Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC CỦA THIÊN CHÚA



CON  ĐỪƠNG  HẠNH  PHÚC  CỦA THIÊN CHÚA
 Chỉ trừ khi chưa có trí khôn nên chưa biết chọn, hoặc không có quyền chọn, nhưng một  khi đã biết và có thể chọn, thì không ai chọn điều bất hạnh cho mình và cho người mình thương. Một định luật bất biến : ở đâu và thời nào, con người cũng khao khát hạnh phúc và  miệt mài đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc là mục tiêu của đời người, là đích con người phải đạt tới. Hạnh phúc thúc đẩy con người sống và làm việc ; động viên con người dấn thân, hy sinh ; nâng đỡ, tăng cường nghị lực giúp con người can đảm vượt qua thử thách. Và con người đánh giá cuộc đời mình dựa trên tiêu chuẩn hạnh phúc.
Đó là về phiá con người. Còn Thiên Chúa, Ngài có giúp con người thực hiện ước mơ hạnh phúc của họ không? Ngoài những con đường đi tìm hạnh phúc của con người, do sáng kiến từ trí khôn người,  được sáng chế từ bàn tay người, Thiên Chúa có chỉ cho con người đường hạnh phúc  nào dễ, ngắn, hiệu qủa hơn những con dường tìm hạnh phúc của con người không?  
Câu hỏi  vừa được gửi  đến Thiên Chúa, thì lập tức Chúa Thánh Thần hồi âm chúng ta qua tin nhắn : "Con đường hạnh phúc của Thiên Chúa" :
1. Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc, khi dựng nên con người giống hình ảnh Ngài  (St 1,26-27):
      Có yêu ai, mới muốn người ấy giống mình, nên cha mẹ nào cũng vô vàn  hãnh diện khi thiên hạ trầm trồ : Sao cô cậu nhà mình lại giống ông bà đến thế, trông cứ như hai giọt nước, chẳng thể nào phân biệt được ! Sư phụ nào cũng mãn nguyện khi nghe học trò ngày càng trở nên giống mình trong tư tưởng, đường lối, phong cách ! Bởi càng yêu nhau càng muốn nên giống nhau trong mọi sự, nên Thiên Chúa đã muốn và đã làm cho con người được sinh ra giống Ngài, vì Thiên Chúa say mê và yêu thưong con người rất đỗi.
  Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc như Ngài trong hạnh phúc  "Biết và Chọn", nên cho con người giống mình ở lý trí thông minh để nhận thức, suy tư, phán đoán, và ý chí tự do để tự quyết định. Kinh nghiệm cuộc sống cho ta thấy : người hạnh phúc là người có quyền biết, có khả năng  hiểu, có khả thể xem xét, quán triệt điều mình sẽ chọn lựa. 
    Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc như Ngài trong hạnh phúc của Thiện Hảo. Sự thiện hảo được thể hiện khi con người  phân biệt lành - dữ, thiện - ác, xấu - tốt vì  con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa thiện hảo, và việc "tạo dựng này thì rất tốt đẹp" (St 1, 31). Dó đó, mỗi khi con người phân định  xấu - tốt, lành -dữ, tội- phúc là lúc con người khẳng định hình ảnh Thiên Chúa của mình và chung phần hạnh phúc của Thiên Chúa.
    Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc trong tình yêu liên đới, hiệp thông của Ngài (St 3,8).Vì thế, trong hạnh phúc hiệp nhất của Ba Ngôi yêu thương nhau, con người được tạo dựng để sống với, để liên đới, hiệp thông với các đời sống khác, nên khi tình yêu liên đới, kết hợp,  hiệp thông rạo rực trong trái tim và cuộc đời, chính là lúc con người nhận ra hạnh phúc được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa .          
    Hình ảnh Thiên Chúa nơi mỗi  người khi được tạo dựng đã có lúc mờ phai vì tội lỗi, nhưng hình ảnh ấy không bao giờ mất  và mỗi người được mời gọi để "Thần Khí đổi mới, để được mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4,23-24.)
2. Hạnh Phúc đích thực là Bình An
Người đời đi tìm hạnh phúc, nhưng con đường đến hạnh phúc của con người thường trở thành đường cụt : người mê làm giầu chọn của cải, tiền bạc làm hạnh phúc ; người háo danh chọn hạnh phúc cuối cùng là vinh quang ; người dâm dật lấy xác thịt làm đối tượng hạnh phúc, và trên đường mải mê tìm hạnh phúc, tất cả đều đã khám phá ra : tiền bạc, vinh quag, xác thịt không là hạnh phúc cuối cùng, không là hạnh phúc toàn vẹn, không là hạnh phúc lâu dài, không là hạnh phúc đích thực, không là hạnh phúc mang lại niềm vui.Và hạnh phúc không mang lại niềm vui, sao có thể được gọi là hạnh phúc ?
Như thế, rất có thể con người nhận diện sai hạnh phúc, hay lầm tưởng những gì mình hăng say đi tìm là hạnh phúc? Thế nào đi nữa, thì căn tính của Hạnh Phúc cũng phải một lần đặt lại với mỗi người, bởi chúng ta được sinh ra cho hạnh phúc, làm người để hưởng hạnh phúc và đường đời là hành trình đi tìm hạnh phúc.
a. Mọi người đều khao khát bình an, như hạnh phúc  tuyệt vời :
Bình an là tình trạng hài hoà tốt đẹp, không chỉ giữa  ta với người khác, mà còn giữa ta với Thiên Chúa, và giữa ta với ta. Đó là tình trạng sâu lắng thư thái, an nhiên tự tại, tràn ngập niềm vui hy vọng. Chúng ta không chối cãi  tình trạng hạnh phúc khi dư thừa của cải, đầy danh vọng, và  tình dục được thoả mãn, bởi nếu xác thịt, tiền bạc , danh vọng không cho ta hạnh phúc thì ta đâu có nhọc công đi tìm.Cứ nhìn người tham lam cười tít mắt trước đống hột xoàn, kim cương vừa trúng mánh, và niềm vui vỡ toang của người háo danh trên  khán đài danh dự trước hàng vạn người giơ tay chúc tụng vạn tuế, thì biết hạnh phúc do tiền của và danh vọng mang lại lớn như thế nào. Tuy nhiên, hạnh phúc ấy không là hạnh phúc tuyệt vời, tuyệt đối, vĩnh cửu vì những giới hạn:
- Do nguồn gốc của hạnh phúc : Những hạnh phúc này phát xuất từ những tương đối, chóng qua và không hoàn hảo, nên cũng tạm bợ, chóng vánh và nhiều thiếu sót.
- Do khao khát tuyệt đối của chủ thể: Chủ thể thì khao khát tuyệt đối, trong khi hạnh phúc do tiền của, danh vọng, xác thịt đem đến luôn  tương đối, nên tạo một chênh lệch đáng kể, một hố cách không thể lấp đầy, một khoảng cách vời vợi giữa hạnh phúc rất tương đối có được và khao khát hạnh phúc  tuyệt đối luôn đốt cháy tâm hồn.
  Vì những lý do trên mà chúng ta không bao giờ tìm được hạnh phúc tuyệt vời, tuyệt đối và dài lâu nơi của cải vật chất, vinh quang và xác thịt, vì bản chất của hạnh phúc này tự nó là chóng qua, chưa kể còn là nguyên nhân của nhiều phiền toái, khổ đau khác. Cũng vì thế mà đường tìm hạnh phúc của con người mãi vô tận, và dường như không bao giờ đến đích, vì loanh quanh với những giá trị tương đối như danh - lợi - thú, và  luẩn quẩn bên tình - tiền- tài, để suốt đời mải mê đi tìm mà chưa một lần thực sự gặp được hạnh phúc thật. 
 Khi loanh quanh, luẩn quẩn với những hạnh phúc được đích danh gọi tên Tình Tiền Tài đó, con người khám phá ra một sự thật rất quan trọng, đó là hạnh phúc được gọi tên mà họ nắm bắt không đem lại niềm vui dạt dào, sâu lắng, và hoan lạc trong vắt, bền lâu, mà chúng ta gọi chung là Bình An, tình trạng tuyệt vời của hạnh phúc.
b.Thiên Chúa  ban Bình An, như hạnh phúc của chính Ngài
Vì Bình An đến từ tình yêu nên hai người yêu nhau tìm ở nhau  Bình An như hạnh phúc thứ nhất, trên tất cả mọi hạnh phúc. Họ hạnh phúc vì được  bình an trong vòng tay ôm, bình an bên bờ vai, bình an trên môi hôn, bình an trong hơi ấm ân ái. Họ hạnh phúc vì có bình an bên  nhau, với nhau và trong nhau. Tình Yêu cho họ bình an và họ chỉ nếm được ngọt ngào của hoa trái tình yêu này khi ở họ có tình yêu.
Thiên Chúa là Tình Yêu, và Bình An là ơn sủng của Tình Yêu nơi Ngài, nên yêu ai, Ngài ban bình an cho người ấy; đến đâu, Ngài ban bình an cho nhà ấy; tha thứ cho ai, Ngài ban bình an như hạnh phúc của chính Ngài, và Bình An là dấu ấn của hạnh phúc, dấu ấn của Tình Yêu Ngài dành cho con người.
