Những năm gần đây, người ta xôn xao bàn tán nhiều về đời sống linh mục sau những “xì căng đan” ấu dâm
của một số giáo sĩ, tu sĩ và ngay cả giám mục. Dư luận lên án, phê bình, chỉ
trích và đề nghị những biện pháp ngăn chặn, chế tài và căn tính linh mục được
thiên hạ thi nhau mổ xẻ, bình luận. Có người gọi linh mục là những người lập dị;
người khác cho đời độc thân linh mục trái tự nhiên và lỗi thời; cũng có người
xem linh mục chỉ là những viên chức của guồng máy tôn giáo không hơn không kém.
Những cơn bão “chống giáo sĩ” cũng ảnh hưởng trên người tín hữu và ít nhiều đã
gây hoang mang, mất tinh thần.
Thứ năm Tuần Thánh là ngày Linh Mục
với lễ truyền dầu quy tụ các linh mục quanh Giám Mục địa phận và buổi chiều là
lễ kỷ niệm Đức Kitô lập chức Linh Mục và phép Thánh Thể. Đây là dịp linh mục
tuyên hứa lại lời hứa ngày chịu chức và nhìn lại căn tính linh mục của mình, đồng
thời là dịp giáo dân cầu nguyện cho các vị.
Nếu ai hỏi tôi: đâu là nét đẹp của
Linh Mục, tôi sẽ không do dự trả lời: Đó là lòng thương xót. Linh Mục hấp dẫn,
lôi cuốn, đánh động tôi ở tâm tình và thái độ thương xót của ngài, ngoài ra tôi
không thấy nét đẹp nào nổi bật, thánh thiện và nói lên được căn tính Linh Mục của
ngài.
Một linh mục giỏi, nhiều bằng cấp,
có tài giảng thuyết, có khả năng lãnh đạo, “kinh bang tế thế”, lanh lợi, tháo
vát có thể được coi là “linh mục được việc”, nhưng không là linh mục thánh thiện,
vì đòi hỏi nên thánh của linh mục không hệ tại ở tiêu chuẩn “được việc” này. Nếu
chỉ đào tạo chủng sinh thành những linh mục “được việc” thì chủng viện sẽ biến
thành trường dạy nghề lãnh đạo ngang tầm với đại học hành chánh đào tạo các
quan chức cho bộ máy chính phủ. Nếu chỉ nhắm huấn luyện những chuyên viên làm
“chạy việc” ở các giáo xứ, ban ngành trong giáo phận thì chủng viện không còn
được gọi là “vườn ươm Ơn Gọi”. “Được việc và chạy việc” là công việc của xã hội
trần thế, không thể là mục tiêu của công trình đào tạo linh mục mà mục đích là
huấn luyện những môn đệ của Đức Kitô theo khuôn mẫu Đức Kitô, như ý muốn của Đức
Kitô.
Khi chọn ngày cuối trước khi bước
vào cuộc tử nạn để lập chức Linh Mục, Đức Kitô đã muốn đặt các linh mục của
Ngài trong một bầu khí đặc biệt, bầu khí của tình yêu ở mức độ cao nhất: chết
cho người mình yêu. Khi cúi xuống rửa chân hay lúc bẻ bánh, Ngài đều nhắc nhở
các môn đệ về tình yêu, một tình yêu hiến mình, một tình yêu hy sinh đến cùng,
một tình yêu vô điều kiện, không biên giới. Tình yêu Đức Kitô đang sống và mạc
khải cho nhân loại trong những ngày khổ nạn không còn là tình yêu bình thường ở
mức độ bình thường, cũng không là tình yêu của hai người ở cùng tầm cỡ, địa vị,
vai vế, nhưng là tình yêu của một Thiên Chúa vô tội, tuyệt đối thánh thiện chấp
nhận chết để xóa tội cho nhân loại tội lụy, bất trung. Bầu khí yêu thương khi lập
chức Linh Mục không còn là yêu thương như những ngày thường, nhưng tình yêu
đang ở giai đoạn bất thường, phi thường, lạ thường khi tình yêu vượt qua tất cả
những suy nghĩ, dự liệu của con người. Tình yêu, bầu khí yêu thương và cả cách
thức diễn tả yêu thương những ngày của Tuần Thánh đã vượt ngưỡng để tình yêu biến
thành tình thương xót là độ cao nhất của tình yêu. Khi xót thương ai, ta không
còn ngang tầm với đối tượng, nhưng từ tầm cao xuống thấp để ngang hàng hoặc thấp
hơn đối tượng cốt để yêu được, thứ tha được, nâng đỡ được đối tượng của tình
xót thương. Lập chức Linh Mục trước giờ bị bắt, Đức Kitô đã có ý gắn liền chức
Linh Mục với tình yêu xót thương, một tình yêu vượt trên hết mọi tình yêu này.
