Pages - Menu

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

KẺ TỐ CÁO (Chương III)


Chương III 
CHÚNG TA ĐƯỢC QUYÊN XÉT ĐOÁN ANH EM ?
         Tin Mừng qủa quyết Thiên Chúa cấm chúng ta xét đoán anh em mình, và nói rõ : nếu chúng ta xét đoán anh em, chính chúng ta sẽ bị Thiên Chúa xét đoán; cũng như chúng ta chỉ có thể lãnh nhận lòng thương xót của Chúa, nếu biết xót thương anh em mình :
-         “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).  
-         “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong mắt của mình thì lại không để ý tới”? (Mt 7, 2-3).
-         “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được.Vì khi bạn xét đoán người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình” (Rm 2,1); “Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa.Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh cho anh em mình phải vấp hay phải ngã” (Rm 14,13);  “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bong tối,  và phơi bầy những ý định trong thâm tâm con người” (1Cr 4,5).
-         “Thưa anh em, anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật.Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đóan người thân cận”? (Gc 4,11-12).
    Những đoạn Tin Mừng vừa được trích dẫn đã nói lên đòi hỏi triệt để : không được quyền xét đoán người khác của Đức Giêsu. Các tông đồ đã hiểu thấu đáo đòi hỏi này, nên không ngừng nhắc nhở các giáo đoàn phải thận trọng và xa lánh việc xét đoán anh em.    
   Nhưng tại sao Đức Giêsu lại không muốn, đúng hơn là cấm môn đệ của Ngài xét đoán người khác?  
    Thực ra, trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng như các tông đồ đã không hề có ý hay tìm cách hủy bỏ sự hiện diện cũng như công việc của toà án, bởi nếu các môn đệ của Đức Giêsu luôn được nhắc nhở, mời gọi yêu thương, thì họ cũng vẫn tiếp tục yếu đuối với thân phận người dòn mỏng, và những sai phạm của họ ít nhiều đều mang lại những hậu qủa đáng buồn, đáng trách, ảnh hưởng đến cộng đoàn. Trong trường hợp có sai phạm, thì phản ứng tự nhiên của mọi người là xét đoán người đã lầm lỗi để biết họ sai phạm vì sơ ý, lãng quên, yếu đuối hay cố tình.Và lý do thứ nhất cũng là lý do tuyệt vời nhất luôn được đưa ra để giải thích cho quyền xét đoán là “vì lợi ích của chính đương sự, để giúp người sai phạm nhận ra lầm lỗi và trở nên tốt hơn”.
    Qủa thực, nếu tất cả mọi người đều thực hiện công việc xét đoán người khác với lương tâm ngay thẳng, trái tim yêu thương, và ý hướng nâng dậy người yếu đuối, hỗ trợ, xây dựng người lỗi lầm, giáo dục người trót làm điều sai trái, thì không còn gì phải nói, bởi điều ấy hoàn toàn hợp thánh ý Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu biết rõ trái tim con người, nơi bất cứ lúc nào đều có thể trở thành sào huyệt của gian ác: ganh ghét, ghen tương, kèn cựa, oán thù, kiêu căng...
    Ngài biết ta thường dựa vào lý do: vì ích lợi của người có tội, vì muốn giúp người sai đường lạc lối trở về chính lộ, để lương tâm được ru ngủ trong “thanh thản, bình an giả tạo”, hầu được tự do tố cáo, xét đoán, luận xử, kết án, dập vùi, chặt chém, phân thây xẻ thịt anh em. Ngài biết sự ganh ghét là tội nguyên tổ đang nằm phục ở cửa lòng mỗi người, như Thiên Chúa Giavê đã phán với Cain, khi ông ganh ghét và giết chết em ruột mình là Aben : “Tội lỗi đang nằm phục sẵn ở cửa, nó thèm muốn ngươi ; nhưng ngươi phải chế ngự nó” (St 4,7). Vì ganh ghét, ta sẽ lợi dụng yếu đuối, sai lầm, tội lỗi của anh em để lên án họ, hầu thăng thưởng mình, dập vùi họ để tuyên dương mình, chà đạp họ để tự nâng mình lên, dưới nhãn hiệu bác ái : sửa lỗi anh em, đổi mới anh em , thăng tiến anh em.
