Pages - Menu

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Hiền Lành và Khiêm Nhường

https://www.youtube.com/watch?v=IQjjrmU3N-k
Thật khó có thể tìm được người hiền lành và khiêm nhường đích thực trong một xã hội bạo lực, cạnh tranh kinh tế, tranh giành quyền lực, duy ngã và hưởng thụ như xã hội hôm nay.

 Sở dĩ khó tìm, vì để làm người hiền lành và khiêm nhường trong xã hội này, người ta phải bơi ngược giòng, phải làm trái những gì xã hội muốn. Vì thế người hiền lành, khiêm tốn luôn phải trả giá mắc và chịu nhiều thua lỗ, thiệt thòi .

  Trong một xã hội bạo lực, người hiền lành là người bị bắt nạt, ăn hiếp, bởi bạo lực không che chở họ, chỉ vì họ không đứng vào hoặc không được đứng vào hàng ngũ những người nắm giữ, sử dụng bạo lực, cũng như chịu quy phục bạo lực.

   Trong một xã hội mà khoẻ thắng yếu, kẻ mạnh không bênh đỡ người cô thế, thì người hiền lành trở thành mồi ngon, đối tượng lý tưởng của bạo lực. Vì thế, có mấy người hiền lành thoát cảnh bị đàn áp, trấn lột, lợi dụng, sử dụng như phương tiện và bị đẩy vào cảnh lầm than đầy oan ức, bất công.

   Cũng vì bị xử ép, xử tệ, nên phần đông không muốn là người hiền lành, nhưng để tự bảo vệ và để không bị đời ăn hiếp, người ta đành phải làm người hung dữ trong xã hội bạo lực.

  Thực vậy, xã hội bạo lực không cho nhiều người hiền lành được sống hiền, cũng như xã hội cạnh tranh kinh tế không thương tiếc đẩy con người vào bạo lực, vì không thủ đoạn, người ta khó có thể thành công.

  Thế là tự nhiên bạo lực được coi là chìa khoá của thành công mà đa số, dù muốn dù không cũng phải chọn, bởi đã ở vào xã hội cạnh tranh gay gắt, dữ dội, người ta sẽ không chỉ quen, mà còn cần bạo lực như nhu cầu khó có thể thiếu.

  Người hiền lành do đó khó tìm đất sống, và người khiêm nhường cũng chịu chung số phận bị khinh bỉ, loại bỏ trong xã hội mà quyền lực ngày càng biến thành khao khát cháy bỏng, là niềm tự hào không gì có thể so sánh, bởi trong thực tế, có quyền là có tất cả, cầm quyền là nắm tất cả, chưa kể khao khát cháy bỏng ấy còn bùng lên khủng khiếp bởi tính duy ngã và hưởng thụ.

   Tóm lại, sống hiền lành và khiêm nhường được trong xã hội hôm nay là điều không dễ, nếu không muốn nói là rất khó, khó vì ngược giòng, nghịch gió; khó vì khó sống trước những o ép, bắt chẹt của nhiều người; khó vì trong thế giới bạo lực, tranh giành, ích kỷ, hưởng thụ, người hiền bị coi là ngu và khiêm nhường là vô tài bất tướng.

   Đức Giêsu ở thời Ngài, cách đây hơn hai ngàn năm cũng đã đặt hiền lành và khiêm nhường thành một vấn đề quan trọng khi nhiều lần lên án người kiêu căng, bạo lực (Mt 23,12), và không ngừng tuyên dương, hứa phần thưởng Nước Trời cho những ai hiền lành, khiêm nhường (Mt 5,4), đặc biệt Ngài còn mở lớp dậy môn học rất khó khăn và không mấy thức thời này, khi nói với các môn đệ: “Hãy học với Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường tận đáy lòng” (Mt 11,29).

