Thực vậy, bầu khí Chúa Nhật thứ ba mùa vọng thật tưng bừng, phấn khởi và
ngôn sứ Xôphônia đã hoan hỷ kêu gọi
trong bài đọc thứ nhất: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi, nhà
Ítraen hỡi, vì án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại” (Xp 3,14-15). Qủa thực,
không gì hạnh phúc cho can phạm khi án toà được hủy bỏ, lệnh tống giam được xé
đi, và Đức Chúa đã đến như vị cứu tinh, người giải phóng, Đấng Cứu Độ để đem hạnh
phúc cho dân Người.
Thánh Phaolô thì dường như xuất thần với niềm vui Chúa đã đến gần, và
kêu gọi mọi người vui lên trong Chúa bằng sống hiền hoà, quảng đại, chân thành,
tử tế, nhất là cầu nguyện và kết hợp với Đức Giêsu Kitô (x. Pl 4, 4-9).
Cũng trong niềm vui Đức Chúa đã đến gần, Tin Mừng Luca tiếp tục triển
khai lệnh lên đường của Thiên Chúa đã được Gioan Tẩy Giả loan báo, kêu gọi. Trả
lời câu hỏi của đám đông : “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc 3, 10), Gioan đã
trình bày công việc phải làm của người đáplời kêu gọi dọn đường, lên đường, sám
hối của ông. Theo Gioan, có ba công việc phải làm:
1. Chia sẻ cơm ăn, áo mặc với
anh em:
Gioan không úp mở xa gần, nhưng bộc trực, huỵch toẹt: “Ai có hai áo, thì
chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3, 10). Đơn sơ,
ngắn gọn, nhưng thiết thực và hữu hiệu: chia sẻ cơm áo với người thiếu thốn
chung quanh. Người đói ăn, thiếu mặc thì khắp nơi, không tìm cũng thấy, không
mong cũng gặp, nên ai cũng có cơ hội để chia sẻ những gì mình có, cho đi những
gì mình dư thừa cho người anh em thiếu thốn, đang cần được giúp đỡ.
Ngay từ buổi đầu, nghiã là trước khi Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng, Gioan
Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Ngài đã nắm bắt chính xác đòi hỏi tất yếu của Tin Mừng,
đó là Yêu Thương, Chia Sẻ. Là người đi trước dọn đường, Gioan đã thấy con đường
Đức Giêsu mở ra, cũng là con đường Ngài đi và bất cứ ai muốn theo Ngài cũng sẽ
phải đi: con đường Bác Ái, con đường Xót Thương, con đường Chia Sẻ.
2. Công Bình trong ứng xử:
Công việc thứ hai phải làm là công bình: “Đừng đòi hỏi gì qúa mức đã ấn
định” (Lc 3,13). Đòi hỏi ai điều gì qúa mức quy định họ phải làm là vi phạm luật
công bình, bởi mỗi người có trách nhiệm, nhưng cũng có quyền lợi đi đôi với
trách nhiệm ấy. Đòi hỏi ai làm qúa trách nhiệm là bất công với họ, cũng như bắt
người khác làm qúa nhiều, qúa sức, qúa độ, qúa khả năng, mà không cho quyền lợi
tương xứng là bóc lột, vi phạm luật công bằng.
Công bình không chỉ đòi chúng ta tôn trọng quyền sở hữu, mà còn tôn trọng
quyền sống làm người của người khác, và trong mọi trường hợp, công bình luôn là
nền tảng của bác ái. Không thể có bác ái, không thể qủang đại sẻ chia, nếu thiếu
phân minh, công bình. Như thế, chẳng khác nào người tham nhũng đi làm từ thiện
bằng tiền cắc của khối tiền tham những kếch xù. Việc từ thiện đó tưởng do lòng
bác ái, nhưng thực chất chỉ là trò giả hình gian xảo, điếm đàng, lừa lọc, cốt
che mắt phàm nhân, nhưng sao che được mắt Thiên Chúa?
Vì thế, công bình rất cần thiết và không
thể thiếu trong đời sống người lữ hành theo Đức Gêsu trên đường Sự Thật và Yêu
Thương, bởi cả sự thật và yêu thương đều không thể thiếu công bình như nền tảng,
bệ phóng.
3. Không bạo lực:
Công việc thứ ba Gioan khuyên phải làm, đó là: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng
tống tiền người ta” (Lc3,14). Hà hiếp, tống tiền là đàn áp, trấn lột, và tất
nhiên để thực hiện việc hà hiếp, tống tiền, người ta cần sử dụng bạo lực. Có thể
là bạo lực ngôn từ, bạo lực chân tay, bạo lực vu khống, bạo lực gieo tin đồn thất
thiệt, bạo lực vũ khí... Cách nào của bạo lực thì cũng là bạo lực, là vi phạm luật
giao thông của Con Đường Sự Thật và Tình Yêu, bởi làm tổn thương con người, vì
con đường này Thiên Chúa đã lập nên cho hạnh phúc của con người.
Gioan Tẩy Giả đã hiểu rõ hơn ai hết, vì ngài là Tiền Hô của Đức Giêsu,
giá trị của sự hiền lành, không bạo lực, bởi chính Sự Thật sẽ giải giới mọi bạo
lực, vì Sự Thật có sức mạnh giải phóng toàn diện, không để con người chìm đắm
trong u mê, tăm tối của gian dối, lầm lạc là nguyên nhân đưa đến mâu thuẫn,
chia rẽ, đố kỵ, tạo cơ hội cho bạo lực chiếm sân, can thiệp. Sự hiền lành, nhu
mì cũng rất cần thiết để sống Yêu Thương, vì người có lòng yêu mến anh em mình,
sẽ không thể chung sống với bạo lực, vì bạo lực là kẻ thù của Tình Yêu.
Và để đám đông hiểu rõ hơn đòi hỏi cấp
bách phải thay đổi não trạng, thay đổi nếp nghĩ cũ, thay đổi lối sống vô độ,
gian ngoa, thù hận, Gioan Tẩy Giả cho mọi người biết thêm: “Tôi rửa anh em
trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai
dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc
3,16). Tuyên bố này xác định thật rõ ràng, chính xác: Anh em phải khẩn trương
thay đổi, vì Đấng đến sau tôi cao cả hơn tôi rất nhiều, nên đòi hỏi còn gắt gao
nhiều lần hơn, bởi “tay Người sẽ cầm nia ria sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì
thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi” (Lc 3,17).
Tóm lại, Thiên Chúa muốn chúng ta đón rước Ngài bằng bước đi với Ngài
trên con đường Sự Thật và Tình Yêu, bằng sống đời công bình, bác ái, tẩy chay bạo
lực nhưng xây dựng hoà bình. Trên con đường có Chúa đồng hành và chờ đón, ta nhận
được Niềm Vui ơn Cứu Độ, và có Chúa là nguồn Bình An (Pl 4, 9). Chính nguồn “bình
an vượt lên trên mọi hiểu biết” (Pl 4,7), sẽ giữ lòng trí chúng ta được kết hợp
với Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ là Sự Sống, Sự Thật, và Tình Yêu đang đến trong
nhà chúng ta.
Jorathe Nắng Tím