Hình ảnh nổi bật của Tuần Thánh là hình ảnh người tôi tớ “đau khổ bị Thiên Chúa bỏ rơi, thiết tha kêu
cầu mà chẳng được cứu giúp” (Tv 22,2-3).
Tận cùng nỗi thống khổ, khi Thiên
Chúa nín thinh, thiên hạ bêu giễu, nhạo cười, bủa vây, cấu xé, ghì trói chân
tay, lột trần áo xống, đánh dập xương cốt, đâm thấu cạnh sườn, người tôi tớ ấy
đã nức nở khóc thân phận và tự nhận “là thân sâu bọ, chứ đâu phải là người” (Tv
22,7-21). Nỗi đau ấy càng xâu xé tâm can khi biết mình đã “vì Thiên Chúa mà bị
thoá mạ, vì Thiên Chúa mà bị anh em coi như người dưng, khách lạ, vì Thiên Chúa
mà bị chết ngộp trong bùn, dìm sâu vực thẳm” (Tv 68,8-15). Hình ảnh thương tâm ấy
kéo dài cho đến sáng Chúa Nhật phục sinh, khi người tôi tớ của Thiên Chúa Giavê
sống lại vinh quang từ cõi chết.
Phần lớn nỗi khổ trong đời là vì
yêu. Khổ đau trong tình yêu thì ít nhiều ai cũng đã trải nghiệm, nhưng có lẽ bị
tình phụ là kinh nghiệm đớn đau, nhức nhối nhất. Phụ tình ai là coi thường tình
yêu người ấy dành cho mình, là hạ thấp giá trị tình người ấy hiến dâng và phủ
nhận hy sinh người ấy cống hiến. Phụ tình là hệ quả tất nhiên của truất phế, hạ
bệ, xuống cấp: ta truất phế ngôi vị người đang yêu ta, ta hạ bệ tình của “người
yêu”, ta cho người yêu tuột dù, thê thảm xuống cấp. Và phụ tình là loại bỏ tình
yêu của một người bằng cách loại bỏ luôn giá trị nhân bản của người ấy. Vì thế,
nỗi đau của người bị phụ tình là nỗi đau bị người mình yêu xúc phạm. Nhiều người
đã không đủ sức chịu đựng nỗi đau bị sỉ nhục, nhân vị bị tổn thương và đã tìm
cái chết như một tẩy rửa ô uế.
Đức Kitô, dưới con mắt của đám
đông không khác người bị tình phụ khi họ thấy Ngài tơi tả vì bị đòn vọt, đầu đội
vòng gai, gượng lê từng bước nặng nề dưới sức nặng của thập giá, yếu nhược, co
quắp, đầm đìa máu me và tức tưởi chết trần truồng trước mặt mọi người (Mt
27,28-50). Nếu hiểu bị tình phụ là bị bỏ rơi bởi người mình thương mến thì quả
thật hơn ai hết, Đức Kitô là nạn nhân lớn của mối tình phụ bạc đáng ghi trong lịch
sử.
1.
Thái độ im lặng của Chúa Cha quả thực rất rùng
rợn và tạo nên một cảm tưởng bị phụ tình nơi Đức Kitô. Không phải tự nhiên, tự
động mà Đức Kitô đã thốt lên lời đau đớn, não nuột: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con?”
Suốt đường Thánh Giá, từ lúc bị bắt cho đến khi tắt thở, Chúa Cha đã như hoàn
toàn bỏ rơi Ngài: không lời ủi an, không dấu hiệu nâng đỡ, không một điềm lạ sẻ
chia, đồng cảm. Thế giới của Ngài là thế giới đơn côi, bị bạc đãi phũ phàng, bị
lãng quên, ruồng bỏ. Lời cầu thiết thađến đổ máu và mồ hôi trong vườn cây Dầu,
rồi lời xin tha tội cho những kẻ hành hạ mình, tất cả đều không được Chúa Cha hồi
đáp. Ngước lên trời cao, Ngài chỉ “nghe” được Yên lặng, Thinh lặng, Câm lặng, Vắng
lặng. Khốn khổ làm sao thân phận “người tôi tớ đau khổ” suốt đời yêu mến chủ và
chu toàn điều chủ muốn… để đến giờ phút sắp hoàn tất sứ mạng chủ trao thì bị chủ
phụ tình, bạc đãi, bỏ rơi, còn nhẫn tâm nhìn quân thù bủa vây, xâu xé người tôi
tớ trung thành.
