Những ngày mới yêu, người ta thường tránh đám đông và không thích xuất hiện chốn đô hội, huyên náo,
vì hai người yêu nhau cần một bầu khí riêng tư, yên tĩnh, thinh lặng. Tình yêu
cần thinh lặng để hai trái tim nghe được nhau, hai hơi thở chung nhau thì thầm,
to nhỏ. Tình yêu cần không gian yên tĩnh để lắng nghe tiếng lòng nhau đáp trả,
nghe những xôn xao bồi hồi của tâm hồn nhau và chia nhau từng giọt hạnh phúc
như sương sớm đong đưa cành hồng. Chưa kể ngôn ngữ chính của tình yêu là yên lặng,
vì chỉ thinh lặng mới nói được hết tình cho nhau trước cao vời, sâu thẳm của
tình yêu; chỉ yên lặng mới hiểu phần nào mầu nhiệm của tình cho nhau; chỉ lặng
thinh mới cảm được ngọt ngào của mối tình bao la, thánh thiện. Vì thế, tình yêu
cần yên lặng, người yêu cần không gian thanh vắng. Có cuộc tình nào đã không được
nuôi lớn bằng những giây phút thinh lặng bên nhau, được thăng hoa bằng những âu
yếm yên lặng và trưởng thành, lớn mạnh trong thinh lặng của chịu đựng, hy sinh?
Có tình yêu nào đã không mang theo mình kinh nghiệm của thinh lặng, cũng như có
thinh lặng nào của tâm hồn đã không mang dấu ấn của tình yêu cho nhau, bởi người
ta có thể gặp nhau qua “tình yêu tiếng nói”, nhưng chỉ hiểu nhau bằng “tình yêu
thinh lặng”.
Quả thực, suốt cuộc đời trần gian,
Đức Kitô đã sống tình yêu cứu độ bằng thinh lặng nhiều hơn lên tiếng: Đêm Noel,
chúng ta đã nghe gì về Đức Kitô - Thiên Chúa nhập thể làm người? Ngoài tiếng
hát thiên thần xa đưa nhẹ nhàng, chúng ta không nghe gì từ miệng Maria, mẹ Ngài
hay từ Giuse, cha Ngài. Ta chỉ thấy một hài nhi bé nhỏ, quấn tã, nằm trên máng
cỏ, mắt nhắm và không nói gì. Đó là một con trẻ có đôi môi khép kín, một Thiên
Chúa không nói gì. Là Ngôi Lời, nhưng yên lặng, vì yên lặng là cách tuyệt vời
nhất để tỏ lòng thương xót của Ngài trên con người tội lụy như sách Khôn Ngoan
đã viết: “Thiên Chúa đã khép mắt, khép môi trên tội lỗi của con người để con
người thống hối” (Kn 11,23). Hài nhi yên lặng đó là Đức Kitô, Thiên Chúa giàu
lòng thương xót, yên lặng trước người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang đang sượng
sùng, sợ hãi chết trân trước đám “đàn ông” hung dữ chờ được ném đá giết chị.
Thiên Chúa ấy cũng như hài nhi ngày xưa trong máng cỏ đã yên lặng, chẳng nói lời
nào, chỉ “cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất” (Ga 8,1-11). Thái độ yên lặng
của Ngài đang diễn tả một tình yêu thinh lặng vô cùng bao la. Khi cúi xuống,
không nhìn các ông Pharisiêu đang say sưa tố cáo người phụ nữ tội lỗi, Đức Kitô
đã không thèm nghe họ nói, nhưng yên lặng để tỏ lòng kính trọng người phụ nữ
đau khổ và biểu lộ lòng cảm thông của Ngài với chị; đồng thời nói lên sự bất đồng
tình của Ngài với những lời tố cáo của đám đông. “Bởi họ cố riết hỏi Ngài và ép
Ngài lên tiếng, thì Ngài ngẩng lên và bảo họ: “Trong các ông, ai vô tội thì hãy
ném đá chị này trước đi” (Ga 8,7), Ngài lại cúi xuống, yên lặng lấy tay nguệch
ngoạc trên đất. Sự yên lặng yêu thương của Ngài một lần nữa đã không làm người
phụ nữ sợ, nhưng làm sợ những người đang gân cổ tố cáo, lên án chị. Ngài đang
nhắm mắt, khép môi trước tội lỗi của chị và dùng thinh lặng để cứu chị khỏi bị
đám đông ném đá cho đến chết theo luật Môsê. Trong hoàn cảnh này, thinh lặng là
cách Ngài thương xót và giải thoát chị. Thinh lặng cũng là cách Ngài lên án những
trái tim bằng đá, chai lì của các ông Biệt Phái thiếu từ tâm. Bằng tình yêu
thinh lặng và trong cái nhìn đầy nhân hậu, Đức Kitô đã cứu sống đời sống một
người phụ nữ yếu đuối, đau khổ, đáng thương; đồng thời đẩy đám đông tự mãn, giả
hình về với sự thật của chính họ, một sự thật cũng yếu đuối, tội lỗi tầm thường
như người phụ nữ đang bị họ tố cáo, giễu cợt. Chính tình yêu thinh lặng của
Ngài đã thay đổi toàn bộ cục diện, xoay chuyển hẳn tình thế bằng thinh lặng bất
chấp dư luận quần chúng, thinh lặng vượt khỏi mọi biên giới của lề luật, thinh
lặng cảm thông, nhân hậu, tha thứ người đàn bà có tội.