3.Vinh Danh Thiên Chúa là con đường  hạnh phúc Thiên Chúa đề nghị với chúng ta:
Khẳng định bình an là hạnh phúc bền vững con người nên kiếm tìm, vì chỉ bình an mới toàn diện, toàn phần, sâu lắng và dài lâu; hơn nữa, chính Thiên Chúa cũng chọn cho con người Bình An như hạnh phúc lớn nhất và cao qúy nhất. Nhưng con đường để đạt được bình an là những con đường nào? Thưa chỉ có một con đường:  Vinh Danh Thiên Chúa.
 Vinh danh Thiên Chúa là con đường các thiên thần đã loan báo trong đêm Giáng sinh của Con Thiên Chúa; vinh danh Thiên Chúa là chià khóa mở kho báu hạnh phúc Bình An, mà thần thánh đã lên xuống hát vang trong đêm hồng phúc; vinh danh Thiên Chúa là kim chỉ nam của thiên đàng gửi cho trần thế trên đường tìm hạnh phúc đích thực.
a.Vinh Danh Thiên Chúa là con đường  hạnh phúc đích thực  của mọi người:
Khởi đi từ chân lý nền tảng: con người được Thiên Chúa dựng nên cho chính Ngài, con người được sinh ra cho chính Thiên Chúa, nghiã là từ trong lòng mẹ, Thiên Chúa đã yêu thương, săn sóc con người, Ngài đặt con người trên lòng bàn tay để âu yếm, ở với và từng bước đồng hành , để rồi ở cuối đường đời, con người hạnh phúc trở về với Ngài là cùng đích và nguyên thủy. Vì thế, lẽ sống của con người  là Chúa, ý nghiã cuộc sống con người là Chúa, động lực sống của con người là Chúa, và cùng đích của hành trình đời  người cũng là Chúa.Thiên Chúa là tất cả của con người và bao trùm mọi sinh hoạt đời sống con người. Đó là điều Thiên Chúa muốn, và Ngài đã quan phòng, sắp đặt cho con người như vậy. Từ đó, việc làm vinh danh Thiên Chúa trở nên vinh dự, nghiã vụ và sự cần thiết cho con người được hạnh phúc.
Vinh danh Thiên Chúa là tìm gặp Thiên Chúa, Đấng là  Tình Yêu  cứu độ; là kể cho mọi người nghe Chúa đã yêu tôi thế nào, và giới thiệu Thiên Chúa  cho hết mọi người không trừ ai; là làm tất cả cho Nước Chúa đến trong mọi tâm hồn, Lời Chúa được mọi người lắng nghe, ơn Chúa vào được mọi nhà để tất cả được đổi mới, chúc phúc. Tắt một lời, làm vinh danh Chúa là yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người.     
b.Bình An là kết qủa tất nhiên của  “Vinh Danh Chúa” :
Đêm Giáng Sinh, các thiên thần đã không chỉ hát vang : “Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời”, mà còn vang hát : “Bình An dưới thế cho người thiện tâm”.
 Thiện tâm đây là những tâm hồn thuộc về Chúa, và người thiện tâm là người chuyên chăm lo việc làm vinh danh Ngài. Từ ý nghiã đích thực của thiện tâm là kính sợ Thiên Chúa, con người được mời gọi làm vinh danh Chúa để có bình an là hạnh phúc đích thực. Bình an trở thành kết qủa tất yếu của việc vinh danh Thiên Chúa, nên ở đâu có Thiên Chúa được vinh danh, ở đó có an bình; ở đâu có tâm hồn tìm vinh danh Chúa, ở đó, bình an ngự trị, bởi Thiên Chúa là Tình Yêu, nên ở đâu có Ngài, thì tràn trề ơn bình an của Ngài; ở đâu có Thiên Chúa, ở đó hoa trái Tình Yêu của Ngài là  Bình An tuôn trào, phủ ngợp.
Không khác đêm Giáng Sinh, sau khi sống lại, món quà phục sinh Đức Kitô trao tặng các tông đồ và những ai Ngài đã gặp cũng chỉ là “Bình An cho anh em!” ( Lc 24, 36; Ga 20,19)
Tìm vinh danh Chúa là không tìm mình, không tìm danh lợi thú, không tìm hạnh phúc ở những giá trị chóng qua, tương đối, hữu hạn.Tìm vinh danh Chúa là “nhỏ đi từng ngày, để Thiên Chúa mỗi ngày được lớn lên” .Tìm vinh danh Chúa là đặt để hy vọng nơi Chúa, Đấng hướng dẫn lịch sử nhân loại và lịch sử đời mình. Tìm vinh danh Chúa là trở nên “mọi sự cho mọi người” với tinh thần và thái độ của  tôi tớ bất xứng và vô dụng.Tìm vinh danh Chúa là quên mình, quên lợi riêng mình, quên cả mạng sống mình vì hạnh phúc của anh em. Tìm vinh danh Chúa là ngoan ngoãn tín thác, và vâng phục thánh ý như em bé đơn sơ trao phó vận mệnh đời mình trong tay mẹ. Và tìm vinh danh Chúa là khiêm tốn thân thưa từng phút giây trong suốt cuộc sống: “Lậy Chúa, này con đây!”.
Qủa thực, con người là thụ tạo, vì được sinh ra và tạo thành, nên mải mê tìm kiếm vinh danh mình là điều vô lý và lố bịch, bởi ai lại vinh danh thụ tạo, thay vì vinh danh Đấng chủ tạo? Ai lại chạy theo vinh quang của một sản phẩm, mà quên vinh danh người đã tạo nên sản phẩm đó? Ai lại thần thánh hóa con người, thượng đế hoá  thụ tạo, trong khi con người chỉ là bụi tro, được tạo dựng từ tro bụi và phải trở về với tro bụi? Tro bụi vinh danh bụi tro thì vinh quang ấy cũng chỉ là tro với bụi.
  Có mấy người đi tìm vinh quang của chính mình đã tránh khỏi ê chề thất vọng, vì vấp ngã trước những giới hạn của chính mình, té nhào trước những tầm thường, khiếm khuyết của chính mình, bởi tự thân con người là bất toàn, mang yếu đuối, và nhiều giới hạn. Hầu hết chúng ta đã có kinh nghiệm thương đau  khi thần tượng chúng ta xây bị sụp đổ, siêu sao chúng ta tôn thờ bị vỡ  vụn tan tành, người chúng ta “tâm phục khẩu phục” bỗng biến thái tồi tệ, đáng khinh, đáng ghét. Kinh nghiệm còn cho ta nhiều phen mắc cở, dở khóc dở cười với chính mình, vì trước đó đã trót “nổ qúa mạng”  khi vinh danh mình, ca tụng, bốc thơm mình,  nhưng thực chất của mình thì rỗng tuyếch, non nớt, tầm thường, tội lỗi với thực trạng tâm hồn hoang vắng đến rợn người.
Vì thế, đảo ngược con đường có khởi điểm là Vinh Danh Chúa và thay bằng vinh danh chính mình, hoặc vinh danh con người nào đó là đi ngược đường Hạnh Phúc Thiên Chúa đã đề nghị. Ngược đường Thiên Chúa muốn vì con người tự bản tính không được sinh ra để vinh danh con người, nhưng để Vinh Danh Thiên Chúa, và chỉ khi con người làm Vinh Danh Chúa như bản tính của mình đòi hỏi, lúc đó con người mới được bình an, là hạnh phúc viên mãn, tròn đầy.Trái lại, khi vinh danh chính mình, con người sẽ nhận về mình và  xã hội mình sống toàn bộ  bất hạnh, bất an, bất ổn,bất lợi, bất toàn, bất bình, bất công, bất chính, bất trị, bất tuân, bất đắc dĩ, bất đắc chí.. Tắt một lời, con người sẽ rơi vào tình trạng hỗn độn, mất trật tự  ở mọi bình diện khi từ chối Vinh Danh Thiên Chúa mà chỉ  tìm vinh danh mình.
Như thế, tìm vinh danh Chúa là con dường duy nhất để bình an đích thực, nói cách khác,  bình an chính là phần thưởng Thiên Chúa ban cho những tâm hồn tìm kiếm vinh quang Ngài, và tình trạng bất an, bất ổn của tâm hồn là hậu qủa không thể tránh của những người thay vì tìm vinh danh Chúa lại tìm vinh danh con người.  Sở dĩ như vậy, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới là Tình Yêu đích thực, Nguồn Sống đích thực, Bình An đích thực, và ở ngoài Thiên Chúa, không gai có thể ban cho chúng ta Tình Yêu, Sự Sống và  Bình An. 
Vâng, Thiên Chúa dựng con người theo hình ảnh Ngài để con người thuộc về Ngài, sống và chết cho Ngài, đến từ Ngài và trở về với Ngài. Khởi điểm, cũng như xuyên suốt hành trình và đích tới là Chúa. Không có khởi điểm nào khác ngoài Chúa; không có hành trình nào lọt ngoài vùng phủ sóng của Chúa, để rối tất cả quy về một mình Chúa ở đích tới sau cùng.Chúa nắm giữ vận mạng mỗi người, và chính Ngài làm chủ con đường hạnh phúc trên đó con người đi.    
Con đường hạnh phúc đích thực Chúa hướng dẫn là con đường tìm Vinh Danh Chúa, để rồi mọi sự khác, trong đó có Bình An của chính Chúa, có hoa trái dịu ngọt của Tình Yêu là chính Chúa mãi mãi làm hoan lạc tuổi thanh xuân chúng con.
Jorathe Nắng Tím
 

