Pages - Menu

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

Hãy RA KHƠI



Hãy RA KHƠI 
Giữa dòng đời, bên dòng người, trên dòng sinh mệnh, có người gọi anh chị và tôi “Hãy Ra Khơi”!
Người ấy tên Giêsu, quê Nadarét.
Gọi chúng ta Ra Khơi, Ngài mời chúng ta đi theo Ngài, ở với Ngài, vì không bao giờ Ngài bỏ chúng ta Ra Khơi một mình, mà thiếu Ngài trên thuyền.
RA KHƠI với Đức Giêsu trước hết là RA KHỎI những gì mình gắn bó, ham muốn, thèm thuồng, tìm kiếm :  Cái Tôi danh- lợi- thú. Ra Khơi như thế là ra khỏi mình, ra khỏi đời mình, ra khỏi không gian tù túng của mình, ra khỏi nhà mình, ra khỏi khu xóm mình, ra khỏi những thành kiến, định kiến, thiên kiến của mình, nhất là ra khỏi pháo đài ích kỷ, trục lợi, hưởng thụ của mình để đến với người khác.
Ra Khơi với Đức Giêsu còn là ra khỏi vũng lầy kiêu căng, hố sâu tự mãn, hang động giả hình để thả đời mình nhẹ trôi trong đại dương Lòng Thương Xót.
RA KHƠI  với  Đức Giêsu là RA XA tận chân trời góc biển, ra xa đến vùng ngoại biên tít tắp, không bờ bến, ở đó chỉ có thể  tìm “an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu”[1], bởi ở vùng xa nước độc, hoang sơ, mọi rợ này, sẽ chẳng có ai hiểu được mình để có thể yêu mến, ủi an.
RA KHƠI với Đức Giêsu là RA SÂU tận thăm thẳm hiểm nguy, đe dọa, ở đó chỉ còn một mầu đen rùng rợn của nước và cơn giận khủng khiếp của sóng dữ bạc đầu.
RA KHƠI với  Đức Giêsu là RA ĐI đến một nơi không biết trước, nên không chuẩn bị, định hình, tính toán được gì. Ra đi như thế không khác gì “đường đi không đến”, bởi nào có biết sẽ đi đâu, ngoài đi theo một Con Người.
Như thế, Ra Khơi không dễ chút nào, vì phải từ bỏ rất nhiều; không hấp dẫn chút nào, vì phải thiệt thòi không ít; không ngon lành chút nào, vì thường phải ngậm đắng nuốt cay, nên Ra Khơi đòi nhiều hy sinh, đòi hy sinh nhiều. Nhưng đứng trước hy sinh quên mình, hy sinh bỏ mình, hy sinh mất mình, hy sinh thiệt mạng,  là người, hỏi ai không run sợ?
Không sợ sao được khi phải bỏ quên địa vị, danh dự, uy tín để  Ra Khơi làm đầy tớ, nô bộc cho anh em mình, vì  “Tôi đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28). Không sợ sao được khi phải từ bỏ quyền lực, thế lực, uy lực, kể cả vũ lực để Ra Khơi “vâng phục và vâng phục cho đến chết” (Pl 2, 8). Không sợ sao được khi phải tự đánh mất mình, tự thí mạng sống mình để Ra Khơi cho người khác “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).Không sợ sao được khi phải giã từ tháng ngày ăn chơi, buông thả để lặng lẽ, bé nhỏ Ra Khơi “vác thánh giá mình” và thánh giá  người khác.