Tình yêu thinh lặng của Đức Kitô
còn thể hiện trên hành trình vác thánh giá và tử nạn trên núi Sọ. Suốt đoạn đường
thánh giá, Đức Kitô đã không nói nhiều, chỉ thinh lặng hy sinh, yên lặng đau khổ.
Trong thinh lặng thập giá, Ngài đang hiến hết tình yêu cho nhân loại và bằng
yên lặng thập tự, Ngài đang yêu thương đến cùng. Bởi tình yêu sẽ không còn tiếng
nói khi tình yêu đạt đến mức cao vời, tuyệt đối. Tình yêu sẽ không còn diễn tả
được bằng lời, khi mầu nhiệm xâm chiếm hết tình yêu. Đức Kitô đã yêu con người
bằng tình yêu cao vời, mầu nhiệm ấy, nên chỉ còn yên lặng may ra mới có thể nói
lên phần nào độ sâu thẳm khôn cùng của tình Ngài điên cuồng say mê con người tội
lỗi và đã vui lòng hiến thân cứu độ.
Tình yêu ấy còn thinh lặng đến độ
“đáng sợ” khi Thiên Chúa chấp nhận trở thành “bánh, rượu” và tuyệt đối thinh lặng,
“bất động” trong bí tích Thánh Thể. Từ Thiên Chúa thiêng liêng, vô hình xuống
làm con người hữu hình, rồi xuống làm “đồ vật” tức bánh, rượu như dấu chỉ “Máu,
Thịt”. Thánh Tôma Aquinô đã phải thốt lên khi suy nghĩ về mầu nhiệm Thánh Thể:
“Trong Thánh Thể, ta không còn thấy thiên tính, nhân tính, nhưng duy nhất dấu
chỉ bánh - rượu là những sự vật”. Ngài muốn nói lên sự khiêm hạ vô cùng thẳm
sâu của Thiên Chúa vì yêu con người. Ở đây, lại một lần nữa, ta nhận ra tình
yêu thinh lặng vô cùng của Thiên Chúa dưới hình bánh rượu trong bí tích tình
yêu tuyệt đối.
Nhiều thánh vịnh đã nói lên sự yên
lặng như lánh mặt của Thiên Chúa và lời khẩn khoản: “Lạy Chúa xin đừng lánh mặt
con” thường xuyên được cất lên trong lời cầu nguyện của dân Chúa. Trong Tân Ước,
câu chuyện các tông đồ hốt hoảng khi biển bỗng nổi gió bão làm thuyền bị ngập đầy
nước, mà Đức Kitô “vẫn ngủ”. Tiến lại họ đánh thức Ngài: “Lạy Thầy, xin cứu
chúng con, kẻo chúng con chết mất…”. Tường thuật khá chi tiết này đã cho thấy
có những lúc Chúa lặng thinh ngủ say và xem như bỏ ta một mình chèo chống (Mt
8,23-24).
