Pages - Menu

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

Mùa Chay - Mùa Tình Yêu (Mt 1,1-6.16-18)



Thứ Tư lễ tro khởi đầu Mùa Chay, linh mục chủ tế với phẩm phục màu tím gọi về trong ta nhiều nỗi nhớ, trong đó có nỗi nhớ về thân phận con người: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro”. Nỗi nhớ ấy còn nhắc nhở một tương lai không mấy vui: “Một mai người sẽ trở về bụi tro”. Thân tro bụi thì phải trở về bụi tro là tất nhiên rồi, nhưng sao vẫn thấy buồn buồn cho phận người mong manh, bé nhỏ như nắm tro, hạt bụi…

Áo tím, nắng tím, mây tím, chân trời tím làm bầu khí Mùa Chay trở nên tím ngắt: tím như tâm hồn người con thống hối trên đường về, tím như trái tim người đàn bà ngoại tình đang thổn thức vì được thứ tha, tím như nước mắt ăn năn của Phêrô khi bắt gặp cái nhìn xót thương của Thầy, tím như buổi chiều Núi Sọ có tình yêu đắng đót đồng công cứu chuộc của Maria, mẹ Đức Kitô và những đớn đau bầm tím trên thân xác của một Thiên Chúa khiêm hạ chết cho con người mình yêu.


Tin Mừng thánh Mátthêu được Giáo Hội đặt vào ngày lễ tro ghi lại chính xác ba điều Đức Kitô đề nghị chúng ta trong Mùa Chay. Đó là ăn chay, cầu nguyện và chia sẻ vật chất với người khác.

