Thời gian là phương thuốc làm quên và chữa lành các vết thương lòng. Thời gian cũng là cơ hội để an
bình nội tâm được tái lập sau những bấn loạn, chao đảo. Nhưng thời gian cũng là
đe dọa, thử thách bởi thời gian có bóng tối, mây mù, chông gai, cạm bẫy và
thách đố của thời gian.
Khi đem con trai duy nhất lên núi
để giết làm của lễ dâng Thiên Chúa như Chúa truyền, Ápraham đã sống bóng tối của
hiện tại. Bóng tối đã che khuất hy vọng của lời hứa được làm tổ phụ một dân
riêng đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển. Mây mù đã cuốn đi tương
lai một dòng dõi được chúc phúc. Đêm đen đang thử thách hiện tại của ông và ông
đau đớn trói ghì con lại, rồi đứt ruột vung dao sát tế con. Hiện tại của
Ápraham thực sự kinh hoàng bởi thử thách khủng khiếp của Giavê Thiên Chúa. Hiện
tại ấy gây hoang mang, mất ăn mất ngủ, nát tan cõi lòng. Hiện tại đáng sợ. Hiện
tại của thứ sáu tuần thánh khi tất cả đều đổ vỡ, tiêu tan đối với các tông đồ:
Thầy bị bắt, đóng đinh, anh em tứ tán mỗi người một phía vì sợ người Do Thái
lùng bắt, cơ đồ nước Trời tan như mây khói, hy vọng được ngồi bên trái, bên phải
vinh quang trong vương quốc chỉ còn là hoang đường, ảo tưởng. Đúng là hiện tại
thê lương, buồn thảm. Đường Emmau cũng nặng nề một hiện tại bi thảm: Thầy đã chết
ba ngày và chôn trong mồ, không còn tí ti hy vọng gì nữa. Mọi tia nắng hiện tại
đều tắt ngúm để lại trong lòng người đau một nỗi khổ lo âu, hụt hẫng (Lc
24,21). Ngay cả Tôma mang tiếng là người cứng đầu, khó tin khi ông thẳng thừng
tuyên bố: “Nếu tay tôi không được thọc vào vết thương cạnh sườn Thầy thì tôi
không tin” (Ga 20,25) cũng chỉ là cách diễn tả nỗi ê chề thất vọng của ông trước
hiện tại.
Như
Ápraham, các tông đồ, hiện tại của mỗi người cũng không thiếu những cơn mây dày
đặc, đan kín. Hiện tại với nỗi lo cơm áo, với thiếu thốn vật chất, với bấn loạn
tinh thần. Hiện tại chất chồng niềm đau, nỗi buồn, hiện tại không lối thoát, hiện
tại buồn tênh, hiu quạnh…
Nếu hiện tại kéo mây nặng nề, thì
tương lai hứa hẹn giông bão. Nếu hiện tại thử thách thì tương lai đe dọa. Cả hiện
tại, tương lai đều là thời gian và cả hai đều làm con người sợ hãi. Khi ngước mặt
cầu xin Chúa Cha trong vườn cây Dầu trước khi bị bắt: “Lạy Cha, nếu có thể xin
cất chén đắng này cho con”, Đức Kitô đã toát mồ hôi máu trước tương lai mịt
mùng đe doạ. Thời gian đã làm Ngài sợ. Tương lai đang làm Ngài rùng mình, ngao
ngán. Cũng như hai môn đệ, con của ông bà Giêbêđê lo mánh mung để được ngồi bên
trái, bên phải khi nghe Đức Kitô hỏi lại: “Nhưng liệu chúng con có uống nổi
chén đắng Thầy sắp uống không?” (Mt 20,22) đã khựng lại. Hai ông khựng lại vì
chợt ý thức tương lai là một đe doạ.
