Pages - Menu

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Rửa Chân

https://www.youtube.com/watch?v=gZZglx-4WV8
Tìm Thiên Chúa trong những dấu lạ, sự lạ, phép lạ phi thường, lớn lao là khuynh hướng của phần đông con người. Người đương thời với Đức Kitô cũng đổ xô đi xem Đức Kitô làm phép lạ như thiên hạ ngày nay lũ lượt, tấp nập rủ nhau đi xem mặt trời quay chỗ này, tượng Chúa khóc chỗ nọ, tượng Mẹ cười chỗ kia. Chuyện kỳ lạ hấp dẫn tính hiếu kỳ và con người thích gặp Thiên Chúa trong những chuyện thần kỳ, khác lạ hơn tìm gặp Ngài giữa đời thường, trong sinh hoạt bình thường của những ngày thường, bên những con người tầm thường.
Bữa tối chia tay, thầy trò bùi ngùi lưu luyến. Đã ba năm sống bên nhau, ngọt bùi, buồn vui cùng chia sẻ nên giờ sắp phải chia lìa mà chia lìa đau thương, tang tóc, hỏi ai không đứt ruột? Tuy ở gần Đức Kitô, nhưng các môn đệ chưa biết rõ Ngài là ai và sứ mệnh cứu độ của Ngài là gì, sẽ diễn biến ra sao. Chính vì thế, sát kề ngày chịu khổ nạn của Thầy mà các ông vẫn ganh tị, tranh giành chỗ ngồi chỗ đứng trong vương quốc sắp tới của Ngài (Lc 22,24). Đêm nay, trong bữa ăn sau cùng, Đức Kitô muốn nói hết về Ngài và những gì sắp xảy đến. Ngài thẳng thắn cho các ông biết: “Trong các con sẽ có người nộp Thầy” (Ga 13,21), “Thầy sẽ bị coi như người gian ác” (Lc 22,37), “sẽ chịu đóng đinh” (Mt 26,2) và “đêm nay các con sẽ vì Thầy mà sa ngã” (Mt 26,31). Cho biết trước đường Thánh Giá Ngài sắp đi và căn dặn các ông hết mọi điều: “người ta sẽ bạc đãi, xử tệ, hành hạ, trục xuất, truy lùng chúng con vì tôi tớ không hơn chủ. Chúng con đừng sợ vì Thánh thần ở với chúng con sẽ cho chúng con biết mọi chân lý, sẽ báo trước cho chúng con về tương lai. Phần chúng con: hãy ở trong tình yêu Thầy” (Ga 16,1-15).
Căn dặn, trăn trối, nhưng Đức Kitô chưa đi vào cốt lõi của điều Ngài muốn nói. Phải chờ cho tình thầy trò thấm vào tim qua ly rượu chia phôi, “Ngài mới đứng dậy, rời bàn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Kitô đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5). Hành động bất ngờ nhưng không xa lạ trong tục lệ Do Thái. Hành động bất thường nhưng là những việc tầm thường: cởi áo, lấy nước, rửa chân, lau sạch trong đời thường. Đức Kitô đã dùng những việc rất thường để mạc khải chính Ngài là Thiên Chúa tuyệt đối khiêm nhường.

1.   Rửa chân cho môn đệ, Đức Kitô đã “đứng dậy, rời bàn”. Ngài đã rời chỗ ngồi trọng vọng, danh dự, được hầu hạ để đến quỳ trước mặt môn sinh. Quỳ trước mặt ai là nhận mình thấp hơn họ. Quỳ dưới chân ai là nhận mình hèn yếu. Chỉ đầy tớ mới quỳ dưới chân chủ, chỉ con người mới quỳ trước Đấng Tạo Dựng, chỉ con cái mới quỳ bên cha mẹ, ngoài ra ai quỳ dưới chân ai bao giờ… Thế mà Đức Kitô đã quỳ dưới chân con người để tỏ tình Ngài yêu con người đến cực độ (Ga 13,1).



2. Rửa chân con người, Đức Kitô đã “cởi áo và lấy khăn thắt lưng”. Đây là hình ảnh của từ bỏ, hình ảnh vượt qua “cái tôi vĩ đại, cái tôi háo danh, cái tôi quyền lực, cái tôi hưởng thụ” và cột chặt kiêu căng, tham vọng, gian tà là bản năng và khuynh hướng xấu khi đến với tha nhân. “Người khác” đã thay thế “cái tôi”. “Người khác” là vua, là người được “cái tôi” ân cần phục vụ. Có bỏ mình mới yêu được người khác. Có quên mình bằng kìm hãm tham vọng thống trị, bằng triệt tiêu mưu đồ lợi dụng người khác mới có thể yêu thương và phục vụ. Rửa chân là phục vụ hết tình, là hầu hạ hết mình, nhưng cũng là xoá mình, quên mình, mất mình, bỏ mình thật tình. Bởi phục vụ mà đặt mình trong đó thì còn bị cám dỗ dùng người khác làm bình phong, bung xung che đậy cái tôi ích kỷ, tham vọng. Đức Kitô đã cởi bỏ tất cả vinh dự là Thiên Chúa để xuống thật sâu, xuống sát chân con người để rửa chân cho con người. Hành động rửa chân vốn bình thường nơi con người đã trở nên phi thường khi Thiên Chúa đích thân quỳ xuống rửa chân. Hành động ấy phi thường khi Thiên Chúa khiêm hạ làm công việc tầm thường nhất của người đầy tớ: rửa chân ông chủ. Trong tầm thường, Thiên Chúa đã tỏ mình là “Thiên Chúa đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống mình cứu độ muôn dân” (Mt 21,28).



