Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

NIỀM VUI CỦA NGƯỜI KITÔ HỮU


Tôi vẫn thắc mắc tại sao Đức Giêsu đã đến trong thế giới và loan báo một tin rất vui: “Người nghèo được loan báo Tin Mừng, kẻ bị giam cầm biết họ được tha, người mù biết họ được sáng mắt, người bị áp bức  được trả lại tự do, kẻ khóc than được an ủi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não, và mọi người bước vào thời  hồng ân của Thiên Chúa” (x. Is 61,1-3 ; Lc 4,18-19), mà sao tôi vẫn không vui?
Vâng, tôi biết rất rõ, không chỉ đến thời Đức Giêsu mới có Tin Vui, nhưng từ ngàn năm trước, Tin Vui đã được hô lớn trên mái nhà từ miệng các ngôn sứ: Isaia thì kêu gọi: “Các bạn hãy mừng vui, đến múc nước tận nguồn ơn Cứu Độ. Vì đây chính là Thiên Chúa cứu độ tôi, tôi tin tưởng và không còn sợ hãi” (Is 12, 2-3). Giêrêmia thì “Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào, và Lời Ngài làm cho con hoan hỷ, vui mừng” (Gr 15,16). Nêkhêmia thì rủ rê “Anh em về ăn thịt béo, uống rượu ngon... Vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Chúng ta đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10). Tác giả thánh vịnh thì không ngừng ca hát, gảy đàn dâng câu cảm tạ “Khi tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con” (Tv 43,4), và “Trước Nhan Thánh, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv 16,11). Đến như ông Gióp, người bị Thiên Chúa thử thách có lúc đã phải thốt lên: “Phải chi ai cân được nỗi sầu của tôi, và đặt lên bàn cân nỗi đau tôi phải chịu” (G 6,2) cũng vẫn tin tưởng nói với mọi người: “Thiên Chúa sẽ lại cho miệng anh rộn rã tiếng cười, và môi anh vang khúc hoan ca” (G 8,21).   
Tôi cũng đọc nhiều niềm vui trong Tân Ước.
Tôi đọc niềm vui của Đức Giêsu khi chia sẻ niềm vui với các tông đồ: “Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy” (Ga 15,11); niềm vui khi “Được Thánh Thần tác động, hớn hở vui mừng và nói: “Lậy Cha, con ngợi khen Cha... vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Lc 10,21); niềm vui của người chăn chiên tìm được con chiên bị lạc mất: “Người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó” (Lc 15,5- 6).
Tôi đọc niềm vui của Đức Maria trong kinh Tán Tụng Magnificat, niềm vui của người Kitô hữu đầu tiên, hoàn hảo tuyệt vời: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần khí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1,47).
Tôi đọc niềm vui của các môn đệ trở về sau những ngày truyền giáo, hớn hở kể: “Thưa Thầy, nghe danh Thầy, cả ma qủy cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10,17), và niềm vui ấy được nhân lên gấp bội khi được Thầy cho biết: “Chúng con hãy vui mừng, vì tên chúng con đã được ghi trên Trời” (Lc 10,20).
Tôi đọc niềm vui của Maria Mácđala và các bà khác buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần khi thiên thần lên tiếng bảo: “Chúa không còn ở đây nữa, nhưng Ngài đã sống lại như lời Ngài đã hứa” (Mt 28,6), và “Các bà đã vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay” (Mt 28,8).
 Tôi đọc niềm vui của ông Dakêu “Vội vàng tụt xuống” từ cây sung và “Mừng rỡ đón rước” Đức Giêsu vào nhà mình  (Lc 19,6).
Tôi đọc niềm vui của những người bệnh được Đức Giêsu chữa lành (Mc 6,53-56), những người bị qủy ám được phục hồi (Mc 5,18-20), những em bé được Ngài âu yếm, bồng ẵm (Mc 10, 16), nhất là thân nhân của những người đã chết được Ngài cho sống lại (Ga 11, 1-44).
    Tôi cũng đọc niềm vui của hàng ngàn người đang đói được ăn no nê khi Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều (Mc 6,30-44). Tôi còn đọc niềm vui lớn lao đến chết lặng của người phụ nữ ngoại tình bị mấy ông cảnh sát tôn giáo đột nhập bắt qủa tang (Ga 8, 2-11), cả đến niềm vui khôn tả của anh gian phi chịu đóng đinh cùng Đức Giêsu được Ngài hứa ban “Nước Trời ngay hôm nay” (Lc 23,39-43).