      Ở đây, ta thấy Đức Giêsu đã nói nhiều về đôi mắt: “Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong mắt của chính mình thì lại không để ý tới”? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong mắt anh ra, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình”. Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em ! (Lc 6,41-42). Ngài muốn ta hiểu rằng: không thể dùng lỗi lầm của người khác để bảo kê những đức tính của mình. Cũng vậy, những lý do, chứng cớ để xét đoán, lên án người khác, dù chính xác, chặt chẽ đến đâu cũng không bao giờ  miễn trừ cho ta khỏi đối diện với những vấn đề và yếu đuối riêng của bản thân mình; nói cách khác, ta không được cho mình cái quyền ve vuốt tự ái  bằng lên án, xét đoán người khác, như Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác  (x. Lc 8,9-14), bởi kinh nghiệm đời thường cho thấy: sự nghiêm khắc, cứng rắn của nhiều người khi xét đoán người khác chẳng qua chỉ là bình phong che đậy tình trạng bất an  của tâm hồn và nỗi lo sợ sẽ bị xét đoán, lên án của chính họ.
     Trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giêsu cũng nói đến mắt: “Đèn của thân thể là con mắt.Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối.Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào”! (Lc 6,22-23). Ngài muốn nói đến cái nhìn của mỗi người : có lúc tốt, có lúc xấu ; có lúc sáng, có lúc tối, tùy theo tâm hồn ở tình trạng nào : ghen tức hay yêu thương, muốn phá đổ hay xây dựng, thiện ý hay tà ý, như trong dụ ngôn thợ làm vườn nho, Ngài đã  vạch trần lòng ghen tức của những người trách móc Ngài đã trả cho người vào làm sau chót cũng một quan tiền như người vào làm trước nhất: “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức”? (Mt 20,15).
     Bên cạnh lòng ghen tức, tham vọng thống trị cũng là nguyên nhân thúc đẩy người ta xét đoán, lên án nhau như  thánh tông đồ Phaolô đã viết: "Đừng làm gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình" (Pl 2,3).Vì thế, càng coi mình vĩ đại, tuyệt hảo, người ta càng dễ xét đoán, lên án người  khác.    
     Tóm lại, Đức Giêsu biết loài người yếu đuối vì ganh ghét, và kinh nghiệm sống cũng cho thấy : Chúng ta rất yếu trước gió ganh ghét, và dễ đuối dưới nắng ghen tuông. Bằng chứng là không ai thích người khác vượt trội hơn mình, giỏi hơn mình, giầu hơn mình, thành công hơn mình ; trái lại vui và phấn khởi khi người khác thua sút, gặp khó khăn, nhất là sai phạm lỗi lầm. Chẳng thế mà thánh tông đồ Phaolô đã tha thiết kêu gọi cộng đoàn của Ngài phải hết sức thận trọng, đừng để lòng ganh ghét thống trị cộng đoàn, bằng cùng nhau thực hiện một cố gắng rất thực tế, nhưng cũng cực kỳ khó khăn: “Vui với ai mừng vui, khóc với ai đang khổ sầu” (Rm 12, 15). Thánh nhân biết có nhiều người bực tức, sầu buồn khi người khác được may mắn, hạnh phúc, và nhiều người hớn hở, vui mừng khi những người chung quanh gặp tai ương, khốn khó. Nếu thái độ thiếu bác ái, huynh đệ đó lan tràn, bành trướng, thì tình hình cộng đoàn dân Chúa sẽ ra sao? Thưa sẽ tan nát vì cao trào tố cáo, sẽ vỡ vụn vì bom đạn xét đoán, sẽ không còn dấu tích trường tồn vì sóng thần ghen tuông.