   
  
  
 
  

   


Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

TỪ THIỆN KHI KHÔNG GIÀU CÓ!



Khi nghe đến hai chữ “ Từ thiện”, mọi người đều nghĩ ngay đến hai đối tượng nhận và cho là “ người nghèo” và “ đại gia giàu có “. Vì nghèo nên mới cần đến sự giúp đỡ, lòng hảo tâm của người khác; và có giàu có, dư giả thì mới có điều kiện để giúp người, cứu đói.
Nhưng nếu chỉ đóng khung hạn hẹp trong hai đối tượng giàu-nghèo như thế vô tình ta đã làm giảm đi ý nghĩa tích cực, tốt đẹp của hai chữ “Từ thiện”.

Từ Thiện là một từ Hán Việt kết hợp từ hai từ : “ Từ” là yêu thương và “Thiện” là tốt lành. Như vậy làm Từ Thiện là làm việc tốt xuất phát từ lòng yêu thương. 
Vì cốt lõi của từ thiện là yêu thương nên không chỉ người giàu mới độc quyền có thể làm từ thiện mà tất cả chúng ta ai cũng có thể thực hiện được miễn sao đó là việc làm tốt từ tình thương không vụ lợi , không vì mục đích cá nhân nào khác .
Và cũng chính vì bản chất là yêu thương nên đối tượng cần nhận từ thiện không chỉ là người nghèo mà gồm cả những người có của ăn của để nhưng cô đơn, bế tắc, khổ đau, thiếu thốn tình thương. 
Như vậy không cần phải đợi đến khi giàu , chẳng chờ đến khi có dư mà cơ hội để làm từ thiện luôn có mỗi ngày quanh ta nếu ta biết mở lòng yêu thương đến với người khác. 

Trong phạm vi nhỏ hẹp của bài viết, xin không đề cập đến việc từ thiện về vật chất, tiền bạc vì đa phần các tổ chức, hội nhóm hay cá nhân đều làm từ thiện theo cách này. Ở đây xin được nói đến một số hình thức từ thiện khác mà ai cũng có thể thực hiện. 

1/ Nụ cười : 
Nụ cười không phải mất tiền mua cũng chẳng phải mất công tốn sức để có  thế nhưng khi một nụ cười trao đi có thể mang đến rất nhiều năng lượng tích cực cho người nhận. Một người đang giận dữ bực tức đến đâu cũng sẽ hạ nhiệt cơn giận, nguôi bớt cơn tức khi nhìn thấy nụ cười thân thiện của người đối diện. Nụ cười còn có thể mang đến sự tin cậy cho người đang tuyệt vọng mất niềm tin. Vậy tại sao ta không trao nhau nụ cười ngay từ trong nhà đến ngoài ngỏ, cho từng người ta gặp trên đường, nơi làm việc ... 

