Hạnh phúc của tôi trong đêm Giáng Sinh là nép
mình sau hang đá để được chiêm ngắm đôi
mắt của rất nhiều người đến cầu nguyện
trước Chúa Hài Đồng, và đôi mắt của ai đêm ấy cũng đẹp, cũng lung linh thánh
thiện, trong vắt một niềm vui Bình An.
Qủa thực, cách đây hơn hai ngàn năm,
trong đêm Giáng Sinh ở Bêlem đã có những người đến gặp Chúa Hài Đồng cũng với đôi mắt trong vắt,
thánh thiện và bình an như thế.
Tin Mừng
kể lại : “Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm
canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần đến bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa
chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: Anh em đừng sợ.
Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:
Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà
nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”
(Lc 2,8-12).
Trước hết,
anh em mục đồng đã thấy vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh họ. Giữa đêm
khuya mà thấy được vinh quang Chúa là chuyện hiếm có, khó xẩy ra, vì ai cũng buồn ngủ nên mắt nhắm nghiền, nếu
không buồn ngủ hoặc đang phiên trực thì mắt cũng nhắm để đó, tội gì phải căng
tròng thao láo cho mệt.
Những đôi mắt đơn sơ của những tâm hồn nghèo
khó, chất phác, hiền lành đêm ấy đã thất kinh sợ hãi, vì chưa bao giờ thấy ánh
sáng “sáng” như thế, chưa bao giờ thấy cảnh tượng huy hoàng như vậy. Khiếp hãi,
thất kinh nhưng không hoang mang, chạy trốn. Trái lại, với đơn sơ của tâm hồn,
ngay thẳng của lương tâm, anh em mục đồng đã thấy trong ánh sáng huy hoàng con
đường của Tin Mừng.Và ngay lập tức, họ đã cùng nhau lên đường.
Ở hang
Belem, cũng những đôi mắt đơn sơ, hiền lành ấy đã thấy một “hài nhi sơ sinh bọc
tã, nằm trong máng cỏ”.Nhưng điều quan trọng hơn cả là những đôi mắt ấy đã thấy
Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ nơi hình hài trẻ sơ sinh, điều mà không phải mắt nào
cũng thấy được.
Sở dĩ các
mục đồng đã thấy, vì họ có đời sống trong sạch của người nghèo. Người nghèo thì
trong sạch, bởi đầu óc người nghèo không mưu mô, thủ đọan; miệnglưỡi người
nghèo không điêu ngoa, lọc lừa; trái tim người nghèo hay chạnh lòng thương xót,
vì thấu hiểu nỗi đau và tủi nhục của phận nghèo; tay người nghèo luôn quảng đại hơn người giầu, vì chẳng
có gì ki bo, chắt bóp, giữ lại cho mình; bàn chân người nghèo quen dầm sương
dãi nắng, nứt nẻ, chai sạn, nên sẵn sàng
lên đường và không ngại đi bất cứ đâu. Và tất nhiên, đôi mắt trong sáng của tâm
hồn trong sạch nơi các mục đồng nghèo khó ấy đã cho họ được thấy Thiên Chúa (Mt
5, 8).
Là những
người đầu tiên, sau cha mẹ Đức Giêsu, được
thấy Thiên Chúa làm người, các mục đồng là những người được Thiên Chúa tuyển chọn
và yêu thương đặc biệt (Mt 11, 25).Chính
cuộc sống đơn nghèo và tấm lòng trong sạch đã cho anh em mục đồng có được
đôi mắt của Thiên Chúa, để có thể thấy Thiên Chúa bị che khuất bởi hình hài “trẻ
thơ bọc tã, nằm trong máng cỏ” rất cô thế, nghèo hèn, yếu đuối. Với đôi mắt
thánh thiện của người thiện tâm, các mục đồng đã thấy Thiên Chúa trong con người,
đã nhận ra Thiên Chúa toàn năng và vinh quang của Ngài nơi con người yếu đuối,
bé nhỏ, bị bỏ rơi, quên lãng. Đôi mắt mục đồng ấy, vì mang thánh thiện của
Thiên Chúa, nên thân thiện với mọi người,
nhất là những người không được ai yêu thương, và những ai bị coi là tội lỗi.
Đôi mắt mục đồng có Thiên Chúa ấy biết ngưỡng mộ không những trước Thiên Chúa
và kỳ công của Ngài, mà còn trân qúy, chiêm ngắm con người, là kỳ công tuyệt hảo,
vì mang hình ảnh của Thiên Chúa.
Bên cạnh anh em mục đồng với đôi mắt trong vắt
bình an của tâm hồn đơn sơ, hiền lành là đôi mắt của các nhà chiêm tinh từ
phương Đông. Tin Mừng kể: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem.., có mấy nhà chiêm
tinh từ phương Đông đến Giêrusalem và hỏi: Đức Vua dân Do Thái mớI sinh, hiện ở
đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Ngài xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi
đến bái lậy Ngài” (Mt 2,1-3).