     Khi tuân giữ lệnh truyền  không được xét đoán người khác của Đức Giêsu, không ít người trong chúng ta cảm thấy bàng bạc ý nghĩ về một thái độ dửng dưng, bàng quan, vô trách nhiệm và hoàn toàn thụ động trước lỗi lầm của anh em ; nói cách khác, vì không được phép xét đoán, người ta sẽ rơi vào tình trạng không cần quan tâm, không cần can thiệp, cũng chẳng cần phải đổi mới, xây dựng đối tượng đang có vấn đề, bởi thà nhắm mắt làm ngơ, còn hơn nhanh nhẩu lên tiếng phân định xấu- tốt, để mang lấy rủi ro phạm tội xét đoán, lên án người khác.
      Thực ra, người Kitô hữu không được nhắm mắt, làm ngơ trước sự dữ đang lan tràn, và phá vỡ công trình của Thiên Chúa trên con người. Kinh Thánh luôn nhắc nhở khả năng phân định tốt- xấu, lành- dữ, sự thật- gian dối. Trong Tin Mừng Mátthêu, tiếp ngay đoạn căn dặn “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán..” (Mt 7, 1-5), Đức Giêsu đã nói về việc biết phân định để “đừng quăng của thánh cho chó, ngọc trai chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em” (Mt 7, 6).  Chỗ khác, Ngài qủang diễn  : “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố”? (Lc 6,39).
   Nói điều này, Ngài qủa quyết người Kitô hữu có bổn phận ngăn chặn sự dữ, và nghiã vụ hướng dẫn người lạc đường trở về chính lộ, bằng bầy tỏ ý muốn : người mù phải được hướng dẫn đúng đường, đúng hướng. Ở đây, Đức Giêsu tỏ ý chống lại những người không đủ điều kiện, khả năng mà liều lĩnh dẫn đường cho người khác, khi ví những người này như những anh mù. Dưới mắt Ngài, họ là những hướng dẫn viên bất tài, thiếu đức, và theo văn mạch, chính họ là những người xét đoán và lên án anh em cách hồ đồ thay vì ân cần hướng dẫn, tận tâm chỉ dậy.
   Thế nên, nếu không từ bỏ thói xét đoán hàm hồ, tính xấu tùy tiện lên án người khác, chúng ta sẽ mãi là những người mù không thấy đường, và vì không thấy đường, chúng ta xét đoán anh em cách bừa bãi, vô căn cớ, và tất nhiên hố sâu sẽ là điểm đến của chúng ta, và mãi mãi sẽ chẳng bao giờ có chuyện dắt đưa người khác về đường ngay nẻo chính.
   Thánh Phaolô cũng  cắt nghĩa vấn nạn với cộng đoàn Rôma, khi ngài phân biệt hai ý nghiã của từ "xét đoán" trong Rm 14,13 : "Vậy chúng ta đừng xét đoán nhau nữa.Tốt hơn, anh em hãy xét sao để tránh gây cớ cho anh em mình phải vấp hay phải ngã".
   “Đừng xét đoán nhau nữa” ở vế thứ nhất mang ý nghiã tiêu cực, được coi như những thị phi, hồ đồ, nói hành nói xấu nhau. Kiểu xét đoán với ác ý này phải được chấm dứt, và một khi không còn xét đoán hồ đồ, lệch lạc về nhau nữa, người ta sẽ có điều kiện tốt để “xét sao cho anh em mình không phải vấp phạm” ở vế thứ hai. Cũng như khi viết cho môn đệ Timôthê: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dậy dỗ” (2Tm 4, 2).