Trước
tương lai, không ai nắm chắc mình sẽ ra sao, ngày mai của mình thế nào… Vì là một
ẩn số, nên tương lai làm con người sợ và cẩn thận dò dẫm, không dám vội vã bước
vào, không dám liều mình gieo bước. Tương lai như cánh rừng rậm, nguy hiểm, như
người vượt biển trước đại dương mênh mông, không bờ bến. Tương lai im lặng,
tương lai hững hờ, tương lai đen tối hay tương lai mời gọi, tương lai rực rỡ,
tương lai hứa hẹn. Tất cả đều là tương lai với nhiều ẩn số và con người vẫn thấp
thỏm, lo lắng vì tương lai.
Tuy hiện tại khổ đau vì thử thách,
tương lai nhức nhối vì đe doạ, nhưng vẫn chưa bằng quá khứ dằn vặt, nghiền nát
vì tiếc nuối, lỡ làng. Người ta đau khổ nhiều vì sống nhiều với quá khứ hơn sống
với hiện tại. Chính quá khứ làm con người già đi vì quá khứ không chỉ lấy đi quỹ
thời gian cuộc đời, nhưng còn mãi mãi dai dẳng làm quay quắt tâm hồn vì những
gì đã không làm hay không làm được trong quá khứ. Quá khứ đã không chỉ là quá
khứ như quãng thời gian đã trôi qua, nhưng quá khứ còn lẩn quẩn ở hiện tại để đục
khoét trái tim tiếc nuối, cày xới tâm hồn lưu luyến một thời. Khổ đau của con
người đến từ quá khứ nhiều hơn hiện tại, tương lai và phần lớn những căn bệnh
tinh thần đều do việc làm của quá khứ và thái độ quá gắn bó với những gì đã
qua.
Đã có bao nhiêu thời gian trong hiện
tại, ta ngồi một mình sầu buồn tiếc nuối quá khứ: tiếc đã không học làm bác sĩ,
tiếc đã không lấy người ấy, tiếc đã không nghe lời cha mẹ chăm chỉ học, tiếc đã
nghe lời bạn bỏ nhà đi hoang, tiếc đã đầu tư cho việc này, tiếc đã không chớp
cơ hội tiến thân kia, tiếc đã không đủ khôn ngoan, tiếc đã háo danh, liều lĩnh,
tiếc đã không trung thành, tiếc vì quá ngây thơ. Tiếc nuối một việc đã qua, tiếc
xót những chuyện không còn có thể làm lại được, ta tự dằn vặt mình, trách móc
mình, nguyền rủa mình, lên án mình, hành hạ mình và nguy hiểm nhất là không còn
trân trọng, tin vào mình. Không thương mình và tin mình, ta sẽ không thương và
dám tin tưởng ai, nói chi đến Chúa là Đấng ta không nhìn thấy được. Cái mình trở
nên đáng ghét, đáng khinh vì mình bất lực, bất tài đã để quá khứ trở thành một
chuỗi tiếc nuối, lỡ làng. Quá khứ trong đầu hiện tại đặc kín những lỡ làng đắng
cay, lỡ làng chua chát, lỡ làng xót xa, lỡ làng thê thảm đến độ ta nhìn quá khứ
đời mình chỉ còn là dòng chảy thất bại, những trang giấy lem luốc, những giòng
chữ ghiêng ngả, xiêu vẹo mà trên đó ta đã gạch chéo một đường với hai chữ “đời
bỏ”. Cái khốn khổ quậy nát tinh thần là cái “đời ta bỏ” lại không chịu bỏ ta.
Nó cứ đeo đuổi, trêu ghẹo, nhắc nhớ. Nó cứ loanh quanh, lẩn quẩn, khiêu khích,
quấy động. Quá khứ không buông tha tâm hồn hiện tại. Quá khứ không cho trái tim
hiện tại ngơi nghỉ. Quá khứ càng không trấn an, trợ lực bước chân hiện tại.
Nhưng quá khứ đã như oan hồn không siêu thoát cứ quay về đêm ngày đòi nợ, khóc
lóc, ăn vạ.