2.
Thái
độ của các môn đệ thì khác nhau ở nhiều mức độ, nhưng chung quy cũng là phụ
tình, ngoại trừ Gioan nhờ luôn cận kề Đức Mẹ. Các ông nghe ngóng tình hình
không ổn và gọng kềm của đối phương ngày càng thắt chặt, cố đẩy Đức Kitô và
nhóm Mười Hai vào vòng tù tội, tan hàng, nên hầu hết đều mất tinh thần, chao đảo,
hoang mang. Giuđa nổi bật là người nhiều quan hệ chắc chắn nắm bắt tin tức
nhanh và chính xác hơn anh em. Cũng vì thế, ông đã nắm cơ hội để lấy điểm với
phe bên kia, hy vọng sẽ “chấm mút” được chút đỉnh, nhất là sẽ không bị liên lụy
nếu Thầy bị bắt và kết án như kế hoạch sắp tới của đối phương. Ông đã phụ tình
Thầy mình bằng tự nguyện xin làm nội gián, tiếp tay âm mưu bắt Thầy: “Giuđa đã
đến gặp các trưởng tế và để mở lời đề nghị: “Các ông cho tôi bao nhiêu, nếu tôi
đem nộp Ngài cho các ông?” và họ đề nghị cho ông ba mươi đồng bạc” (Mt
26,14-15). Giuđa đã phản bội trắng trợn, phụ tình công khai, bất chấp nhắc nhở,
cảnh tỉnh nhẹ nhàng ân tình của Thầy: “Một trong số chúng con sẽ nộp Thầy”
trong bữa ăn chia tay khi trơ trẽn hỏi lại Ngài: “Thưa Thầy,
có phải con không?” (Mt 26,21-25).
Giuđa làm quản lý nên phụ tình, phản bội, chỉ điểm để có tiền. Phêrô được đặt
làm anh trưởng cũng không thua đàn em đã ngang nhiên bai bải chối: “Tôi không hề
biết người này là ai” Lc 22,54-61). Chối Thầy như Phêrô khác nào tuyên bố bỏ Đạo
trước mặt quan quân bắt Đạo dưới triều cấm Đạo. Bạo miệng thề thốt “không quen
biết” người đã yêu thương, tín nhiệm mình suốt ba năm khác gì lạnh lùng, nhẫn
tâm trả lời: “Tôi chẳng quen anh, cũng chẳng biết anh, càng không yêu anh” với
người mình đã từng một thời đắm đuối yêu thương. Phêrô như Giuđa, cả hai đã phụ
tình Thầy và phản bội Thầy. Còn các môn đệ khác, sở dĩ không được nhắc tới
trong những ngày “dầu sôi lửa bỏng” là vì họ đã bỏ trốn và “cao bay xa chạy”
ngay từ phút đầu nghe Thầy bị bắt (Mc 14,50). Suốt đường Thánh Giá đau khổ, Đức
Kitô đã không thấy môn đệ nào, ngoài Gioan? Nếu có thấy là thấy Phêrô đang gân
cổ, láo liên chối mình trước mấy cô người làm (Lc 22,61).
3.
Đám
đông thì càng tệ hơn. Họ gồm những người đã được Chúa chữa lành bệnh tật, được
cứu khỏi quỷ ám, được dạy dỗ, yêu thương; họ là những người đã thấy Ngài làm
phép lạ và được Ngài cho ăn no nê; họ là những người đã từng tâm sự, chuyện trò
với Chúa và đã được Ngài chỉ bảo những việc phải làm, con đường phải đi cho hạnh
phúc cuộc đời; họ là những người đã năng nổ, nhiệt tình bẻ cành ôliu, trải áo
đón Chúa vào Giêrusalem mấy hôm nay. Tuy không gắn bó thiết thân như các môn đệ,
nhưng phần đông cũng “ân sâu nghĩa nặng” với Chúa. Bỏ rơi, hững hờ, quay gót
làm ngơ, thay lòng trở mặt với người mình mang ơn, ân nghĩa chẳng phải là phụ
tình sao?