Thái độ yên lặng của Chúa đã không
ít làm ta hoang mang, bối rối, có khi nản chí, muốn buông xuôi, bỏ cuộc. Không
thiếu những ngõ cụt cuộc đời, ở đó ta có cảm tưởng Chúa bỏ ta một mình và không
còn thương ta nữa. Có những khúc quanh ngặt nghèo, quẫn bách ở đó Chúa như làm
ngơ, lánh mặt để ta một mình lầm lũi, đơn độc. Và cũng đã nhiều lần, Chúa như bỏ
mặc ta sống chết, chẳng đoái hoài, che chở. Cũng thế, trước vô số đau khổ, bất
công trong cuộc đời, Thiên Chúa như vắng mặt, vô cảm và sự thinh lặng của Ngài
ít nhiều đã làm ta hoảng sợ, lo âu.
Đau
khổ đã vào thế gian theo tội lỗi, nên bao lâu tội lỗi còn, bấy lâu khổ đau còn
hành hạ cuộc sống. Có những khổ đau do thiên nhiên bất toàn, có những khổ đau
do chính mình, có nhiều khổ đau do người khác, có cả những đau khổ chẳng do ai,
nhưng để vinh danh Thiên Chúa (Ga 11,4). Nhưng đã có khổ là có đau, có đau là
có khổ… và không ai tránh được hết khổ đau, đau khổ trong đời. Vấn đề là cái
nhìn và thái độ đón nhận đau khổ của mỗi người.
Phần đông nhìn đau khổ như một tai
hoạ và thái độ là bất mãn, nổi loạn trước Thiên Chúa, căm phẫn, thù hận người
chung quanh và kiêu căng, mất an bình với chính mình. Một số khác nhìn đau khổ
như một phần tất yếu thuộc định mệnh và thái độ là dửng dưng, phó mặc, tiêu cực.
Số còn lại nhìn đau khổ như hậu quả của tội lỗi nhưng ở đó sẽ nảy sinh mầm hy vọng
và đón nhận đau khổ với thái độ tích cực vì tin rằng đau khổ mang giá trị cứu rỗi.
Sở dĩ những người này dám nhìn đau khổ dưới cặp kiếng hy vọng và đón nhận bằng
đôi tay phó thác là vì họ chiêm ngắm Đức Kitô, Đấng thánh thiện, trong sạch vô
cùng, không tì ố, không lỗi lầm, nhưng đã gánh chịu rất nhiều đau khổ con người
dành cho và đã chết nhục nhã, thảm thương với bản án đóng đinh như bao nhiêu
thân phận đau khổ, cùng khốn, thương tâm khác. Người có tội chịu đau khổ đã
đành, vì tội là hậu quả của tội lỗi, nhưng cả người công chính, thánh thiện như
Đức Kitô cũng phải chịu khổ đau thì nhất định đau khổ phải mang một ý nghĩa và
có một giá trị. Đức Kitô - Con Thiên Chúa đã trả lời vấn nạn đó khi chọn đau khổ
làm phương tiện để cứu độ con người. Vì thế, mầu nhiệm đau khổ của con người sẽ
được cắt nghĩa và được hiểu trong mầu nhiệm Thánh Giá của Đức Kitô, Đấng đã tự
nguyện chịu đau khổ vì yêu thương và để cứu độ nhân loại. Nói cách khác, trong
đau khổ của Đức Kitô - Thiên Chúa, tất cả mọi niềm đau, nỗi khổ của con người
được thánh hoá để trở nên giá trị cứu rỗi chính mình và cứu rỗi người khác. Đức
Kitô đã biến đổi đau khổ, vốn là tai hoạ, sự dữ thành của lễ hy sinh đem lại ơn
cứu độ. Từ nay đau khổ không “vô ích”, nhưng sinh hoa kết trái cho hạnh phúc đời
đời của con người, nếu đau khổ ấy chấp nhận đi vào nhiệm cuộc cứu độ của Đức
Kitô, Đấng đã đến để chia sẻ tận cùng thân phận người với mọi đau khổ, cơ cực,
bẽ bàng của nó; Đấng đã chết đau, sống khổ như những người đau khổ để không một
ai đau khổ mà không được Ngài cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ (Dt 4,15), để không một
ai cơ nhỡ, lỡ làng, yếu đuối mà Ngài không chạnh lòng thương (Dt 5,2); Đấng đã
dùng thập giá là hình phạt nặng nề nhất của nhân loại làm phương án cứu độ; Đấng
đã mời gọi những người đi theo Ngài “hãy bỏ mình, vác thập giá” (Mc 8,34). Đau
khổ với Ngài, nhờ Ngài, trong Ngài bỗng trở thành giá trị siêu nhiên cần thiết
cho ơn cứu độ. Thập tự vì Ngài đã vác và bị treo lên bỗng trở thành Thánh Giá,
dấu hiệu của người đi theo Ngài.