Khi đề nghị chúng ta ăn chay, Đức Kitô không lấy chuyện bớt ăn, bớt uống làm mục tiêu, nhưng đó chỉ là phương thức hữu hiệu giúp ta trở về gặp mình, tìm lại mình, nhận diện “cái tôi chân thực, không phấn son; một “cái tôi trăm phần trăm thật, không pha chế”; bởi từ lâu những buổi tối lê la quán bia ôm, bê tha nơi quán nhậu, quay cuồng chốn ăn chơi đã không cho ta nghĩ đến mình. Ta quên mất mình đang có mặt, ta đánh mất hiện hữu của chính mình dù xác thân vẫn “xả láng sáng về sớm”, nhưng ý thức về mình thì đã mất từ khuya: mất khi không còn biết mình là ai, tại sao mình sống, sống để làm gì, sống rồi đi đâu, về đâu... Những bận rộn của cuộc phiêu lưu tình ái cũng không cho ta có giờ để nhìn lại chân dung thật và tình trạng sống của mình. Cuộc sống vật chất hưởng thụ đã lôi ta vào những cơn lốc xoáy ảo ảnh, ảo giác, ảo tưởng, ảo mộng. Ta sống trong thế giới ảo mà không biết. Ta sống bằng danh dự, giá trị, đạo đức ảo mà không hay. Ta thu góp, nhặt nhụm những công đức ảo, sự nghiệp ảo, gia tài ảo mà cứ tưởng tất cả là thực và bền vững. Ta chuẩn bị một tương lai ảo, xây ngày mai trên nền tảng ảo mà cứ nghĩ đời ta mãi mãi được bảo đảm. Có rất nhiều bộ mặt ảo, cung cách ảo, suy nghĩ ảo, ước mơ ảo và hành động ảo trong ta… mà chỉ trở về với chính lòng mình, trở về tận thâm cung của trái tim, trở về trong đáy sâu tâm hồn, trở về mảnh vườn riêng tư, bí mật, thầm kín của chính mình để “riêng một mình ta vớ ta” thì ta mới nhận diện chính xác “tôi là ai”. Vì thế từ “ăn chay” không chỉ là chuyện ăn uống, ăn nhậu, mà còn liên quan đến những chuyện khác nữa như ăn ở, ăn nói, ăn mặc, ăn diện, ăn chơi, ăn nằm, ăn chặn, ăn thua đủ với người này người nọ. “Ăn chay” cũng không nhắm đến chuyện ăn hay nhịn, ăn nhiều hay ăn ít, nhưng muốn nói lên thái độ từ bỏ những quá độ vật chất đã làm vong thân, những hưởng thụ không giới hạn đã đánh mất chính bản thân, những bon chen bất công đã làm lương tâm mù loà, những đam mê xác thịt đã làm mờ ý thức về mình. Mục đích của “ăn chay” là trở về với mình để nhận ra giá trị của mình: được mang trong mình hình ảnh Thiên Chúa; để nhận ra con đường mình phải chọn, trách nhiệm mình phải chu toàn, tương lai mình phải chuẩn bị. Mùa Chay là mùa trở về, nhưng chuyến trở về thứ nhất và quan trọng nhất chính là trở về lòng mình. Không trở về với mình, ta sẽ không thể trở về với ai, vì mình là điểm khởi hành cho mọi chuyến trở về, ra đi khác. Ta không thể đến nhà người bạn, nếu không biết mình đang đứng ở đâu. Trở về với nhau hay trở về với Chúa, vì thế, đều bắt đầu từ bước chân “trở về với chính mình”. Trở về với mình để thấy mình còn nhiều khiếm khuyết, yếu đuối, lỗi lầm cần được thứ tha. Trở về lòng mình để nghe tiếng lòng thở than, tâm sự. Trở lại tâm hồn để điều chỉnh cuộc sống, sắp xếp lại căn nhà tâm hồn còn ngổn ngang, bừa bãi. Nhưng điều cần phải làm khi trở về với mình là trân quý mình. Tại sao phải trân quý mình? Vì mình là một giá trị không thể thay thế, hoán nhượng; vì mình là con Thiên Chúa được mang hình ảnh yêu thương của Ngài; vì mình là đối tượng của ơn cứu chuộc, là người Đức Kitô yêu và đã hiến mình cứu độ. Mình không còn là bụi tro vô tích sự, nhưng là giá máu của Đức Kitô. Mất mình là một thiệt thòi, tổn hại lớn trong công cuộc cứu độ của Thiên Chúa. Mất mình là điều không thể quan niệm trong nhiệm cuộc nhập thể và cứu độ của Đức Kitô. Trở về với mình là yêu mình như yêu một giá trị đời đời vô cùng quý giá, không thể bỏ qua, quên lãng, coi thường vì mình từ nay đã trở thành “con Thiên Chúa”. Đàng khác, nếu Đức Kitô đã xuống trần gian để cứu cái “tôi” thì tại sao tôi lại bỏ tôi? Yêu mình như giá trị đời đời là tôn trọng mình như đền thờ của Thiên Chúa, như nhà Thiên Chúa ở: “Ai yêu mến Thầy, Thầy và Cha Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy”. Yêu mình đòi phải biết nhẫn nại và tha thứ cho chính mình. Có những yếu đuối, lỗi lầm mà Thiên Chúa và người khác đã tha, nhưng chính mình lại không đủ quảng đại, nhân từ để tự tha cho mình. Không đủ tình yêu để tha cho mình là thảm họa tâm hồn của thế giới hôm nay, khi người ta không còn nhận ra mình là một giá trị, nên thường căm phẫn, giận dữ trước những yếu đuối, sơ sót, lỗi lầm của chính mình. Nhiều người tự tử vì đã không thể tha thứ cho chính mình, nên yêu mình còn là động lực cần thiết cho sự có mặt của mình trong cuộc sống. Tóm lại, ăn chay là dừng chân đứng lại nhìn mình, là nghỉ ngơi thong thả gặp gỡ mình, là một mình xa khỏi huyên náo để nghe lòng mình nhỏ to tâm sự, là sống tròn đầy hạnh phúc vốn từ lâu chôn kín tận đáy lòng, là chiêm ngắm hình ảnh Thiên Chúa trong mình, là khám phá nét đẹp của đứa con được Cha thương và sứ mạng thánh thiện được Cha trên Trời trao phó. Trở về với mình sẽ không còn là cay đắng, rên rỉ, xót xa, nhưng là hân hoan, vui mừng vì được yêu thương tha thứ; sẽ không còn là giận mình, tức mình, trách mình, rủa mình, nhưng là hiểu mình, thương mình, tha thứ cho mình và đợi chờ mình một cố gắng, hy vọng nơi mình một tương lai; sẽ không còn là trốn chạy, che đậy, lừa dối mình, nhưng là chân thành với chính mình; cũng sẽ không là “sầu riêng một nỗi” chôn sâu đáy hồn, nhưng là niềm vui tâm hồn muốn được chia sẻ. Và trở về với mình chính là trở về với tình yêu, như thanh gỗ dọc của cây thánh giá đã được cắm sâu trong đất Tâm Hồn.