Cả
bốn Tin Mừng đều ghi lại rất tỉ mỉ diễn biến và những con người của biến cố tử
nạn. Qua Tin Mừng, ta thấy chỉ còn rất ít những người trung thành, chung tình với
Đức Kitô và đi với Ngài trên những cây số sau cùng tang thương của cuộc đời. Chỉ
còn Maria, mẹ Ngài, Gioan, người môn đệ không rời Đức Maria nửa bước, vài người
đàn bà đạo đức, can đảm và “ông Giuse người thành Arimathê, thành viên có thế
giá của Hội Đồng Kỳ Mục và cũng là người vẫn mong đợi triều đại của Thiên Chúa
đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Kitô” (Mc 15,43). Đám
đông “đông” được là do nhẹ dạ, a dua, hời hợt cuốn theo chiều gió. Đám đông “dễ
đông” vì không trung thành, không hy sinh, không phải liều thân, đổi mạng. Số
ít chung tình sẽ mãi mãi “ít” vì phải vượt qua nhiều rào cản: sợ hãi, an sinh,
danh dự, tương lai, tính mạng. Người phụ tình thay đổi lòng dạ vì có lợi, vì
tìm được đối tượng khác xinh hơn, giàu hơn, đáp ứng tốt nhiều nhu cầu hơn… Ích
kỷ là động cơ thúc đẩy người ta phụ tình cũng như tiền bạc đã lừa đưa Giuđa vào
hàng ngũ phản bội, nội gián, chỉ điểm.
Hình ảnh người tôi tớ không những
bị bạc đãi, hành hạ mà còn bị phụ tình trên đã cho ta những cảm tưởng tiêu cực
về công cuộc cứu chuộc của Đức Kitô. Nhưng đó chỉ là cảm tưởng nhất thời mang
nhiều cảm tính. Thực ra, Đức Kitô đã biết trước mình sẽ phải đi đến tận cùng
đau khổ để minh chứng tình yêu đến cùng dành cho con người. Tận cùng của tình
yêu là vẫn yêu khi bị chính tình yêu phủ nhận, là vẫn thương khi người thương
quay gót, bạc tình. Tận cùng của tình yêu là đón hết đắng cay của một tình yêu
không được đền đáp, nhận hết nhục nhằn do chính người mình yêu mang lại, là yêu
vô điều kiện, tha thứ vô điều kiện, hy sinh vô điều kiện, chung tình vô điều kiện.
Đức
Kitô đã chung tình với Chúa Cha, dù Chúa Cha có im hơi lặng tiếng. Ngài biết
Chúa Cha và ở trong Chúa Cha nên ngay cả khi Chúa Cha không lên tiếng, Chúa Cha
vẫn ở với Ngài và Ngài vẫn hiệp nhất với Chúa Cha trong mọi sự.
Thái độ tín thác vô điều kiện của
Đức Kitô nơi Chúa Cha là thái độ phải có của những người Kitô hữu khi hành
trình sống Đạo không thênh thang, dễ dàng, khi đêm tối Đức Tin ập về, khi thử
thách của Đức Ái và Đức Cậy bủa vây, xô đẩy. Người tín hữu sẽ không còn cảm thấy
êm dịu ngọt ngào khi cầu nguyện, không còn thấy Giáo Hội và những người phục vụ
Giáo Hội dễ thương, đáng tin, không còn hứng thú hoạt động hội đoàn trong giáo
xứ vì khám phá nhiều gương mù gương xấu của người lãnh đạo, không còn thiết tha
đến công việc chung, nhất là việc loan truyền Tin Mừng. Sẽ có những hoàn cảnh
làm chán ngán việc Đạo, làm sa sút tinh thần đạo đức, làm sụp đổ lý tưởng, thần
tượng. Đường Thánh Giá có lúc sẽ chỉ có thập giá mà không có Chúa và núi Sọ chỉ
trơ cây thập tự treo xác mình mà không thấy Thánh Giá Chúa đâu. Trong những đêm
đen thử thách, tim người Kitô hữu sẽ se thắt rướm máu và khó tránh được những
cám dỗ bỏ cuộc, phụ tình.
