Tin Mừng Máccô cho chúng ta thấy Đức
Giêsu là người thầy luôn bênh vực môn đệ của mình khi các ông không làm theo những gì Luật Môsê quy định. Ngài đã làm như thế
không phải một lần, nhưng rất nhiều lần. Vì thế mâu thuẫn giữa Ngài và các Biệt
Phái, Kinh Sư Do Thái ngày càng căng thẳng.
Các ông Biệt Phái và Kinh Sư là giai cấp
lãnh đạo, được trọng vọng trong xã hội tôn giáo Do Thái, và tất nhiên họ phải bảo
vệ Luật Môsê một cách triệt để, nếu không nói là cực đoan, vì chỉ có Luật Môsê
mới đảm bảo hữu hiệu vị thế và lợi thế của họ. Chính vì thế, bất cứ ai vi phạm
Luật Môsê đều bị họ lên án, không kể gì Đức Giêsu và Nhóm Mười Hai.
Thực ra Đức Giêsu không chủ trương, cũng
không kích động các tông đồ chống lại Luật Môsê và Truyền Thống của cha ông; trái
lại Ngài công nhận và tuân giữ. Nhưng Ngài muốn đặt lại cho xã hội tôn giáo lúc
bấy giờ, cũng như cho các ông Biệt Phái, Kinh Sư Do Thái ý nghiã, mục đích của Truyền Thống, Lề Luật :
1. Truyền Thống, Lề Luật phải phục vụ hạnh phúc của con
người:
Điểm thiết yếu Đức Giêsu đặt ra cho các ông
Biệt Phái, Luật Sĩ là mục đích của Truyền Thống, Lề Luật. Nếu Truyền Thống, Lề
Luật không đem lại hạnh phúc cho con người, không làm cho con người được sống xứng
danh con người, không tạo điều kiện để nhân phẩm được bảo vệ và phát triển,
không xây dựng đời sống con người ngày càng trở nên tốt đẹp, thoải mái hơn, nhất
là không phát huy tình huynh đệ, tương trợ giữa người với người thì Truyền Thống,
Lề Luật ấy không đáng được tồn tại, gìn giữ.
Có rất nhiều Truyền Thống, Lề Luật không
góp phần xây dựng đời sống con người, không tạo điều kiện cho cuộc đời đáng sống
hơn, nhưng nghiền nát, xóa bỏ con người
và làm cuộc sống trở nên ngột ngạt, nặng nề. Dưới áp lực này, con người và hạnh
phúc của con người không còn là mục tiêu phục vụ của Truyền Thống, nhưng Truyền
Thống là ông chủ khắc nghiệt của con người, mà mọi ý muốn của ông chủ khó tính
phải được đầy tớ là con người thoả mãn,
đáp ứng chính xác, trọn vẹn, từng chi tiết. Cuộc sống làm người và hạnh phúc của
xã hội loài người không còn là đích điểm của Lề Luật, nhưng Lề Luật truy sát,
khống chế xã hội và biến những con người sống trong xã hội đó thành những tù
nhân bất hạnh.
Chủ nghiã vị luật, nghiã là chủ nghiã thượng
tôn Lề Luật, thần tượng Lề Luật, coi Lề Luật là chân lý tuyệt đối, uy lực tuyệt
đối, phán quyết tuyệt đối và cho Lề Luật
quyền sinh sát trên con người là
chủ nghiã cực kỳ phi nhân, vì hoàn toàn loại bỏ con người, phủ nhận chỗ đứng
không thể thay thế, hoán nhượng của con người, và sẵn sàng nhẫn tâm khước từ hạnh
phúc của con người để mù quáng phục vụ một
hệ thống Lề Luật, một cơ chế Truyền Thống
lạnh lùng, vô cảm, xa rời nhu cầu và khắc khoải đích thực của con người.