Trở về với mình theo tinh thần Mùa Chay không phải để ở lì trong mình, tự hưởng, tự sướng với “cái tôi” nhưng trở về để đi đến, đi gặp: đến với Thiên Chúa, gặp gỡ mọi người. Tin Mừng đề nghị cầu nguyện để đến với Chúa, đúng hơn là mở đường tâm hồn để Chúa đến gặp. Cầu nguyện là nâng lòng lên để ơn Chúa đổ xuống, là hướng trái tim về Đấng là tình yêu, là để cuộc đời trong bàn tay Cha quan phòng, là lên đường về nhà Cha ở đó “có cơm dư gạo thừa”. Cầu nguyện bằng tình yêu thơ bé, đơn sơ, thành thật; cầu nguyện với thái độ khiêm tốn, đằm thắm, hy vọng; cầu nguyện trong tâm tình yêu mến, biết ơn, không chỉ yêu mến, biết ơn Chúa mà còn yêu mến, biết ơn mọi người; cầu nguyện với mọi người, cho mọi người; cầu nguyện cùng Giáo Hội, các thánh, các linh hồn; cầu nguyện mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh.

Nói tóm lại, cầu nguyện phải trở nên như hơi thở, như nhịp đập của trái tim vì người cầu nguyện là người có Chúa, mang Chúa, ở trong Chúa nên sự sống của họ chính là sự sống của Thiên Chúa như thánh Phaolô đã nhiều lần quả quyết: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Sống trong Chúa là gặp gỡ Ngài như cùng đích của hạnh phúc, vì Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc thật, ơn an bình vĩnh cửu, không hư hao, mai một. Cuộc gặp gỡ này hoàn toàn mang tính cá nhân, riêng tư và mỗi người sẽ cảm nghiệm sự dịu ngọt khi được ở với Chúa tùy theo mức độ thân tình của người ấy với Chúa. Cầu nguyện là đường dẫn ta gặp Chúa cũng là điều kiện để Chúa đến ở với ta và ta có được Chúa. Có Chúa trong cuộc đời, có Chúa trong tâm hồn, có Chúa làm gia nghiệp, có Chúa là hạnh phúc, có Chúa là Đường, Sự Thật và Sự Sống, thử hỏi ta sẽ còn thiếu chi?


