Pages - Menu

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Mùa Chay, Mùa Học Nghề Giáo Dục


Đức Kitô bắt đầu đoạn Tin Mừng Mátthêu 23,1-12 được chọn cho ngày thứ ba tuần thứ hai Mùa Chay bằng một đòn tấn công trực diện và chí tử: “Với các ông Biệt Phái, luật sĩ giữ địa vị dạy lề luật Môsê, anh em thực hành những điều họ nói, nhưng đừng làm theo họ, vì họ nói mà không làm. Họ buộc những gánh nặng quá sức trên vai người khác, còn họ thì không chịu nhúc nhích một ngón tay. Họ làm mọi việc cốt để được người thấy: họ mang đầy huân chương to bản, áo sống rềnh ràng, sang trọng. Họ thích chỗ danh dự trong buổi tiệc, ngồi hàng đầu trong hội đường, được chào hỏi ở nơi công cộng và thích được gọi là thầy”. Đối tượng tấn công là các ông biệt phái thông kinh giỏi luật, giai cấp lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ. Đọc xong đoạn Tin Mừng Đức Kitô rao giảng cách đây hơn hai ngàn năm mà như mới nghe hôm qua từ cuối nhà thờ xóm đạo… Không lẽ chuyện cũ của hơn hai ngàn năm cũng vẫn còn là chuyện mới của hôm nay?

Có lẽ bạn cũng như tôi và nhiều người khác trong quá khứ hay có khuynh hướng dành riêng đoạn Tin Mừng trên để “khủng bố” mấy cha xứ, cha phó mà quên một điều: tất cả mọi tín hữu đều là nhà giáo dục Đức Tin trong môi trường và ở vị thế sống đặc thù của mình, chứ không chỉ các cha, các thầy, các sơ. Vì thế, đối tượng Biệt Phái trong đoạn Tin Mừng trên sẽ trở thành đối tượng mở rộng là chính chúng ta trong tư thế những nhà giáo dục Đức Tin trong bài chia sẻ này.


Trách những người Biệt Phái, luật sĩ trong Đạo cũ, Đức Kitô đã vạch ra ba điểm yếu nơi họ:

1.  Ngôn - Hành bất nhất: Họ nói rất dẻo, giảng rất hay, lập luận rất chuẩn, trình bày rất lôi cuốn. Nói chung, họ là những người biết ăn nói hay có tài thuyết giảng, nhưng giữa điều họ dạy và việc họ làm là một vực thẳm không sao vượt qua. Nói mà không làm cũng giống như mấy chàng quảng cáo to miệng cho một sản phẩm không giá trị ngoài chợ. Họ càng nói, thiên hạ càng khám phá họ cũng “dổm” như món hàng. Những người này đến một lúc sẽ mắc bệnh “đĩ miệng”, nghĩa là không nói không chịu được và suốt đời họ chỉ nói mà không bao giờ làm điều mình nói.

Làm giáo dục mà chỉ nói thì không giáo dục, đào tạo được ai, vì gương sáng, việc lành đánh động, còn lời nói bay đi. Có biết bao người nói hay ta đã gặp, nhưng có phải vì họ nói hay mà thuyết phục, cảm hoá được ta đâu, trong khi chỉ cần một thái độ khiêm tốn, thân thiện, một việc bác ái cụ thể, một chia sẻ cảm thông, ân cần, một gặp gỡ đơn sơ, sống động đã thay đổi cái nhìn, tư duy và cuộc đời ta. Nhiều tâm hồn được đổi mới đã không qua những buổi thuyết trình hấp dẫn, sôi động do những siêu sao hùng biện, nhưng nhờ những chứng tá bé nhỏ, kín đáo, thinh lặng của những con người nhỏ bé, đằm thắm, ít nói, làm nhiều. Một giáo sư vô thần đã viết về cuộc trở lại Giáo Hội của ông khi ông kể lần “bất đắc dĩ” phải đi dự lễ Rửa tội con trai một người bạn chí thân. Vào nhà thờ, ông không lưu ý gì đến thánh lễ… Bất chợt, cha chủ tế già quỳ xuống buộc lại dây giầy cho một em bé giúp lễ đang chắp tay bên bàn thờ. Cử chỉ khiêm tốn, đơn sơ, âu yếm đầy tình ông cháu của cha sở già đã đánh động ông và cử chỉ nhỏ bé tưởng chẳng là gì đã là khởi điểm đường trở về gặp gỡ Đức Kitô của ông giáo sư đại học nổi tiếng vô thần và kịch liệt chống phá Giáo Hội từ hơn ba mươi năm.

