Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

TIN MỪNG BÉ NHỎ


                                            
TIN MỪNG BÉ NHỎ
    Nếu Đức Giêsu ở Việt Nam dịp tết Trung Thu, thì thế nào Ngài cũng đi rước đèn với thiếu nhi, vì Ngài rất yêu trẻ và không ngừng nói với mọi người : “Hãy để trẻ em  đến với Tôi,  đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (Mt 19, 13-15) ; và “nếu anh em không trở nên như trẻ  nhỏ, thì sẽ chẳng vào được Nước Trời” (Mt 18,3).
   Thời Đức Giêsu, trẻ em cũng như phụ nữ không được coi trọng như bây giờ. Chẳng thế mà Tin Mừng đã không kể đàn bà, con nít vào số những người được ăn bánh, trong những lần Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều (Mt 16, 38). Nhưng tâm thức của thời đại chúng ta hôm nay thì hoàn toàn khác, như ở các nước Âu Mỹ : trẻ em số một, phụ nữ số hai, chó số ba, đàn ông số bốn.
    Không có chỗ đứng ưu tiên trong xã hội, trẻ em phải làm việc rất sớm, ít được đến trường và đi đến đâu cũng bị người lớn mắng nhiếc, xua đuổi, như các môn đệ Đức Giêsu đã la rầy các em khi chúng kéo nhau đến để được Đức Giêsu đặt tay chúc lành (Mt 19,13).
    Qủa thực, Đức Giêsu rất yêu qúy trẻ nhỏ và không ngừng nhắc nhở mọi người phải trở nên giống như chúng. Ngài nhìn thấy ở trẻ nhỏ  những đức tính cần thiết để được nhận làm công dân Nước Trời. Ngài gặp ở trẻ nhỏ những điều kiện không thể thiếu để nhập tịch làm công dân của vương quốc Thiên Chúa. Chính vì thế, Đức Giêsu muốn tất cả mọi người “cải lão hoàn đồng”, trở lại làm trẻ thơ, nếu không sẽ chẳng vào được đất nước của Ngài (Mt 18,3) :  
1.   Trở nên như trẻ nhỏ là khiêm tốn  cần đến mọi người
   Ở đời ai cũng muốn làm lớn, muốn có quyền trên người khác, muốn nhiều thế lực để thực hiện hoài bão, ước mơ, chương trình của riêng mình. Đi tu hay ở ngoài đời, người ta đều bị cơn cám dỗ “làm lớn” này ám ảnh, bủa vây. Dưới nhiều bình phong, bằng nhiều lý lẽ, qua nhiều công đọan, với đủ mánh khóe, người ta tìm cho mình cơ hội làm lớn, làm to, như các môn đệ Đức Giêsu đã nhiều lần  tỵ nạnh, lườm nguýt nhau chỉ vì muốn mình là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18,1), muốn mình ngồi bên phải, bên trái ngai vàng trong vương quốc của Thầy (x. Mt 20, 20-28). Và cho đến tận thế, cơn cám dỗ quyền lực ấy vẫn liên tục tiếp diễn trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội, vì lòng ganh ghét, háo danh, hám lợi luôn nằm phục ở cửa tâm hồn mỗi người.
   Chính ham muốn danh vọng thúc đẩy chúng ta tranh giành, đấu đá với người khác để  có chỗ đứng cao hơn người, có quyền sai phái người, có uy lực thưởng phạt người. Và vì có quyền, có thế, có uy lực, ta dễ kiêu căng, tự mãn, tự phụ  khi tự cho mình là tất cả, có tất cả, chẳng cần ai. 
       Đức Giêsu, trước những cãi cọ “được - thua, trên- dưới, cao -thấp, lớn- nhỏ” của các môn đệ đã trả lời : “Ai tự hạ và coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18,4).
       Như thế, không ai còn thắc mắc người lớn nhất trong Nước Trời sẽ là những người trở nên như trẻ nhỏ. Và sở dĩ trẻ nhỏ nhất trở nên người lớn nhất, bé nhỏ nhất trở nên lớn lao nhất là vì tự hạ mình và coi mình không là tất cả, không có tất cả, nhưng cần mọi người.