     Thánh nhân nhấn mạnh lòng nhẫn nại và chủ tâm dậy dỗ, được xem như hai điều kiện cần thiết để xét đóan trở thành một việc làm  mang lại lợi ích đích thực cho người được “xét đoán”. Xét đoán ở đây mang tính tích cực, vì không chịu ảnh hưởng, áp lực của ganh ghét, kiêu căng, ích kỷ, ác ý, ác tâm, nhưng hoàn toàn vì yêu thương và phục vụ khi nhẫn nại, kiên trì, chịu đựng đồng hành với người anh em sa chân lỡ bước, để giúp người anh em vượt qua khó khăn, thử thách.
    Thánh nhân cũng nhắc đến thái độ bình tĩnh, thong thả, nhẹ nhàng, ân cần, tế nhị khi dùng hai chữ “đừng vội”. Đừng vội tức đừng nóng lòng, sốt ruột khi xét đoán một hành động, càng không nên hấp tấp, nhẹ dạ, thiếu cân nhắc, phân định khi xét đoán một con người, vì xét đoán là một việc hết sức quan trọng không thể sơ sài, liến phiến, cẩu thả, bởi hậu qủa của nó thật khôn lường.
     “Anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến” (1Cr 4,5)
  Và với cung giọng đầy trắc ẩn, thương xót, thánh nhân viết tiếp: “Thưa anh em, chúng tôi khuyên nhủ anh em: hãy khuyên bảo người vô kỷ luật, khích lệ kẻ nhút nhát, nâng đỡ người yếu đuối và kiên nhẫn với mọi người. Hãy coi chừng: đừng có ai lấy ác báo ác, nhưng hãy luôn luôn cố gắng làm điều thiện cho nhau cũng như cho mọi người” (1 Tx 5,14-15). Với kinh nghiệm mục tử, thánh Phaolô còn cho ta thấy chỉ có yêu thương và hy sinh phục vụ mới đổi mới được người yếu đuối, tội lỗi, mà không cần phải xét đoán, lên án họ: “Suốt ba năm, ngày đêm, tôi đã không ngừng khuyên bảo mỗi người trong anh em, lắm khi phải rơi lệ” (Cv 20,31).
      Ở chỗ khác, một cách cụ thể, Tin Mừng Mátthêu cho chúng ta cách giúp ngườI anh em tội lỗi : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,15-20).
     Quy trình khởi sự từ gặp gỡ cá nhân, nghiã là không ồn ào, xôn xao, tạo nên xì-căng- đan có thể làm tổn thương danh dự của người anh em tội lỗi. Quy trình loại trừ những màn tố cáo, hạch tội, bôi nhọ, công bố loại trừ,  nhưng kín đáo, nhẹ nhàng làm việc với một, rồi hai, ba người, nếu cần với cộng đoàn trong tinh thần cảm thông, tôn trọng “tư cách anh em” của người có tội, nghiã là không phải vì phạm tội mà mất quyền làm anh em với mọi người. Và chẳng đặng đừng, trong trường hợp cực kỳ ngoan cố, Đức Giêsu mới cho phép coi người anh em đó như ở ngoài cộng đoàn. Một chi tiết cũng đáng chúng ta chú ý, đó là Đức Giêsu đã đưa ra phương cách giúp người anh em yếu đuối trót phạm tội này, sau khi kể dụ ngôn con chiên lạc : Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất (Mt 18,12-14). Tất cả đã nói lên ý muốn của Thiên Chúa  không muốn ai phải mất đi, và đòi hỏi  phải tha thứ liên lỷ, “không chỉ đến bảy lần, nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy”, khi trả lời câu hỏi của tông đồ Phêrô : “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không”? ( Mt 18, 21-22) 