 Và tôi đã không ngớt đọc niềm vui được yêu thương, tha thứ, ủi an, cứu độ trên môi mắt, trong trái tim của biết bao nhiêu người thuộc đủ mọi sắc dân, thành phần, trình độ trong Tin Mừng. Họ có thể khác nhau vì giầu nghèo, có đạo hay ngoại đạo, bản xứ hay nước ngoài, trí thức đầy mình hay bình dân học vụ, đại gia hay bần cố nông, đạo đức hay tội lỗi, nhưng tất cả đều chung niềm vui khi gặp gỡ, trò chuyện với Đức Giêsu. Không ai phải buồn hay còn buồn khi đến với Ngài và nghe Ngài nói. Nếu chẳng may phải buồn sầu như người thanh niên giầu có đã rầu rĩ bỏ đi vì không đủ can đảm và qủang đại bán hết của cải phân phát cho người nghèo như đề nghị của Đức Giêsu để được nên trọn lành (Mt 19,22), hoặc như đám Biệt Phái, Luật Sĩ bực dọc, khó chịu, mỗi lần gặp Đức Giêsu vì tâm địa các ông không ngay lành, trong sáng, nhưng luôn rắp tâm gài bẫy, đốn hạ, tiêu diệt Đức Giêsu vì ganh ghét và ích kỷ sợ mất ảnh hưởng, quyền lợi (Mt 26,3-4).  
 Đọc niềm vui ở Đức Giêsu và nhiều người trong Tin Mừng, tôi tự hỏi tại sao mình vẫn mãi không vui, dù có Đức Giêsu, vì mình là người Kitô hữu? Tại sao nhiều lúc cũng cố vui, tìm vui trong đời làm người có đạo, nhưng xem ra niềm vui ấy không hồn nhiên, sâu lắng, nhưng hời hợt, gượng gạo, nếu không muốn nói là giả tạo? Và tại sao niềm vui của tôi rất thời vụ, chóng vánh, ngắn ngủi và đa phần thời gian còn lại của cuộc đời đi theo Chúa chỉ thấy giăng mắc, chồng chất đủ mọi thứ buồn: buồn qúa khứ, buồn hiện tại, buồn thân phận, buồn người, buồn đời, buồn Chúa, buồn luôn chính mình?
 Nhìn lại quãng đời hơn sáu mươi năm, tôi giật mình tiếc nuối tháng ngày làm người Kitô hữu buồn nhiều hơn vui đã qua.

1. Tôi buồn vì đã không biết Thiên Chúa là Niềm Vui của tôi:
Thiên Chúa là Niềm Vui vì Thiên Chúa là Tình yêu, bởi Tình Yêu luôn làm con tim vui và “vui trở lại”, luôn mang đến niềm vui cho những người yêu nhau, vì hoa trái thơm ngon, tuyệt vời của tình yêu là niềm vui “được yêu và yêu”. Thiên Chúa yêu tôi, nên Ngài là Niềm Vui của tôi như các Thánh đã không ngừng hát trong thánh vịnh: “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thỏa, đối với tôi niềm vui là chính Chúa” (Tv 104,34), và nếu tự bản tính, Thiên Chúa đã không thể là gì khác ngoài Tình Yêu, thì đến đời đời Thiên Chúa vẫn mãi là Niềm Vui.
Niềm Vui của Thiên Chúa gắn liền với công trình tạo dựng của Ngài. Niềm vui ấy cũng ở trong công cuộc cứu độ: niềm vui khi Ngôi Lời giáng sinh với lời loan báo của thiên thần: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: “Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2,10-11); niềm vui cho người tội lỗi được tha thứ: “Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm được tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch tội” (Tv 32,1-2); niềm vui cho hết những ai được cứu độ: “Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ” (Tv 51,14); niềm vui cho ai ngước mắt chiêm ngắm Ngài: “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui mừng, hớn hở” (Tv 34,6); niềm vui và phần thưởng trên trời cho những ai nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khát khao công chính, có lòng xót thương, tâm hồn trong sạch, kiên tâm xây dựng hoà bình và chịu khốn khổ, bị nhục mạ vì Chúa (Mt 5,1-12); và hơn tất cả là niềm vui phục sinh, ở đó sự sống đã chiến thắng thần chết, Thập Giá đã chiến thắng hỏa ngục, để tất cả những ai “Đã nên một với Đức Kitô, nhờ được chết như Người đã chết, cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6,5). 
