Suy Niệm TIN MỪNG LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM!
CHÚA NHẬT 33, (Đ) Hôm nay tùy theo nhu cầu mục vụ có thể Kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (HĐGMVN, 4-1991).
Cũng chính vì làm chứng Thiên
Chúa và công trình cứu độ của Ngài, mà các chứng nhân của Thiên Chúa gặp nhiều
chống đối giữa anh em mình, bởi thế gian không đón nhận "Ngôi Lời là ánh
sáng thật, ánh sáng đến thế gian và soi chiếu mọi người. Người ở giữa thế gian,
và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến
nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận" (Ga 1,9-11).
Thế gian không nhận Đức Giêsu là
Ngôi Lời của Thiên Chúa, chỉ vì thế gian "không nhận biết và chẳng chịu
đón nhận". Lý do thật đơn giản và
vô tình !
Vì thế gian không nhận biết, mà
chứng nhân phải làm chứng để thế gian nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa Cứu Độ duy
nhất; vì thế gian chẳng chịu đón nhận, mà chứng nhân phải thuyết phục bằng chứng
cớ đời sống, với chứng từ có giá trị để thế gian đón nhân Đức Giêsu là Đấng đã
chuộc lại quyền làm con Thiên Chúa và
ban sự sống đời đời cho mọi người bằng sự chết và phục sinh của Ngài.
Được sai đến với các dân tộc, ở mọi
thời để làm chứng Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất, Thiên Chúa làm người, đã chết
như con người và sống lại với quyền năng Thiên Chúa, các chứng nhân nhận một sứ
vụ thánh thiêng, nhưng không thiếu cam go, thử thách, đe dọa giữa lòng thế giới
muôn hình vạn trạng. Đức Giêsu đã không giấu diếm các môn đệ sự thật nguy hiểm
về thế gian, nơi các vị sẽ phải đến làm chứng về Ngài :
"Thầy sai anh em vào thế gian, như
chiên đi giữa bầy sói" (Mt 10,16). “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng
nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu
thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian, và Thầy đã chọn,
đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em” (Ga 15, 18-19).
Không những chứng nhân bị thế
gian ghét, vì thuộc về Thiên Chúa, nhưng
còn bị thế gian bách hại:
"Người ta sẽ tra tay bắt và
ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước
mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy" (Lc 21,12-13).
Tệ hơn thế nữa, các vị còn bị chính người nhà,
bạn hữu, thân thuộc của mình truy lùng, ghét bỏ, ruồng rẫy : "Anh em
sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con, và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số
người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét" (Lc
21,16-17).
Qủa thật, con đường trước mặt của chứng nhận
là con đường đầy chông gai, cạm bẫy và hứa hẹn tù đầy, đổ máu, mất mạng. Con đường
chứng nhân phải đi làm chứng không đẹp như mơ, không huy hoàng, hoành tráng,
không thênh thang như đường về làng ngày "vinh quy bái tổ".
Những đe dọa, hiểm nguy do lòng "ganh ghét vô cớ" của thế
gian thì vô số kể (Ga 15,25). Vô cớ nghiã là chẳng có lý do gì, chẳng có nguyên
nhân nào hợp lý . Vô cớ đến độ : "Thế gian ghét Thầy, thì cũng ghét Cha Thầy" (Ga 15, 23), và
tất nhiên "ghét cả anh em" (Ga 15,18), mặc dù thế gian đã thấy những
việc tốt lành Thầy đã làm cho họ (x. Ga 15,24).
Trước bao nhiêu gian truân, thử
thách giăng mắc, đe dọa, làm sao các chứng nhân đã có thể mạnh dạn lên đường và
kiên cường làm chứng ?
Thánh Phaolô, Tông Đồ dân ngoại đã
thay mặt các chứng nhân trả lời: "Vì Tình Yêu Đức Kitô thôi thúc chúng
tôi" (2Cr 5,14), và sở dĩ chúng tôi đứng vững là "do quyền năng phi thường của Thiên
Chúa, chứ không phải từ chúng tôi", nên "chúng tôi bị dồn ép tư bề,
nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng ; bị ngược đãi,
nhưng không bị bỏ rơi ; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt", bởi "chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự
sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi" (2Cr 4,7-10).
Thực vậy, các chứng nhân của Đức
Giêsu từ giáo đoàn đầu tiên Giêrusalem đến tận cùng thời gian được tình yêu Đức
Kitô thúc bách đã lên đường làm chứng Tin Mừng với những căn dặn của Đức Giêsu
như hành trang không thể thiếu giữa thế gian luôn thù ghét.
1. Thầy
để lại Bình An cho anh em, Thầy ban cho anh em Bình An của Thầy, Bình An mà thế
gian không ban được. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi (Ga
14,27).
a. Bình
An là dấu chỉ Thiên Chúa ở với người được sai đi :
"Anh em biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở
trong Thầy, và Thầy ở trong anh em" (Ga 14,20).
Chính Đức Giêsu đã bộc lộ ý muốn ở với người được sai đi
trong lời cầu xin với Chúa Cha : "Lậy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những
người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con" (Ga 17,24).
b.
Bình
An là sức mạnh của Chúa Thánh Thần liên lỉ hoạt động nơi người làm chứng :
"Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một
Đấng Bảo Trợ đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế
gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn
anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và trong anh em" (Ga 14,16-17).