Với cầu nguyện, cây thánh giá được cắm sâu trong đất của tâm hồn, bây giờ đã hướng thẳng lên Chúa. Thanh gỗ dọc của thánh giá được cắm sâu trong tâm hồn khi ta trở về gặp mình để rồi hướng lên gặp Chúa khi ta nâng hồn lên với Ngài. Trở về với mình và cầu nguyện với Thiên Chúa là hai công việc gắn liền nhau, không tách rời vì cùng trên một thanh gỗ dọc của thánh giá. Tuy thế, thánh giá vẫn chỉ là một cây cọc thẳng đứng chênh vênh, nếu thiếu đường đến tha nhân như thanh gỗ ngang cần thiết. Phải thêm vào cây cọc thẳng đứng này một thanh gỗ ngang như đôi tay giang rộng ôm lấy mọi người thì thánh giá mới thành hình. Đến với tha nhân là đòi hỏi thứ ba trong Mùa Chay, cũng là điều kiện của đời người Kitô hữu: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy là chúng con thương yêu nhau”. Yêu thương người khác không còn là “chuyện nhỏ như con thỏ” làm cho vui, chuyện mắm muối phụ thuộc cho mặn nồng bữa tiệc, nhưng là cốt lõi của đời sống người theo Đức Kitô. Nói yêu Chúa mà không thương anh em là nói dối, nói xạo, nói dóc. Đức Kitô đã khẳng định hai mặt của giới luật yêu thương duy nhất này: mến Chúa, yêu người: “Việc gì các con làm cho những người anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, chính là làm cho Ta” (Mt 25,40). Nhưng tình yêu đối với người khác phải được cụ thể, sống động hoá bằng việc làm; nếu không sẽ chỉ là thứ tình sân khấu, bôi bác, môi miệng: “Yêu thương là hiến trao tất cả, kể cả chính mạng sống mình vì người mình yêu”. Đó là tình yêu của Đức Kitô yêu mỗi người và cũng là tình yêu Đức Kitô đợi chờ mọi người dành cho nhau. Vì thế, yêu thương đòi hy sinh rất nhiều, đòi quên mình đến tê tái, đìu hiu và liên lỉ xoá mình như ngọn nến bên cung thánh lung linh ngày đêm tiêu hao, tan biến. Yêu thương không chỉ là cho những gì mình có, mà đến một lúc phải cho ngay cả những gì mình là: cho chính sự sống. Nhắc nhở chia sẻ cơm ăn, áo mặc với anh chị em thiếu thốn bất hạnh, Đức Kitô muốn tình yêu tha nhân nơi mỗi người được biểu hiện sống động, nghĩa là một đức ái có việc làm, một tình yêu không bằng lời nói suông nhưng bằng hành động thực sự: “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ trần truồng áo mặc; bằng những bước chân ủi an người đau yếu, thăm nuôi kẻ tù đày, đón tiếp khách lạ lỡ đường; bằng những sẻ chia khả năng, sức lực, tâm tình, thời giờ với người bị bỏ rơi, hắt hủi, với người thất học, tứ cố vô thân” (Mt 25,35-36). Đức Ái là việc làm của Đức Tin, nên một Đức Tin không có việc làm bác ái sẽ là một đức tin chết, đức tin giả hiệu như thánh Giacôbê đã viết. Với thanh gỗ ngang “yêu thương, phục vụ”, cây thánh giá thành hình và là biểu tượng sống động, cũng như vinh dự cứu độ của người môn đệ Đức Kitô.

Như thế, Mùa Chay là mùa tình yêu, mùa con người trở về lòng mình để khám phá “cái mình” được Thiên Chúa yêu và rất đáng yêu; là mùa con người hướng tâm hồn lên với Chúa để được tràn đầy tình yêu từ Ngài, đồng thời là mùa tìm đến để trao tặng, chia sẻ tình yêu với anh chị em chung quanh. Trên “đường về, đường đến” tình yêu, Mùa Chay sẽ không còn là mùa của màu tím buồn, tuyệt vọng, nhưng là mùa của màu tím nhớ nhung, hy vọng. Mùa Chay sẽ không mang dáng vẻ quay quắt, bi thương, nhưng dịu dàng, thông cảm. Với tình yêu mình, tình yêu người, tình yêu Chúa, con người của Mùa Chay sẽ khám phá ra hạnh phúc của đời mình: hạnh phúc của một người đang yêu và được yêu.