    Qua lời giảng dậy và thái độ của Đức Giêsu đối với người kiêu căng , hung dữ và người hiền lành, khiêm nhường, chúng ta nhận ra những điều quan trọng sau đây:

1/ Ngay từ thưở ban đầu, con người đã kiêu căng, hung bạo:

     Evà đã kiêu căng muốn biết như Thiên Chúa biết, nên mới ăn trái cây Thiên Chúa cấm (St 3,5); Cain ghen ghét, hung bạo nên mới giết em trai mình là Aben (St 4, 1-8), và ở mọi nơi, mọi thời, con người đều bị cám dỗ kiêu căng, bạo lực: kiêu căng vì muốn trổi vượt hơn người, kiêu căng vì muốn mọi người tùng phục mình, kiêu căng vì muốn nắm quyền sinh sát người khác; đồng thời hung dữ, bạo lực để biểu hiện sức mạnh thống trị người khác, và bảo vệ sức mạnh thống trị ấy. 

     Như thế, không phải chỉ ở xã hội chúng ta đang sống hôm nay con người mới phải đương đầu với kiêu căng, bạo lực, nhưng đây là cơn cám dỗ và thách đố của mọi thời, ở mọi nơi, nên những lời Đức Giêsu khiển trách kẻ kiêu căng, hung dữ, hay khen ngợi những người khiêm tốn, hiền lành hai ngàn năm trước ở quê hương Do Thái của Ngài cũng giữ nguyên giá trị thức thời đối với chúng ta hôm nay.

2/ Thế nào là hiền lành và khiêm nhường ?

     Vì não trạng sợ người mạnh, khiếp vía người dữ, nhưng lại coi thường người hiền và khiêm tốn, nên phần đông hiểu khiêm tốn, hiền lành là khờ khạo, nhu nhược, nhát gan, thiếu dũng khí, không dám đương đầu, đối phó.

  Hiểu như thế là sai và hạ thấp giá trị của hiền lành và khiêm nhường. Chúng ta thường ca ngợi “cái Dũng” của thánh nhân, và hiểu người có dũng khí là người không sợ gì, không sợ ai, không sợ bất cứ điều gì xẩy đến cho mình.

 Người hiền lành chính là người có dũng khí đó, bởi không đố kỵ, ganh ghét, đấu đá với bất cứ ai, nên họ chẳng khiếp sợ ai, cũng chẳng khúm núm, khom lưng, quỵ lụy người nào, bởi với người hiền lành, ai cũng đáng trọng, đáng mến, và không có người làm họ sợ, làm họ phải đánh mất hay bán rẻ nhân phẩm của mình.

 Người hiền lành không ghét ai, không hại ai, và cũng không làm nô lệ cho ai, bởi sâu sa trong tâm hồn, họ là những người đơn sơ, chất phác, từ tâm nhưng có bản lãnh, biết mình muốn gì và phải làm gì để luôn giữ được tấm lòng trinh trong, nhân hậu và vị thế độc lập trong mọi tương quan. 

  Người ta dễ lầm tưởng người hiền lành là người nhu nhược, dễ bị khuất phục. Đó là nhận định sai lệch cần được sửa đổi, bởi xa hơn, cao hơn và đáng trân quý hơn, người hiền lành còn là người không làm ai sợ mình.

 Quả thực, không chỉ “không sợ ai, không sợ gì, không sợ bất cứ điều gì xẩy đến”, người hiền lành còn làm một việc rất khó làm khác nữa, đó là “không làm ai sợ mình”.

    “Không làm ai sợ mình” chính là nét đẹp tuyệt vời của người hiền lành, vì họ không đe nẹt, dọa dẫm, nhưng thân thiện, dễ thương, ân cần với mọi người, bởi họ không tìm gì cho mình, không dùng người khác làm bàn đạp hay gạch lát đường tiến thân. Nhờ thế, họ không bao giờ làm tổn thương ai, nhưng chan hoà với mọi người, khởi đi từ cố gắng cao thượng: “không làm ai sợ mình”.

   Bên cạnh hiền lành là khiêm nhường. Thực ra người hiền lành mới có thể khiêm nhường, vì không hiền lành, khiêm nhường không cắm sâu được trong đất, nên rất chênh vênh, dễ đổ. 