Tình
yêu của Đức Kitô trong bữa ăn chia tay, khi rửa chân, lập chức Linh Mục và phép
Thánh Thể, cũng như trên đường Thánh Giá, trên núi Sọ là tình yêu thương xót:
Chúa xót thương những kẻ thuộc về Ngài, xót thương Phêrô lầm lỡ, xót thương
Giuđa phản bội, xót thương các môn đệ khác sợ hãi bỏ trốn, xót thươngnhững phụ
nữ thành Giêrusalem, xót thương người tội phạm cùng bị đóng đinh, xót thương những
kẻ hành hạ, lên án, xử tử Ngài, xót thương người tội phạm xin ơn cứu độ, xót
thương cả loài người đang cần ơn tha thứ. Tình Ngài ngập tràn thương xót. Tình
Ngài sâu thẳm thương xót. Tình Ngài cao vời thương xót. Tình Ngài bền bỉ thương
xót. Và thương xót là căn tính của tình Ngài. Bỏ đi lòng thương xót, tình Thiên
Chúa cho con người trở thành tình vô nghĩa, vô nghĩa vì con người cần Thiên
Chúa xót thương và tội lỗi nhân loại luôn réo gọi tình Trời thương xót.
Lập
chức linh mục trong bối cảnh thương xót con người, lập chức linh mục trong hoàn
cảnh lòng thương xót cần thể hiện, Đức Kitô đã muốn các linh mục của Ngài được
cưu mang, sinh ra và trưởng thành trong tình xót thương để thương xót dân Ngài
như Ngài đã xót thương, để thương xót đến cùng như tận cùng của tình Ngài trên
Thánh Giá, để thương xót vô điều kiện như người tội phạm chỉ cần một lời cầu rất
đơn sơ đã được Ngài ban ơn cứu rỗi. Trong tình xót thương tuyệt đối ấy, Đức
Kitô đợi chờ nhiều ở các linh mục của Ngài:
1. Ngài muốn linh mục của Ngài sống mầu nhiệm thương xót
Nếu lòng thương xót của Chúa là
trung tâm của Tin Mừng mà Giáo Hội có sứ mạng rao truyền đến tận cùng thế giới
và cho đến tận thế thì linh mục là mầu nhiệm của chính lòng xót thương ấy. Trên
con đường xót thương, linh mục sẽ đạt đến sự thánh thiện của ơn gọi tận hiến một
cách nhanh chóng và hữu hiệu nhất; bởi ơn gọi linh mục là ơn gọi tháp nhập vào
cây nho là Đức Kitô, Đấng giàu lòng thương xót (Ga 15,5-6). Là “Đức Kitô khác”,
linh mục cũng phải sống bằng nhựa thương xót từ thân cây để trái tim Linh Mục
không khô khan, héo úa và không trở thành một hầm tối, đơn độc vì thiếu ánh
sáng hy vọng của lòng xót thương.
