Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

SỨ ĐIỆP CỦA CÁC THÁNH TỬ ĐẠO

Mừng kính các thánh Tử Đạo, tất cả chúng ta không thể không nức lòng yêu mến và hãnh diện về gương sáng Chứng Nhân của các thánh cha ông. Các ngài qủa thực rất anh dũng, kiên cường trong gian khổ, cực hình, mà chỉ nghĩ đến cảnh giam cầm, tra tấn các ngài phải chịu, không ít người trong chúng ta đã phải rùng mình khiếp sợ, và nghĩ ngay đến yếu đuối, nhát đảm của mình. Vâng, yêu mến và hãnh diện là việc làm chính đáng, nhưng còn một việc tốt đẹp, bên cạnh những việc chính đáng mà chúng ta không thể bỏ quên, đó là lắng nghe sứ điệp của các ngài muốn trao gửi từng người chúng ta.

1.         Không thể dấn thân, hy sinh  đổ máu, mất mạng vì Đức Giêsu, nếu không có niềm xác tín: tôi đến từ Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa và phải trở về với Thiên Chúa.
     Đây là nền tảng của đức tin, ánh sáng soi dẫn tất cả mọi sinh hoạt, và động lực cho mọi chọn lựa của chứng nhânTin Mừng. Không xác tín đến từ Thiên Chúa, người làm chứng không tin mình được Thiên Chúa sai đi. Không tin mình được sai đi, thì làm sao có thể an tâm, mạnh dạn lên đường thi hành sứ vụ?
     Tin mình đến từ Thiên Chúa, nên thuộc về Thiên Chúa, và không thuộc về ai khác, để chứng nhân toàn tâm, toàn ý, toàn thân làm những gì Thiên Chúa muốn, loan báo những gì nhận từ Thiên Chúa, và say sưa kể cho mọi người công trình tốt đẹp của Ngài đã thực hiện, mà không chút e ngại, hổ thẹn, như người con hiếu thảo không xấu hổ khi nói với người khác về cha mẹ mình, dù các vị nghèo nàn, vụng về, quê mùa, thất học.
    Thuộc về Thiên Chúa, vì đến từ Thiên Chúa, chứng nhân biết mình sẽ không về với ai, sau khi chết, nhưng chỉ về với Đấng đã cho mình vào đời để làm người chứng. Về với người đã sai mình đi, chứng nhân không nghi ngờ mình được sai đi với sứ vụ làm chứng trong thế giới, dòng dã những năm tháng được sống làm người, và giá trị của đời sống từ đó được xây dựng.
     Sở dĩ chúng ta không làm chứng được, hay chỉ làm chứng khi mọi chuyện tốt đẹp, khi mọi người tung hô, ủng hộ, khi không có gì ảnh hưởng xấu trên uy tín, gia thế, công ăn việc làm là vì chúng ta thiếu niềm xác tín là người của Thiên Chúa. Và vì không tin tưởng mãnh liệt thuộc về Chúa, nên chúng ta vẫn muốn lang thang đây đó, lang chạ thần thánh này, giáo thuyết kia, lang bang bên trái bên phải tùy thời, tùy cảnh, để rồi Thiên Chúa cũng chỉ là một trong những đối tượng được tùy nghi chọn lựa, mà không bao giờ là đối tượng duy nhất và tuyệt đối.
      Như thế, xác tín đến từ Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa càng sâu thẳm, thì khả năng làm chứng Thiên Chúa càng cao, và tinh thần sẵn sàng hy sinh hiến mạng vì Tin Mừng càng dứt khoát, mãnh liệt, dữ dội. 

