Làm sao có thể hiểu được : Đấng Toàn Năng đã
tự nguyện trở nên yếu đuối để chia sẻ tất cả yếu đuối của thân phận người ?
Đức Giêsu
-Thiên Chúa đã bắt đầu và kết thúc đời "làm người giữa loài
người" của Ngài bằng sinh ra yếu đuối trong máng cỏ Bêlem, và
giang tay yếu đuối chết trên thập tự chiều thứ sáu. Hai biến cố khai
sinh, khai tử của Đức Giêsu đều đậm mầu yếu đuối, ngợp trời yếu đuối, tràn đầy
hình ảnh yếu đuối. Bởi ai có thể yếu đuối hơn em bé sơ sinh ? Ai sẽ yếu
đuối hơn người tử tội trần truồng bị căng thây trên thập giá ? Và liệu
chúng ta có thể tìm được hình ảnh nào yếu đuối hơn con người yếu đuối của Thiên
Chúa lúc sinh ra làm người và khi chết như người có tội ?
Mầu nhiệm
nhập thể là mầu nhiệm Thiên Chúa đi vào phận người yếu đưối để mang lấy gánh nặng
yếu đuối của con người. Một Thiên Chúa toàn năng, một Thiên Chúa tuyệt đối vinh
quang, một Thiên Chúa chủ tạo trở nên yếu đuối tận cùng trong tay
con người : em bé trong tay mẹ và tử tội trong tay lý hình.
Sở dĩ người
ta khó chấp nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa, tin Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, tôn
thờ, phụng sự Đức Giêsu như Thiên Chúa chính là vì Đức Giêsu đã không tỏ mình
là "Thiên Chúa các đạo binh", Thiên Chúa uy nghi, dũng
mạnh, Thiên Chúa ngự giữa các thiên binh, với trời đất đầy vinh quang, uy lực ;
trái lại, Ngài đã mặc lấy tất cả yếu đuối của con người, trừ tội lỗi. Khi nói "mọi
yếu đuối", chúng ta không khấu trừ, giảm bớt nơi Ngài bất cứ yếu đuối
nào của loài người, bởi vì Ngài đã muốn nếm hết mọi yếu đuối, chia sẻ mọi yếu
đuối, gánh vác mọi yếu đuối của một con người yếu đuối nhất của loài
người: sinh ra yếu đuối, không nhà cửa (Lc 2,6), làm người tỵ nạn yếu đuối bên
Ai Cập (Mt 1,13-15), sống đời nghẻo khó ẩn dật Nadarét (Lc 3,51), chịu ma qủy
cám dỗ trong sa mạc (Lc 4,1-13), bị xua đuổi, đe doạ, nguyền rủa, truy lùng,
ném đá (Ga 12,45-54 ; 11,31-39), bị môn đệ phản bội, bán đứng, khước từ
(Lc 22,47- 60), bị tra tấn (Ga 19,1), bị kết án tử hình đóng đinh vào thập giá
(Ga 19,15-17), chịu chết tức tưởi, ô nhục trước mắt mọi người (Lc
23,44-46).
Cuộc đời Đức
Giêsu qủa thực chỉ thấy toàn những yếu đuối, thua thiệt, đến nỗi môn đệ Phêrô
phài cáu gắt can gián khi Ngài báo trước sẽ phải lên Giêrusalem chịu chết (Mt
16,21-23). Dù không ngừng dậy dỗ : "Thầy đến để phục vụ, và
đường theo Thầy là đường thánh giá vất vả, nhục nhằn", các môn đệ vẫn
không thể chấp nhận một Thiên Chúa yếu đuối, một Thiên Chúa rất yếu khi qùy rửa
chân cho con người. Phêrô đã chẳng cuống cuồng khi Đức Giêsu qùy
trước mặt ông, rửa chân ông, rồi âu yếm hôn chân ông đó sao ? (Ga 13,4-9).
Các môn đệ đã chẳng bực bội vì Thầy mình qúa yếu khi không sai lửa từ trời
xuống đốt ngôi làng đã không ân cần tiếp đón Thầy trò? Cả ở giờ cuối cùng
khi bị bắt trong vườn Cây Dầu, Phêrô đã chẳng xin Thầy ra tay tiêu diệt đốí
phương đang vây bắt khi ông rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thầy cả thượng
phẩm ? (Mt 26,51). Tất cả việc làm, và thái độ của Phêrô đã nói lên sự
thật, đó là các môn đệ đã không thể chấp nhận Đức Giêsu, Thầy mình là một Thiên
Chúa yếu đuối.
Cũng chính vì
những yếu đuối của Thiên Chúa trong Đức Giêsu mà người ta rất khó đón nhận Tin
Mừng, vì Tin Mừng đi song đôi với thập giá là biểu tượng của yếu đuối, hình ảnh
của thất bại, và hình phạt cực kỳ ô nhục. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm điều này
khi Ngài viết : "Trong khi người Do Thái đòi hỏi điềm thiêng,
dấu lạ, người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một
Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận,
và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù
là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của
Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài
người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa hơn hẳn cái mạnh mẽ của nhân loại"
(1Cr 1,22-25) .
