Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Bác Ái


Khi nghe đến bác ái, ta có khuynh hướng quy chiếu và giản lược ngay giới luật yêu thương của Đức Kitô vào những công việc từ thiện, chia sẻ vật chất bên ngoài. Những việc làm bác ái cụ thể, thiết thực rất đúng và rất cần vì “Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết”, Đức Ái không việc làm còn chết lẹ, chết bạo hơn và người “nói mà không làm” này được thánh Phaolô và Giacôbê xếp vào hạng “ba xạo, khoác lác, nổ bậy”. Tuy thế, bên cạnh những việc làm bác ái, còn một việc cần phải làm nữa, đó là yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Tin Mừng Mùa Chay đưa ta vào giữa lòng của cao trào Đức Ái và dắt ta đến tận “củ tỷ” của đòi hỏi bác ái rất gắt gao, dứt khoát.

Gọi Yêu Thương là giới luật mới, vì Đức Kitô đã đến giữa con người để thiết lập bộ luật yêu thương mới, không giống như luật cũ Môsê. Bằng chính cuộc đời và cái chết trên thánh giá, Ngài đã làm chứng: với ơn Chúa, người theo Đức Kitô có thể yêu thương đến cùng, yêu thương mọi người, kể cả kẻ thù và hiến mạng sống cho những người mình yêu.

Luật Môsê hay luật của Cựu Ước với Đức Giêsu đã không còn thích hợp. Luật cũ ấy cho phép “mắt đền mắt, răng đền răng”: “mày bẻ răng tao, tao bứng răng mày; mày móc mắt tao, tao khoét mắt mày” và tự nhiên yêu người thân, ghét kẻ thù. Đức Kitô đến và Ngài đã làm một cuộc cách mạng toàn bộ, khi thay đổi tận gốc rễ luật cũ và thiết lập luật Tình Yêu mới.

Ngài đã lập luật mới như Tin Mừng cho mọi người: luật yêu thương cho một thế giới yêu thương. Yêu thương của Ngài là cho đi không tính toán, là giơ má cho người ta tát nếu cần, là yêu không biên giới, là thương vô điều kiện, là liên lỉ tha thứ, là nhận về mình mọi thiệt hại và nhất là yêu cả người khinh bỉ, bách hại, lên án mình và cầu nguyện cho họ (Mt 5,43-48). Đức Kitô đã đảo ngược trật tự xã hội, tôn giáo của thời Ngài, ở đó công lý sẽ không còn xây trên nền tảng công - tội, thưởng - phạt nhưng xây trên lòng thương xót, bao dung; nhờ thế mà người đàn bà ngoại tình đang bị công lý loài người đè ra ném đá đã được công lý Thiên Chúa xót thương cứu giúp, giải thoát (Ga 8,1-11). Ngài dấy lên phong trào nhân quyền khi bất chấp luật cấm của ngày Sabát: “Tôi nói cho các ông nghe: Luật là để phục vụ con người, chứ không phải con người là nô lệ của Lề Luật” (Mc 3,27). Ngài đổi mới tư duy, cái nhìn của con người về tha nhân qua câu chuyện người Samaritanô nhân lành (Lc 10,25-37). Ngài lập một tiêu chuẩn trách nhiệm và lượng giá mới: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” và người làm lớn là người phục vụ, người lãnh đạo là người tận tụy, hy sinh và khiêm tốn quỳ xuống rửa chân cho thuộc cấp (Mt 20,27-28). Ngài lập một trật tự xã hội, tôn giáo mới khi cố tình quấy động để đổi mới nếp nghĩ, nếp sống, thói đời bình thường, quen thuộc của người đương thời: Người ta mong làm lớn để được ngồi cao, còn Ngài thì bảo: Ai không trở nên bé nhỏ như trẻ thơ thì không được vào vương quốc của tôi và người có chỗ cao nhất trong nước trời là người bé mọn nhất (Mt 18,1-6). Ở đây, chúng ta cùng Ngài đi vào cốt lõi của luật mới: Tình Yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.