Vì thế, mời gọi chúng ta Ra Khơi, Đức Giêsu cũng kêu gọi chúng ta “Đừng Sợ”, bởi Ngài biết tất cả chúng ta đều sợ hy sinh, đều do dự, ngao ngán, run rẩy trước mất mát, thiệt thòi. Và để chúng ta đừng sợ, Ngài luôn có mặt trên con thuyền Ra Khơi và khẳng định : “Thầy đây, chúng con đừng sợ!” (Mt 14, 27), và “Thầy ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Ra Khơi như thế chính là cuộc Vượt Qua không ngơi nghỉ: vượt qua cái tôi khép kín, ích kỷ để đến với tha nhân; vượt qua ganh ghét, hận thù để tìm về yêu thương, tha thứ; vượt qua cuộc sống vô thường, tạm bợ, hữu hạn, để vào đời sống vĩnh hằng, vô hạn; vượt qua tội lỗi đến với ân sủng; vượt qua đất nô lệ đi vào đất Thiên Chúa hứa; vượt qua tự nhiên  đến với siêu nhiên; vượt qua thế giới hữu hình đến với thế giới vô hình; và đích điểm của cuộc Vượt Qua - Ra Khơi là được gặp chính Thiên Chúa, Hạnh Phúc của mọi hạnh phúc, Nguồn Vui của mọi niềm vui, Nguồn Sống của mọi sự sống.
Qủa thực, Ra Khơi vất vả và nguy hiểm, vì đòi Ra Khỏi, Ra Xa, Ra Sâu, Ra Đi, và đòi Vượt Qua không ngơi nghỉ, không sợ hãi. Nhưng lạ lùng thay! Không ít người đã theo Đức Giêsu  ra  khơi, vì “Ngài nhẹ như giọt sương đem yêu thương đến với trần đời, và ngọt như nắng mới gieo thắm tươi lên từng ngày tháng”[2]; không ít con tim đã căng buồm ra khơi với Đức Giêsu, vì “Ngài đẹp như mùa xuân trời hồng ân ngát xanh tuyệt vời, toả ngàn nơi sắc hương tràn đầy”[3]; không ít bàn chân đã mạo hiểm ra khơi với Đức Giêsu, vì “Ngài về trao niềm vui cho đôi môi tiếng hát rộn ràng, buông ánh sáng xóa tan đêm dài mờ tối”[4]; không ít cuộc đời đã liều lĩnh bồng bềnh ra khơi với Đức Giêsu, vì “Ngài là biển khơi chẳng cạn vơi xót thương mặn nồng”[5]. Và như không ít những người đã theo Đức Giêsu ra khơi, chúng ta cũng có đủ lý do để lên đường ra khơi với Ngài.Vấn đề là chúng ta có nhận ra mênh mông của tình Ngài qua bao la của đại dương, khôn lường của ơn Ngài qua thăm thẳm của đáy sâu biển cả, tuyệt đối của lòng Ngài xót thương qua tít tắp cao vời của trời xanh khôn ví ? 
Vâng, chính Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta Ra Khơi với Ngài, như đã kêu gọi các tông đồ bên biển hồ Galilê năm xưa :  “Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người” (Mt 4, 19), “Hãy chèo thuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới” (Lc 5,4), “Hãy cùng Tôi qua bờ bên kia” (Mc 4,35), Hãy cùng tôi căng buồm Ra Khơi.
Được Đức Giêsu kêu gọi Ra Khơi với Ngài, anh chị và tôi sẽ bỏ mọi sự mà theo Ngài như Simôn, Anrê, Giacôbê và Gioan (Mt 4, 18-22; Lc 5,11) hay sẽ ngần ngại, do dự, xin phép về suy nghĩ, hoặc “buồn rầu bỏ đi”, như người thanh niên giầu có, nhiều của cải trong Tin Mừng ( x. Mt 19,16-22)? 
 Jorathe Nắng Tím


[1] KINH HÒA BÌNH, Thánh Phanxicô Assisi
[2] BÀI CA LỬA CHÁY, Thông Vi Vu
[3] BÀI CA LỬA CHÁY, Thông Vi Vu
[4] BÀI CA LỬA CHÁY, Thông Vi Vu
[5] BÀI CA LỬA CHÁY, Thông Vi Vu