Mừng lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ,
thiết tưởng không gì ý nghiã hơn là suy nghĩ về những ngỡ ngàng của đời tu. Những
ngỡ ngàng thánh thiện, hồn nhiên, khiêm hạ, nhưng không kém thách đố, hy sinh
đã làm người tu mỗi ngày được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu
hơn.
Đoạn Tin Mừng Luca 10, 1- 24 có thể được
coi như tường thuật đầy đủ và chi tiết về sứ vụ truyền giáo của các môn đệ Đức
Giêsu. Các vị “được Đức Giêsu sai đi cứ từng hai người một vào tất cả các
thành, các nơi mà chính Ngài sẽ đến” (Lc 10, 1); các vị được mời gọi phải cầu
nguyện với Thiên Chúa Cha để “xin Ngài sai thợ ra gặt lúa về, vì luá chín đầy đồng
mà thợ gặt thì ít” (Lc 10,2); các vị được cảnh báo sẽ phải “đi giữa bầy sói và
đừng mang túi tiền, bao bị, giầy dép” (Lc 10,4); các vị được báo trước sẽ được
ân cần đón tiếp, nhưng cũng có thể bị ruồng rẫy xua đuổi (Lc 10,5.10); các vị
được trang bị quyền năng của Thiên Chúa để chữa những người đau yếu và ơn Bình
An để ban phát cho mọi người (Lc 10,5.9);
nhất là sứ điệp Tin Mừng để loan báo: “Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần” (Lc
10,11). Và khi trở về sau những ngày đi truyền giáo, các vị đã không chỉ vui mừng
vì thành qủa của sứ vụ, mà còn hân hoan vì tên mình được ghi trên trời (Lc
10,20), được biết những điều ngay cả bậc khôn ngoan thông thái cũng không được
biết, được chúc phúc và nhận ra đặc ân của môn đệ Đức Giêsu (Lc 10,22-24).
Không nói thì chúng ta cũng biết, các môn đệ
đã đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng nọ, từ bất ngờ này đến bất ngờ kia, từ ngạc
nhiên có thể hiểu được đến ngạc nhiên vượt xa tầm nghĩ.
1.
Ngỡ Ngàng trước sứ vụ:
Các vị ngỡ ngàng, vì không hiểu gì trước sứ
vụ được trao phó: Loan Báo Triều Đại Thiên Chúa sắp tới.
Đây không phải là sứ vụ mà các vị mong đợi,
cũng không là hy vọng các vị chờ đón, bởi tận thâm tâm và ngay trong sinh hoạt,
các vị đợi chờ một sứ vụ hoàn toàn khác: sứ vụ thuần trần thế, vừa tầm tay,
trong tầm ngắm, sứ vụ làm quan, làm lớn trong vương quốc trần gian mà các vị
nghĩ sắp thành hình của Đức Giêsu.
2. Ngỡ Ngàng trước phương án thi hành sứ vụ:
Sứ vụ đã làm ngỡ ngàng, phương án thực hiện
sứ vụ còn bất ngờ hơn, bởi không là phương án bình thường như phải có xe để đi
công tác, có phương tiện vật chất đảm bảo, có bố trí, chuẩn bị gần xa; bởi
không là cách thức của đời thường như phải đem theo lương thực cho mấy ngày đường,
mà còn phải tiên liệu cho cả thời gian dài thi hành sứ vụ; bởi không như suy tính của người thường trước khi đến đâu
phải nghiên cứu, điều tra, xem xét kỹ lưỡng, thiết lập tương quan, xây dựng cơ
sở vật chất đàng hoàng; bởi không như dự đoán thường tình là phải có lập trình,
đồ án chính xác để không lâm vào tình trạng thiếu hụt làm dở dang dự án, đổ vỡ
kế họach.
3. Ngỡ ngàng trước rủi ro của sứ vụ:
Các môn đệ không thể không thất kinh khi Đức
Giêsu cảnh báo: “Anh em sẽ được sai đi như chiên con đi vào giữa bầy sói!” (Lc
10,3). Không con nào hiền hơn chiên con, và không thú nào dữ hơn chó sói, thế
mà chiên con sẽ phải hiền lành, ngây thơ,
ngơ ngác đi giữa bầy sói dữ. Hình ảnh chiên và sói qúa tương phản đã đặt
các môn đệ trước ngỡ ngàng đáng lo sợ, và các vị đã sợ hãi thật khi biết mình
được sai đến những nơi đầy sói dữ này.