    Đức Giêsu  chọn trẻ nhỏ làm mẫu người lớn nhất trong Nước Trời, vì trẻ nhỏ :
a.   Khiêm tốn, không coi mình là tất cả :
      Không coi mình là tất cả, vì trẻ nhỏ còn đi trên đường hình thành, nghiã là còn phải tập tành, học hỏi, thao dượt để  bước đi vững hơn, chạy nhẩy nhanh hơn, ăn uống điều độ hơn, nói năng sõi sàng hơn, quan sát chính xác hơn, học hành chăm chỉ hơn, suy nghĩ  hợp lý hơn, nhất là chọn lựa đúng đắn hơn. Trẻ nhỏ chưa là thanh niên, cũng chưa thành niên làm người lớn, nhưng mới chỉ là trẻ con : non người trẻ dạ ; vẫn là con trẻ : bé bỏng, yếu đuối, ngây thơ.Vì thế, trẻ nhỏ biết mình không là gì để dám đối mặt với đời, mà luôn cần cha mẹ, gia đình ủ ấp, chở che. Trẻ nhỏ  biết mình không là gì, nên không dám nghĩ sẽ tự  làm được  những điều mình muốn, nhưng khiêm tốn nhờ cậy mọi người để tồn tại. Thiếu sữa mẹ nuôi dưỡng, thiếu săn sóc, chăm nom, thiếu tình yêu bao bọc, trẻ nhỏ biết mình không thể hiện diện và phát triển trong thế giới loài người.
     Khi biết mình không là gì, trẻ nhỏ bầy tỏ sự tín thác nơi người chung quanh, gần nhất là cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Lòng tín thác là thái độ rất tự nhiên và hồn nhiên của trẻ nhỏ  đối với người khác, khi chúng đơn sơ tin tưởng, đơn sơ cầu cứu, đơn sơ đón nhận và cũng đơn sơ cho đi, bởi nhận thấy mình không là gì để phải mắc cở khi nài xin, phải mất mặt khi cầu cứu, phải mất thế khi phó thác, cậy nhờ.
     Khác người lớn với ý nghĩ mình đã lớn, và cám dỗ ỡ tôi phải làm lớn ữ, trẻ nhỏ vui với tuổi thơ bé nhỏ  và không mơ gì khác hơn là được mãi bé nhỏ trong vòng tay yêu thương của mẹ cha và mọi người. Hạnh phúc của em nhỏ là được ở bên mẹ, bên cha, gần gũi, xum vầy với anh chị, gia đình. Và chính vì bé nhỏ, chưa là gì, nên trẻ nhỏ  dễ dàng khiêm tốn nhận tất cả và  trao tặng tất cả, bởi với trẻ nhỏ : tất cả đều là hồng ân.
b.   Khiêm tốn, không coi mình có tất cả :
    Người  lớn thường tự mãn, khi coi mình có tất cả, nhất là khi nắm quyền trong tay, của cải dư đầy. Thái độ tự mãn biểu lộ ý nghĩ bất cần đời, bất cần người. Không cần ai, tôi cũng thành công ; không cần ai, tôi cũng làm được mọi sự ; không cần ai, tôi cũng sống.
    Trẻ nhỏ thì không. Chúng cần mọi người, nên thân thiện với mọi người, và để mọi người thân thiện. Cần mọi người, vì không coi mình sở hữu tất cả, nên trẻ nhỏ không ngại xin người khác cho mình những gì chúng chưa có, hay đang cần, nhưng đồng thời cũng cho mọi người những gì chúng có. Khiêm tốn vì thế luôn đi đôi với quảng đại như kiêu căng thường cặp đôi với hà tiện, bủn xỉn.