Là
mầu nhiệm của lòng thương xót, linh mục phải nhận ra mình được kêu gọi và được
đón nhận ơn làm linh mục do lòng thương xót vì “không phải các con đã chọn Thầy,
nhưng Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Được gọi và được chọn như ân huệ của
lòng thương xót, người linh mục biết mình bất xứng như Phêrô đã không dám để Đức
Kitô rửa chân (Ga 13,8) và hiểu rằng mình rất mỏng dòn, yếu đuối, dễ dàng ngã
quỵ nếu Chúa không thương xót, đỡ nâng. Hơn ai hết, linh mục ý thức cám dỗ phản
bội, hững hờ, vô ơn, nguội lạnh là thử thách hằng ngày và đời linh mục không
thiếu những đêm đen thất vọng, những đường hầm nghi nan, những khúc quanh nguy
hiểm.
Tuy thế, Thiên Chúa đã không sợ
khi chọn các vị làm linh mục như đã chọn Phêrô, người đã chối bỏ mình, làm tông
đồ trưởng, thay mình trông coi Giáo Hội. Trước khi giao trách nhiệm, Đức Kitô
đã đặt Phêrô trước câu hỏi khó trả lời: “Con có yêu mến Thầy hơn những người
này không?” (Ga 21,15). Người trả lời hôm nay cũng là người mấy hôm trước đã
công khai chối: “Này cô, tôi thề không biết ông Giêsu là ai”. Và mọi người đều
cảm thấy giọng Phêrô hôm ấy run run khiêm tốn: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến
Thấy” (Ga 21,17). Chính với tình yêu ý thức sự dòn mỏng, yếu đuối của mình và
niềm tin tưởng phó thác nơi lòng xót thương của Đức Kitô mà Phêrô đã nhận sứ mệnh:
“Hãy chăn giắt chiên con, chiên mẹ của Thầy” (Ga 21,15.16.17).
Sự
yếu đuối sa ngã của Phêrô cho linh mục can đảm; bởi yếu đuối đã làm nổi bật
tình Chúa xót thương và lấy đi ảo tưởng có thể tự mình làm được mọi sự ở người
linh mục. Từ sa ngã của Phêrô, người linh mục học được điều Đức Kitô dạy:
“Không Thầy, chúng con không làm được gì” (Ga 15,5) và thúc đẩy người linh mục
gắn bó với Đức Kitô như cành gắn chặt với cây để sinh nhiều hoa trái.
Lòng thương xót không là một ý niệm
mơ hồ, không thực, nhưng là chính Đức Kitô. Người linh mục, vì thế, sẽ không thể
có kinh nghiệm thương xót nếu không sống chính đời sống thương xót của Đức Kitô
và sẽ không thể “trở nên xót thương như Cha trên Trời là Đấng giàu lòng thương
xót” (Lc 6,36) như đòi hỏi của sự thánh thiện, vì Thiên Chúa thánh thiện trong
lòng thương xót của Ngài. Để là mầu nhiệm thương xót, linh mục phải sống chính
mầu nhiệm thương xót không chỉ cho phần rỗi của mọi người, mà còn cho chính phần
rỗi của mình.