Các nhà
chiêm tinh đã thấy được vì sao của Đức Giêsu
xuất hiện bên phương Đông, nơi các vị ở, vì đôi mắt của các vị tuyệt vời
khiêm tốn. Các vị đã tuyệt vời khiêm tốn, khi không cho mình là Sao, nên thấy
được ngôi sao của Đức Giêsu; không cao ngạo coi mình là Sao, nên mới thấy được
vì sao Cứu Độ của Đấng Cứu Thế; không tự phụ là Siêu Sao, nên mới thấy được
muôn muôn triệu vì sao trên trời; không kiêu hãnh xưng mình là Sao, nên mới cất công lên đường
đi tìm Ngôi Sao Thiên Chúa, Ánh Sáng muôn dân.
Không
như đôi mắt kiêu căng, nhưng mù loà của vua Hêrôđê đã không thấy gì hết, dù Đấng
Cứu Thế sinh ra ngay Bêlêm, trên lãnh thổ của ông, rất gần ông. Cả đến các kinh
sư, cố vấn của vua cũng không hề hay biết, dù trong sách ngôn sứ đã loan báo: “Phần
ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất Giuđa, vì
ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,6).
Khác với
đôi mắt thiện tâm, đi tìm chân lý của các nhà chiêm tinh, Hêrôđê có đôi mắt
gian ác, với dã tâm đánh lừa các nhà chiêm tinh và dụ họ trở lại gặp ông, sau
khi đã tìm thấy Hài Nhi, để ông biết
đích xác nơi sinh ra, rồi hạ lệnh giết chết Hài Nhi, tránh hậu họa mất
ngôi (Mt 2,7-8). Nhưng ý đồ đen tối của vua đã không được thực hiện, vì trong
giấc mộng, các nhà chiêm tinh đã được báo đừng trở lại Giêrusalem gặp vua
Hêrôđê nữa (Mt 2, 12).
Với đôi mắt
khiêm tốn và khao khát tìm kiếm chân lý, các nhà chiêm tinh đã thấy sao của
Thiên Chúa chỉ đường, và họ đã thấy Thiên Chúa làm ngươi, vừa sinh ra ở Bêlem.
Thực vậy
Tin Mừng chỉ kể có hai nhóm người đã đến Bêlem gặp Hài Nhi Giêsu vừa sinh ra:
các mục đồng nghèo khó, chất phác đang canh giữ chiên cừu trong vùng, và các
nhà chiêm tinh thông thái, có tiền của, chức phận từ phương xa. Cả hai nhóm tuy
không cùng thành phần xã hội, nhưng cùng có lòng ngay, cùng trái tim trong sạch
và đôi mắt trong vắt bình an của người thiện tâm. Vì thế cả hai đã được thấy dấu
hiệu của Thiên Chúa và đã thấy chính Thiên Chúa làm người trong Đức Giêsu tại
Bêlem.
Với tôi,
Giáng Sinh về cũng là dịp xem lại đôi mắt
của mình, để thấy mắt mình còn qúa vẩn đục vì ích kỷ, ganh ghét, hận thù; qúa mờ
đục vì ngạo mạn, kiêu căng; qúa ngầu đục vì đủ thứ tham vọng, nhất là tham vọng
quyền bính. Vì cái tôi qúa vĩ đại, cái tôi Siêu Sao, cái tôi là tất cả chân lý,
nên không ai, không sự gì có giá trị hơn “cái tôi”, kể cả Thiên Chúa. Chính vì
thế, đôi mắt của tôi không còn nhìn thấy gì khác, ngoài “cái tôi” vốn mãi giới
hạn, nghèo nàn, tội lỗi, nhưng lại ngạo mạn che khuất cả Thiên Chúa và anh em đồng
loại.
Không nhìn
thấy ai ngoài mình, tôi sẽ chẳng có đôi mắt thân thiện để gặp gỡ, yêu thương, cảm
thông, chia sẻ; chẳng có đôi mắt ngỡ ngàng, ngưỡng mộ, trân trọng việc làm,
công trình, giá trị của bất cứ người nào; càng không ngay thẳng nhận ra sự thật
ở mình và người khác, nhưng tệ hại hơn
là ảo tưởng mình là siêu sao thánh thiện để rồi suốt đời “không thấy được
và không được thấy” vì sao của Thiên Chúa, cũng như chính Ngài, bởi chỉ có những
tâm hồn trong sạch, khiêm tốn mới được nhìn thấy Thiên Chúa; chỉ đôi mắt trong
vắt của người nghèo được Chúa thương,
đôi mắt khiêm nhường của người khát khao tìm Chân Lý, đôi mắt bình an của người
thiện tâm mới được thấy Thiên Chúa và vinh quang của Ngài.
Ước gì những
đôi mắt đẹp, trước Hang Đá mà tôi được diễm phúc chiêm ngắm trong đêm Noel sẽ
mãi trong vắt bình an như đôi mắt các mục đồng, và khiêm tốn an bình như đôi mắt
các nhà chiêm tinh, vì được nhìn thấy “Thiên Chúa giáng sinh làm người”.
Jorathe
Nắng Tím