Có Chúa Thánh Thần, chứng
nhân sẽ không sợ hãi, hay lo nghĩ phải
bào chữa, biện bạch thế nào trước mặt quan quân và những kẻ chống đối, nhưng
Thánh Thần sẽ chỉ bảo phải nói gì, « khiến tất cả địch thù không tài nào
chống chọi hay cãi lại được » (Mc 21,15).
c. Bình
An là bảo chứng quyền năng Thiên Chúa nơi người được sai đi làm chứng :
"Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người
đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó cón làm những việc lớn hơn nữa,
bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha. Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin,
thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con (Ga 14,12-13).
Như thế, người
làm chứng Đức Giêsu tiên vàn phải nhận từ Đức Giêsu, Đấng sai họ, Bình An của
Ngài. Không có Bình An của Đức Giêsu, không chứng nhân nào có thể làm chứng
chính xác, đầy đủ về Đức Giêsu ; không mang Bình An của Đấng đã chết và Sống
Lại, người làm chứng sẽ không thể làm chứng bằng « loan truyền Chúa chịu
chết và tuyên xưng Chúa sống lại », là sứ điệp Tin Mừng mà người được sai
đi phải làm chứng.
Bình An của Đức
Giêsu, vì thế, sẽ không thể thiếu trong tâm hồn chứng nhân, bởi chỉ với Bình An
của Đức Giêsu sống lại, chứng nhân mới có thể kiên cường đi đến cùng hành trình
làm chứng của mình giữa phong ba bão táp của thế gian.
2. Thầy
truyền cho anh em điều răn của Thầy: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy
đã yêu thương anh em" (Ga 15,12) :
Nếu Bình An của Đức Giêsu là bửu
bối không thể thiếu trên đường làm chứng, thì giới răn "Anh em hãy yêu
thương nhau" là chià khóa để lời chứng của chứng nhân có giá trị và thuyết
phục.
Đức Giêsu hơn ai hết biết rõ
nguy cơ và sức công phá kinh khủng của hận thù, ghen ghét, bạo lực. Cũng chính
vì muốn tiêu diệt hận thù, bẻ tan ghen ghét, đẩy lui bạo lực trong thế giới, mà
Ngài đã đến để ban Bình An, Yêu Thương, nên sẽ không có lý do những người thuộc
về Ngài lại không yêu thương nhau ; không có thể những chứng nhân làm chứng
Thiên Chúa là Tình Yêu, Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ hiến mạng sống vì yêu nhân loại
đến cùng lại xa lạ với tình huynh đệ ; và sẽ hoàn toàn vô ích, nếu không
nói là nguy hiểm, nếu người làm chứng Tin Mừng là Lòng Thương Xót lại bôi nhọ,
vu khống, hiềm khích, đấu đá, ăn thua đủ với nhau.
Không chỉ Đức Giêsu hay những
người thuộc về Giáo Hội, mà tất cả mọi người, bất kể họ là ai, đều "dị ứng",
kinh ngạc, sợ hãi trước cảnh môn đệ cùng sư phụ ẩu đả, lên án, cắn xé nhau. Thực
vậy, sẽ không còn chứng nhân, nếu không có đức ái ; không còn lời chứng, nếu
ganh ghét, hận thù thống trị ; không còn người được sai đi, nếu đường đi
không còn là đường lên núi Bát Phúc, nhưng sẽ chỉ còn lại những "người chứng
nói dối", "lời chứng mâu thuẫn, phi lý, không thuyết phục", và
danh xưng "người làm chứng qủa cảm, hào hùng" bắt buộc phải đổi lại
thành "người phản chứng lố bịch, dị hợm".
"Yêu thương nhau" không còn là đồ phụ tùng, chuyện nhỏ, phụ
thuộc, nhưng là chính yếu, dấu chỉ duy nhất của môn đệ Đức Giêsu, của người được
sai đi làm chứng, nên không yêu thương nhau, căn cước tính của người làm chứng
tự động biến mất trước mặt Thiên Chúa, và dưới mắt con người, bởi cả Thiên Chúa
và con người đều không thể chấp nhận người chứng của Tình Yêu lại không biết
yêu thương.
Mừng kính các thánh Tử Đạo cha
ông, chúng con không chỉ cảm phục các Đấng đã can đảm chấp nhận chịu đánh đòn,
bá đao, voi dầy, chém đầu, thiêu sống, chết rũ tù, nhưng trên hết, chúng con
ngưỡng mộ lòng yêu mến nơi các Đấng. Các Đấng đã yêu mến Thiên Chúa và được Tình
Yêu Đức Kitô thúc bách, khi Bình An lên đường làm chứng, Bình An đổ máu làm chứng,
Bình An dâng hiến mạng sống làm chứng. Với Bình An của Đức Giêsu phục sinh, các
Đấng đã không than thở, trách móc, hận thù vua quan, dân tộc, đồng bào đã làm
khổ, bách hại, giết chết mình, nhưng luôn Bình An tha thứ, Bình An hoà giải,
Bình An cầu xin ơn phúc cho quê hương,
dân tộc, vì các Đấng luôn ở trong Thiên Chúa là Tình Yêu tuyệt đối và nguồn
Bình An viên mãn. Bên cạnh đó là đời sống bác ái, huynh đệ, phục vụ của các Đấng đã đánh động, cảm hóa anh em đồng bào, để
Danh Đức Giêsu ngày càng được vinh hiển trên quê hương, và trong lòng người dân
Việt.
Mừng kính các thánh Tử Đạo cha
ông cũng là dịp chúng con ý thức ơn gọi và sứ vụ làm chứng của mình, để luôn biết rằng hành trình làm chứng "Đức Giêsu chịu đóng đinh" luôn là đường Thánh Giá, và bất kể ở thời
nào, người làm chứng vẫn được mời gọi vác Thánh Giá và chết với Đức Giêsu cho
anh em mình.
Jorathe Nắng Tím