Thực vậy, mầu nhiệm lòng thương
xót Chúa nơi linh mục là tình yêu không giới hạn, bởi “Đức Kitô đã yêu những kẻ
thuộc về Ngài còn trong thế gian và Ngài yêu họ đến cùng” (Ga 13,1). Tình yêu
dành cho linh mục nơi Đức Kitô là tình yêu tuyệt vời, sâu thẳm. Trong tình yêu
này, người linh mục được mời gọi ra khơi thả lưới và Đức Kitô chính là Đấng biến
đổi các ngài từ những người tội lỗi thành thừa tác viên thánh thiện, từ anh
thuyền chài đánh cá thành tông đồ đi lưới người (Lc 5,10). Cũng Phêrô, khi thấy
thuyền đầy cá đến nỗi gần rách hết lưới đã vội sấp mình dưới chân Đức Kitô và
kêu lên: “Lạy Thầy, xin xa khỏi con, vì con là kẻ có tội” (Lc 5,8). Đức Kitô đã
trấn an ông và cho ông cảm nghiệm tình thương xót của Ngài trên đời lầm lỗi, tội
lụy của ông. Hơn ai hết, Phêrô thấm thía tình xót thương của Đức Kitô trên đời
mình và càng được xót thương ông càng yêu mến Đức Kitô và hết tình, hết mình phục
vụ đàn chiên được Ngài trao phó. Phêrô thay mặt Đức Kitô đứng đầu Giáo Hội, đồng
thời cũng đứng đầu danh sách những người được Thiên Chúa xót thương.
Phaolô
cũng không khác Phêrô với kinh nghiệm được Chúa xót thương khi được gọi làm
tông đồ dân ngoại: “Thật tôi là một tông đồ hèn mọn nhất, chẳng đáng được gọi
là tông đồ, vì tôi đã bắt bớ Giáo Hội” (1Cr 15,9) và càng được bao bọc bởi lòng
Chúa xót thương, Phaolô càng cảm thấy bị thúc bách phải làm chứng và rao truyền
lòng thương xót bao la của Chúa. Tiếng gọi trên đường Đamát đã đem Phaolô vào
lòng Tin Mừng thương xót và mạc khải cho Phaolô mầu nhiệm hoà giải giữa Thiên
Chúa và con người qua tình yêu xót thương của Đức Kitô. Trong thư gửi giáo đoàn
Côrintô, Phaolô đã viết: “Mọi ơn sủng đều bởi Thiên Chúa ban, Đấng đã dùng Đức
Kitô để hoà giải với chúng ta và đã ban cho chúng tôi chức vụ hoà giải ấy. Thật
vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã nhận sự hoà giải với thế gian, không chấp tội
loài người nữa và đã đặt nơi chúng tôi những lời hoà giải” (2Cr 5,18-19). Đến
đây, không còn gì để nghi ngờ mầu nhiệm lòng thương xót Chúa nơi con người linh
mục: ngài được chọn do lòng thương xót để thực hiện sứ vụ hoà giải và loan báo
tin mừng hoà giải qua lòng thương xót. Mầu nhiệm ấy làm cho đời linh mục trở
nên dấu chỉ của Thiên Chúa giàu lòng thương xót đang có mặt và hoạt động trong
thế giới, giữa con người cho hạnh phúc đời đời của con người. Linh mục càng ý
thức mình là mầu nhiệm lòng thương xót càng làm cho dấu chỉ thương xót là chính
mình trở nên sống động và đánh động các tâm hồn. Trái lại, tự tách đời mình khỏi
lòng thương xót, linh mục sẽ đánh mất cội nguồn “được kêu gọi từ lòng thương
xót”. Quên cội nguồn, linh mục sẽ mất điểm tựa nơi lòng thương xót để đánh mất
mình trong kiêu căng, ngạo mạn. Chính kiêu căng sẽ làm linh mục xa Đức Kitô, xa
đàn chiên, mất chính mình khi lấy đi mầu nhiệm thương xót khỏi đời linh mục. Mất
cội nguồn, mất điểm tựa, linh mục sẽ mất hướng đi khi khám phá chân lý định mệnh:
không lòng thương xót, linh mục làm chứng cho ai? Thiếu lòng thương xót, linh mục
đem lại cho người khác ích lợi gì? Chối bỏ mầu nhiệm thương xót, linh mục sẽ là
linh mục của ai và đi theo ai? Thảm trạng mất hướng đi sẽ đánh gục con người
linh mục trong vô nghĩa của ơn gọi khi không còn mầu nhiệm thương xót là chính
Đức Kitô trong cuộc đời. Thảm cảnh mất điểm tựa sẽ nghiền nát người linh mục
trong vô lý trống rỗng của “ảo tưởng” tận hiến khi mầu nhiệm thương xót là Đức
Kitô không còn chỗ trong trái tim linh mục. Thảm kịch đánh mất cội nguồn sẽ dày
vò tâm tư người linh mục khi mầu nhiệm xót thương là Đức Kitô không còn là lẽ sống
đời linh mục. Và thảm thương cho người linh mục nếu không khiêm tốn nhận mình
luôn cần lòng xót thương.