Như
Đức Kitô, người tín hữu phải xác tín: “Tôi đã được Thiên Chúa gọi từ dạ mẹ và từ
lòng mẹ, Ngài đã nhắc tên tôi. Ngài che chở tôi dưới bóng tay Ngài” (Is
49,1-2). Ngài đã muốn tôi là tôi tớ của Ngài để làm vinh danh Ngài dù nhiều lần
tôi đã thưa với Ngài: “Lạy Thiên Chúa, con vất vả, lao nhọc trăm bề mà chẳng đi
đến đâu, con phí cả sức lực mà chẳng sinh ích gì”. Trước lời than van tuyệt vọng
muốn bỏ cuộc của tôi, Thiên Chúa đã trả lời: “Phần thưởng của con sẽ rất lớn…
và Ta là sức mạnh của con, vì Ta đã chọn con từ lòng mẹ để trở thành tôi tớ của
Ta để phục hưng Israel. Ta sẽ đặt con làm ánh sáng các dân tộc để ơn cứu độ của
Ta đạt thấu mút cùng thế giới” (Is 49,4-6).
Sứ mệnh của người tôi tớ, qua khổ
đau, là giao hoà nhân loại với Thiên Chúa, giải phóng, chữa lành, soi sáng mọi
người. Người tôi tớ là dấu chỉ của Giao Ước mới và khổ đau của họ sẽ mang lại
nhiều hoa trái cứu độ, như Đức Kitô đã phải chết để mang lại ơn cứu sống cho mọi
người. Đó là niềm tin và niềm an ủi cho người tôi tớ trong những lúc bị thử
thách, bỏ rơi. Đức Kitô đã rơi vào tình trạng bế tắc bị bỏ rơi, nhưng nhờ những
bế tắc trên đường tử nạn và trên Thánh Giá mà ơn cứu độ được tuôn tràn trên
toàn thể nhân loại mọi nơi, mọi thời. Ngày trở lại của Thiên Chúa, người tôi tớ
chung tình cũng sẽ được ân thưởng như Chúa Cha đã tôn vinh Đức Kitô, tôi tớ đau
khổ của Ngài ngày sống lại.
Với Thiên Chúa, người tôi tớ luôn
khiêm hạ, vâng lời, chu toàn sứ mệnh, dù xem ra bị chính Thiên Chúa bỏ rơi, phụ
tình. Với con người, tôi tớ ấy vẫn một tình nhân ái, một cung cách thân thiện,
một tấm lòng bao dung vô điều kiện. Bị phụ tình, bạc tình, Đức Kitô vẫn âu yếm
nhìn Phêrô, vẫn nhẹ nhàng nhắc khéo Giuđa “thôi đừng phạm tội” và trên Thánh
Giá vẫn cố nài xin Chúa Cha tha cho tất cả, “vì họ không biết việc họ làm” (Lc
23,34). Theo Đức Kitô, người tín hữu cũng không thể làm cách nào khác ngoài tha
thứ vô điều kiện và vẫn nhiệt tình, thân ái với anh em dù họ đã xúc phạm, vô
ơn, phản bội, phụ tình mình.
“Nếu con điên lên vì bị phản bội,
Thầy sẽ là giòng suối mát. Nếu con quay quắt, bị dằn vặt vì lầm lỗi của mình và
của người khác, Thầy là ơn giải phóng cứu con khỏi ngục tù của thù hận, tuyệt vọng.
Nếu con yếu nhọc, muốn buông xuôi, bỏ cuộc, Thầy là sức mạnh của con. Nếu con sợ
chết, Thầy là sự sống. Nếu con muốn lên Trời, Thầy là Đường. Nếu con trốn chạy
bóng đêm đang đuổi bắt, Thầy là ánh sáng. Và nếu con đói khát, Thầy là lương thực
cho con ăn uống thoải mái, no nê” (Theo ý tưởng của thánh Ambrôsiô)