    Biết mình không có tất cả, trẻ nhỏ cậy nhờ vào những gì người khác có và khiêm tốn đón nhận. Nhiều người lớn nhận sự giúp đỡ của người khác, nhưng không nhận với thái độ khiêm tốn của trẻ nhỏ. Để có thể nhận từ người khác những gì chúng ta cần với niềm vui, điều tiên quyết chúng ta phải có, đó là lòng khiêm tốn, bởi không khiêm tốn, chúng ta sẽ bực bội, khó chịu, và đặt mình trong tình trạng bất đắc dĩ phải nhận. Thái độ này không đem lại hạnh phúc cho người được nhận, nhưng đẩy họ vào vũng lầy của đối kháng, so bì, ghen ghét, phẫn nộ, mặc cảm tự ti.
      Vì thế, để đón nhận tất cả như hồng ân, chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ biết mình không là gì,  không có gì, nhưng cần tất cả ở mọi người, để  không mặc cảm khi nhận lãnh, không ghen tuông khi được cho, không tham lam, phẫn nộ  khi  chưa có. Và tất nhiên, Thiên Chúa, nguồn mọi hồng ân sẽ là nơi nương náu của những ai sống khiêm nhường như trẻ nhỏ.
       Thực vậy, khiêm tốn là đặc tính của trẻ nhỏ, và nhờ khiêm tốn, trẻ nhỏ nhận được tất cả : nhận được  cưu mang, giúp đỡ;  nhận được dìu dắt, đào tạo; nhận được yêu thương, nâng đỡ; nhận được tha thứ, ủi an. Khiêm tốn đem lại lòng tín thác và niềm hy vọng; khiêm tốn mở cửa lòng mình, đồng thời mở trái tim người cho một tương quan tốt đẹp được xây trên đá. Và quan trọng hơn cả, khiêm tốn luôn làm chạnh lòng Thiên Chúa và là chià khóa mở cửa Nước Trời, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, yêu thương người khiêm nhường và chọn người bé nhỏ nhất là người lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18, 4).
2.   Trở nên như trẻ nhỏ là trung thực trong mọi sự:
  Trẻ nhỏ được thương nhiều vì khiêm tốn, đơn sơ, nhưng cũng  được nhiều người thương, vì trẻ không biết nói dối, biạ chuyện, điêu ngoa. Gặp đứa bé “ba sạo”, chuyên nói dối, chúng ta cảm thấy bị xúc phạm nặng nề, vì đối với người lớn, tuổi thơ không được phép nói dối, trẻ nhỏ không được  gian ngoa, và không thể có chỗ cho gian trá, xảo quyệt trong trái tim thơ bé.
      Trẻ nhỏ nói dối là tai hoạ của xã hội; trẻ em đặt điều, buôn chuyện là điềm dữ cho tương lai, nên đã là trẻ thì không thể không hồn nhiên, không trung thực. Biết gì nói nấy, có sao nói vậy là việc làm của trẻ, nên ở đâu và thời nào, người ta đều tin vào tính trung thực của trẻ nhỏ, như chúng ta thường nói: “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, vì trẻ không biết nói dối, thêu dệt, vẽ vời, thêm thắt, đặt chuyện để phỉnh lừa, gạt gẫm.
     Trung thực là đức tính quan trọng để trở thành người tử tế, đồng thời là điều kiện để làm con Thiên Chúa, vì “ai giả dối, điêu ngoa, người ấy thuộc về ma qủy”, bởi ma qủy là loài gian dối.  Ma qủy gian dối trong mọi sự, lừa đảo, gạt gẫm mọi người trong mọi tình huống, nên khi không trung thực, người ta chỉ có thể hoặc đã sập bẫy ma qủy, hoặc đang làm tay sai cho chúng.
     Đức Giêsu kêu gọi mọi người trở nên trẻ nhỏ, không chỉ trong tinh thần khiêm nhường, mà còn trong đòi hỏi phải trung thực: trung thực trong tư tưởng, lời nói, việc làm; trung thực với Thiên Chúa, với người khác và với chính mình. Người không trung thực sẽ biến thái thành người giả hình với đủ kích cỡ mặt nạ bên ngoài, để che dấu những sự thật bất ổn, bất chính bên trong.