2/ Lời nói dễ thương:
Một người bệnh sẽ cảm thấy yên tâm hơn với lời hỏi thăm của vị bác sỹ, sẽ bớt đau hơn rất nhiều khi nghe người thân an ủi, động viên . Cũng như vậy, một lời khuyên đúng lúc nhiều khi cũng có khả năng đưa người ta ra khỏi bế tắc, tuyệt vọng. 
Cũng như nụ cười, lời nói chẳng phải mất tiền mua chỉ cần chúng ta biết trao ban với tâm tình yêu thương, cảm thông
và hiểu biết thì cũng đã mang lại rất nhiều ơn ích cho người . 

3/ Thời gian :
Trong tất cả những việc làm từ thiện, trao tặng thời gian là khó nhất vì thời gian gắn liền với con người . Người ta dễ dàng cho đi tiền của nhưng rất khó để chia sẻ thời gian. Vì khó nên một khi được cho đi thời gian sẽ mang lại rất nhiều lợi lạc cho người . 
Một người cô đơn sẽ cảm thấy được an ủi rất nhiều nếu được ai đó ở cạnh để tâm sự sẻ chia. Nếu ta dùng chút thời gian để thăm viếng giúp đỡ một người bệnh thì cũng đã giúp giảm đi phần nào những âu lo đau đớn vì bệnh tật của họ. 
Ở nước ngoài thường có những hội đoàn chuyên cử người vào các nhà giam để thăm viếng tù nhân, đây cũng là một hình thức từ thiện thời gian . 

Và như thế, không đòi hỏi phải giàu có tiền dư của để, cũng như không khoanh vùng cho đối tượng nghèo khổ mà đâu đó quanh ta, trong đời sống hàng ngày, trong mỗi giờ mỗi phút, nếu ta có cái nhìn bao dung hiểu biết, có đôi tai biết lắng nghe thông cảm và biết mở rộng lòng yêu thương để đối đãi với nhau thì chúng ta đã làm từ thiện rồi . 

Xin mượn những câu thơ của tác giả Như Nhiên để khép lại bài viết 

“ Cần gửi chút yêu thương
   Để tình người ấm lại.....”
Và 
“ Cần biết tặng biết trao
   Để đời không vô vị ...”

Mây Tím

Quý độc giả có thể nghe bài audio tại đây : https://www.youtube.com/watch?v=aAF83SZmH-U&index=4&list=PLcZUeZMOaOLAisJc9KOSpTWplpemWocCl

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

HƠI THỞ



     Người phụ nữ trẻ nhận ra  giây phút đầu đời làm mẹ, qua cảm nhận hơi thở của bào thai trong lòng và bác sĩ khẳng định giờ chết của bệnh nhân, khi hơi thở cuối cùng ra khỏi thân xác.
      Không ai nhìn thấy hơi thở, chỉ cảm nhận và biết chắc hơi thở  không thể thiếu cho sự sống , bởi việc phải làm đầu tiên của thai là thở, việc phải làm liên tục, suốt đời, không được đứt quãng, đình trệ của con người là thở, và khi không thở hoặc không còn được thở nữa, lập tức người biến thành ma, thân xác thành “thây ma”, và người  sống biến thành người chết.
     Hơi thở tất yếu, nhưng bé nhỏ, gan lì : bé đến nỗi không ai nắm bắt được chính hơi thở của mình, nhỏ đến độ chẳng ai thấy hơi thở mình vuông tròn, dài ngắn, xanh đỏ ra sao; lì đến mức chỉ rút quân khi không còn có thể cầm cự. Cũng nhờ bé nên hơi thở len lỏi dễ dàng vào bào thai cho thai nhi sự sống; nhờ nhỏ nên dễ nằm vùng và trường kỳ hoạt động trong thân xác qua bao tháng năm dài; nhờ gan lì, nên  bám trụ đến cùng và chỉ rút đi ở phút chót kiếp nhân sinh.
    Hơi thở thiết yếu, nhưng rất yếu đuối, mong manh, chỉ cần bàn tay bịt kín mũi - miệng vài phút là ngạt thở, hết thở. Việt Nam đang rơi vào thảm trạng phá thai. Bên cạnh những thai nhi bị hủy hoại từ trong lòng mẹ, chắc phải còn  những em bé bất hạnh vừa  chào đời đã bị cướp đi hơi thở. 
    Hơi thở quan trọng, nhưng giấu mình sau dáng dấp bình thản, thư thái, không bon chen, giành giật phần trọng yếu, nên không mấy ai quan tâm đến thở, chỉ đến khi  khó thở, ngẹt thở, ngộp thở, người ta mới cuống cuồng chạy tìm bình khí thở, hốt hoảng đi mua ống thở để không rơi vào tình trạng bó tay, hết thuốc chữa: tắt thở. Cũng chính vì không mấy quan tâm, mà đa số có vấn đề vệ sinh hơi thở và hô hấp, vì biếng thở, và không săn sóc hơi thở cho tinh khiết, thơm tho.
     Ngoài ra, hơi thở còn quyết định thành bại của tương quan, khi cho phép con người  nói với nhau. Nhờ có hơi thở, ta mới nói được. Bởi nói cần thở: người hổn hển thở, nói không ra lời ; người thoi thóp thở, chẳng tạo được âm thanh, nên khi không thở, người ta mất khả năng nói, và khả năng nói là khả năng quan trọng tạo tương quan trong cuộc sống. Nhờ đó, con người mới dễ cảm thông, cảm thương, yêu thương nhau.
      Nếu hơi thở cần cho sự sống của thân xác, thì Chúa Thánh Thần là Hơi Thở của Thiên Chúa Ba Ngôi, Hơi Thở ban sự sống còn cấn gấp bội cho mỗi người, cho Giáo Hội, cho toàn thể nhân loại.
    Ngài là Hơi Thở của Tạo Dựng, “lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên nước” (St 1,1-2).
     Ngài là Hơi Thở của Cứu Độ, khi “ngự xuống trên Đức Giêsu, dẫn Người đi trong hoang địa” (Lc 4,2); tác động và đồng hành cùng Người trên đường sứ vụ (Lc 4,14.18-19; 10, 21); tiếp nối công trình cứu độ và dẫn đến sự thật toàn vẹn (Ga 16,13).
     Ngài là Hơi Thở của Hội Thánh, bởi chính Ngài khai sinh Hội Thánh trong ngày Lễ Hiện Xuống, khi “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thầ” (Cv 2,4). Và  chính Hơi Thở Thánh Thần đã  liên kết mọi khác biệt, kể cả khác biệt ngôn ngữ giữa mọi dân tộc, để tất cả dùng tiếng nói mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa (Cv 2,5-11). Là Hơi Thở của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần còn ban dồi dào sự sống và tình yêu sung mãn của Ba Ngôi Thiên Chúa cho Thân Thể Mầu Nhiệm này.
         Vì thế, là  Kitô hữu, chúng ta không thể sống thiếu Hơi Thở của Thiên Chúa là Thánh Thần, nếu không, lý tưởng “sống chính sự sống của Đức Kitô” với chúng ta sẽ  là ảo tưởng, vì không “thở Thiên Chúa”, làm sao có thể “sống Thiên Chúa”?
        Thở Thánh Thần là để Thánh Thần thở tình yêu Ba Ngôi vào hiện hữu, sinh hoạt; là đón nhận ơn sủng đổi mới, trở về; là kêu lên thành tiếng “Abba” cả lúc thở, cũng như khi tắt thở, để tất cả hiện sinh  trở nên  gặp gỡ và kết hiệp mật thiết giữa hai tự do, hai ý muốn, hai chọn lựa của Chúa và ta. 
      Thở Thánh Thần còn là chăm chú, và ngoan ngoãn lắng nghe Thánh Thần thỏ thẻ mời gọi. Vì bé nhỏ, kín đáo, nhẹ nhàng nên Hơi Thở không ồn ào, huyên náo, hung dữ áp đặt, nên phải quan tâm, để tâm, chú tâm lắm mới nghe và hiểu được Hơi Thở Tình Yêu của Thánh Thần.
      Và nhất là đừng bao giờ giập tắt Thánh Thần trong ta, cũng như ở người khác. Đây là cám dỗ nặng nề nơi người có quyền, vì nghĩ mình ở vị thế trên và cao, nên biết rõ “đường đi lối về” của Thánh Thần, khác với điều Đức Giêsu đã nói về Thánh Thần với Nicôđêmô: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu” (Ga 3,8) và tận mạng của sa lầy này sẽ là ảo tưởng: thánh thần là chính tôi.
       Lậy Thánh Thần, xin hãy đến ban cho chúng con Hơi Thở Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và dậy chúng con biết ngoan ngoãn, chăm chú lắng nghe Hơi Thở Thiên Chúa thỏ thẻ, thì thầm trong tâm hồn và đời sống chúng con.  
 Jorathe Nắng Tím
    