2.
Ngài muốn linh mục của ngài là thừa tác viên
trao ban lòng thương xót
Đức Kitô phục sinh muốn ban tràn
trề ơn tha thứ của Ngài cho nhân loại. Ơn tha thứ ấy không lùi bước trước bất cứ
rào cản, chướng ngại nào và toàn thể nhân loại tội lỗi được mời gọi lãnh nhận
ơn tha thứ ấy. Lập chức linh mục, Đức Kitô ủy thác nhiệm vụ chuyển ban ơn tha
thứ nơi linh mục và sai các vị đi đến với muôn dân để mọi người được tha tội và
cứu rỗi. Vì thế, sứ vụ chính yếu của linh mục là nói cho mọi người biết: Thiên
Chúa giàu lòng xót thương luôn yêu thuơng và sẵn lòng tha thứ cho con người.
Linh mục được kêu gọi để sống, cử hành và loan báo lòng thương xót Chúa. Với bí
tích Thánh Thể và bí tích Hoà Giải mà chỉ linh mục được ủy thác cử hành, Đức
Kitô ban cho các tâm hồn ơn tha thứ và ơn kết hiệp nên một với Ngài. Như người
cha nhân từ rộng lòng tha thứ, linh mục sống tình phụ tử của Đức Kitô khi ban
ơn hoà giải cho hối nhân và làm sống lại trong tâm hồn những đứa con trở về
tình thương xót của Thiên Chúa là Cha. Hối nhân sẽ được đón nhận từ linh mục ơn
thương xót cũng như đón nhận chính đức Kitô là tình yêu thương xót trong bí
tích Thánh Thể khi rước Mình Máu Ngài. Trong công trình cứu độ, linh mục là cộng
tác viên đắc lực và tích cực của Đức Kitô, là cánh tay nối dài của Ngài đến mọi
người, là máng chuyển ơn thánh hoá. Vai trò của linh mục là làm cho Đức Kitô được
hiện diện sống động trong cộng đồng nhân loại để cứu độ nhân loại.
Và
sự hiện diện ấy sẽ chỉ sống động trong tình thương xót, chỉ sinh động nhờ lòng
thương xót và thôi thúc đánh động tâm hồn con người bằng tình thương xót. Với
tình thương xót của mục tử nhân lành, người cha nhân hậu, người Samaritanô nhân
ái, các linh mục của Đức Kitô sẽ lan trải tình thương xót của Chúa trong tâm hồn
mọi người, cho đến ngày cuối cùng của nhân loại vì thánh ý Chúa là “lòng thương
xót Ngài trải qua từ đời nọ đến đời kia hằng bao bọc những người kính sợ Ngài”
(Lc 1,50).
3. Ngài muốn Linh Mục của Ngài là thầy dạy lòng thương xót
Là “Đức Kitô khác” khi sống ơn gọi
tình xót thương, là thừa tác viên lòng thương xót, linh mục dạy người khác lòng
thương xót của Cha bằng thái độ, việc làm đầy thương xót. Linh mục dạy Lời Chúa
ban ơn tha thứ. Linh mục dạy tình Chúa bao la và ơn thương xót của Ngài biến đổi
con người tội lỗi. Linh mục dạy mọi người “ở đâu tội lỗi nhiều, ở đó ơn sủng
nhiều hơn” (Rm 5,20) và khơi dậy niềm hy vọng ở lòng thương xót trong các tâm hồn.