Tin Mừng ngày thứ Bảy tuần thứ nhất Mùa Chay đặt chúng ta trước nghịch lý của một tình yêu vượt ngưỡng tự nhiên. Vượt ngưỡng tự nhiên vì cứ tự nhiên, bình thường, hơi đâu đi yêu kẻ ghét mình, thương kẻ coi thường mình, mến kẻ kèn cựa, bon chen. Cứ đương nhiên thì ai lại ngu đến độ giúp đỡ kẻ “chơi” mình và làm ơn cho đứa phản bội, tiêu lòn. Tình tự nhiên thấy ngay đòi hỏi trên là nghịch lý, khó chấp nhận, vì tự nhiên người ta chỉ thương được người thương mình và tất nhiên phải ghét người làm hại mình. Biết chúng ta sẽ nổi quạu vì cái nghịch lý khó chịu này, nên Đức Kitô đã rào trước đón sau như một nhà sư phạm khi khơi dậy trong ta một vài suy tư:

      Trước hết, Ngài công khai xin chúng ta cùng Ngài bước qua ngưỡng của tình yêu tự nhiên theo luật cũ “Yêu người thân, ghét kẻ thù” để bước vào một thế giới siêu nhiên với tình yêu siêu nhiên: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người hành hạ, bách hại chúng con để chúng con xứng đáng là con của Cha trên trời” (Mt 5,43-35). Thế giới Ngài dắt chúng ta vào là thế giới siêu nhiên của Cha trên trời, không còn là thế giới tự nhiên và mục đích phải đạt của những người theo Ngài là trở nên con Thiên Chúa, chứ không còn là con của loài người. Ngài đã công khai và dứt khoát mời chúng ta ra khỏi thế giới tự nhiên với tư duy tự nhiên, hành động tự nhiên của con người tự nhiên. Như thế, yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ thù không còn nằm trong vùng phủ sóng của tự nhiên, nhưng vượt tầm, vượt ngưỡng, vượt biên, vượt mức để sang hẳn khung trời, thế giới siêu nhiên. Trong thế giới siêu nhiên, con người tự nhiên cần ơn siêu nhiên để có thể thực hiện những hành vi siêu nhiên; nói cách khác, con người tự nhiên được nâng lên hàng siêu nhiên để hoạt động với Chúa, trong Chúa. Hành động bác ái yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ thù là hành vi siêu nhiên, có Chúa; vì thế, con người tự nhiên với lý lẽ tự nhiên, suy nghĩ tự nhiên, khuynh hướng tự nhiên, chọn lựa tự nhiên sẽ không làm được và tất nhiên cho là nghịch lý, vô lý, không chấp nhận được.



Để củng cố niềm tin và hy vọng vào lời Ngài hứa cho những ai dám theo Ngài vào khung trời siêu nhiên, Đức Kitô đã chứng minh ngay: Thiên Chúa đã làm mưa nắng trên cả người lành, kẻ dữ; có nghĩa là Ngài yêu cả kẻ dữ, người lành và luôn mong đợi mọi người trở về với Ngài để được hạnh phúc. Tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ tràn trề trên tất cả người lành, kẻ dữ, vì không một ai lọt ra ngoài tầm ngắm yêu thương của tình Ngài bao dung, thương xót. Cứ theo thói thường và tình tự nhiên thì chỉ nên mưa nắng cho người “ăn ngay ở lành”, còn bọn gian ác “trẻ không tha, già không thương” thì mưa nắng trên chúng làm gì cho uổng nắng mưa của Trời. Chúng ta không khỏi một lần khó chịu, bực bội với Chúa khi thấy bọn lưu manh, gian ác, ngậm máu phun người thì phây phây “hạnh phúc”, còn người công chính thì gặp toàn bất hạnh, rủi ro, đau khổ... Khác gì các môn đệ đã xin Đức Kitô cho lửa trên trời xuống thiêu hủy trọn một thành thuộc xứ Samaria vì dân chúng đã không đón tiếp Chúa. Không như các ông dự đoán và mong ước, Đức Kitô đã trách tâm địa không tốt của các ông và nói: “Thầy đến không phải để giết hại mà để cứu sống”. Nghe thế, các ông buồn hiu vì không “dạy được cho bọn này một bài học” để chúng “biết thế nào là lễ độ” (Lc 9,52-54); hay như người con lớn của người cha nhân từ trong câu chuyện đứa con hoang đàng (Lc 15,25-32). Anh hai thấy em về sau bao năm tháng xa nhà, xa cha, đã thay vì vui với cha, với em và mọi người, anh hai đã “bực bội, tức giận, không muốn vào nhà” và hằn học với cha: “Bao nhiêu năm ở nhà, không đi đâu và chỉ biết hầu hạ, phụng dưỡng cha... thế mà con chẳng được gì, còn thằng chó chết bỏ nhà đi hoang, phung phí hết tiền của, đáng lẽ đã chết bờ chết bụi, nay vác xác, mò về thì cha lại đãi tiệc ăn mừng. Thiệt tình, con hết hiểu nổi và chán cha tận cổ”. Anh hai chán cha tận cổ vì tình cha vượt quá tình tự nhiên chật hẹp, nhỏ bé của anh. Anh hai giận cha tím mặt, vì trái tim cha có lí lẽ siêu nhiên mà trái tim tự nhiên của anh không thể hiểu nổi. Anh hai càu nhàu, trách móc cha, vì anh không có tình siêu nhiên “thương xót” như cha. Anh hai giận cha, không vào nhà, vì anh không qua được ngưỡng tình yêu tự nhiên để bước vào vùng trời yêu thương siêu nhiên. Anh hai sẽ mãi mãi không hiểu và không bao giờ chấp nhận lòng bao dung, tha thứ không điều kiện của cha đối với em, vì quả tim “tự nhiên” của anh hai rất bé nhỏ, chỉ quanh quẩn với chút công lênh: “con chẳng đi đâu khỏi nhà, chỉ biết hầu hạ, phụng dưỡng cha” mà quên rằng: “mọi sự của cha là của con”. Trái tim anh hai chỉ đủ để chứa công trạng, huân chương, bảng khen, phần thưởng của riêng mình; ngoài ra không chứa thêm được gì, kể cả tình yêu cha già, người mà anh tự phụ “suốt đời hầu hạ, phụng dưỡng”.