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

BẢO HIỂM TUYỆT VỜI!


BẢO HIỂM TUYỆT VỜI!
     Càng lớn, ta càng thấy đời sống thật vô thường. Vô thường là tình trạng không luôn bình thường, không như lẽ thường, không thưòng tình như thiết kế, quy định. Vì vô thường mà nhiều cái bình thường cứ tưởng phải tuần tự như tiến, nhưng bất ngờ diễn tiến ngược lại. Đúng là "xẩy nẩy cái ung", nghiã là hoàn toàn ra ngoài ý muốn. Vì vô thường mà nhiều tính toán đã không hoàn thành, hay nếu có, cũng không hoàn hảo, chính xác ; nhiều công trình chuẩn bị rất chu đáo ở đoạn đầu, nhưng rồi  cũng lạc cung, lỗi nhịp ở đoạn cuối. Cũng vì vô thường mà thường xuyên phải mếu máo, dở khóc dở cười, như ở thời vượt biên những năm 1978 -1980, có nhiều người ngậm ngùi hát cho thân phận của bạn bè, khi giật mình nhận ra người tù mới bước vào phòng giam chính là bạn mình : Mình nghĩ nó đi Tây, ai ngờ nó đi tù. Mình ngỡ nó qua Tây, ai ngờ nó vô đây! Tính một đường, ra một nẻo, riết rồi chẳng còn muốn tính, vì tính mãi cũng chẳng đi đến đâu, nên đành tự an ủi : “Mưu sự tại nhân,  thành sự tại thiên” và ngao ngán thở dài : Đời thật vô thường !
     Đức Giêsu biết đời vô thường. Ngài còn biết rõ những nghiệt ngã của lẽ vô thường, và thương chúng ta là nạn nhân của những vô thường nghiệt ngã ấy. Ngài còn biết chúng ta bồn chồn, lo âu, ăn không ngon ngủ không yên, hao tâm tổn trí vì những đổi thay liên tục trong cuộc sống. Những đổi thay bất thường không chỉ ở thiên nhiên vạn vật, nhưng còn nguy hiểm, khó lường, khó tránh  ngàn lần hơn do lòng người đổi trắng thay đen, do tương quan phức tạp, do xung đột lợi ích, nhất là do ganh ghét, ghen tuông.
     Dù cắt nghiã thế nào, thì đời người cũng vẫn vô thường và kinh nghiệm lo buồn vì quá khứ trót dở dang,  kinh nghiệm lo âu với hiện tại bồng bềnh nhiều thử thách, kinh nghiệm lo lắng trước tương lai  bấp bênh vẫn mãi nặng lòng.
       Và khi lòng đã nặng, thì tất cả đều trở nên nặng, rất nặng. Nhưng rất may cho chúng ta khi Thiên Chúa  yêu con người, đến với con người, và gồng gánh hết những gánh nặng của đời người. Lời Hứa của Thiên Chúa đã trở thành núi đá cho chúng ta náu thân, là ơn Cứu Độ, là Nguồn Sống và Bình An. Lời Thiên Chúa  hứa không chỉ là bảo Hiểm nhân thọ, nghiã là chỉ bảo kê  đến chết, nhưng là Bảo Hiểm Vĩnh Cửu, Đời Đời, bảo hiểm có giá trị cả đời này và đời sau.
1.    Bảo Hiểm  toàn diện, toàn phần và đời đời :   
     Bảo Hiểm của Thiên Chúa là bảo hiểm toàn diện, toàn phần, bao trùm tất cả và  trăm phần trăm gồm
 a. Bảo hiểm cơm ăn, áo mặc :
    Với Bảo hiểm này, “anh em không còn phải lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc”. Người ta lo mua bảo hiểm là vì lo đủ thứ : lo đau bệnh, không tiền nằm nhà thương, mua thuốc ; lo tai nạn nghề nghiệp, mất sức lao động, không ai nuôi ; lo tuổi già yếu đuối, không người chăm sóc ; lo hoả hoạn, không nhà ở ; lo đụng xe, xe đụng, không tiền bồi thường ; lo chết bất tử, không tiền lo hậu sự. Vì lo mà phải mua bảo hiểm, nhưng bảo hiểm nào cũng có giới hạn và không công ty nào có thể bao trọn gói  và đáp ứng tất cả đòi hỏi, đợi chờ của khách hàng, thân chủ, dù luôn miệng qủang cáo : khách hàng là thượng đế !
      Biết chúng ta lo lắng trăm bề trước những vô thường trong sinh hoạt thường ngày, Đức Giêsu  trấn an và quảng cáo chuơng trình Bảo Hiểm của Ngài : “Hãy xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng qúy hơn chúng sao?.. Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng.. : chuáng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà, Thầy bảo cho anh em biết : ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai mất mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em .. Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì, mặc gì đây? Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ ấy” (Mt 6,25-32).
b. Bảo hiểm rủi ro: 
    Với Bảo Hiểm của Thiên Chúa, “anh em  đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em”(Lc 10,19).
c. Bảo hiểm sinh mạng:
     Cũng chẳng ai có thể giết chết được sự sống  đích thực của anh em, vì có Thiên Chúa bảo kê : “Anh em đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em nên sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Thiên Chúa. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Ngài cũng đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn qúy giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10, 28-31).
   d. Bảo hiểm sự sống bất diệt:
 Chương trình bảo hiểm của Thiên Chúa còn qủa quyết : với Đức Giêsu, các thân chủ “sẽ không phải chết, mà dù có chết cũng sẽ được sống, vì Ềchính Thầy là sự sống và sự sống, nên ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26); mà nếu có phải chết trong cuộc sống thế gian tạm bợ này, thì cũng là chết với Đức Giêsu để được hiển trị đời đời với Ngài (2 Tm 2,11).  
2.    Bảo hiểm tuyệt đối    uy tín:
    Công ty bảo hiểm của Thiên Chúa, hay đúng hơn chính Thiên Chúa bảo hiểm thì không còn gì uy tín hơn, mà phải nói là tuyệt đối uy tín. Thường khi chọn bảo hiểm, người ta rất thận trọng so sánh chất lượng dịch vụ,  khả năng phục vụ, và mức độ uy tín. Nhiều công ty bảo hiểm, sau khi lấy tiền của khách hàng rồi, thì trân tráo trở mặt, không giữ lời hứa, không tôn trọng hợp đồng, không cư xử nhã nhặn, lịch sự. Nhiều người đến lúc  nguy biến khẩn báo công ty bảo hiểm đến can thiệp, mới vỡ lẽ công ty đã giải thể, bảng hiệu đã tháo gỡ, các số điện thoại để liên lạc đã bị cắt từ thưở nào; mà ngay cả với công ty có uy tín, khi hữu sự, để nhận lại những khoản tiền bồi thường như  khế ước quy định, cũng còn phải vượt qua muôn vàn nhiêu khê, rắc rối. Bảo hiểm của Thiên Chúa, vì chính Đức Giêsu bảo kê nên uy tín tuyệt đối:
a.    Tuyệt đối uy tín vì chính Đức Giêsu luôn có mặt mọi nơi, mọi lúc:
     “Thầy đây, chúng con đừng sợ!” (Ga 6, 20) là lời trấn an đêm ngày Đức Giêsu nói với mỗi người, được nhấn mạnh bằng qủa quyết : “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20), nên sẽ không có vấn đề chúng ta bị bỏ rơi trong túng quẫn, bị lãng quên khi bệnh tật, bị hắt hủi lúc khổ đau, bị chối từ giờ sinh tử.
b.    Tuyệt đối uy tín vì Thiên Chúa là Đấng trung tín, không bao giờ lừa dối ai:   
     Điều quan trọng hàng đầu trong lời hứa, thề nguyền, khế ước, hợp đồng là lòng trung tín. Bảo hiểm la một hợp đồng của trung tín, đòi hai bên phải tuân giữ những điều khoản đã cùng chấp thuận và ký kết.Vì thế, khi lòng trung tín không có  hay không còn, dù là ở một bên, từ một phiá thì hợp đồng đều bị bức tử.
    Với hợp đồng có chữ ký của Thiên Chúa, chúng ta không phải lo ngại gì, vì ngay cả : “nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể chối bỏ chính mình” (2 Tm 2,13), bởi Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín với Lời Hứa của Ngài.
3.    Bảo Hiểm An Toàn, Bình An
      Người ta mua bảo hiểm vì lo sợ: lo đói  khi mất việc, nên tìm mua bảo hiểm thất nghiệp;  sợ chết không ai chôn, nên phải mua bảo hiểm mai táng… Và càng lo sợ nhiều thứ, người ta càng sắm cho mình nhiều thứ bảo hiểm, như  vũ khí chống lại lo âu, như tường thành ngăn cản bước chân hung hãn của sợ hãi. Và một cách nào đó, chúng ta có thể nói : mua bảo hiểm là tìm kiếm bình an, đăng ký bảo hiểm là giữ mình trong  tình trạng an toàn.
     Qủa thực, bình an là hạnh phúc lớn nhất mà con người tìm kiếm. Cũng vì khao khát Bình An, mà người ta lo mua bảo hiểm ; cần được an toàn, mấy ai dám lơ là, không chuẩn bị những phương án đối phó bất trắc, rủi ro. Trong cuộc sống, bình an là dấu ấn của cuộc đời có phúc, và chết bình an là phần thưởng cao qúy của bậc đại nhân, đạo hạnh.
      Nhưng Bình An thì vô giá, và không ai có thể mua được bằng tiền hay bằng rất rất nhiều tiền. Sở dĩ Bình an vô giá, khó tìm, khó mua, vì Bình An đích thực, Bình An viên mãn không thuộc về con người, không là sản phẩm thuơng mại trao đổi giữa con người , nhưng thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã khẳng định với các tông đồ : “Thầy ban Bình An của Thầy cho anh em, bình an mà thế gian không ban được” (Ga 14,27), nên  dù có cố gắng đến đâu, dịch vụ bảo hiểm có tốt cỡ nào, điều kiện hợp đồng có lợi bao nhiêu, thì con người cho đến cuối đời vẫn không hết lo hết sợ ..  
                                                          ***
      Lậy Đức Giêsu, Chuá biết chúng con sợ, sợ nhiều người, nhiều thứ, nhiều sự .! Càng sợ, chúng con càng nhốn nháo đi tìm công ty bảo hiểm, tìm ô dù các loại, tìm anh chị giang hồ “có số má” bảo kê. Nhưng rồi đâu cũng hoàn đó, lo vẫn lo, sợ vẫn sợ, có khi còn lo hơn gấp bội, sợ hơn gấp mấy lần, vì thêm gánh nặng từng qúy trả tiền bảo hiểm, hàng tháng đóng qũy đen giang hồ, cuối tuần nộp hụi chết bảo kê.
     Nay chúng con tìm về Chúa, và chọn Chúa làm Đấng Bảo Kê duy nhất của đời chúng con, vì chỉ một mình Chúa là Bình An thật, mà các thiên thần đã loan báo cho nhân loại trong đêm Giáng Sinh; chỉ một mình Chúa là Ơn Bình An viên mãn từ sự chết và Sống Lại, nên  chỉ “nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài”, là Thiên Chúa  Cứu Độ, chúng con mới được sống bình an và chết an bình.
   Ở ngoài vùng phủ sóng Yêu Thương và  Bảo Hiểm  Bình An tuyệt đối của Chúa, đời chúng con sẽ không chỉ vô thường, mà còn vô vọng, vô nghiã, vô phúc nữa, khi bước  chân không an toàn và cuộc sống không bình an.  
     Xin Chúa đón nhận chúng con làm khách hàng  của hãng Bảo Hiểm Tuyệt Vời, có Chúa bảo kê Tuyệt Đối, và đời chúng con chắc chắn sẽ vui lắm. Chúng con hứa  luôn tôn trọng ba điều khoản  do chính Đức Giêsu đề ra trong hợp đồng Bảo Hiểm Đời Đời, đó là:
- “Đừng xao xuyến, nhưng hãy tin vào Thiên Chúa” (Ga 14,1), “ngày mai cứ để ngày mai lo” (Mt 6,34)
- “Hãy tìm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người  trước” (Mt 6,33),
- Và “Hãy mừng vui, vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20)
Thế là từ nay, chúng con chẳng lo sợ gì, vì đời đời có Chúa bảo kê !
Jorathe Nắng Tím
     
            

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Suy Niệm TIN MỪNG Chuá Nhật 22 TNB : Mc 7,1-23


      Tin Mừng Máccô cho chúng ta thấy Đức Giêsu là người thầy luôn bênh vực môn đệ của mình khi các ông không làm theo những  gì Luật Môsê quy định. Ngài đã làm như thế không phải một lần, nhưng rất nhiều lần. Vì thế mâu thuẫn giữa Ngài và các Biệt Phái, Kinh Sư  Do Thái ngày càng căng thẳng.

