https://www.youtube.com/watch?v=GzUOqAEo9oQ
Tôi có nhiều bạn làm lớn trong đạo ngoài đời. Đi đến đâu, họ cũng được các MC long trọng giới thiệu và nhiều người xúm đến chụp hình, bắt tay, xin chữ ký, địa chỉ, số phôn. Bạn tôi được xếp vào hàng những “nhân vật quan trọng” nên thường được đón tiếp ồn ào như vậy. Tôi không biết nên mừng hay nên lo cho họ… khi suy nghĩ về một con người cũng làm lớn, cũng được long trọng đón tiếp khắp nơi, nhưng cuối đời người ấy bị giới thiệu như tội phạm và bị án tử hình đóng đinh.
Tôi có nhiều bạn làm lớn trong đạo ngoài đời. Đi đến đâu, họ cũng được các MC long trọng giới thiệu và nhiều người xúm đến chụp hình, bắt tay, xin chữ ký, địa chỉ, số phôn. Bạn tôi được xếp vào hàng những “nhân vật quan trọng” nên thường được đón tiếp ồn ào như vậy. Tôi không biết nên mừng hay nên lo cho họ… khi suy nghĩ về một con người cũng làm lớn, cũng được long trọng đón tiếp khắp nơi, nhưng cuối đời người ấy bị giới thiệu như tội phạm và bị án tử hình đóng đinh.
Gioan Tẩy Giả
đã đóng vai MC thứ nhất khi giới thiệu Đức Kitô với đám đông khi Ngài đến xin
ông làm phép rửa bên bờ sông Jorđan: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần
gian” (Ga 1,29). Phêrô, người MC thứ hai, thay mặt nhóm môn đệ dưới hình thức
tuyên xưng khi trả lời câu hỏi của Đức Kitô “Người ta bảo Thầy là ai?” đã trịnh
trọng giới thiệu: “Thầy là Đức Kitô, con Thiên Chúa” (Lc 9,18-20). Tiếp theo là
nhiều MC khác có nhân thân và hoàn cảnh khác nhau: MC đồng hương
Nazareth thì
đơn sơ tuệch toạc: “Ông ấy là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria, ở cùng xóm
mình” (Mc 6,3); MC sĩ quan có con gái được Đức Kitô chữa lành thì gián tiếp và
quan cách, trịnh trọng: “Xin Thầy khỏi đến nhà, vì tôi chẳng đáng đón tiếp Thầy
vào nhà tôi, nhưng xin Thầy phán một lời, thì con tôi sẽ lành bệnh” (Mt 8,8);
MC bị quỷ ám thì vừa la hét vừa giới thiệu: “Lạy Con Thiên Chúa, Ngài định làm
gì trên chúng tôi vậy?” (Mt 8,29); MC phụ nữ thì ngắn gọn, duyên dáng, nhẹ
nhàng: “Lạy Ngài là con vua Đavít” (Mt 15,22); MC mù thì cực kỳ thiết tha: “Lạy
con vua Đavít, xin chữa con” (Mt 20,31); đến lượt MC lính gác thì dõng dạc, quả
quyết: “Người này đúng thật là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).
Đó là những
MC của những ngày truyền giáo tạm gọi là bình thường, nhưng bước vào Tuần
Thánh, trong những ngày “không bình thường”, sau cùng đen tối của Đức Kitô, ngoại
trừ MC trưởng toán lính canh đã lớn tiếng giới thiệu “Ông này thực là Con Thiên
Chúa” khi thấy đất rung động và đá vỡ tung lúc Đức Kitô tắt thở, còn lại tất cả
đều giới thiệu Ngài một cách rất bất lợi: MC Giuđa thì mượn cái hôn để giới thiệu
Ngài cho lính bắt: “Tôi hôn ai, chính là người ấy”; MC thượng tế thì quát mắng,
xỉ nhục: “Chính nó đã phạm thượng khi tự xưng là Con Thiên Chúa” (Mt 26,65) và
sau cùng MC sành điệu Philatô tổng trấn đã sợ hãi giới thiệu: “Này là Người”
(Ga 19,5) khi giao Đức Kitô cho các trưởng tế và kỳ lão đem đi đóng đinh (Mt
27,26).