   Để kết luận, chúng ta có thể khẳng định: Chúa không muốn chúng ta xét đoán nhau, vì : “Anh là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác” (Rm 14,4), và vì chúng ta dễ bị lôi cuốn bởi ganh ghét, kiêu căng, trục lợi, khi nhận xét về người khác ; Chúa không cho phép chúng ta lên án nhau, vì biết chúng ta dễ dàng bị khuynh hướng thống trị cuốn trôi, khi bình phẩm tha nhân; Chúa cũng cấm chúng ta luận xử nhau, vì biết chúng ta sẽ dùng tình trạng yếu đuối, hoàn cảnh lỗi lầm của anh em để làm bàn đạp cho đường lên của mình. Nhưng Chúa biết với lòng xót thương của trái tim Chúa, trái tim con người sẽ có đủ lý do để vực dậy người anh em ngã gục, nâng đỡ người anh em yếu đuối, dẫn về đường ngay nẻo chính người anh em lầm lạc mà không cần phải xét đoán, xếp loại người anh em; Chúa biết chỉ cần một giọt máu cứu độ từ cạnh sườn Đức Kitô trên thánh giá, bàn tay con người có thể làm cho tất cả được nên mới, mà không cần lên tiếng hạch sách, thẩm tra nhau ; Chúa cũng biết với thành tâm - thiện chí và ơn bình an của Thánh Thần Tình Yêu, mọi sự sẽ nên tốt, mà không cần truy cứu, săn lùng, xét xử. Quyền xét đoán thuộc về một mình Chúa và duy một mình Chúa mới là Đấng thấu suốt tâm can mỗi người: “Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can” (Gr 17,10).
 -  Nếu quyền xét đoán, phân xử thuộc về một mình Thiên Chúa, thì quyền ấy cũng sẽ chỉ được trao cho những người thuộc về Chúa, được Chúa tuyển chọn. Người được trao sứ vụ tế nhị và khó khăn này phải là người có những điều kiện cần thiết:
- Phải được Thiên Chúa trao quyền phán đoán, xét xử, như các tông đồ: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20, 22-23).
- Vì thi hành sứ vụ dưới sự hướng dẫn và với ơn của Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, người được trao quyền phán đoán, xét xử phải tràn ngập tình yêu, lòng bao dung, thương xót và “không làm điều gì vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl 2,3).
- Để biết chạnh lòng trước bất hạnh, yếu đuối của người khác, như “Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9, 36); “Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ” (Mt 14, 14).
- Để sẵn sàng mang lấy tội lỗi, bất xứng của người khác, như Đức Giêsu đã mang hết tội lỗi, và vết thương của ta vào thân thể mà đưa lên thập giá, để ta được nên công chính và chữa lành (x. 1 Pr 2,24).
- Để trong khi thi hành sứ vụ xét đoán, phân xử, người được Chúa tuyển chọn vẫn không quên mình là tạo vật cần được xót thương, tha thứ, như tâm tình của Giêrêmia trong sách Ai Ca: “Xin nhớ đến nỗi khốn cùng của con,và cuộc đời con vất vưởng nuốt cay ngậm đắng. Nỗi niềm riêng canh cánh bên lòng, khiến hồn con tiêu hao mòn mỏi. Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông” (Ac 3,19).
   Nhờ thế, người được Chúa chọn ngồi ghế xét đoán, phân xử sẽ không đi ra ngoài chương trình cứu độ và lòng thương xót bao la của Ngài, như Thánh Vịnh 103 đã cực tả:
 Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
 Thương chữa lành các bệnh tật ngươi.
Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt,
Bao bọc ngươi bằng ân nghiã với lượng hải hà,
Ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc,
Khiến tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng..
Vì Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu,
Người chậm giận và giầu tình thương,
Chẳng luôn luôn trách cứ,
Không mãi mãi oán hờn
Người không cứ tội ta mà xét xử,
Không trả báo ta xứng với lỗi lầm. (Tv 103, 3-5;8-10).
   “Lậy Chuá, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần  cho con nên chung thủy” (Tv 51,12), để đời con được bình an trong lòng thương xót Chúa và lòng tốt của mọi người. Chỉ một điều này thôi, lậy Chúa, đã cho con thấy mình bất xứng, luôn cần Chúa và mọi người, để chẳng bao giờ dám xét đoán ai. 
   Quý độc giả vui lòng đọc chương kế tiếp