Nhiệm vụ của linh mục là trình bày
lòng thương xót như căn tính của Thiên Chúa mà ở đó “không gì là quá muộn,
không gì là không thể làm được”. Yếu đuối của con người không làm Thiên Chúa nản,
nhưng là cớ cho tình Ngài thương xót. Không ai có quyền và có thể ngăn cản tự
do thương xót của Chúa và Ngài để lòng thương ấy tràn đến mọi nơi, mọi thời
trong tâm hồn những người thiện chí biết khiêm tốn mở lòng đón nhận tình yêu
xót thương nơi Đức Kitô, tình yêu đã phát sinh từ những vết thương trên thân
xác Ngài. Người linh mục nhờ có kinh nghiệm sống mầu nhiệm thương xót và thi
hành tác vụ thương xót sẽ truyền đạt chính xác và đầy đủ khối tình thương xót của
Thiên Chúa và với dầu thánh hiến được xức ngày thụ phong, linh mục sẽ chu toàn
sứ mạng thương xót như lòng Chúa ước mong: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi và
Thiên Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người
nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,
ngày phóng thích cho tù nhân, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa… Ngài sai tôi
đi an ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Sion tấm khăn đại lễ
thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu
não” (Is 61,1-3).
Cả
một chương trình “thương xót” để sống và thực hiện, một giáo trình “thương xót”
phong phú để giảng dạy. Như thế, đời linh mục gắn liền lòng thương xót và nếu lấy
đi thương xót, linh mục sẽ mất căn tính linh mục và không còn là một “Đức Kitô
khác” nhưng biến dạng hoàn toàn “khác Đức Kitô”.
Giáo dân rất dị ứng với những linh
mục thiếu lòng thương xót, những linh mục huyênh hoang, tự mãn với những thành
quả theo tiêu chuẩn “linh mục được việc”. Họ không muốn thân thiện những linh mục
hống hách, coi thường người khác và tự phong mình là “khanh tướng, giai cấp cai
trị”. Giáo dân cũng ngao ngán phải làm việc với những linh mục tự cho mình là
“Thầy Cả” nghĩa là thầy mọi sự vì ảo tưởng cái gì cũng biết, phạm vi nào cũng
rành và tự cho mình cái quyền rất vô duyên là: chuyện gì cũng được xía vô. Giáo
dân càng kinh hãi những linh mục lấy tòa giảng làm toà án để bêu giễu, châm
chích, moi móc, chửi xa mắng gần người khác không làm theo ý mình, không đi
theo lề phải mình vẽ, không thực hiện đúng kế hoạch mình đưa ra. “Ý mình phải
được thể hiện” ở nhiều linh mục đã là cớ của chia rẽ và lý do cho nhiều người bỏ
Đạo. Không nhiều nhưng không thiếu những linh mục thiếu từ tâm, không biết
thương xót con chiên bổn đạo. Họ giống như những người Biệt Phái bị Đức Kitô lớn
tiếng lên án: giả hình, bóc lột, điêu ngoa, quan liêu, độc ác mà thánh sử
Mátthêu đã ghi lại tỉ mỉ trong chương hai mươi ba. Thiếu từ tâm, thương xót,
linh mục biến dạng thành người chăn thuê không “hiến mình vì chiên, nhưng hiến
chiên vì mình”. Thiếu xót thương, nhân hậu, linh mục thoái hoá thành người đội
lốt tôn giáo để “vinh thân phì gia”, kiếm tìm tư lợi, sống đời hai mặt, giả
hình, gian dối. Không sống đời xót thương, linh mục trở thành người tham lam,
ki kóp, chắt chiu, nhặt nhụm tiền bạc từ những đồng cắc của bà goá nghèo khó đến
gia sản kếch sù của những người giáo dân ngây thơ, khù khờ bị hớp hồn, mua chuộc.