Nhận ra Thiên Chúa là Niềm Vui, Đấng muốn thông ban Niềm Vui của Ngài cho con người, Đấng tha thiết mời gọi mỗi người: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy để chúng con hưởng niềm vui của Thầy và niềm vui của chúng con được nên trọn vẹn” (Ga 15,10-11) là điều kiện thứ nhất để có niềm vui, vì không tin “Thiên Chúa là Niềm Vui”, tôi sẽ chẳng bao giờ được vui, vì tâm tư trĩu nặng một thiên chúa rầu rĩ, căng thẳng, bẳn gắt, dữ tợn, khó thương, khó gần; vì không cảm nhận Thiên Chúa là Niềm Vui, và “Niềm Vui của Thiên Chúa là Sức Mạnh của tôi” (Rm 15,13), tôi sẽ mãi lê lết nặng nề một đời Kitô hữu buồn chán, bất hạnh.

2.  Tôi buồn vì không biết Cộng Đoàn là niềm vui của tôi:
Trong ngày sinh nhật của Giáo Hội, “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,4), và ơn của Thánh Thần chính là Niềm Vui của Thiên Chúa phát xuất từ Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhờ niềm vui của Thiên Chúa, mà “Các tín hữu đầu tiên đã chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dậy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng... Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung... Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).
Cũng nhờ niềm xác tín Thiên Chúa là Niềm vui, mà các Tông Đồ và các tín hữu đầu tiên đã hăng hái làm chứng Đức Giêsu và chấp nhận mọi đau khổ, như các Tông Đồ bị Thượng Hội Đồng người Do Thái bắt bớ, đánh đòn, nhưng “Vừa ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan, vui mừng bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41).
Thực vậy, chính cộng đoàn gia đình, giáo họ, giáo xứ, giáo phận… nói tắt là Giáo Hội là nguồn vui của tôi, bởi chỉ ở trong cộng đoàn, cộng tác với cộng đoàn, gắn bó chia sẻ buồn vui, thăng trầm với cộng đoàn, tôi mới thấm thiá được Nguồn Vui là Đức Giêsu, Đầu của Thân Thể Giáo Hội, vì Giáo Hội là nhà của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa quy tụ tất cả những ai muốn đi theo Ngài và sống với Ngài niềm vui của tình yêu. Vì thế, tách rời khỏi cộng đoàn Giáo Hội, tôi khó có thể nuôi sống được niềm vui trong tôi, bởi Thiên Chúa ủy thác cho Giáo Hội sứ vụ thông ban tình yêu và niềm vui ơn cứu độ của Ngài. Thánh vịnh 122 và 133 đã mô tả hạnh phúc dạt dào, niềm vui ngất ngây của người tín hữu đi về nhà Chúa và hương vị  “Ngọt ngào, tốt đẹp “Khi” anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv133,1).

3.  Tôi buồn vì không biết chính tôi phải là Niềm Vui của người khác:
Tôi cũng khám phá ra rằng để cộng đoàn, người khác là niềm vui của tôi, tôi cũng phải trở nên niềm vui của cộng đoàn, và người khác. Tôi không thể chỉ một chiều ích kỷ, nghĩ cho mình, tìm kiếm mình, xử dụng cộng đoàn như phương tiện phục vụ tham vọng cá nhân, và sùng sục lục lọi đó đây niềm vui cho riêng mình. Trái lại, tôi phải ý thức mình có bổn phận trở thành niềm vui cho những người chung quanh, khởi đi từ những người thân cận nhất.
Niềm vui bao giờ cũng hai chiều: có người cho thì phải có người nhận, có người được yêu thì phải có người yêu, để cả hai được cùng trở thành người nhận và người cho, người yêu và người được yêu. Như thế mới vui, mới có niềm vui, vì niềm vui là hạnh phúc của mọi người trong cuộc, như tôi yêu cô ấy, nhưng cô ấy không đáp lại tình tôi, hay tôi tặng bạn món qùa ngày sinh nhật của bạn, nhưng bạn không nhận. Cả hai trường hợp đều không có niềm vui, không có người vui, bởi người muốn yêu không vui vì không yêu được, người được yêu cũng không vui, vì không muốn được yêu; cũng như thế, bạn không vui nên không nhận qùa, tôi chẳng vui vì bạn từ chối món qùa của tôi.