2.  Điểm thứ hai họ bị Đức Kitô “kê” nặng là mánh lới “miệng lưỡi đỡ chân tay” và nếp sống thiếu bác ái trầm trọng. Khi lấy lưỡi mà chài mồi, dụ dỗ, đe nạt, trấn áp, lợi dụng người khác, người ta rất vui vì không làm mà có ăn, không “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mà tiền vào như nước; chỉ cần uốn éo cho khéo ba tấc lưỡi là khoẻ cái thân, sướng cái mình; chỉ đánh qua đánh lại vài vòng lưỡi mềm, lưỡi mỏng là “trúng quả”, vào cơ, trúng độ. Hỏi có cái sướng nào sướng hơn “ngồi chơi, nói dóc, ăn bát vàng”? Nhưng đã có người lợi dụng, tất phải có người bị lợi dụng; có thủ phạm thủ lợi thì phải có nạn nhân bị ăn hiếp, trấn lột; có người chỉ nói mà có ăn tất phải có người làm quần quật mà không ăn gì. Những người Biệt Phái dẻo miệng đã ăn hết phần của những người nhỏ bé, yếu đuối khi “chất đầy gánh nặng trên vai người khác, còn họ không buồn nhúc nhích một ngón tay”. Đức Kitô lên án họ môi mép và thiếu yêu thương. Môi mép như thế chỉ là phương tiện thủ lợi cho mình.

Miệng lưỡi cuối cùng chỉ là cách thế kiếm chác, vơ vét. Mục tiêu chính là chiếm đoạt những gì người khác có và ích kỷ vun xới cho mình. Đức bác ái đã không cho phép các ông hành xử như vậy và lố bịch hơn khi chính miệng các ông đang dạy người khác chia sẻ, bố thí. Đức Kitô nổi sùng trước cái trơ trẽn, trắng trợn của các ông Biệt Phái và cảm thương những người đơn sơ, bé nhỏ đang há hốc miệng nuốt từng lời các ông dạy mà có biết đâu mình đang là nạn nhân đáng thương của những miệng lưỡi rắn độc và tâm địa gian ác, tham lam này (Mt 23,33). Vạch trần các ông trước đám đông, xem ra Đức Kitô đã xâm mình đối đầu, mặc dù biết họ sẽ không tha Ngài và sẽ giăng đủ bẫy để bắt và kết tội Ngài.

3.Ăn bớt ăn xén, ngồi không ăn bát vàng chưa đủ, các ông này còn kiêu căng tận mạng: nào là huyênh hoang tước phẩm, ngạo nghễ, trịch thượng, háo danh háo chức, bon chen “ăn trên ngồi trước”, chưa kể còn hợm hĩnh bắt người khác dạ thưa, bẩm trình cung kính vì tự cho mình là Thầy mọi người, là cha thiên hạ. Kiêu căng làm họ mù loà trong những danh vị hão huyền, điên dại trong ảo tưởng là người công chính, lẫn lộn giữa hư thực con người và vị thế của mình. Kiêu căng trong lời ăn tiếng nói, kiêu căng trong cung cách, thái độ, nhất là kiêu căng tận đáy sâu tâm hồn, ý nghĩ. Họ đúng là những ông quan tôn giáo lợi dụng lòng đạo đức của dân để hưởng lợi, những ông thần lộng hành triệt để khai thác lòng thành của tín đồ cho lợi ích cá nhân. Họ cần được sùng bái, hầu hạ và tự cho mình cái quyền thống trị người khác trong khi chỉ là những kẻ mù loà, giả hình, tội lỗi (Mt 23,17-28).