Vì thế, nguy cơ của đời sống đạo là không chịu vượt ngưỡng tự nhiên để sang vùng trời siêu nhiên, không gồng mình ra khỏi pháo đài bề ngoài kiên cố nhưng bên trong rỗng tuếch, tạm bợ, nặng phần trình diễn của nhiều “cái tôi” như ý tôi, đời tôi, nhà tôi, nhóm tôi, xứ đạo tôi, hội đoàn tôi. Luật Tình Yêu mới của Đức Kitô là một cuộc cách mạng đòi đứng dậy, ra khơi, sang bờ bên kia, đi đến tận cùng thế giới, tận cùng thời gian. Tình yêu ra đi gặp gỡ, đón tiếp. Tình yêu ra khỏi nhà mình chật hẹp, ra khỏi lòng mình nhỏ nhen, ra khỏi nếp sống vun vén, ích kỷ để không ai không có chỗ trong cuộc đời mình, không ai bị ruồng bỏ, hắt hủi, lãng quên trong trái tim mình, không ai còn là kẻ thù “không đội trời chung”, không chung một đường về. Tình yêu cởi trói tâm địa kỳ thị, bóc lột, lợi dụng người khác. Tình yêu vượt trên tất cả để ôm được tất cả, thứ tha tất cả để nối kết tất cả, hy sinh tất cả để gặp được tất cả. Tình yêu ấy vô vị lợi đến mức không đợi chờ bất cứ phần thưởng nào, ngoài một phần thưởng duy nhất là chính Đức Kitô khi tình yêu tự nhiên đạt mức hoàn thiện siêu nhiên như Cha trên trời (Mt 5,48).

Thánh Tôma Aquinô sau khi viết xong “Tổng luận thần học” đã được Chúa hiện ra và hỏi: “Này Tôma, con đã viết rất nhiều về Cha, nay Cha muốn thưởng công con, vậy con muốn Cha thưởng con điều gì?” Thánh Tôma đã thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con chỉ xin cho con có Chúa”.

Có lẽ ta cũng phải như thánh Tôma xin cho ta luôn có Chúa để trái tim yêu được như Chúa yêu, thương như Chúa thương và tâm hồn thứ tha được như Chúa bao dung, độ lượng; bởi không có Chúa, ta không thể yêu được kẻ thù, không liều lĩnh được đến độ giơ má cho kẻ thù tát tiếp dăm ba cái nữa và nhất là không đủ khiêm nhường để chăm chú, sốt sắng, thiết tha cầu nguyện cho kẻ chơi xỏ, nói xấu, mạ lị, lên án, hành hạ, bách hại, truy diệt mình.

Mùa Chay, Chúa mời gọi mỗi người lên đường mạo hiểm với Chúa trong thế giới loài người với trái tim Thiên Chúa. Trang bị trái tim ta bằng tình yêu siêu nhiên, Chúa muốn ta đồng hành với Ngài trong thế giới tự nhiên để biến đổi tất cả quả tim đã hoá đá thành những trái tim có máu thịt: ngoan hiền trước tình Chúa, mềm mỏng, nhân hậu trước tình người.