì qủa thực không xứng đáng là người, không xứng hợp với địa vị của con người được sinh ra trong đời từ lòng tốt của mẹ cha, lớn lên nhờ lòng tốt của nhiều người, và có lòng tốt với người khác là bổn phận phải chu toàn. Do đó, người không có lòng tốt, thiếu thiện tâm, nhân ái, lòng thành là người không có đạo đức làm người, và người đời thường nặng lời lên án là hạng người “lòng lang dạ thú”, lang đây là lang sói, thú đây là thú dữ, như lời nguyền rủa  nặng nề dành cho những người không ăn ở tốt, không cư xử tốt với người chung quanh.

   Ở đây chúng ta bàn về lòng tốt như cọc neo kềm giữ  con thuyền  trước sóng gió, như ngọn hải đăng trong đêm tối mịt mù, như núi đá an toàn che chở những chiếc thuyền bé bỏng, mong manh, khi cuộc đời bước vào những khúc rẽ nguy hiểm, những  dốc núi cheo leo, những cây số cơ cùng, thảm hại. Chính  lúc không còn gì để mất lại là lúc phải giữ và không chịu để mất lòng tốt như chiếc phao  cứu sinh, điều mà chúng ta thường không mấy quan tâm, chú ý.
   
  Thực vậy, khi  thất bại chính là lúc lòng tốt ở chúng ta bị chao đảo hơn bao giờ hết, bởi không dễ tiếp tục làm điều tốt khi lòng tốt bị lợi dụng; không dễ nghĩ tốt cho người khác khi người khác chơi xấu, phản bội; không dễ kiên nhẫn trao ban những điều tốt lành, khi người bên cạnh không chỉ “ăn cháo đá bát” mà còn nhẫn tâm trân tráo truy diệt. Lòng tốt còn bị thử thách nặng nề khi vì lòng tốt mà chịu thua thiệt toàn phần, mất mát toàn bộ. Không thiếu những người đã rất tốt, nhưng sau những vô ơn, phản bội đã không còn dám tốt nữa; có những người từng là đại ân nhân của nhiều người, nhưng sau những “cú đá giò lái” ngoạn mục, những màn “ném đá dấu tay” của những người đã chịu ơn mình, nay trở nên thờ ơ, lạnh lùng, xa lạ với lòng tốt và những công việc tốt năm xưa. Lòng tốt cũng dễ bị đánh gục bởi những thị phi vô trách nhiệm, và hoàn cảnh  nghiệt ngã.
        
     Nhưng nếu lòng tốt cũng bị  phũ phàng cuốn trôi theo những vô ơn, phản bội, và những mất mát, thiệt hại khác như uy tín, công danh, sự nghiệp thì qủa thực chúng ta mất hết, không còn gì, ngay cả lẽ sống cuộc đời. Nếu lòng tốt là một trong ba chân kiềng cho đời ta đứng vững để tìm lại những gì đã mất, kiến tạo lại những gì đã bị hủy hoại, tàn phá, mà bị ta đánh mất đi, thì đích thị ta là người vô phúc đã đưa vào nhà mình tai ương, hiểm họa lớn nhất.

      Rất nhiều người đã rơi vào thảm cảnh này, khi lòng tốt bị phá sản chỉ vì những giá trị khác đã bị phá sản. Không thiếu những người đã “chết chìm không sủi bọt”, khi khai tử lòng tốt, chỉ vì lòng tốt trao ban đã không được đáp trả. Và người ta gặp được nhan nhản những con người mỏi mệt, chán đời, sợ người, vắng bóng lòng tốt đang khép kín, đóng chặt đời mình trong vỏ ốc vô cảm lạnh lùng.

      Tóm lại, lòng tốt không thể bị hư hao, xuống cấp, càng không thể biến đi, dù lòng tốt ấy có bị bầm dập, chà đạp, nghiền nát đau đớn, thê lương thế nào đi nữa, bởi lòng tốt không thể rời xa con người, không thể tách khỏi con người, không thể vắng mặt ở con người, nếu không, con người sẽ đánh mất giá trị sau cùng của nó, và tiêu tan hết chất người như lẽ sống không thể thiếu.

     Vì thế, đau khổ, thất bại không thể là lý do cho phép lòng tốt vắng mặt;  thua cuộc, mất số, mất cửa không thể biện hộ cho sự ra đi của lòng tốt; thất bát, khánh kiệt cũng không thể lý giải cho việc đầu hàng, nghỉ hưu non của lòng tốt. Trái lại, lòng tốt phải ở lại, dù ở giữa đống tro tàn thất bại; lòng tốt phải bám trụ, dù sóng gió tấn công tứ phía; lòng tốt phải sống, dù tất cả dường như đã chết; lòng tốt phải dành chiến thắng cuối cùng, dù chung quanh chỉ là tro tàn, chiến bại, bởi lòng tốt có sức mạnh cứu sống, làm được phép lạ hồi sinh, thực hiện được những công trình  vĩ đại từ đổ nát, suy vong.