Quan sát thái độ và lắng nghe những lời
giới thiệu Đức Kitô của những MC trong Tuần Thánh, ta thấy:
1. Các MC đã
không trung thực giới thiệu Đức Kitô như Ngài là, nhưng gian dối và ác độc giới
thiệu Đức Kitô vì tham vọng cá nhân, tập đoàn. Giuđa đã giới thiệu Đức Kitô cho lính bắt để có tiền. Vì
tham vọng làm giàu, ông đã bán đứng Đức Kitô. Thầy thượng tế Caipha đã độc ác
giới thiệu Đức Kitô là “tên phạm thượng” vì tham vọng độc quyền tôn giáo. Ông
không thể để yên một người nổi hơn ông trong phạm vi tôn giáo, vì ông cho mình
là “top”, không ai có thể hơn. Ông có tham vọng độc quyền thờ phượng Thiên Chúa
Giavê, nên rất lo ngại trước làn sóng ảnh hưởng của Đức Kitô. Tham vọng độc quyền
tôn giáo thúc đẩy ông gian dối, kết tội Đức Kitô, vì tự thâm tâm, ông luôn sẵn
sàng dùng mọi thủ đoạn để gạt bỏ, đốn gục bất cứ ai có ý đồ tranh giành Thiên
Chúa với ông. Tham vọng tôn giáo cũng nguy hiểm không kém tham vọng của cải,
quyền lực, vì cùng dẫn đến việc sử dụng phương tiện gian dối, độc ác để đạt mục
tiêu.
1.
Các
MC đã không tôn trọng sự thật về Đức Kitô khi giới thiệu Ngài, vì hèn nhát, khiếp
đảm trước quyền lực. Hội Đồng Kỳ Mục đã nhiều lần muốn bắt Đức Kitô nhưng sợ
dân chúng (Mt 21,46). Sợ ảnh hưởng quần chúng là cái sợ ngàn đời của người làm
chính trị. Các ông thượng tế không những sợ ảnh hưởng chính trị mà còn sợ cả ảnh
hưởng tôn giáo, vì đất nước Do Thái lúc bấy giờ chịu ách đô hộ của đế quốc
Rôma. Họ sợ quyền lực của Rôma nên bảo nhau: “Nếu cứ để ông ta tiếp tục, mọi
người sẽ tin ông ta, rồi người Rôma sẽ đến phá hủy và chiếm hẳn đất nước chúng
ta” (Ga 12,48). Sự sợ hãi quyền lực làm các ông bồn chồn, bứt rứt, nên càng
điên cuồng muốn giết Đức Kitô. Cách giới thiệu Đức Kitô của đám thượng tế và kỳ
mục cho Philatô cũng nói lên nỗi sợ, hèn nhát của các ông trước uy lực của đế
quốc Rôma: “Người này tự xưng là vua dân Do Thái”. Họ sợ nhà cầm quyền Rôma sẽ
trừng phạt đất nước họ, vì có người tự xưng là vua. Họ lo xa và hèn nhát, dù
trong lòng chẳng ưa gì bọn Rôma xâm lược. Họ vẫn nuôi ý chí đánh đuổi ngoại xâm
và phục hưng một Israel hùng mạnh, nhưng trong thực tế, khi có người yêu nước nổi
dậy cứu nước, họ lại hèn nhát chạy theo ngoại bang vì sợ hãi. Quyền lực của người
mạnh, uy lực của giai cấp thống trị luôn làm con người sợ và dễ biến thành nhu
nhược, hèn nhát, phần vì không muốn mất những gì mình đang có, phần vì không
dám liều lĩnh đổi mạng cho những hứa hẹn chưa nắm chắc trong tay.
Hội Đồng Kỳ Mục Do Thái sợ
Philatô, đại diện cho chính quyền đế quốc lấy cớ đàn áp, nhưng chính Philatô
cũng sợ đám kỳ mục, thượng tế chụp mũ, tố cáo ông chống lại chính quyền trung
ương. Lúc đầu gặp Đức Kitô, ông muốn tha Ngài, vì thấy Ngài vô tội và biết Ngài
bị cáo gian, nhưng khi nghe đám thượng tế, kỳ lão và đám đông dức lác, tru trếu:
“Nếu ngài tha nó, ngài không còn là bạn của hoàng đế Xêda, vì ai xưng mình là
vua thì chống lại Xêda” (Ga 19,12). Lý luận thật khủng khiếp. Lý luận thật đe
doạ đã làm Philatô run sợ vì nghĩ đến tai hoạ bị truất quyền, triệu hồi, xử phạt
nếu chẳng may lời tố cáo của người Do Thái đến tai hoàng đế Xêda. Ông sợ ghế tổng
trấn của ông sẽ lung lay, nếu ông không nhượng bộ đám lãnh đạo tôn giáo của xứ
này. Nỗi sợ mất chức, nỗi lo mất việc bắt ông phải ký bản án tử hình người mà
chính ông đã công khai tuyên bố vô tội. Để gỡ tội với lương tâm và chứng tỏ
mình là “người công chính”, Philatô đã rửa tay trước công chúng và tuyên bố “Ta
vô tội trong máu người này”, nhưng cùng lúc ông ra lệnh đem Đức Kitô đi đóng
đinh (Mt 27,24-26).