Con người ở trong cơ cấu vị luật, cơ chế
suy tôn Truyền Thống ấy sẽ chỉ còn là những thân phận nô lệ của Lề Luật, tôi
đòi của Truyền Thống, bởi chủ nghiã và khuynh hướng vị luật cực đoan, mù quáng
này thường nhân danh con người để củng cố Lề Luật, Truyền Thống, khi con người
vừa được gọi tên, tuyên dương là công
chính, đạo đức theo tiêu chuẩn đánh giá của Truyền Thống, Lề Luật, vừa bị Truyền
Thống, Lề Luật phủ nhận, quật ngã, chà đạp.
Đức Giêsu chống lại chủ nghiã vị luật này,
vì con người bị xúc phạm, nhân phẩm bị tổn thương, hạnh phúc bị chối bỏ. Với
Ngài, con người là quan trọng hơn hết dưới mắt Thiên Chúa, và Lề Luật, Truyền
Thống, tuy cần thiết nhưng phải nhắm đến hạnh phúc của con người:
Sau khi chữa lành một người bất toại đã ba
mươi tám năm bên hồ nước tại Bétdatha, “hôm đó là ngày sabát, người Do Thái mới
nói với kẻ được khỏi bệnh” : “Hôm nay la ngày sabát, anh không được phép vác
chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi : Anh hãy
vác chõng mà đi”!.. “Do đó, người Do Thái chống đối Đức Giêsu, vì Người hay chữa
bệnh ngày sabát” (Ga 5, 9-10.16).
Luật
Môsê quy định cả đến vác chõng về nhà, sau khi được chữa lành cũng không
được làm trong ngày sabát. Tinh thần vị luật quá đáng khi nghiêm cấm làm việc
trong ngày sabát đã bị Đức Giêsu chống lại khi Ngài qủa quyết : “Cho đến nay,
Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17) trước đám đông người Do Thái đang phẫn nộ lên
án Ngài vì Ngài đã chữa bệnh này sabát, trái với Lề Luật.
Đức Giêsu cũng cho những người Do Thái thời
đó hiểu rằng : việc tốt lành, thiện hảo là điều Thiên Chúa mong ước con người
thực hiện cho nhau, nên Luật ngày sabát không thể ngăn cấm những việc làm bác ái, tương trợ , khi Ngài đặt
cho họ câu hỏi: “Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người
hay giết đi”? (Mc 3, 4), khi Ngài chữa người bị bại tay trong ngày sabát.
Nhưng rõ nét hơn là khi Đức Giêsu và các môn
đệ đi băng qua một cánh đồng lúa.
“Dọc đường, các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisiêu thấy vậy,
mới nói với Đức Giêsu: Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm
trong ngày sabát!” (Mt 12,1-2). Sau khi trưng dẫn cho người Pharisiêu câu chuyện vua Đavít đã cho
phép các thuộc hạ vì đói được ăn bánh đã cung tiến Thiên Chúa, bánh mà chỉ các
tư tế mới được ăn và là điều Lề Luật nghiêm cấm, Đức Giêsu đã khẳng định : “Con
người làm chủ ngày sabát” (Mt 12,8), chứ không phải ngày sabát làm chủ con người.
Điều đó có nghiã Lề Luật được làm nên để phục vụ con người, để con người được sống
trong trật tự, an bình, hạnh phúc, chứ không để
khống chế, áp đảo, giam hãm, hủy diệt con người.
Tóm
lại, Đức Giêsu không chủ trương hủy bỏ Lề Luật, nhưng Lề Luật, Truyền Thống chỉ
có giá trị khi phục vụ con người, giúp con người sống tốt, sống đẹp, sống hạnh
phúc. Lề Luật là phương tiện để con người trưởng thành trong đức ái, huynh đệ. Lề Luật cần cho xã hội, với điều kiện Lề Luật
không vi phạm, làm tổn thuơng con người trong xã hội ấy. Vì thế, Lề Luật phải
luôn giữ được tính nhân văn, để luôn luôn có thể khéo léo uyển chuyển trong những
trường hợp cần thiết hầu giữ được ý nghiã, mục đích của Lề Luật là phục vụ con
người, thăng tiến đời sống con người và
mưu cầu hạnh phúc đích thực cho con người.