     Thực vậy, chúng ta không thể viện bất cứ lý do gì để triệt thoái, thối lui, trốn chạy nghiã vụ nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho người khác, dù rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào. Lòng tốt là sức mạnh, niềm vui của con người, mà rời lòng tốt ra, con người không thể nhận ra phẩm giá cao quý và hạnh phúc được làm người của mình, bởi lòng tốt là tấm gương tuyệt vời cho ta thấy mình, cho người gặp ta.      

 3. Hy Vọng:
     Không lúc nào cần hy vọng bằng khi sắp thất vọng. Người ta chết không phải vì đói cho bằng chết vì thất vọng, tuyệt vọng và tuyệt vọng thường nhanh chân có mặt khi ta làm ăn thất bát, và thất vọng thường đòi can thiệp khi công không thành, danh không toại .
     
    Mất hy vọng, ta rơi vào thất vọng, tuyệt vọng. Thất vọng khi nghĩ  mình vô tài bất tướng, tội lỗi đầy mình, sai lầm ngập lối. Tuyệt vọng khi cho đời mình vô tích sự, hoàn toàn bế tắc, không lối thoát, nhất là cuộc đời ấy không còn hướng đi, lý tưởng, ý nghiã, giá trị. Người càng tham vọng, càng dễ thất vọng; càng mơ ước cao xa, càng thẳm sâu hụt hẫng.Vì thế, những người kiêu căng, khát quyền, đói danh thường dễ thất vọng, tuyệt vọng hơn người khiêm tốn, đơn sơ.

     Cũng như khiêm tốn, lòng tốt là kho tàng không thể để mất, hy vọng cũng là báu vật phải giữ lấy suốt đời. Có hy vọng, khổ đau, ô nhục cũng phải lùi bước; với hy vọng, bế tắc cũng phải hạnh thông, bởi hy vọng đem lại ánh sáng niềm tin, đem lại nghị lực để phấn đấu, đem lại can đảm để chịu đựng và tình yêu để thăng tiến. Hy vọng là ánh sáng trong đường hầm, là người hướng đạo bền chí và trung tín. Có hy vọng, mọi vấn nạn đều có phương án, mọi khó khăn, bế tắc sẽ được giải quyết, bởi hy vọng là người bạn trung thành và giỏi giang luôn có mặt khi ta lâm nạn, cô đơn, suy sụp.
Thực ra, cả ba kho tàng đan quyện, quấn chặt vào nhau:

·          Khiêm tốn là chân móng đóng sâu vào đất làm điểm tựa vững chắc cho cuộc đời, nhờ thế, cuộc sống không chênh vênh vì tham vọng ngôi thứ, không phập phồng sợ mất ghế, mất ngôi, nhưng vững chãi, bền bỉ. Khiêm tốn được xem như thành qúach an toàn của bình an, vì người khiêm tốn tránh được nhiều tai họa do tính kiêu căng, tự mãn. Họ được người thương và bình an như phần thưởng lớn nhất dành cho con người luôn ở với họ.

·         Lòng tốt như đôi tay giang rộng làm cho đời người rực rỡ niềm vui; như cánh tay nối dài vươn  đến vô tận của tình người; như những nhịp cầu duyên dáng đang tỏ tình với từng nhánh sông, khe suối trên cùng đường về đại dương yêu thương. Lòng tốt bảo đảm tương quan tốt đẹp giữa người với người, và gìn giữ, thăng tiến tình yêu tha nhân. Lòng tốt luôn đem lại hạnh phúc cho người có nó, vì hoa trái của lòng tốt chính là bình an, hạnh phúc qúy gía nhất con người hằng tìm kiếm.

·       Một khi đã có khiêm tốn là bệ đứng vững chắc, và lòng tốt để đến với tha nhân, thì niềm hy vọng sẽ xuất hiện và hướng con người  lên cao, nâng con người đến tận Chân - Thiện - Mỹ. Người hy vọng là người vượt qua được tất cả, dù tất cả  có nặng nề, cồng kềnh, khó khăn, trắc trở, phức tạp, khó mang, khó vác, khó cam đến đâu. Và cùng một phần thưởng lớn nhất, người có niềm hy vọng là người  sống bình an, bởi không niềm hy vọng nào không mang về hoa thơm trái ngọt của hạnh phúc đích thực là An Bình.

   Để kết luận, ta có thế thăng bằng hoàn hảo trong mọi hoàn cảnh, tình huống. Thế thăng bằng được xây dựng theo không gian ba chiều: chiều sâu có Khiêm Tốn, chiều ngang có Lòng Tốt và chiều cao có Hy Vọng. Khiêm Tốn làm nền, Lòng Tốt vươn ra, lan tỏa và Hy Vọng vút cao ngút ngàn. Cả ba liên kết tạo nên An Bình đích thực là hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban và con người luôn tìm kiếm.
    
Cầu chúc qúy bạn tìm được Bình An trong thế quân bình hoàn hảo trong mọi  thử thách, gian truân.    
              
Jorathe Nắng Tím