“Các
Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu, và kể lại cho Người hết mọi việc các ông đã
làm, và mọi điều các ông đã dậy. Người bảo các ông: Chính anh em hãy lánh riêng
ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút. Qủa thế, kẻ lui người tới qúa đông,
nên các ông cũng chẳng có thời giờ ăn uống nữa.Vậy thầy trò xuống thuyền đi lánh
riêng ra một nơi hoang vắng.Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp
các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi
thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thưong, vì họ như
bầy chiên không người chăn dắt.và người bắt đầu dậy dỗ họ nhiều điều”.
Sau thời gian ngắn được sai đi mục vụ từng
hai người một, các Tông Đồ tập họp về để báo cáo với Đức Giêsu công trình truyền
giáo các vị đã thực hiện. Theo mạch văn thì các vị rất thành công : nhiều người
kéo đến nghe các vị giảng, đồng thời các vị đã
trừ được nhiều qủy, chữa nhiều bệnh tật và chương trình mục vụ được coi
như thành công mỹ mãn. Bằng chứng là đám đông náo nức đi tìm các vị đến nỗi các
vị không còn thời giờ để ăn uống.
Nghe các Tông Đồ kể thành tích mục vụ, Đức
Giêsu vui với các vị, nhưng lập tức Ngài thắng bớt tính háo thắng, háo danh đang
sôi sục, bốc hoả trong các ông bằng khuyên các ông cùng Ngài đến nơi thanh vắng
để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.
Như thế, nhu cầu nghỉ ngơi đối với nhà
truyền giáo là cần thiết, vì không thể làm việc mãi trong tình trạng “kẻ lui người
tới qúa đông”, lúc nào cũng tất bật, ngược xuôi, đến nỗi “không còn thời giờ để ăn uống” (Mc 6, 31). Chưa kể vì qúa bận rộn, nhà truyền giáo sẽ dễ bẳn gắt, bực bội, nóng giận, căng thẳng với
những người đến với mình, và qua mình tìm gặp Đức Giêsu. Và tất nhiên, khi vất
vả, mỏi mệt với trăm chuyện phải làm, ngàn việc phải lo, người chăn chiên sẽ không
còn sức để biết rõ từng con chiên của mình và không thể mang lấy mùi chiên.
Khi đề nghị các tông đồ kiếm chỗ thanh vắng
để nghỉ ngơi, Đức Giêsu muốn các ông nhận
ra những giới hạn của con người, dù là
những người thuộc về Thiên Chúa, và nhắc nhở các ông phải biết chừng mực, điều độ
trong đời sống và trong mục vụ, mà một trong những điều kiện để giữ được thế quân
bình cần thiết, chính là nghỉ ngơi với Ngài.
Nghỉ ngơi với Đức Giêsu, chứ không nghỉ
ngơi một mình để chia sẻ và nghe Ngài dậy
bảo, vì mãi mãi người môn đệ Đức Giêsu phải học với Ngài vì Ngài hiền lành và
khiêm nhường tận đáy lòng (Mt 11,29). Nghỉ ngơi với Đức Giêsu và với anh em môn
đệ khác để được Ngài bồi bổ, tăng thêm nghị lực, vì đường đời nhiều chông gai,
và con người vốn mỏng dòn, yếu đuối : “Tất
cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi
bồi dưỡng...Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28.30). Nghỉ ngơi với Đức Giêsu để
trái tim nhạy bén hơn trong lòng thương xót
như Ngài đã chạnh lòng thương khi thấy đám đông như bầy chiên không người
chăn dắt (Mc 6, 34). Nghỉ ngơi với Đức
Giêsu để học với Ngài tinh thần sẵn sàng trước Thánh ý và nhiệt huyết phục vụ
anh em. Với nhạy bén của lòng thương xót và mau mắn sẵn sàng trong phục vụ, nhà
truyền giáo sẽ ngoan ngoãn vâng lời Đức Giêsu lo cho đám đông nhiều ngàn người ăn
, như Máccô đã khẳng định : “Số người ăn bánh là năm ngàn người đàn ông,
không kể đàn bà, trẻ em” (Mc 6, 44), dù chỉ “có năm chiếc bánh và hai con cá” (Mc 6, 38).
Như thế, nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng với Đức
Giêsu không là nghỉ ngơi hưởng thụ, nghỉ ngơi ăn chơi, nghỉ ngơi phè cánh nhạn,
nghỉ ngơi xả láng, sáng về sớm, nhưng là nghỉ ngơi cầu nguyện để cảm tạ, ngợi khen và trút bỏ gánh nặng lo lắng, sợ hãi, chán nản
trước thử thách, đe doạ hay lầm lỗi ; là
nghỉ ngơi bên lòng Chúa để học với Ngài hiền lành và khiêm nhường; là nghỉ ngơi
trong trái tim Chúa để biết chạnh lòng xót thương anh em; là nghỉ ngơi với sức
mạnh của Chúa để không sợ khó, sợ khổ nhưng phó thác, tin tưởng, kiên tâm phục
vụ mọi người.
Và như thế, nghỉ ngơi ở môn đệ Đức Giêsu chính
là lui về với Thiên Chúa để kín múc ơn phù trợ và học với Đức Giêsu để trở nên đồng
hình đồng dạng với Ngài trong lòng thương xót và tinh thần khiêm tốn, hiền lành.
J. Nắng Tím