Đó là ba ngỡ ngàng các môn đệ đã cảm nhận
trước giờ lên đường truyền giáo. Những ngỡ ngàng này đã làm chao đảo các vị, bởi
đây là lần đầu tiên được sai đi, và cũng là lần đầu tiên đối diện với một sứ vụ
hoàn toàn không nằm trong mong ước, đợi chờ. Chắc chắn các vị đã không dấu được
lo âu trên nét mặt, và trong lòng tất cả chung một ngại ngùng, xao xuyến đang
chực thốt thành lời: Lậy Thầy, nếu khó và nguy hiểm như vậy, thì làm sao chúng con dám?
Đức Giêsu biết rõ tâm trạng của các vị, vì
đó là tâm trạng bình thường của người
có tâm lý quân bình: ngỡ ngàng trước điều
mình không đợi chờ và lo sợ trước rủi ro được cảnh báo.
Là Đấng sai đi, Đức Giêsu đã không để các
môn đệ của Ngài dừng lại ở những ngỡ ngàng nhân loại này, nhưng dẫn các vị đến
những ngỡ ngàng mới, những ngỡ ngàng hân hoan, phấn khởi, bình an và tràn đầy hạnh
phúc của người được Thiên Chúa sai đi loan báo Tin Mừng Cứu Độ: Thiên Chúa giầu
lòng thương xót đã đến cứu độ dân Ngài.
Nếu ba ngỡ ngàng trên là phản ứng tự nhiên
của “con người” môn đệ, thì những ngỡ ngàng sắp tới là hồng ân của Thiên Chúa
trên những con người được chọn làm môn đệ:
3.1 Ngỡ ngàng với ơn Bình An:
Đức Giêsu ban cho các môn đệ ơn Bình An của
Ngài, để như món qùa qúy giá các vị sẽ ban lại cho tất cả những ai các vị sẽ gặp
trên đường truyền giáo. Đây là món qùa từ Thiên Chúa, và là điều mọi người ước
mong, tìm kiếm, bởi không gì qúy hơn Bình An, không gì đem lại hạnh phúc ngoài
Bình An, không gì làm cho đời người có lẽ sống và ý nghiã, nếu không phải Bình
An, và không gì làm hoan lạc tuổi xuân cuộc đời khác hơn Bình An.
Được trang bị Bình An, các môn đệ phấn khởi,
hạnh phúc trong đại dương Bình An của Đức
Giêsu.Vì thế, các vị đã mạnh dạn lên đường mà không còn nghi ngại, sợ hãi; ra
đi mà không do dự, chùn bước, hoang mang.Với ơn Bình An, sứ vụ tuy cao cả, vượt
sức người nay trở thành đích tới lý tưởng. Với ơn bình an, mọi rủi ro, đe dọa,
cạm bẫy, cũng như sói dữ, rắn độc, con người nham hiểm không còn là chướng ngại
cản lối người môn đệ, buộc trói bước chân người được sai đi.
3.2 Ngỡ ngàng với quyền năng của Thiên
Chúa:
Cho đến lúc được sai đi, các môn đệ vẫn chỉ
là những người đi theo Đức Giêsu vì một hoặc nhiều lý do mang tính trần thế nào
đó, chứ chưa vị nào xác tín sứ vụ loan báo Tin Mừng sẽ được trao. Vì thế, khi
trao sứ vụ, Đức Giêsu đã bảo đảm sứ vụ, bằng ban cho các môn đệ Bình An và quyền năng chữa
lành những người đau yếu trong thành (Lc 10,9), đạp lên rắn rết, bọ cạp mà
không hề hấn, đuổi qủy trừ tà và chẳng thế lực Kẻ Thù nào có thể làm hại được (Lc 10, 19).
Trước quyền năng được ban, các môn đệ đã
tin tưởng lên đường và phấn khởi trở về
khoe với Thầy mình: “Thưa Thầy, nghe đến Danh Thầy, cả ma qủy cũng phải khuất
phục chúng con” (Lc 10,17).