     Các ông Biệt Phái và Kinh Sư là giai cấp lãnh đạo, được trọng vọng trong xã hội tôn giáo Do Thái, và tất nhiên họ phải bảo vệ Luật Môsê một cách triệt để, nếu không nói là cực đoan, vì chỉ có Luật Môsê mới đảm bảo hữu hiệu vị thế và lợi thế của họ. Chính vì thế, bất cứ ai vi phạm Luật Môsê đều bị họ lên án, không kể gì Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai.

     Thực ra Đức Giêsu không chủ trương, cũng không kích động các tông đồ chống lại Luật Môsê và Truyền Thống của cha ông; trái lại Ngài công nhận và tuân giữ. Nhưng Ngài muốn đặt lại cho xã hội tôn giáo lúc bấy giờ, cũng như cho các ông Biệt Phái, Kinh Sư Do Thái  ý nghiã, mục đích của Truyền Thống, Lề Luật :

1. Truyền Thống, Lề Luật phải phục vụ hạnh phúc của con người:
    Điểm thiết yếu Đức Giêsu đặt ra cho các ông Biệt Phái, Luật Sĩ là mục đích của Truyền Thống, Lề Luật. Nếu Truyền Thống, Lề Luật không đem lại hạnh phúc cho con người, không làm cho con người được sống xứng danh con người, không tạo điều kiện để nhân phẩm được bảo vệ và phát triển, không xây dựng đời sống con người ngày càng trở nên tốt đẹp, thoải mái hơn, nhất là không phát huy tình huynh đệ, tương trợ giữa người với người thì Truyền Thống, Lề Luật ấy không đáng được tồn tại, gìn giữ.

      Có rất nhiều Truyền Thống, Lề Luật không góp phần xây dựng đời sống con người, không tạo điều kiện cho cuộc đời đáng sống hơn, nhưng  nghiền nát, xóa bỏ con người và làm cuộc sống trở nên ngột ngạt, nặng nề. Dưới áp lực này, con người và hạnh phúc của con người không còn là mục tiêu phục vụ của Truyền Thống, nhưng Truyền Thống là ông chủ khắc nghiệt của con người, mà mọi ý muốn của ông chủ khó tính phải được  đầy tớ là con người thoả mãn, đáp ứng chính xác, trọn vẹn, từng chi tiết. Cuộc sống làm người và hạnh phúc của xã hội loài người không còn là đích điểm của Lề Luật, nhưng Lề Luật truy sát, khống chế xã hội và biến những con người sống trong xã hội đó thành những tù nhân bất hạnh.

   Chủ nghiã vị luật, nghiã là chủ nghiã thượng tôn Lề Luật, thần tượng Lề Luật, coi Lề Luật là chân lý tuyệt đối, uy lực tuyệt đối, phán quyết tuyệt đối và cho Lề Luật  quyền  sinh sát trên con người là chủ nghiã cực kỳ phi nhân, vì hoàn toàn loại bỏ con người, phủ nhận chỗ đứng không thể thay thế, hoán nhượng của con người, và sẵn sàng nhẫn tâm khước từ hạnh phúc của con người để mù quáng phục vụ  một hệ thống Lề Luật, một cơ chế Truyền Thống  lạnh lùng, vô cảm, xa rời nhu cầu và khắc khoải đích thực của con người.

     Con người ở trong cơ cấu vị luật, cơ chế suy tôn Truyền Thống ấy sẽ chỉ còn là những thân phận nô lệ của Lề Luật, tôi đòi của Truyền Thống, bởi chủ nghiã và khuynh hướng vị luật cực đoan, mù quáng này thường nhân danh con người để củng cố Lề Luật, Truyền Thống, khi con người vừa được  gọi tên, tuyên dương là công chính, đạo đức theo tiêu chuẩn đánh giá của Truyền Thống, Lề Luật, vừa bị Truyền Thống, Lề Luật phủ nhận, quật ngã, chà đạp.

   Đức Giêsu chống lại chủ nghiã vị luật này, vì con người bị xúc phạm, nhân phẩm bị tổn thương, hạnh phúc bị chối bỏ. Với Ngài, con người là quan trọng hơn hết dưới mắt Thiên Chúa, và Lề Luật, Truyền Thống, tuy cần thiết nhưng phải nhắm đến hạnh phúc của con người:

   Sau khi chữa lành một người bất toại đã ba mươi tám năm bên hồ nước tại Bétdatha, “hôm đó là ngày sabát, người Do Thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh” : “Hôm nay la ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : Anh hãy vác chõng mà đi”!.. “Do đó, người Do Thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát” (Ga 5, 9-10.16).

   Luật  Môsê quy định cả đến vác chõng về nhà, sau khi được chữa lành cũng không được làm trong ngày sabát. Tinh thần vị luật quá đáng khi nghiêm cấm làm việc trong ngày sabát đã bị Đức Giêsu chống lại khi Ngài qủa quyết : “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17)  trước đám đông người Do Thái đang phẫn nộ lên án Ngài vì Ngài đã chữa bệnh này sabát, trái với  Lề Luật.

   Đức Giêsu cũng cho những người Do Thái thời đó hiểu rằng : việc tốt lành, thiện hảo là điều Thiên Chúa mong ước con người thực hiện cho nhau, nên Luật ngày sabát không thể ngăn cấm  những việc làm bác ái, tương trợ , khi Ngài đặt cho họ câu hỏi: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi”? (Mc 3, 4), khi Ngài chữa người bị bại tay trong ngày sabát.

   Nhưng rõ nét hơn là khi Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua một cánh đồng lúa. 

“Dọc đường, các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisiêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm trong ngày sabát!” (Mt 12,1-2). Sau khi trưng dẫn cho  người Pharisiêu câu chuyện vua Đavít đã cho phép các thuộc hạ vì đói được ăn bánh đã cung tiến Thiên Chúa, bánh mà chỉ các tư tế mới được ăn và là điều Lề Luật nghiêm cấm, Đức Giêsu đã khẳng định : “Con người làm chủ ngày sabát” (Mt 12,8), chứ không phải ngày sabát làm chủ con người. Điều đó có nghiã Lề Luật được làm nên để phục vụ con người, để con người được sống trong trật tự, an bình, hạnh phúc, chứ không để  khống chế, áp đảo, giam hãm, hủy diệt con người.



      Tóm lại, Đức Giêsu không chủ trương hủy bỏ Lề Luật, nhưng Lề Luật, Truyền Thống chỉ có giá trị khi phục vụ con người, giúp con người sống tốt, sống đẹp, sống hạnh phúc. Lề Luật là phương tiện để con người trưởng thành trong đức ái, huynh đệ.  Lề Luật cần cho xã hội, với điều kiện Lề Luật không vi phạm, làm tổn thuơng con người trong xã hội ấy. Vì thế, Lề Luật phải luôn giữ được tính nhân văn, để luôn luôn có thể khéo léo uyển chuyển trong những trường hợp cần thiết hầu giữ được ý nghiã, mục đích của Lề Luật là phục vụ con người, thăng tiến đời sống con người và  mưu cầu hạnh phúc đích thực cho con người.