3. Đức Kitô “đổ nước vào chậu và rửa chân cho các môn đệ”. Nước tượng trưng cho trong sạch, tinh tuyền. Nước là hình ảnh của sự sống. Lấy nước rửa chân cho con người, Đức Kitô muốn thanh tẩy con người bằng ơn thánh và ban lại cho con người đời sống mới. Nước làm con người nên sạch, như ơn thánh thanh tẩy tâm hồn. Phêrô nhanh trí nhận ra ý nghĩa của nước và việc làm của Đức Kitô khi Ngài bảo ông: “Nếu không để Thầy rửa chân, con sẽ không được chung phần cùng Thầy”, nên đã vội xin Đức Kitô: “Lạy Thầy, xin cứ rửa, không những rửa chân mà cả tay và đầu con nữa” (Ga 13,8-9). Ý thức chỗ nào trên thân xác mình cũng dơ bẩn, nhem nhuốc, ông đã xin Chúa rửa toàn thân như thái độ khiêm tốn, biết mình tội lỗi của những tâm hồn thống hối, ăn năn.
Lấy nước, rửa chân con người, Đức Kitô đã làm công việc hằng ngày của tôi tớ vì trong Nước Ngài: “Kẻ lớn nhất phải ở như kẻ rốt hết và kẻ cai trị phải ở như người tôi tớ” (Lc 22,26).

4.    Sau cùng, “Ngài lấy khăn thắt lưng mà lau”. Lau chân cho ai là tỏ lòng kính trọng, yêu mến người ấy. Người ta có thể phục vụ mà không yêu mến, hầu hạ mà không ân tình, giúp đỡ mà không tình cảm, làm phúc mà không bác ái, bố thí mà không chạnh lòng thương. Có nhiều việc bên ngoài rất tốt, rất tình, rất tử tế, nhưng thâm ý rất xấu, rất độc, rất ác. Có nhiều nụ hôn rất tình, rất thương, rất trìu mến, nhưng cũng không thiếu những cái hôn rất đáng ngại, đáng nghi, đáng sợ. Bằng chứng là Giuđa đã hôn Đức Kitô để ra dấu cho lính bắt Ngài. Bằng cớ là Philatô đã công khai rửa tay vô tội nhưng đã giao Đức Kitô vô tội cho các trưởng tế, kỳ lão đem đi xử tội. Con người có thân xác để biểu lộ ý nghĩ, tình cảm của tâm hồn, nhưng không hẳn thân xác ấy luôn được phép diễn tả trung thực những tình cảm, ý nghĩ bên trong, vì trái tim con người có thể là trung tâm của tình yêu, sự thật, nhưng cũng có thể là sào huyệt của mưu mô, tội ác.


