Pages - Menu

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Mừng Kính Thánh Simon và Giuđa Tông Đồ

Hai thánh Tông Đồ Simon và Giuđa, còn gọi là Tađêô là hai vị ít “nổi đình đám” bên cạnh các thánh Tông Đồ khác như Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê, Mátthêu, Tôma... Lý do là hai vị ít được nhắc đến trong Tin Mừng, ngoài một số đoạn như Mátthêu 10, 1- 4, Máccô 3, 13 -19, và Công Vụ các tông đồ 1,12 - 13, đặc biệt Tin Mừng Luca 6,12-17 :
“Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là các ông Simôn, mà Người gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông ; sau đó là các ông Giacôbê, Gioan, Philípphê, Batôlômêô, Mátthêu, Tôma, Giacôbê con ông Anphê, Simôn biệt danh là Quá Khích, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Ítcariốt, người đã trở thành kẻ phản bội”.
Tin Mừng cho chúng ta thấy rõ bối cảnh chọn nhóm  Mừơi Hai: Đức Giêsu đã chọn các Tông Đồ sau một đêm dài  cầu nguyện trên núi, và Ngài đã chọn các Tông Đồ từ hàng ngũ những môn đệ đi theo Ngài. Trong số các Tông Đồ, hai vị được Giáo Hội mừng chung do chung sứ vụ và cùng chết ở Perse là thánh Simôn, biệt danh Simôn Qúa Khích, người làng Cana, nơi Đức Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên, và thánh Giuđa, anh em  với thánh Giacôbê hậu, còn có tên khác là Tađêô.
    Sở dĩ thánh Tông Đồ Simon mang biệt danh Qúa Khích, bởi ngài thuộc nhóm Zêlốt, nghiã là hăng say qúa đáng, sốt sắng qúa đà theo nguyên ngữ Do Thái : Zeloo, trước khi đi theo Đức Giêsu.
Như chúng ta biết, năm 63 trước Công Nguyên, tướng Pompée của quân đội đế quốc Rôma đã chiếm đóng Giêrusalem và thiết lập ách thống trị trên toàn vùng Palestina. Chính trong hoàn cảnh chính trị này, nhiều nhóm quốc gia, dân tộc đã thành hình với cùng mục đích đánh đuổi đế quốc Rôma và phục hồi độc lập dân tộc. Một trong những nhóm này là nhóm Zêlốt - Qúa Khích, chủ trương  giữ Lề Luật một cách cực đoan, qúa khích và dùng bạo lực để dành lại độc lập. Một điểm đặc biệt khác là tinh thần vị luật của nhóm này có nhiều điểm tương đồng với các người Pharisêu.
Năm 66 sau Công Nguyên, nhóm Qúa Khích đứng đầu bởi Giuđa người xứ Galilê đã kêu gọi toàn dân khởi nghiã chống chính quyền Rôma, khi người Rôma áp đặt “sưu cao thuế nặng” và mở rộng ách thống trị trên vùng Giuđêa. Phong trào Quá Khích đã ám sát nhiều người Rôma và những người Ítraen làm tay sai cho đế quốc, nhưng không đưa đến kết qủa nào, vì bị trấn áp rất tàn nhẫn bởi quân đội đế quốc, mà hậu qủa là thành Giêrsalem bị thất thủ và bị tàn phá năm 70 sau Công Nguyên. 
  
     Hai đoạn Tin Mừng sau đây giúp chúng ta phần nào thấy rõ bối cảnh xã hội thời Đức Giêsu với những mâu thuẫn chính trị :
1.    Vấn đề nộp thuế cho Xêda, hoàng đế Rôma :
   “Mấy người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê đến gặp Đức Giêsu và nói với Người : “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dậy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xêda hay không ? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp ? “Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi ? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” Họ liền đem cho Người. Người hỏi : “Hình và danh hiệu này là của ai đây ?” Họ đáp : “Của Xêda”. Đức Giêsu bảo họ : “Của Xêda, trả về Xêda ; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Và họ hết sức ngạc nhiên về Người” (Mc 12,13-17).

2.  Vấn đề bạo lực:
  Khi đám Thượng Tế và Kỳ Mục vây bắt Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu, “một trong những kẻ theo Đức Giêsu liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế làm nó đứt tai. Đức Giêsu bảo người ấy : Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao ? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế thì lời Kinh Thánh làm sao ứng nghiệm được ?” (Mt 26, 51-54).
Qủa thực, bầu khí chính trị những ngày cuối đời của Đức Giêsu thật ngột ngạt, nhưng Đức Giêsu đã không ủng hộ giải pháp bạo lực trước những mẫu thuẫn, trái lại, Ngài kêu gọi tinh thần hoà giải, bất bạo động khi nhắc nhở môn đệ của Ngài “xỏ gươm vào vỏ”.
Phần thánh Giuđa con ông Giacôbê, còn được gọi là Tađêô, ngài truyền giáo ở vùng Samari, Arabi, Syri và chết đóng đinh tại Perse cùng với thánh Simôn biệt danh Qúa Khích mà Giáo Hội cùng mừng kính vào ngày 28 tháng 10 hằng năm.
Khi suy nghĩ về Ơn Gọi làm Tông Đồ, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố quyết định trong Ơn Gọi là chính Đức Giêsu kêu gọi người Ngài muốn. Do đó, Ơn gọi không đến từ con người, nhưng từ Thiên Chúa, và con người chỉ có thể đáp trả hay chối từ. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu luôn tỏ ra ý muốn của Ngài khi gọi ai đó đi theo Ngài. Ngài biểu lộ ý muốn tuyển chọn của Ngài và thực hiện ý muốn đó bằng một cử chỉ, thái độ, hoặc lời mời rất rõ ràng, chính xác, không thể nghi ngờ.
Thiên Chúa gọi những người Ngài muốn. Và Ngài muốn kêu gọi tất cả mọi người. Điều này không mẫu thuẫn, vì mỗi người được gọi vào một  vai trò, cho một sứ vụ, tuy khác nhau, nhưng cùng mục đích phục vụ Nước Trời.
Mừng kính hai thánh Tông Đồ Simon và Giuđa, chúng ta cầu nguyện cho các Giám Mục là những vị kế nhiệm các thánh Tông Đồ trong sứ vụ  “Rường Cột của Hội Thánh”. Nếu buổi ban đầu của Giáo Hội, các thánh Tông Đồ đã đổ máu vì yêu mến các giáo đoàn được trao phó, đã hiến mạng để “đàn chiên được sống và sống dồi dào”, thì mãi mãi  đến tận thế, các Giám Mục cũng không thể đi ra ngoài qũy đạo của Thánh Giá. Tuy không bị đóng đinh, chém đầu như các thánh Tông Đồ, trừ thánh Gioan, nhưng đời mục tử của các ngài là “cuộc tử nạn mỗi ngày hơn”, bởi không trái tim mục tử nào lại không biết mùi chiên, không nỗi đau nào của mục tử lại không gắn liền nỗi khổ của chiên, không sầu buồn nào của mục tử lại không dính chặt thân phận của chiên, không ngậm ngùi nào của mục tử lại không ôm chặt đời chiên ngiệt ngã, và không  lỡ bước, lầm đường, yếu đuối, tội lụy nào của chiên lại có thể vuột khỏi trái tim mục tử hay chạnh lòng xót thương.
Xin Chúa thương gìn giữ và đồng hành với Đức Thánh Cha và các Giám Mục, để đàn chiên là chúng con “chẳng phải sợ gì, cũng chẳng thiếu thốn chi trên  đồng cỏ xanh rì, có Chúa là Mục Tử”.
Jorathe Nắng Tím