3.3 Ngỡ ngàng với phần thưởng:
Đức Giêsu không giấu diếm đặc ân và phần thưởng
Thiên Chúa dành cho những người được Ngài sai đi loan báo Nước Thiên Chúa đã đến
gần. Khi nghe các môn đệ kể chuyện hành trình truyền giáo, Đức Giêsu đã minh
nhiên công bố phần thưởng Nước Trời cho các vị: “Anh em hãy vui mừng, vì tên
anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20).
Còn phần thưởng nào lớn hơn phần thưởng Nước
Trời; còn vinh dự nào cao qúy hơn vinh dự làm công dân Vương Quốc của Thiên
Chúa; còn hạnh phúc nào vĩ đại hơn hạnh phúc làm con Thiên Chúa trong chính nhà
Ngài!
Nhưng phần thưởng không chỉ là phần thưởng
của đời sau, đặc ân trên thiên đàng, công lênh sẽ nhận được sau khi chết, nhưng
ngay bây giờ,trên dương thế này, trong cuộc sống hôm nay, môn đệ của Đức Giêsu
được biết những mầu nhiệm thuộc về Thiên
Chúa mà người khác, dù khôn ngoan thông thái đến đâu cũng không biết được; được
chia sẻ với Thiên Chúa những kho tàng vô cùng qúy giá mà người đời dù tiền rừng
bạc bể cũng không thể chiếm hữu (x. Lc 10, 21).
Và cuối đọan Tin Mừng, Đức Giêsu đã long
trọng tuyên bố: “Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy. Quả vậy, Thầy bảo
cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều
vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều
anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10, 22-24).
Vâng, đời tu là đời của những ngỡ ngàng: từ
ngỡ ngàng của thân phận mọn hèn đến ngỡ ngàng của người được tuyển chọn lên
hàng vinh phúc; từ ngỡ ngàng thuộc con người đến ngỡ ngàng làm bạn hữu của
Thiên Chúa; từ ngỡ ngàng lạc lõng, bơ vơ đến ngỡ ngàng được gọi làm môn đệ; từ
ngỡ ngàng tội lụy, bất xứng đến ngỡ ngàng được sai đi ban ơn Cứu Độ; từ ngỡ
ngàng “thân con chỉ là tro buị” đến ngỡ ngàng biến thành Của Lễ đẹp lòng Chúa
Cha; từ ngỡ ngàng là tội nhân đến ngỡ ngàng nhân danh Thiên Chúa giầu lòng xót
thương để ban ơn thứ tha, hoà giải; từ ngỡ ngàng là người bé nhỏ, dốt nát, tôi
tớ vô ích, mọn hèn đến ngỡ ngàng được ở trong hàng ngũ những người mà “Chúa Con
muốn mặc khải cho” (Lc 10,22).
Vâng, đời tu là đời của ngỡ ngàng từ khởi
sự đến hoàn thành, ngỡ ngàng từ khởi điểm đến đích điểm của hành trình Ơn Gọi,
bởi mỗi giây phút của đời tu là một mời gọi, mời gọi tín thác tuyệt đối nên
không biết gì trước; mời gọi vâng phục tuyệt đối Thánh Ý, nên không toan tính,
trù liệu bất cứ điều gì cho ngày mai; mời gọi hy sinh quên mình, nên không ngần
ngại đi bất cứ đâu, lên đường bất cứ lúc nào, gặp gỡ bất cứ ai, và thi hành bất
cứ sứ vụ nào được trao phó; mời gọi yêu thương đến cùng, nên sẵn sàng chết cho
người mình được sai đến để yêu thương; mời gọi khiêm tốn phục vụ, nên không
phân biệt, kỳ thị, loại trừ bất cứ đối tượng nào của Tin Mừng.
Và như thế, đời tu sẽ mãi đẹp như giòng suối
ngoan hiền theo tiếng gọi của Đại Dương mênh mông róc rách đến vô cùng vô tận một
đời luôn ngỡ ngàng với hạnh phúc được sai đi, một tình yêu luôn ngỡ ngàng được
trở nên giống người mình yêu mến, phụng thờ.
Jorathe Nắng Tím