Đức Kitô lau chân cho con người để nói lên Ngài yêu con người, tôn trọng con người, trân quý con người khi phục vụ con người. Phục vụ mà không kính trọng là xúc phạm người được phục vụ. Phục vụ mà không yêu mến là hạ thấp giá trị của người được phục vụ. Ngay cả các nữ tu đêm ngày phục vụ các bệnh nhân siđa, phong cùi, nếu không thật tình yêu mến, kính trọng những người bệnh, các chị cũng chỉ là những người làm công: làm để có công và vô tình làm tổn thương những người bệnh này, vì tính vô cảm lãnh đạm, vô tâm hờ hững và vô ý coi thường của trái tim thiếu vắng nồng nàn, quan tâm, chăm sóc của tình yêu.
Trở về chỗ, sau khi rửa chân các môn đệ, Đức Kitô mới nói: “Các con gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thực Thầy là Thầy và là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa là Thầy mà còn rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho các con để các con cũng làm cho nhau như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,13-15).
Đức Kitô đã “nói là làm, làm rồi mới nói, làm trước nói sau”, không như chúng ta: nói mà không làm hay chỉ nói mà chẳng bao giờ làm. Đức Kitô không chỉ dạy một bài học về “khiêm nhường phục vụ trong yêu thương”, mà còn tỏ mình là Thiên Chúa rất khiêm hạ, xóa mình trước con người, điều mà các môn đệ rất bất ngờ, bỡ ngỡ. Ngài đã dùng chính công việc rất tầm thường của một tôi tớ tầm thường trong công việc bình thường phải làm thường ngày để mạc khải một chân lý phi thường: Thiên Chúa đã xuống tận chân con người để rửa chân, lau chân cho con người. Các môn đệ không phải tìm tòi xa xôi, tìm hỏi người thông thái, tìm hiểu dấu lạ này điềm lạ kia để biết Đức Kitô là ai, nhưng chỉ nhìn vào thái độ bỏ chỗ, bỏ mình, quỳ xuống rửa chân của Ngài, các ông đã hiểu Ngài là ai và đường đi của Ngài sẽ diễn ra thế nào. Vì hiểu Ngài là Thiên Chúa khiêm hạ thẳm sâu và sẽ phải chôn vùi, thối đi như hạt lúa, nên Phêrô mới hăng hái thân thưa: “Tại sao con không thể theo Thầy đi ngay bây giờ. Con sẵn sàng thí mạng vì Thầy mà...” (Ga 13,37 ).
Đức Kitô cũng không dạy khơi khơi một bài học, “học để quên” như những bài học bình thường, vì tất cả những gì Ngài làm, Ngài nói, Ngài căn dặn trong giờ phút sau cùng trước khi đi chịu chết đều mang một tầm quan trọng đặc biệt và là những việc trọng đại không phải chỉ để nhớ mà để sống và thi hành. Trong bữa ăn từ biệt nghiêm trọng nhưng chan chứa tình nghĩa, thân mật, Đức Kitô đã rửa chân, lập phép Thánh Thể, lập chức Linh Mục và căn dặn, nhắc nhở về tình yêu thương. Rửa chân tuy không là bí tích nhưng không thể được giảm thiểu, giản lược như một nghi thức tượng trưng, không nội dung, không quan trọng. Trái lại, hành động Đức Kitô làm lâu nhất, trịnh trọng và cảm động nhất chính là quỳ xuống trước mặt các môn đệ mà rửa chân cho các ông. Như tình yêu Thiên Chúa từ Trời cao đáp xuống con người dơ bẩn cần được tẩy rửa, Đức Kitô đặt tình yêu của Ngài trên bàn chân người tội lỗi để tỏ tình Ngài yêu họ bao la, không biên giới, vô điều kiện. Lau chân con người tội lỗi, một lần nữa, tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa đã làm sửng sốt trái tim nhân loại và Đức Kitô đã thêm một sáng kiến độc đáo để nói lên tình Ngài yêu đến cùng, tình Ngài xuống sâu tận cùng, tình vô thủy vô chung, tình bao la đến vô cùng.
Đến lượt chúng ta rửa chân cho nhau. Đến phiên chúng ta đứng dậy, rời chỗ ngồi danh dự, rời địa vị cao sang, rời quyền lực cai trị, rời tổng hành dinh “cái tôi”, đồng thời thắt lại tham vọng, siết lại nhu cầu, buộc lại đòi hỏi để làm công việc rửa chân của tôi tớ với lòng yêu mến, kính trọng. Đến giờ chúng ta bị đặt trước lệnh truyền: “Chúng con hãy rửa chân cho nhau”. Đến lúc chúng ta phải quyết định đứng dậy, cởi áo, lấy nước, quỳ xuống rửa chân người anh em khó tính, khó thương, khó chịu, khó chiều hay tiếp tục ngồi lì ở ghế danh dự, được hầu hạ. Đến thời chúng ta phải liều mình ra khỏi tháp ngà “cái tôi ích kỷ” để phục vụ một cách vô danh, vô vị lợi như người đầy tớ vô tích sự phải làm những việc xem ra “vô ích” của mình.
Tuần Thánh là thời điểm thuận lợi để những quyết định rửa chân cho nhau được thực hiện. Không dễ bỏ một cơ hội được trọng vọng, nói gì đến bỏ một chỗ ngồi sẵn có. Không dễ bỏ một liên đới, một thân quen nói chi đến bỏ cả chính mình, bỏ cả đời mình. Vì thế rửa chân cho nhau là việc khó vì đòi bỏ tất cả để có thể đứng dậy mà không bực bội, cởi áo mà không tiếc nuối, mắc cở, lấy nước vào thau mà không ngại ngùng vất vả, buộc dây ngang bụng mà không bực bội, càu nhàu, nhất là quỳ xuống trước mặt anh em mà không ngượng ngùng, miễn cưỡng và rửa chân, lau chân với niềm vui của tình yêu hết mình phục vụ.
Rửa chân là cao điểm của Đức Ái. Ở cao điểm này, ta gặp được trọn vẹn “Con người - Thiên Chúa” của Đức Kitô, một Thiên Chúa khiêm hạ làm người tôi tớ để yêu thương, phục vụ con người. Tất cả chương trình sống của người theo Đức Kitô được vạch sẵn trong biến cố Rửa Chân chiều thứ năm Tuần Thánh, một chương trình rất ngắn nhưng cam go và đòi nhiều hy sinh: “Bỏ mình, phục vụ trong yêu thương”.