2.Tinh thần
vị Truyền Thống, Lề Luật có thể làm phân liệt nhân cách :
Khi dùng lời của ngôn sứ Isaia để nói với
những người Pharisiêu: “Dân này thờ kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng
thì lại xa Ta.Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dậy chỉ là giới
luật phàm nhân” (Mc 7,6-7) , Đức Giêsu đã nói lên nguy cơ phân liệt nhân cách,
nói cách khác,nguy cơ giả hình ngay tự bản thân
của người sống tinh thần vị luật cách mù quáng, cực đoan.
Thực vậy, một khi quá đóng khung vào hệ thống
rườm rà, trói buộc và mang tính trình diễn hời hợt bên ngoài của Truyền Thống,
Lề Luật, người ta sẽ dễ dàng và mau chóng bỏ quên những gì chân thực từ trái
tim, những sự thật đáng trân trọng của
tâm hồn, những rung cảm trung thực của tấm lòng, những tốt đẹp khó tìm thấy của tim óc. Bị cuốn hút vào chủ
nghiã duy Lề Luật, người ta sẽ chỉ chăm chú soi từng nét chữ trong Lề Luật, cẩn
thận giữ từng dấu phẩy của quy tắc, nghiêm khắc với từng chi tiết vụn vặt, cỏn
con của Truyền Thống, mà quên đi chính con người của mình và anh em. Tình trạng
phân liệt giữa bên ngoài và bên trong, giữa hành động và ý nghĩ, giữa đòi hỏi của
Lề Luật và thao thức vi tha thầm kín làm nên mâu thuẫn nội tại rất căng thẳng.
Để làm dịu căng thẳng của mâu thuẫn nội tại này, người ta bắt buộc phải giả dối,
sống nhiều mặt, và đó là hiện tượng giả hình mà Đức Giêsu đã nhiều lần lên án
(x. Mt 23).
Cũng vì giả hình mà môi miệng bai bải yêu mến
Chúa, lải nhải các điều răn, nhưng tâm hồn thì trống vắng, trái tim thì lạnh nhạt.Cũng
vì giả hình mà bên ngoài thì cung kính lễ nghi, nhưng bên trong thì thờ ơ, chai
đá. Cũng vì giả hình mà chu chắm tuân giữ truyền thống, nhưng lại “khéo coi thường
điều răn của Thiên Chúa” (Mc 7,9).Chính Đức Giêsu đã công khai lên tiếng : “Như
thế là các ông lấy truyền thống các ông đã
truyền lại cho nhau mà hủy bỏ lờI Thiên Chúa” (Mc 7, 13).
Thực vậy, Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng
ta: điều làm chúng ta bất hạnh, và ngăn cản chúng ta hiến thân cho nhau, chính
là chúng ta sống giả dối và giả hình là thứ giả dối đã đi vào chiều sâu của bản
ngã. Chính Đức Giêsu đã muốn xua đuổi vi trùng giả hình này ra khỏi đời sống
chúng ta khi Ngài phân tích sự thật bên trong và bên ngoài của con người:
- Bên ngoài là vùng của
những gì được biểu lộ, trình diễn; cũng là vùng của mặt nạ, những mặt nạ mà
chúng ta muốn đeo cho mình, những hình ảnh mà chúng ta mơ ước và tự phóng các
hình ảnh lý tưởng ấy qua lời nói, việc làm của chúng ta.
- Bên trong là vùng của
sự thật, vùng của chính hiệu, chính gốc, vùng ở đó con người thật của chúng ta
được xuất hiện “nguyên con” trước mặt Thiên Chúa, là nơi hạt giống Lời Thiên
Chúa được gieo vãi. Bên trong còn là nơi của những quyết định, chọn lựa. Nhưng
bên trong cũng là sào huyệt của ganh ghét, hận thù, ích kỷ, tham vọng thống trị,
ham muốn sở hữu : “Vì từ bên trong, từ lòng người phát xuất những ý định xấu:
tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác tang,
ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ
bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 20-23).