       Đức Giêsu trong Tin Mừng lên án rất gắt gao những kẻ giả hình, vì người giả hình là người không còn khả năng đón nhận chân lý, khi từ chối đón nhận sự thật và để được sự thật giải phóng. Hơn thế nữa, Thiên Chúa là Đường, là Sự Thật, nên gian dối không ở  trong vùng ánh sáng của chân lý, và những tâm hồn không trung thực sẽ không thể đón nhận ánh sáng cứu độ của Ngài.   
     Chúng ta đang sống trong một xã hội tràn ngập gian dối và người nói dối thì ngày càng nhiều, không sao đếm nổi. Nói dối hôm nay không còn được coi là một điều xấu, tật xấu, nết xấu cần phải sửa đổi, nhưng nói dối nghiễm nhiên trở thành một bí quyết sống, bởi không nói dối sẽ không sống được, khi hầu như mọi người trong xã hội mặc nhiên chấp nhận sinh hoạt gian dối, sống gian dối, làm gian dối. Một xã hội không nói dối không sống được, không làm dối không có tiền, không lừa dối không đem về lợi nhuận, không giả dối không thành công, không gian dối không tạo được phe cánh. Giữa một xã hội không còn qúy trọng lòng trung thực, không còn đánh giá cao người nói thật như vừa kể, thì lời kêu gọi trở nên trẻ nhỏ để được vào Nước Trời của Đức Giêsu chẳng khác nào tiếng kêu lạc lõng trong sa mạc.    
3.   Trở nên như trẻ nhỏ là dễ thương, hiền lành :
      Ma qủy là chuyên viên của kiêu căng, xảo quyệt, ganh ghét và  hung bạo. Câu chuyện Cain giết em mình là Aben đã đi theo tiến trình này: Cain kiêu căng vì muốn mình là số một, nên ganh ghét Aben khi của lễ của Aben được Thiên Chúa khứng nhận.Vì ganh ghét, Cain lừa gạt Aben ra đồng, và hung bạo ra tay giết chết em mình (x. St 4, 1-8).
      Đây là tiến trình bình thường và quen thuộc của tội lỗi: khởi đi từ tính kiêu căng, con người sinh ra ganh ghét; vì ganh ghét nên phải tiêu diệt đối phương bằng bầy ra những chiêu lọc lừa hầu đưa đối phương vào bẫy.
     Đức Giêsu mời gọi mọi người tránh xa cạm bẫy của Satan bằng mặc lấy tinh thần của trẻ thơ là khiêm tốn, trung thực và hiền lành. Hiền lành là hoa trái của khiêm nhường và trung thực, bởi người kiêu căng khó có thể hiền hậu, nhu mì, vì tính kiêu căng thúc đẩy họ ngông nghênh, ngang tàng, phách lối, dữ tợn, hung bạo.Người kiêu căng, tự cao tự đại dễ coi trời bằng vung, nhìn người khác như củ khoai. Họ khó có thể hiền, vì kiêu căng đòi hung bạo; khó có thể lành, vì tự mãn thúc giục nhẫn tâm; khó có thể nhu mì, nhẫn nại vì háo thắng biến con người họ nên tàn bạo. 
      Trở nên như trẻ nhỏ vì thế còn đòi phải hiền lành, hiền hậu. Trở nên như trẻ nhỏ hiền lành để được gọi là người dễ thương; nên như trẻ nhỏ hiền hậu để được kể là người dễ mến, bởi  hung dữ, tàn bạo, độc ác, dữ dằn sẽ chẳng bao giờ được người khác mến,Thiên Chúa thương, và Nước Trời mở rộng đón tiếp.   
      Trung Thu năm nay thế nào cũng có Đức Giêsu ở giữa các em thiếu nhi đi rước đèn. Lấp lánh từ xa những ánh nến lung linh tuổi thơ khiêm tốn, trung thực, hiền lành, và văng vẳng tận trời xa tiếng hát bé thơ  trong xanh  lẫn trong tiếng cười trẻ thơ hồn nhiên, rộn rã.
      Và Thiên Chúa đang đi giữa tuổi thơ thiên đàng ! 
Jorathe Nắng Tím