2.Tinh thần vị Truyền Thống, Lề Luật có thể làm phân liệt nhân cách :
     Khi dùng lời của ngôn sứ Isaia để nói với những người Pharisiêu: “Dân này thờ kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô  ích, vì giáo lý chúng giảng dậy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7,6-7) , Đức Giêsu đã nói lên nguy cơ phân liệt nhân cách, nói cách khác,nguy cơ giả hình ngay tự bản thân  của người sống tinh thần vị luật cách mù quáng, cực đoan.

   Thực vậy, một khi quá đóng khung vào hệ thống rườm rà, trói buộc và mang tính trình diễn hời hợt bên ngoài của Truyền Thống, Lề Luật, người ta sẽ dễ dàng và mau chóng bỏ quên những gì chân thực từ trái tim, những sự thật  đáng trân trọng của tâm hồn, những rung cảm trung thực của tấm lòng, những tốt đẹp  khó tìm thấy của tim óc. Bị cuốn hút vào chủ nghiã duy Lề Luật, người ta sẽ chỉ chăm chú soi từng nét chữ trong Lề Luật, cẩn thận giữ từng dấu phẩy của quy tắc, nghiêm khắc với từng chi tiết vụn vặt, cỏn con của Truyền Thống, mà quên đi chính con người của mình và anh em. Tình trạng phân liệt giữa bên ngoài và bên trong, giữa hành động và ý nghĩ, giữa đòi hỏi của Lề Luật và thao thức vi tha thầm kín làm nên mâu thuẫn nội tại rất căng thẳng. Để làm dịu căng thẳng của mâu thuẫn nội tại này, người ta bắt buộc phải giả dối, sống nhiều mặt, và đó là hiện tượng giả hình mà Đức Giêsu đã nhiều lần lên án (x. Mt 23).

    Cũng vì giả hình mà môi miệng bai bải yêu mến Chúa, lải nhải các điều răn, nhưng tâm hồn thì trống vắng, trái tim thì lạnh nhạt.Cũng vì giả hình mà bên ngoài thì cung kính lễ nghi, nhưng bên trong thì thờ ơ, chai đá. Cũng vì giả hình mà chu chắm tuân giữ truyền thống, nhưng lại “khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa” (Mc 7,9).Chính Đức Giêsu đã công khai lên tiếng : “Như thế là các ông lấy truyền thống các ông đã  truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lờI Thiên Chúa” (Mc 7, 13).

    Thực vậy, Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta: điều làm chúng ta bất hạnh, và ngăn cản chúng ta hiến thân cho nhau, chính là chúng ta sống giả dối và giả hình là thứ giả dối đã đi vào chiều sâu của bản ngã. Chính Đức Giêsu đã muốn xua đuổi vi trùng giả hình này ra khỏi đời sống chúng ta khi Ngài phân tích sự thật bên trong và bên ngoài của con người:

- Bên ngoài là vùng của những gì được biểu lộ, trình diễn; cũng là vùng của mặt nạ, những mặt nạ mà chúng ta muốn đeo cho mình, những hình ảnh mà chúng ta mơ ước và tự phóng các hình ảnh lý tưởng ấy qua lời nói, việc làm của chúng ta.
- Bên trong là vùng của sự thật, vùng của chính hiệu, chính gốc, vùng ở đó con người thật của chúng ta được xuất hiện “nguyên con” trước mặt Thiên Chúa, là nơi hạt giống Lời Thiên Chúa được gieo vãi. Bên trong còn là nơi của những quyết định, chọn lựa. Nhưng bên trong cũng là sào huyệt của ganh ghét, hận thù, ích kỷ, tham vọng thống trị, ham muốn sở hữu : “Vì từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác tang, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 20-23).

  Vâng, mâu thuẫn giữa bên ngoài và bên trong, giữa sự thật chúng ta là và những điều chúng ta mơ ước, giữa những gì chúng ta có và những điều chúng ta khát khao và tự khoác lên mình là sự thật không thể chối cãi.Vì thế, giả hình là cám dỗ nặng nề và liên lỷ của mỗi người, vì ai cũng cần một dáng vẻ ăn khách, một nhân thân hấp dẫn, một quá khứ thành tích, một hiện tại vinh quang, một tương lai hứa hẹn để sống được với đời nhiều tranh giành, đấu đá. Chúng ta cũng dễ rơi vào giả hình, vì thường xuyên chúng ta cũng cần giả hình với chính mình, khi mình chẳng có gì để có thể tự tuyên dương, tự biện minh, tự bào chữa. Đó là thảm cảnh rất bi đát của đời sống con người, mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể giải phóng chúng ta ra khỏi.

      Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi tình trạng phân liệt vì giả hình, khi chúng ta nhận ra: sẽ không có sự thật toàn diện, bao lâu con người không lắng nghe Thiên Chúa hằng sống và chân thực; sẽ không có tình yêu đích thực, bao lâu tình yêu của chúng ta không gắn kết vào  chính Chúa là nguồn Tình Yêu; sẽ không có đời sống chính hiệu, nguyên gốc Tự Do, bao lâu chúng ta không để Thiên Chúa hành động và dẫn dắt định mệnh đời chúng ta. Được dựng nên cho Thiên Chúa, chúng ta không thể hạnh phúc nếu không thuộc về Ngài, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới làm cho chúng ta thực sự tự do, khi giao hoà trong chúng ta nhũng gì bên ngoài với những gì bên trong, những gì được trình ra bề ngoài và những gì được giữ kín ở trong.Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấy khỏi chúng ta những mặt nạ mà không làm chúng ta thất vọng; cũng chỉ một mình Ngài mới có thể chữa lành căn bệnh  ảo tưởng, giả hình trong chúng ta và làm cho chúng ta trở nên những tạo vật mới có đủ khả năng và nhiệt huyết để yêu mến. Chính Ngài đã vạch cho chúng ta con đường, tuy hẹp, nhưng là con đường chân thật dẫn đến Hạnh Phúc thật (x. Mt 5,1-12).
     Để kết luận, chúng ta cần lưu ý sự cần thiết của Truyền Thống, Lề Luật, nhưng đồng thời cũng cẩn trọng trước cám dỗ của chủ nghiã vị Truyền Thống, vị Lề Luật, nghiã là chỉ biết Lề Luật, chỉ tôn thờ Lề Luật,  mà không quan tâm đến con người và ích lợi nhân sinh cũng như thiêng liêng của con người. Vì Lề Luật có thể trở thành nguyên nhân của tình trạng giả hình, phân liệt nhân cách, nhất là miệng ca tụng Chúa, nhưng lòng thì xa Chúa ngàn dặm.
      Xin Chúa cho chúng ta ý thức chúng ta được gọi vào đời để “yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người”, nên con người trong tất cả chọn lựa phải được yêu mến vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa .Thế nên, cho dù là Lề Luật nào đi nữa, chúng ta cũng không thể bỏ quên hay làm tổn thương con người, là hình ảnh sống động của Thiên Chúa yêu thương.
Jorathe Nắng Tím

Bài Tin Mừng và Các Bài Đọc Chúa Nhật XXII, TNB quý Độc Giả có thể tham khảo tại đây : https://www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/13990-chua-nhat-xxii-thuong-nien-nam-b.html