Với Giáo Hội, là người Kitô hữu, tôi còn thấy mình bị thúc bách bởi bổn phận của chi thể trong Thân Thể Giáo Hội, anh chị em của mọi người. Điều này nhắc tôi nhớ: tôi không thể lên thiên đàng một mình, về Nước Trời đơn độc, lẻ loi, hay đóng cửa phòng, đóng cửa lòng cô đơn huởng hạnh phúc. Tôi cũng phải biết niềm vui không bao giờ đến từ lòng ích kỷ, tính bon chen, ki cóp, nhưng đến từ lòng quảng đại như “Lời Chúa Giêsu dậy: cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35), và điều sau cùng tôi cần ghi lòng tạc dạ nữa, đó là niềm vui đích thực chỉ đến từ yêu thương phục vụ như người đầy tớ vô ích hớn hở, vui mừng vì đã chu toàn công việc phải làm của mình (x. Lc 17,7-10).
Qủa thực, tôi đã đi tìm niềm vui từ lâu, nhưng nay mới gặp, bởi tôi đã quên Thiên Chúa là Niềm Vui của tôi, Giáo Hội là Niềm Vui của tôi và chính tôi cũng là Niềm Vui của mọi người. Không ý thức và đáp ứng những điều kiện này, niềm vui sẽ chỉ lơ mơ, phất phơ, mơ hồ như bánh vẽ, huyền thoại, chuyện cổ tích, mà chưa bao giờ làm tươi da thắm thịt tôi, làm rạng rỡ nụ cười tôi, làm khấp khởi bước chân tôi, làm rạo rực con tim tôi, và nâng cao tâm hồn tôi lên với Chúa.
Lậy Chúa, hôm nay thì con đã hiểu, tuy muộn nhưng cũng còn vớt vát được ít năm tháng còn lại của đời làm người Kitô hữu. Con sẽ bám chặt lấy Chúa là Niềm Vui Cứu Độ, để niềm vui của con được trọn vẹn vì ở trong niềm vui của Chúa; để niềm vui của con được sâu lắng, không ai lấy được, vì có Chúa là Niềm Vui ở với con; để niềm vui của con được bền vững đời đời (Mt 25,21), vì trong Chúa con có niềm vui thiên đàng (Rm 14,17); để niềm vui của con mang đến cho mọi người Bình An và Hy vọng (Rm 15,13), vì chính Thánh Thần đổ tràn Niềm Vui của Chúa trong con (Gl 5,22). Và với lòng tín thác ở Chúa là Niềm Vui, con sẽ cố gắng từng ngày:
* Tin với niềm vui (Pl 1,25)
* Làm việc với niềm vui và chia sẻ niềm vui với mọi người (Pl 2, 14. 18).
* Đón nhận thất bại, đau khổ với niềm vui như thánh Tông Đồ Phêrô căn dặn: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Kitô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu” (1Pr 13).
* Cầu nguyện với niềm vui (Pl 1,4)
* Sống niềm vui, ngay cả khi yếu đuối, tội lụy, vì Chúa là Niềm Vui bao dung, tha thứ, luôn sẵn lòng ban lại Niềm Vui ơn cứu độ cho con.
Vâng lậy Chúa, ngay hôm nay, con sẽ cười tươi hơn, ý nhị hài hước hơn để mọi người được vui; con sẽ không trầm trọng, phức tạp vấn đề hay bối rối, vụng về hoặc ác ý “đổ dầu vào lửa” để bầu khí thêm căng thẳng, ngột ngạt, bế tắc. Và trong mọi việc, con sẽ lạc quan, nhẹ nhàng, thông thoáng, giản dị, đơn sơ, khởi lởi, dễ dàng hơn với mọi người, vì biết rằng ở mọi nơi, trong mọi lúc, với bất cứ hoàn cảnh nào, lòng thương xót của Chúa vẫn luôn bao phủ để hoá giải mọi sự, hoà giải mọi người, cho Niềm Vui cứu độ của Chúa tràn ngập đời Kitô hữu chúng con.
Jorathe Nắng Tím