Vâng, mâu thuẫn giữa bên ngoài và bên trong,
giữa sự thật chúng ta là và những điều chúng ta mơ ước, giữa những gì chúng ta
có và những điều chúng ta khát khao và tự khoác lên mình là sự thật không thể
chối cãi.Vì thế, giả hình là cám dỗ nặng nề và liên lỷ của mỗi người, vì ai
cũng cần một dáng vẻ ăn khách, một nhân thân hấp dẫn, một quá khứ thành tích, một
hiện tại vinh quang, một tương lai hứa hẹn để sống được với đời nhiều tranh
giành, đấu đá. Chúng ta cũng dễ rơi vào giả hình, vì thường xuyên chúng ta cũng
cần giả hình với chính mình, khi mình chẳng có gì để có thể tự tuyên dương, tự
biện minh, tự bào chữa. Đó là thảm cảnh rất bi đát của đời sống con người, mà
chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể giải phóng chúng ta ra khỏi.
Thiên Chúa giải phóng chúng ta khỏi tình
trạng phân liệt vì giả hình, khi chúng ta nhận ra: sẽ không có sự thật toàn diện,
bao lâu con người không lắng nghe Thiên Chúa hằng sống và chân thực; sẽ không
có tình yêu đích thực, bao lâu tình yêu của chúng ta không gắn kết vào chính Chúa là nguồn Tình Yêu; sẽ không có đời
sống chính hiệu, nguyên gốc Tự Do, bao lâu chúng ta không để Thiên Chúa hành động
và dẫn dắt định mệnh đời chúng ta. Được dựng nên cho Thiên Chúa, chúng ta không
thể hạnh phúc nếu không thuộc về Ngài, vì chỉ một mình Thiên Chúa mới làm cho
chúng ta thực sự tự do, khi giao hoà trong chúng ta nhũng gì bên ngoài với những
gì bên trong, những gì được trình ra bề ngoài và những gì được giữ kín ở
trong.Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấy khỏi chúng ta những mặt nạ mà
không làm chúng ta thất vọng; cũng chỉ một mình Ngài mới có thể chữa lành căn bệnh ảo tưởng, giả hình trong chúng ta và làm cho
chúng ta trở nên những tạo vật mới có đủ khả năng và nhiệt huyết để yêu mến.
Chính Ngài đã vạch cho chúng ta con đường, tuy hẹp, nhưng là con đường chân thật
dẫn đến Hạnh Phúc thật (x. Mt 5,1-12).
Để kết luận, chúng ta cần lưu ý sự cần thiết
của Truyền Thống, Lề Luật, nhưng đồng thời cũng cẩn trọng trước cám dỗ của chủ
nghiã vị Truyền Thống, vị Lề Luật, nghiã là chỉ biết Lề Luật, chỉ tôn thờ Lề Luật, mà không quan tâm đến con người và ích lợi
nhân sinh cũng như thiêng liêng của con người. Vì Lề Luật có thể trở thành
nguyên nhân của tình trạng giả hình, phân liệt nhân cách, nhất là miệng ca tụng
Chúa, nhưng lòng thì xa Chúa ngàn dặm.
Xin Chúa cho chúng ta ý thức chúng ta được
gọi vào đời để “yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người”, nên con người trong
tất cả chọn lựa phải được yêu mến vì chúng ta yêu mến Thiên Chúa .Thế nên, cho
dù là Lề Luật nào đi nữa, chúng ta cũng không thể bỏ quên hay làm tổn thương
con người, là hình ảnh sống động của Thiên Chúa yêu thương.
Jorathe Nắng Tím
Bài Tin Mừng và Các Bài Đọc Chúa Nhật XXII, TNB quý Độc Giả có thể tham khảo tại đây : https://www.tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/13990-chua-nhat-xxii-thuong-nien-nam-b.html