Mùa
Chay trở về với bước chân trở về của quá khứ, Đức Kitô nhắn gửi lòng ta một tâm
sự: “Hãy nhìn lên Thầy thay vì nhìn quá khứ lỡ làng, thất bại, thiếu sót, tội lụy
của con”. Như người trộm lành bị đóng đinh cùng Ngài trên núi Sọ, gần giờ chết
khi tội lỗi của quá khứ đổ về, thay vì nhìn vào quá khứ với đủ thứ tiếc nuối và
ngập tràn tội lỗi, anh đã ngước nhìn Đức Kitô - Thiên Chúa cũng đang chịu đóng
đinh như anh và chân thành khẩn khoản: “Lạy Ngài, xin nhớ đến tôi trong nước
Ngài”. Ánh mắt anh ngấn lệ hy vọng khi bắt gặp ánh mắt đầy xót thương của Đức
Kitô và niềm hy vọng ấy đã thành hiện thực: “Ngay hôm nay, anh sẽ được ở cùng
Ta trên trời” (Lc 23,42-43). Nhìn lên Chúa trong những quay quắt về quá khứ lỡ
làng, không như ý là ký thác quá khứ bất toàn, bất trung, bất lực trong Tình yêu
toàn năng, toàn thiện của Thiên Chúa. Nhìn lên Chúa trong cơn tiếc nuối tháng
ngày qua hoang đàng là để Chúa biến đổi quá khứ nhơ nhớp thành nước mắt trong sạch
đang thành tâm chiêm ngắm Tình Yêu thương xót. Nhìn lên Chúa trong nỗi buồn phí
phạm cuộc đời dài đã qua là lời cầu thánh thiện nài xin ơn tha thứ. Bắt chước
người trộm lành, dù đã hoang phí cả cuộc đời, dù trơ trẽn với quá khứ tội đồ,
dù bị án tử vì thành tích bất hảo vẫn cứ dán mắt cậy trông vào Đức Kitô chịu
đóng đinh với niềm hy vọng được thứ tha. Anh đã không thất vọng vì đã ngước mắt
nhìn Đấng là niềm Hy Vọng. Anh đã không bị bỏ rơi, hắt hủi vì đã ngước mắt
trông lên Đấng là nguồn ủi an, cứu chữa. Anh đã không bỏ mất cuộc đời nhưng được
sống đời đời vì đã ngước mắt chiêm ngắm Đấng là Sự Sống. Anh đã không thất bại
dù quá khứ chỉ toàn thất bại vì đã ngước mắt tin tưởng Đấng đã chiến thắng tội
lỗi. Anh đã không mất gì của cuộc đời, dù đời anh chẳng còn gì để mất vì đã ngước
mắt nài xin Đấng là nguồn ơn Cứu Độ. Như người trộm lành, ta có vòng tay bao
dung của Chúa ôm trọn quá khứ cuộc đời khi biết nhìn lên Đức Kitô chịu đóng
đinh.
Mùa Chay đến với những bước chân đang đi trong hiện tại. Đức
Kitô rảo bước đồng hành và nhắn gửi mỗi người một tâm sự: “Con đừng nhìn vào
con và đừng nhìn xuống chân con, nhưng hãy nhìn vào mắt Thầy và bước đi, đừng sợ”.
Tin Mừng Mátthêu kể lại: “Các môn
đệ chèo thuyền qua bờ bên kia. Khi thuyền đã ra giữa biển thì sóng gió nổi lên
dữ dội làm thuyền chao đảo, sóng sánh nước. Đến khoảng canh tư, Đức Kitô đi
trên mặt biển đến cùng các ông. Thấy Ngài đi trên mặt biển, họ sợ hãi la lên:
“Ma kìa…” Nhưng Đức Kitô trấn an và bảo họ: “Thầy đây, đừng sợ”. Phêrô lên tiếng:
“Thưa Thầy, nếu thật là Thầy, xin cho con đi trên biển mà đến với Thầy”. Đức
Kitô bảo: “Lại đây”. Ông Phêrô liền bỏ thuyền đi trên nước mà đến với Chúa.