Với xác
tín : yếu đuối của Thiên Chúa hơn hẳn sức mạnh của loài người, thánh
Phaolô đã khẳng định Thiên Chúa đã dùng yếu đuối của con người để nên sức mạnh
cho con người yếu đuối. Sự yếu đuối của con người từ nay có Thiên Chúa chia sẻ
nên không còn yếu, còn đuối, trái lại, sức mạnh thật của con người không thể
tìm ở đâu khác, ngoài yếu đuối của thập giá Đức Giêsu.
Mầu nhiệm yếu
đuối của Thiên Chúa là mầu nhiệm cực sốc, gây nhiều xì- căng- đan, ngay cả đối
với người tín hữu, bởi một Thiên Chúa yếu đuối là điều không thể hiểu nổi, một
ý niệm kỳ dị khó cam, một thực tại gay go, khó nuốt, bởi chẳng ai
muốn Thiên Chúa của mình yếu đuối , nhưng luôn mơ, luôn đợi chờ một
Thiên Chúa quyền năng, đầy uy lực.
Vì thế, đối
diện với Đức Giêsu, Thiên Chúa yếu đuối như "chiên gánh tội",
như "người tôi tớ đau khổ của Giavê", như tội nhân trên
đường đến nơi thi hành án, người Kitô hữu không khỏi run rẩy trước mầu nhiệm
tình yêu của Thiên Chúa : Bởi vì yêu con người yếu đuối, mà Thiên Chúa đã
trở nên yếu đuối như con người ; bởi thương con người yếu đuối, mà Thiên
Chúa đã tự trút bỏ hết vinh quang, quyền lực để nhỏ bé, yếu đuối như
con người nhỏ bé nhất giữa loài người. Mầu nhiệm của yếu đuối hệ tại tình yêu
Thiên Chúa dành cho con người, bởi nếu không có tình yêu, yếu đuối nơi Thiên
Chúa không mang một giá trị, ý nghiã nào.
Giáng Sinh,
muà hồng ân cứu độ sắp đến, nhưng là hồng ân cứu độ từ một Thiên Chúa làm người
yếu đuối, nhỏ bé trong máng cỏ. Thiên Chúa đã không đến với con người qua những đại
lộ huy hoàng, hay trong gia đình quyền qúy, nhưng đã chọn "phận
hèn nữ tớ" Maria làm mẹ, chọn nghèo khó, chật vật, thiếu thốn làm
nếp nhà, nếp sống để không ai có thể yếu đuối hơn "Thiên Chúa làm
người, Đấng ở giữa chúng ta". Sự lựa chọn phận người yếu đuối của
Thiên Chúa là biểu chứng tình Thiên Chúa gửi trao con người, một khối tình
nhiệm lạ khi muốn trở nên như người mình yêu, một khối tình tuyệt đối khi xuống
thẳm sâu tận cùng để nâng dậy, và cứu chữa con người vì tội lỗi đã
trở nên yếu đuối (Rm 3, 9 -18).
Thực vậy,
Thiên Chúa trong Đức Giêsu đã trở nên yếu đuối trong mầu nhiệm Nhập Thể để con
người được trở thành con Thiên Chúa, đã yếu đuối trong mầu nhiệm Cứu Độ khi
hiến mình chịu chết để mọi người được cứu sống (Dt 2,9). Sự yếu đuối của Thiên
Chúa là sức mạnh của chúng ta (2 Cr 12, 9-10), "vì
Thiên Chúa của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những yếu đuối
của ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện như ta, nhưng không phạm
tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để
được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần" (Dt 4,15-16).
Tập chia sẻ "Yếu Đuối của Thiên
Chúa" là lời tuyên xưng Đức Tin vào Đức Giêsu, Thiên Chúa yếu đuối trong
hình hài trẻ thơ ở Bêlem, Thiên Chúa yếu đuối khi qùy xuống rửa chân cho con
người, Thiên Chúa yếu đuối trước toà án Philatô, Thiên Chúa yếu đuối giữa rừng
người phẫn nộ, điên cuồng đả đảo "Đóng đinh nó vào thập giá", Thiên
Chúa yếu đuối lê từng bước nhọc nhằn dưới sức nặng của thập giá trên đường lên
núi Sọ, Thiên Chúa yếu đuối bị lột trần truồng trước mặt quan quân,
Thiên Chúa yếu đuối thì thào "Tôi khát" giờ hấp hối, Thiên Chúa yếu
đuối trong tận cùng cô đơn khi tắt thở trên thập tự, Thiên Chúa yếu đuối không
thể tự mình xuống khỏi thập giá, Thiên Chúa yếu đuối phải nhờ vào
lòng tốt của con người để có nấm mồ an nghỉ.
Đây cũng là
lời tỏ tình của tâm hồn thống hối trước Thiên Chúa là Tình yêu, khi nhận ra yếu
đuối của Thiên Chúa đã ôm lấy yếu đuối của con người tội lụy, yếu đuối của
Thiên Chúa đã thánh hoá yếu đuối của con người sa ngã, và làm cho con người yếu
đuối trở nên mạnh mẽ trong ơn Ngài.
Ước gì mầu
nhiệm yếu đuối của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô được mọi người đón nhận, bởi
Thiên Chúa đã chọn yếu đuối làm sức mạnh, chọn thân phận yếu đuối làm đường lối
cứu độ, và tự đồng hoá chính mình với những con người yếu
đuối nhất.
Qúy độc giả vui lòng đọc chương kế
tiếp!