Tóm
lại, đau khổ tự bản chất là sự dữ và mãi mãi là sự dữ. Ta không được phép ao ước
sự dữ cho mình cũng như cho bất cứ ai; trái lại, ta phải làm tất cả những gì có
thể để xoa dịu, chữa lành, giảm đi đau khổ và làm mọi cách để sự dữ này biến
đi. Là môn đệ của Thiên Chúa hạnh phúc, ta được kêu gọi: “đem yêu thương vào
nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem
ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu, đem tin yêu vào nơi nghi
nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng”. Ta còn được xức dầu và sai đi: “loan
báo Tin Mừng cho người nghèo khó, ban bố ân xá cho người tù đầy, cho người đui
mù được thấy, kẻ bị áp bức được giải oan và loan báo năm hồng ân của Thiên
Chúa” (Lc 4,18), vì đau khổ của con người hoặc đến từ bệnh tật, thù oán, phỉ
báng, khinh khi, chiến tranh, nghi ngờ, thất vọng, thiếu hiểu biết…; hoặc đến từ
trái tim vắng bóng yêu thương, tâm hồn khai tử hình ảnh Thiên Chúa, xã hội loại
trừ Đấng là Tình Yêu, an bình thật. Những người đi theo Đức Kitô không bỏ phiếu
cho đau khổ, không tìm kiếm đau khổ, bằng cớ là chính Đức Kitô đã khóc khi thấy
Mácta, Maria đau khổ trước cái chết của em trai, đã chạnh lòng trước đám đông
đói khát, những người đau bệnh lê lết bên đường, đã cảm thương người đàn bà goá
bụa mất con, đã thương xót những người đàn bà thành Giêrusalem gặp Ngài trên đường
thánh giá. Theo gương Ngài, ta không bỏ phiếu ủng hộ đau khổ, không tìm kiếm
đau khổ, nhưng làm tất cả để chia sẻ, chữa lành những vết thương đau khổ của
mình và người khác, đồng thời biến đau khổ thành giá trị cứu rỗi bằng đặt vào
đó tình yêu của ta dành cho chính Thiên Chúa. Đây là một mầu nhiệm, một bí mật
của lễ hy sinh Thánh Giá nơi Thiên Chúa làm người, mà chỉ những người hiệp thông
đau khổ của mình trong mầu nhiệm Thánh Giá của Ngài mới hiểu được giá trị cứu rỗi
vô cùng quý giá của đau khổ cho hạnh phúc đời đời của mình và của nhiều người
khác. Thánh hoá đau khổ của con người bằng hiến mình chịu đau khổ, ban cho đau
khổ của con người giá trị ơn cứu rỗi, tình yêu thinh lặng của Thiên Chúa đau khổ
chịu treo trên thập tự đã không dửng dưng, vô cảm hay bỏ rơi con người khổ đau,
nhưng tình thinh lặng đó đã nói lên tất cả trái tim Thiên Chúa dành cho con người.
Thinh lặng trên Thánh Giá đã là
tình yêu thinh lặng tuyệt vời nhất: tình yêu thấy hết, nghe hết, cảm hết, cho hết.
Nhờ tình yêu thinh lặng này mà cả những người hành hạ, làm khổ Thiên Chúa chịu
đóng đinh cũng sẽ được tha thứ, nếu trái tim họ biết thinh lặng lắng nghe tiếng
Ngài nguyện cầu cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”
(Lc 23,34).
Mùa Chay, Mùa tình yêu thỏ thẻ
trong thanh vắng, mùa Đức Kitô muốn tâm sự, to nhỏ với trái tim mỗi người, mùa
của bình an trong thinh lặng yêu thương. Ước gì thinh lặng của Mùa Chay giúp đổi
mới tình yêu trong trái tim và xây dựng tình liên đới với mọi người.