2.         Chỉ có thể ở trên “đường ray” của Thiên Chúa, nếu tuyệt đối phó thác và vâng phục:
   Cuộc sống là những trồi sụt, lên xuống, gập ghềnh, xô đẩy của vô số biến cố vui buồn, thành bại, nên không phải lúc nào cũng  sốt sắng, nhiệt thành, hăng say; không phải lúc nào cũng dễ dàng vâng nghe, phục tùng quyền bính; không phải lúc nào cũng đẹp lòng, đẹp mặt; trái lại, ngày buồn nhiều hơn ngày vui, khổ đau nhiều hơn sung sướng, thất bại lấn chiếm thành công, nên nếu không giữ được “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” thì con người sẽ chỉ là nạn nhân đáng thương của cuộc sống, là “con tin” bất hạnh của thân phận làm người. Cái Tâm bất biến của chứng nhân, chính là lòng phó thác tuyệt đối vào sức mạnh toàn năng và ơn quan phòng yêu thương của Thiên Chúa. Người chứng luôn tín thác ở Đấng đã sai họ đi, và Ngài đã sai họ đi trong những hoàn cảnh “không có thể”, đến những địa chỉ “không có thể”, làm những công việc “không có thể”, bởi sứ vụ được trao phó tự thân là không có thể thực hiện với sức của con người. Chính vì luôn ở trong tình trạng bất lực trước những “không có thể”, mà người làm chứng Tin Mừng không còn khả thể nào để có thể tồn tại và làm việc, ngoại trừ lòng tín thác tuyệt đối vào Đấng mà không có gì là “không có thể” đối với Ngài. Tin Thiên Chúa là Đấng làm được mọi sự, và chỉ với tình yêu đã tạo thành tất cả từ hư vô, người chứng hồn nhiên phó thác tất cả trong tay Đấng họ phải làm chứng, Đấng sai họ đi làm chứng, Đấng dậy họ phải làm chứng thế nào.
     Một khi đã phó thác, người chứng không còn lo âu, sợ hãi bất cứ ai, hay điều gì, bởi họ đã chọn Chúa, thay vì chọn công việc, công trình, ngay cả đó là công trình, công việc của Chúa. Chúa không là công trình của Ngài, nên chọn Chúa, người chứng sẽ không bao giờ mất hướng đi, ngã lòng trông cậy, vì công trình của Chúa, công việc của Chúa có thể không được thực hiện, hay bị phá đổ, họ vẫn không chao đảo, chơi vơi, bởi chính Chúa mới là Đấng họ tín thác, trông cậy, và là nơi họ tìm đến nương náu, ẩn mình.
     Nhờ phó thác, và chỉ với tinh thần phó thác, người chứng mới có thể sống vâng phục, bởi vâng phục ai trước hết phải tin người đó thương mình, muốn xây dựng mình. Nhưng có chắc tất cả những người ta phải vâng phục đều thương ta và muốn xây dựng ta? Không ai dám bảo đảm điều này. Vì thế, nếu không có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi cõi lòng bảo đảm; không có Thiên Chúa là Đấng toàn năng làm được mọi sư để long vâng phục không trở nên vô ích, nguy hiểm; không có Thiên Chúa là Đấng nắm giữ vận mệnh của từng người và giải quyết ruốt ráo mọi sự trong công bình, chính trực, chúng ta không thể vâng phục ai với tất cả tấm lòng.
    Các thánh cha ông đã tuyệt đối phó thác ở Thiên Chúa, nên đã vâng phục Bề Trên một cách trưởng thành và hiếu thảo. Đó là tinh thần vâng phục mà Đức Giêsu đã vâng phục Chúa Cha khi lên đường về Giêrusalem để chịu khổ hình và tử nạn.

3.         Khi đau khổ, thất bại là lúc Thiên Chúa hiện diện sống động và gần gũi nhất:
     Niềm an ủi lớn nhất của các thánh Tử Đạo là có Đức Giêsu ở với và đồng hành. Ngài là “người tôi tớ đau khổ của Giavê”, Thiên Chúa làm người bị loài người đả đảo, truy lùng, lên án, tra tấn, vác thánh giá, và chịu đóng đinh, chết tủi nhục. Quả thực, Thiên Chúa đau khổ đã ở với con người khổ đau; Thiên Chúa bị kết án oan uổng đã ở với con người bị lên án vô cớ; Thiên Chúa bị nguyền rủa vì lòng ghen ghét đã đồng hành với con người bị vùi dập vì lòng ghét ghen; Thiên Chúa bị ruồng rẫy, khai trừ đã chung số phận với người bị liệt vào hàng những kẻ đáng phải chết.
       Vì thế, các thánh Tử Đạo là những người giống Đức Giêsu chịu đóng đinh hơn ai hết, “đồng hình đồng dạng” hầu như hoàn hảo với Đức Giêsu vác thánh giá trên đường lên Núi Sọ, bởi không ai giống Đức Giêsu hơn những người đau khổ; không dung mạo con người nào giống dung mạo Đức Giêsu hơn con người bị vu khống, bách hại; không tâm hồn nào gắn bó kết hiệp với trái tim Đức Giêsu hơn tâm hồn người bị cắn xé, nghiền nát bởi chính anh em, người nhà mình. Các thánh Tử Đạo biết mình được nên giống Đức Giêsu trong đau khổ, ô nhục; biết mình được trui luyện trong thử thách, bách hại, đồng thời biết mình được “ở với và đồng hành” với Đức Giêsu, Thiên Chúa Cứu Độ trên từng bước của hành trình Thánh Giá, nên hân hoan đón nhận tất cả những gì thế gian dành cho người chứng của Thiên Chúa, như tù đầy, roi vọt, gươm đao, mất hết danh dự, tiêu tan sự nghiệp, và cái chết tang thương, bi thảm.
     Cuộc sống người Kitô hữu hôm nay cũng không thiếu khổ đau, thử thách. Có những khổ đau do những người, hay phe nhóm công khai chống phá Giáo Hội gây ra, nhưng cũng có những đau khổ do chính anh em trong cùng cộng đoàn, giáo xứ, giáo phận mang đến, và đau hơn cả là những bất công do chính cấp trên báng bổ trên mình. Vì thế, cuộc sống Kitô hữu là một cuộc tử đạo liên lỷ, không ngừng, với những thánh giá đủ thước cỡ, nhưng luôn cồng kềnh, nặng nề, khó vác.
      Với sứ điệp của các thánh tử đạo cha ông, xin cho chúng con niềm xác tín “hoàn toàn và mãi mãi thuộc về Chúa”, với ý thức “khi đau khổ là lúc Chúa hiện diện gần gũi, sống động nhất”, để trên mọi bước thăng trầm, giữa sóng gió thử thách, trong hoang mang, bấn loạn của cuộc đời Kitô hữu, chúng con vẫn một lòng phó thác và vâng phục Thánh Ý.
Jorathe Nắng Tím