Song thấy gió thổi mạnh, ông sợ hãi quá và thấy mình chìm xuống, liền hốt hoảng
kêu lên: “Thầy ơi, cứu con với!” Đức Kitô liền đưa tay nắm lấy ông (Mt
14,22-30).
Phêrô đã nghe lời Chúa và bước
trên nước. Khi nhìn vào Chúa và nghe lời Ngài, ông đã bước đi bình an dù sóng
biển đang hồi dữ dội; nhưng khi không nhìn Chúa nữa, mà quay ra nhìn gió thổi,
ông đã hoảng sợ và chìm nghỉm trong nước. Nhìn Chúa thì bình an bước đi, nhìn
gió thì hốt hoảng chìm xuống. Hai cái nhìn, hai đối tượng khác nhau: một bên là
Chúa, một bên là gió biển. Hai ánh mắt gắn vào hai thực tại khác nhau: một bên
là Đấng chủ tạo, một bên là vật thụ tạo. Hai cái nhìn, hai đối tượng đem đến
hai kết quả hoàn toàn trái ngược: bình an và hốt hoảng, bước đi và chìm xuống.
Phêrô chỉ lơ đãng không nhìn Chúa một giây là lập tức có chuyện chẳng lành.
Phêrô chỉ sơ sẩy ra khỏi tầm nhìn của Chúa một tích tắc là chìm nghỉm. Nhìn
Chúa con đường sẽ bình an, bước chân sẽ vững chãi. Nhìn Chúa tâm hồn sẽ thư
thái, hiện tại sẽ tưng bừng. Phêrô đã nhìn Chúa để không bị chìm nghỉm trên biển
cũng như đã nhìn Chúa để nhận được lòng xót thương, tha thứ sau khi ông chối
Chúa. Ánh mắt của Đức Kitô - Thiên Chúa có sức đánh động tâm hồn, truyền ban
sinh lực, ban ơn cứu rỗi. Nhìn lên Chúa là nhìn thấy và nhận được tình yêu
thương xót. Nhìn lên Chúa là tìm gặp nguồn ủi an, hạnh phúc khi hành trình hiện
tại vất vả vì nắng hạn, gió mưa, bão táp. Đức Kitô đã âu yếm nhìn nhiều người
và bất cứ ai nhìn lên Ngài đều nhận được từ Ngài niềm vui cứu độ.
Cuộc sống lệ thuộc thời gian và thời
gian là của Chúa, nên quá khứ có lỡ làng, nhiều lầm lỗi, thay vì nhìn lại, ta
hãy nhìn lên Đức Kitô chịu đóng đinh để xin Ngài lấy máu rửa sạch; nếu hiện tại
buồn, nhiều thử thách, thay vì nhìn vào, ta hãy nhìn lên Đức Kitô trên thánh
giá để xin đôi tay Ngài đang giang rộng ôm trọn tháng ngày hôm nay; nếu tương
lai bấp bênh, nhiều đe dọa, thay vì nhìn ngó, ta hãy nhìn lên Đức Kitô chết
treo trên núi Sọ để xin tình Ngài trải kín bước chân ngày mai. Nhìn lên Chúa
trong mọi thử thách, đe doạ; nhìn lên Chúa mọi lúc vui buồn, sướng khổ; nhìn
lên Chúa trong mọi cảnh huống, tình trạng, tâm tư là bước đi trong an bình, hy
vọng, dưới bóng mát của Tình yêu xót thương, bên Chúa là gia nghiệp, hạnh phúc
đời đời.
|
|
Ước gì Mùa Chay cho ta những giờ thinh lặng nhìn lên Chúa
để tâm hồn và cuộc đời ta được đôi mắt thánh, nhân từ, bao dung yêu thương, biến
đổi như dân Do Thái ngày xưa trong sa mạc đã ngước nhìn lên Rắn đồng, hình ảnh
của Đức Kitô chịu đóng đinh để được cứu chữa (Ds 21,9).