Hơn hai ngàn năm trước, câu chuyện đã sôi nổi, dậy sóng và là nguyên cớ cho họ ngồi lại với nhau dù trước đó chẳng ai chịu nghe ai để tính toán âm mưu triệt hạ Đức Kitô. Hôm nay Chúa cũng không thêm bớt gì nếu phải nói với chúng ta: cũng những thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm ấy; cũng nói nhiều làm ít, thiếu công bình bác ái, kiêu căng, thống trị; cũng hở ra là chịt họng người khác, sơ ý là biển thủ, lợi dụng lòng đạo đức, chân chất của người nghèo. Tội xưa hay tội nay cũng cùng là kiêu căng, thiếu từ tâm; cùng là lười biếng, bắt người khác phục vụ mình. Là nhà giáo dục, Đức Kitô muốn chúng ta học với Ngài để trở thành những nhà giáo dục Đức Tin chân chính, nhà giáo dục Đức Ái hoàn thiện. Mẫu gương nhà giáo dục nơi Ngài cũng gồm ba điểm chính, đối lại ba điều phải tránh mà Ngài đã vạch trần, lên án. Nhà giáo dục được Đức Kitô đào tạo phải:

v  Sống điều mình dạy, thực hành điều mình nói. Khi mạc khải Thiên Chúa là Tình yêu, Đức Kitô đã yêu thương đến cùng, yêu hết mình hết tình, yêu đến hy sinh mạng sống cho người mình yêu bằng chấp nhận chết trên thập giá. Khi loan báo “Tám mối phúc thật”, Đức Kitô đã sống triệt để những điều đó: khiêm hạ, nghèo khó, hiền hoà, trong sạch, nhẫn nhục, hy sinh, giàu lòng thương xót, khát khao điều công chính. Khi dạy người khác vâng lời, Ngài đã làm gương vâng lời Chúa Cha trong mọi sự, từ chu toàn những nghĩa vụ tôn giáo cho đến vui lòng chấp nhận đi vào cuộc tử nạn. Không lúc nào Ngài làm theo ý mình, nhưng luôn sẵn sàng làm theo ý Chúa Cha.

Người tín hữu không làm điều mình nói sẽ không thể làm chứng về Đức Kitô, vì người ta không thể nhận biết Thiên Chúa nhân từ, giàu lòng xót thương qua đời sống dữ tợn, hung hãn và lưu manh, quỷ quyệt, ăn người của họ. Miệng dạy Thiên Chúa yêu thương mà cuộc sống là bãi chiến trường hận thù, ganh ghét; miệng rao truyền Thiên Chúa trung tín mà ăn chặn, lừa bịp, chiếm đoạt tài sản người khác; miệng tuyên xưng Thiên Chúa rộng lượng, bao dung mà lòng bủn xỉn, hẹp hòi. Những người tín hữu này thay vì làm chứng đã phản chứng và gây thiệt hại cho công cuộc truyền giáo khi đẩy xa những người muốn tìm biết Đức Kitô là ai với họ. Trong số những người này chắc chắn có tôi. Rất mong bạn đừng lọt vào danh sách đen này như tôi.


v  Nếu kiêu căng đi đôi với ham muốn được người khác phục vụ thì khiêm nhường đi cặp với ước muốn được phục vụ người khác. Người kiêu căng không phục vụ ai bao giờ và người khiêm nhường không bao giờ để ai phục vụ. Trong tất cả, Thiên Chúa yêu thương và nâng đỡ người khiêm nhường nhất, vì họ giống Chúa hơn ai hết, Đấng tận cùng khiêm hạ đã làm người bé mọn, yếu đuối nhất giữa con cái loài người.