Từ chối là mầu nhiệm thương xót, linh mục sẽ sa đoạ hơn mọi người nhờ địa vị và
phương tiện thuận lợi cho mọi dung túng. Bản năng thống trị không được lòng xót
thương kiềm chế sẽ bùng nổ dữ dội và biến linh mục thành một ông quan độc ác,
mưu mô, xảo quyệt hơn người ta tưởng bởi cắt bỏ lòng thương xót, linh mục trở
thành một cành khô cằn cỗi, khô héo, cứng cỏi. Tước đoạt tình thương xót, linh
mục sẽ mất ngay thế quân bình trong đời sống vì không biết cắm đời linh mục của
mình ở đâu khi không còn Đức Kitô giàu lòng thương xót như lẽ sống, gia nghiệp,
nơi ẩn náu, tựa nương.
Tóm lại, linh mục gắn liền với
tình xót thương: ngài được chọn nhờ lòng thương xót để sống, thực hiện và rao
truyền lòng thương xót. Không thương xót, không phải linh mục. Không biết
thương xót, không nên liều lĩnh làm linh mục, vì linh mục được làm nên cho lòng
thương xót.
Người ta chỉ chờ gặp nơi linh mục
tình xót thương trong toà Hoà Giải và mầu nhiệm thương xót trong đời ngài. Nhiều
linh mục tưởng mình phải đáp ứng tất cả nhu cầu của giáo dân nên lao mình vào
những hoạt động ngoại vi, không ăn nhậu gì đến lòng thương xót như căn tính và
sứ mệnh linh mục. Kết quả là ngài đánh mất mình khi ảo tưởng đối mặt thực tế:
thế giới cần những linh mục có lòng xót thương vì nhân loại cần được thứ tha, cứu
rỗi và không cần những linh mục khoa bảng, tài hoa, “được việc” trong những
chuyện bên lề. Nói cách khác, linh mục trong mọi trường hợp không thể lãng quên
đời mình là tấm gương của tình yêu thương xót nơi Đức Kitô. Linh mục làm việc
gì, nói điều gì, suy tính chuyện gì cũng phải suy tính, nói và làm với lòng
thương xót. Lòng thương xót mới thực là mầu nhiệm đánh động tâm hồn người có tội
đang cần ơn trở về. Lòng thương xót mới thực là nguồn ơn thánh để thánh hoá các
linh hồn. Lòng thương xót mới đem được người khác về với Giáo Hội. Vì ngoài
lòng thương xót ra, không có thánh thiện, thánh hoá, thánh thiêng vì “Thiên
Chúa thánh thiện do lòng thương xót của Ngài” (Đnl 4,31; Tv 85,15; Lc 6,36; 2Cr
1,3).
Tuần
Thánh là tuần cao điểm trong năm của linh mục, cơ hội để mọi người thiết tha cầu
nguyện cho các linh mục và ơn gọi linh mục. Cầu nguyện cho các linh mục là bổn
phận của người tín hữu, vì giáo dân, linh mục cùng là chi thể trong thân thể mầu
nhiệm Đức Kitô. Linh mục dâng lễ, đọc kinh nhật tụng cầu nguyện cho giáo dân,
giáo dân cũng phải nhớ đến các ngài và yêu mến, chia sẻ với một tấm lòng chân
thành, trong sáng. Linh mục cũng là người, nên cần được thông cảm, yêu thương;
cũng yếu đuối, nên cần được nâng đỡ, thứ tha; cũng bị thử thách, nên cần đồng
hành, hỗ trợ. Cầu nguyện cho linh mục sống mầu nhiệm thương xót như Chúa muốn
là lời cầu hằng ngày của những ai yêu mến linh mục để linh mục luôn là muối mặn,
đèn sáng cho thế giới tội lụy đang cần đến lòng Chúa thương xót, thứ tha.