Lo
sợ và hèn nhát trong tâm hồn nhu nhược của Philatô đã ép ông phải giới thiệu Đức
Kitô như kẻ có tội khi lên tiếng trước dân: “Này là Người - Ecce Homo”, dù
lương tâm ông đã ngăn cản: Đừng kết án người vô tội. Kể cả vợ ông cũng một mực
can ngăn: “Đừng can thiệp vào việc người vô tội này, vì đêm qua tôi chiêm bao
thấy chuyện chẳng lành” (Mt 27,19). Giới thiệu Đức Kitô “Này là Người”, Philatô
đẩy Đức Kitô vào tay những người Do Thái đang gào thét đòi đóng đinh Ngài. Qua
lời giới thiệu “Này là Người”, ông trút được gánh nặng và đẩy Đức Kitô ra khỏi
dinh tổng trấn như cắt đi cục nợ phiền toái, nguy hiểm.
Khi giới thiệu Đức Kitô với nhau,
các MC Giuđa, Caipha, Philatô và kỳ mục, thượng tế đều nhắm Ngài như vật tế thần,
vì trong tính toán riêng của mỗi MC giải pháp đóng đinh Đức Kitô là thượng
sách, sẽ giải quyết được nhiều vấn đề và mang lại nhiều mối lợi cho họ. MC
Giuđa sẽ không phải trả lời về hành động phản bội của mình, không sợ bị anh em
hỏi tội, báo thù. Thượng tế Caipha và Hội Đồng Kỳ Mục không phải đương đấu nguy
cơ mất Đạo, mất dân. Philatô tránh được tình trạng xáo trộn trong vùng. Ai cũng
có lợi và ai cũng cần giới thiệu với người khác Đức Kitô là tội phạm; vì chỉ là
tội phạm, họ mới biến được Đức Kitô thành vật tế thần mà không day dứt lương
tâm, không gây nên những phản ứng bất lợi.
Trong
vụ án Đức Kitô, người ta đã viết sẵn bản án tử hình cho Ngài trước khi xét xử,
đã liệt kê sẵn tội danh và khôn khéo đẩy đưa nhau cùng đến chung quyết định
đóng đinh Ngài. Vụ án không tội ác, không tội danh chính xác, không luật sư biện
hộ và can phạm không có quyền lên tiếng. Vụ án mơ hồ không chứng cớ, hồ đồ từ
trong căn bản lập luận nên rất vội vàng, cẩu thả, bất chấp thủ tục. Vụ án không
cáo trạng, án lệnh viết bằng chữ, chỉ inh ỏi chửi rủa, tố cáo xuông trên miệng.
Chung cục vụ án chỉ là những giới thiệu dã man, độc địa, tàn ác của những tham
vọng, thủ lợi, hèn nhát đổ trên người vô tội.
Đức Kitô là nạn nhân của hiện tượng
giới thiệu vu oan, chụp mũ. Nhiều người cũng là nạn nhân như Ngài. Nhưng ai là
những MC của hiện tượng? Không lẽ tôi, bạn?
Đức Kitô chỉ đợi và Ngài đã nhận
được lời giới thiệu chân thực, vui mừng từ Thiên Chúa, Cha Ngài: “Đây là Con Ta
rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mc 1,11). Chỉ một lời giới thiệu đầy yêu
thương của Cha từ Trời đã đủ làm đời Ngài hạnh phúc.
Ước gì đó cũng là lời Đức Kitô sẽ
giới thiệu mỗi người trước Chúa Cha ngày phán xét. Và để nhận được lời giới thiệu
bảo đảm hạnh phúc đời đời ấy, không gì tốt hơn là tập giới thiệu người khác với
tinh thần tôn trọng sự thật và trong niềm vui của tình huynh đệ, bác ái ngay từ
cuộc sống này.
Trên
đường Thánh Giá, Ngài cũng đang tự giới thiệu với ta dung mạo “không còn hình
tượng người như khi trước”, dung mạo tơi tả, tơi bời của một người thất thế bị
bỏ rơi. Ngài trở nên bất lực, tàn lực trước mắt con người, nhưng dưới mắt Thiên
Chúa, Ngài là Thiên Chúa đang cứu chuộc để tất cả những ai vất vả, khó nhọc, khổ
đau, bị đời nghiền nát, bị xã hội khinh chê, bị “đồng hương đồng khói” coi thường,
bị đồng bào cười nhạo, bị đồng bạn khinh dể gặp được nơi Ngài niềm cảm thông,
hy vọng; bởi trong Đức Kitô, Đấng đang bị giới thiệu: “Này là người phải chết”
sẽ nảy sinh nguồn sự sống; trong Đức Kitô, người bị giới thiệu: “Này là tên nổi
loạn” sẽ có ơn bình an; trong Đức Kitô, con người bị giới thiệu “Này là người
điên đã tự xưng là Con Thiên Chúa” có tình xót thương của Thiên Chúa Cứu độ.
Và trong Đức Kitô chịu treo trên
thập tự, nhân loại mọi nơi, mọi thời, mọi chủng tộc, văn hoá, mọi cảnh huống,
tình trạng gặp được Đấng mà Chúa Cha đã giới thiệu: “Này là Con Ta rất yêu dấu.
Hãy nghe lời Ngài” (Mc 9,7).