Đức Kitô không những chịu đựng những người Biệt Phái kiêu căng đòi người khác phục vụ mình, mà còn chịu đựng tính háo danh, thích làm lớn, được phục dịch của các tông đồ. Bằng chứng là hai anh em Giacôbê và Gioan con ông bà Dêbêđê đã tỉnh bơ “xin cho hai anh em con, một đứa ngồi bên trái, một đứa ngồi bên phải Thầy trong vương quốc vinh hiển sắp tới của Thầy” (Mc 11, 35-37). Các tông đồ cũng đã nhiều lần xích mích, đụng chạm nhau vì những chuyện tranh giành chỗ đứng, chỗ ngồi, chức nọ, tước kia. Các vị đã không hiểu “Đức Kitô đến không phải để được hầu hạ mà là để hầu hạ và hiến mạng sống mình cứu chuộc muôn dân” (Mt 20,27-28) và “Ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ anh em. Ai muốn đứng đầu thì phải trở nên tôi tớ phục vụ”. Đường lối đào tạo tông đồ của Đức Kitô khác với đường lối đào tạo quan chức của con người. Quan chức được đào tạo để cai trị và để được phục vụ. Tông đồ của Đức Kitô được đào tạo để trở thành tôi tớ phục vụ mọi người. Vì thế, chức vị, quyền bính trong Giáo Hội là để phục vụ, chứ không để thống trị, đàn áp, xưng hùng xưng bá, vinh thân phì gia. Đức Giáo Hoàng tự nhận cho mình tước vị “Tôi tớ của các tôi tớ” để nói lên căn tính của chức vị Giáo Hoàng là phục vụ mọi thành phần trong Giáo Hội, phục vụ mọi chi thể trong mình mầu nhiệm Đức Kitô. Giáo Hoàng là người lớn nhất nhưng lớn trong sứ mạng phục vụ như tôi tớ của các tôi tớ và đó chính là vinh dự, hạnh phúc của người lãnh đạo theo tinh thần khiêm tốn, phục vụ của Đức Kitô.


v Điểm cuối cùng, Đức Kitô căn dặn là hãy để Thiên Chúa nâng mình lên thay vì mình tự nâng mình, như Ngài đã khiêm hạ đến tận cùng khi chết trần truồng, nhục nhã trên thánh giá để rồi được Chúa Cha nâng lên ngự bên hữu Thiên Chúa (Dt 12,2). Khi công bố “Ai nâng mình lên sẽ bị xuống và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Mt 23,12), Đức Kitô đã minh định có người nâng và hạ cũng như có người bị hạ, được nâng. Người nâng hạ đó chính là Thiên Chúa, Đấng duy nhất có quyền “nâng người hèn mọn lên và hạ người quyền hành, kiêu căng xuống” và tiêu chuẩn của Ngài khi nâng hạ là “ai tự hạ Ngài nâng, ai tự nâng Ngài hạ”. Như thế tức là có cao thấp, thưởng công, tuyên dương và Thiên Chúa tuyển chọn những ai khiêm nhường và ban cho họ được chỗ cao trong nước Ngài.


Đầu Mùa Chay với chút tro được xức trên trán hay trên đầu nhắc nhớ thân phận được tạo dựng từ bụi tro hèn mọn của kiếp người. Thân tro bụi sẽ trở về tro bụi, nên sống khiêm nhường, bé nhỏ là sống đúng phận mình; sống phó thác, trông cậy là sống đúng căn tính của mình; sống hiền lành, phục vụ tha nhân là sống hếtnghĩa đời mình. Xin ơn Chúa trong Mùa Chay nhắc ta bài học Chúa dạy để khi phải chu toàn trách nhiệm giáo dục người khác, ta cũng trung thành với bài học Chúa dạy: Ngôn - Hành hợp nhất, khiêm cung - phục vụ.