Khiêm nhường trước hết là đón nhận những gì mình có với một niềm tri ân, đồng thời chấp nhận giới hạn của mình với thái độ bình an, thanh thản. Đón nhận những gì mình có mà không phóng đại hay dấu diếm là khiêm nhường, bởi chỉ người kiêu căng mới phóng đại và người thiếu thành thật mới dấu diếm.
Đón nhận cách trung thực những gì mình có cũng là biểu hiện lòng biết ơn Đấng đã ban cho mình, và những người đã đóng góp xây dựng “gia sản” tinh thần và vật chất mình có. Với tâm tình biết ơn và tinh thần trung thực, người khiêm nhường thể hiện cách sống động lòng khiêm tốn bằng: 

   a/ Không bao giờ nghĩ mình đạo đức hơn người khác, bởi ảo tưởng đạo đức là thuốc độc giết chết tâm hồn khiêm nhường nhanh chóng nhất.

    b/ Không bao giờ nghĩ mình tài ba, giầu kiến thức hơn người khác, vì ảo tưởng giỏi giang bóp chết trái tim khiêm nhường gọn nhẹ nhất.

   Ngoài việc đón nhận những gì mình có với lòng biết ơn, người khiêm nhường còn biết chấp nhận những giới hạn của mình, bởi giới hạn là đặc tính của con người. Ngoài giới hạn thời gian và không gian, con người còn rất nhiều giới hạn khác như sức khỏe, tương quan, suy nghĩ, tầm nhìn...


   Nhờ biết chấp nhận giới hạn mà người khiêm nhường không nản lòng, thối chí, bỏ cuộc khi thất bại, càng không căm phẫn giận Trời, hận đời, trách mình khi “sa cơ lỡ bước”, “công không thành, danh không toại”, nhưng bình an bắt đầu lại tất cả từ thất bại, lầm lỡ. 

3/ Hiền lành và khiêm nhường là điều kiện của bình an:

   Trái tim ngủ không yên, vì lửa kiêu căng, bạo lực thiêu đốt; gia đình, đất nước không bình an cũng vì đại dịch bạo lực, kiêu căng tràn lan lây nhiễm, trong khi tâm hồn người khiêm nhường bình lặng vì không bị sóng bạc đầu kiêu căng xô lấp, không bị hồng thủy bạo lực nhận chìm. Người hiền lành, khiêm nhường vì thế luôn có bình an, vì nơi trú ngụ đích thực và bền  vững của an bình chính là trái tim khiêm tốn, hiền lành.

4/ Hiền lành và khiêm nhường là nền tảng của các nhân đức:
    
   Điều này muốn nói lên rằng: không một người đạo đức nào có thể bỏ qua hiền lành và khiêm nhường, không một vị thánh nào lại không hiền lành và khiêm nhường, không một con người đáng yêu, đáng mến nào lại có thể là người kiêu căng, bạo lực, bởi một lý do duy nhất: hiền lành và khiêm nhường là nền tảng của các nhân đức.
     
Do đó, để trở thành người tốt, trước hết phải tập sống hiền lành và khiêm nhường; để là người tử tế cũng phải bắt đầu bằng đời sống hiền lành, khiêm nhường; để được “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu cũng phải khởi đi từ bài học hiền lành và khiêm nhường của Ngài. Tắt một lời, để biết một người đạo đức, người ta chỉ cần xem người ấy có hiền lành, khiêm nhường hay không, bởi như nhà xây trên cát phải sụp đổ, thì người không hiền lành và khiêm nhường cũng phí công xây dựng ngôi nhà đạo đức của mình như vậy.

 Vâng lậy Chúa, chúng con biết căn bệnh quái ác có nguy cơ tàn phá chúng con và thế giới hôm nay là kiêu căng và bạo lực, vì cả hai đều khước từ, phủ nhận Chúa, là Đấng ban sự sống cho chúng con và mọi loài. Xin thương xót và cứu chúng con xa khỏi kiêu căng, bạo lực đang làm chúng con mất Chúa, và dậy chúng con hiền lành, khiêm nhường như Chúa, là Con Chiên hiền lành và khiêm nhường đã gánh hết tội thế gian.
Jorathe Nắng Tím