Pages - Menu

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

Thử Thách

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức” và người ta chỉ biết rõ ai thương mình, ai trung thành trong những giờ phút nguy hiểm, sa cơ, mạt vận. Làm lớn, đương thời vinh quang thì chẳng lúc nào thiếu người bu quanh phục dịch, tâng bốc; nhưng thất thế, khánh kiệt, lao đao mới là lúc thử độ cao, độ cứng, độ sâu, độ dầy, độ bền bỉ của lòng trung thành, tình chung thủy, nghĩa keo sơn.
Tuần Thánh là thời “xuống dốc không phanh”, thất bại ê chề, đổ vỡ tang thương của Đức Kitô và công trình của Ngài. Bao nhiêu mơ ước của những người theo Ngài, nghe Ngài giảng về một vương quốc của Vua Giêsu hoà bình đã tan trong đêm Ngài bị bắt. Viễn cảnh về một quốc gia Israel thịnh vượng có vua Giêsu trị vì đã sụp đổ trong chớp mắt khi đám đông nghe tin Ngài đang bị tra khảo, hành hạ trong dinh Thượng tế. Tham vọng ngồi bên phải bên trái của các môn đệ trong chính phủ của Đức Kitô đã biến thành mây khói khi Thầy kiệt sức lê từng bước trên đường đến nơi thi hành án tử. Vinh quang của

“Đấng nhân danh Chúa mà đến” với uy quyền trên gió bão, ma quỷ, bệnh tật phút chốc tan trong khói khi thất thế, câm lặng nằm giang tay chịu đóng đinh trên thập tự. Quyền năng của một người tự xưng là Con Thiên Chúa nhường chỗ cho mồ tối, mả buồn, nước mắt thê lương. Không còn gì để quy tụ, nối kết nơi một thân xác đã nát bấy được tháo xuống khỏi thập tự. Không còn gì để mơ ước, hy vọng, đợi chờ nơi một thi hài bất động. Không còn gì để tìm kiếm nơi một người đã hoàn toàn thua cuộc, bị loại khỏi vòng chiến một cách thê thảm, nhục nhã. Không còn gì để nghi ngờ khi cái chết trên thập tự đã khép lại mọi chương trình cứu thế của một người tự xưng là Đấng Cứu Tinh nhân loại. Tất cả những gì được gọi là vinh quang, vinh dự, vinh danh, vinh phúc, vinh hiển đều tuột khỏi con người Đức Kitô và “hôm nay, ở đây”, trước mặt mọi người Ngài hoàn toàn trần truồng, tơi tả, bất lực.
Tuần Thánh với một Đức Kitô “không còn hình tượng người như khi trước” là một thử thách lớn cho niềm tin của đám đông đã đi theo Ngài, chịu ơn Ngài. Tuần Thánh với Đức Kitô câm lặng như con chiên bị đem đi xén lông đã thử thách tình yêu của các môn đệ. Tuần Thánh với Đức Kitô bầm dập dưới roi đòn, bấy nát vì đinh nhọn, lưỡi đòng đã thử thách niềm hy vọng của tất cả những người đã hoan hô, ủng hộ Ngài.
Từ giây phút bị bắt cho đến buổi sáng Phục Sinh, Đức Kitô đã là thử thách rất lớn cho mọi người. Nếu Chúa Cha đã thử thách Ngài, thì Ngài cũng thử thách những kẻ thuộc về Ngài bằng yên lặng nhẫn nhục, yên lặng thất bại, yên lặng tang chế, yên lặng xóa mình, yên lặng mất hút trong mộ sâu. Chính vì thử thách quá lớn mà nhiều người đã bỏ Ngài, xa Ngài, chối Ngài, phản bội Ngài như Giuđa và Phêrô. Thử thách đã đặt Giuđa trước ích kỷ, tư lợi vì tưởng trước sau gì Thầy cũng chết nên cố hốt ván hụi chót bằng đem nộp Thầy. Thử thách đem Phêrô lọt vào sân sau có những cô gái lắm miệng, tò mò, châm chọc để ông phải vấp ngã chối Thầy vì sợ hãi, hèn nhát. Thử thách đã phân tán các môn đệ, biến các ông thành những môn sinh phản bội, bỏ rơi sư phụ trong tình trạng thập tử nhất sinh. Thử thách đã biến lời tung hô, chúc tụng trên miệng những người hâm mộ Ngài thành những lời lăng mạ, sỉ nhục, đàm tiếu ác độc.
Như thế, thử thách cam go nhất của con người là phản bội khi bị đặt trước tình cảnh khó khăn, không còn hy vọng. Tình đời, tình người bị thử thách ở lòng trung thành, tín trung trong những cảnh huống bế tắc, khó khăn. Đức Kitô đã nhận ra những ai trung tín, những ai ở với Ngài đến cùng dưới chân Thánh Giá, nghĩa là ở với Ngài trong cùng cực của thất bại, tận cùng của thương đau. Ngài đã nhìn thấy ai, ngoài Mẹ Ngài, Gioan, Mađalêna và xa xa một vài người đàn bà khác? Ngài đã nhìn ra sự thật của con người, sự thật con người phản bội. Cuộc sống là chuỗi dài những phản bội. Đó là tư tưởng của những người đã chết lên chết xuống vì bị đời bội phản. Bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu mối tình, bao nhiêu cuộc đời đã tan nát, tàn lụi đắng cay vì bị phản bội và đời người cho đến tận thế vẫn dài dài tiếp nối những phản bội.

Người ta phản bội nhau vì nhiều lẽ, nhưng cái lẽ căn bản là vì tình cho nhau chưa nhiều, bởi khi tình đầy ắp thì phản bội không có chỗ chen chân; bởi khi tình ngập tràn thì phản bội bị cuốn trôi bẽ bàng; bởi khi tình sâu thẳm thì phản bội không có đất cắm dùi. Tình cho nhau không nhiều nên phản bội có cơ hội quấy nhiễu, tình cho nhau không dầy nên phản bội đào tường len lỏi, tình cho nhau không sâu nên phản bội đốn ngã dễ dàng. Tình yêu, vì thế, là đối tượng đầu tiên và quan trọng nhất của thử thách. Đức Kitô, trước khi trao quyền Giáo Hoàng cho Phêrô đã hỏi đi hỏi lại ông: “Phêrô, con có yêu Thầy hơn các người khác không?” (Ga 21,15-17). Không phải vô ý, vô tình, vô lý mà Đức Kitô đã hỏi ông và muốn ông khẳng định nhiều lần tình yêu dành cho Ngài; bởi Ngài biết: không đủ tình yêu, không dầy tình nghĩa, không sâu xa tình thầy - trò, Phêrô sẽ không thể đứng vững và sẽ lại ngã quỵ như đã bai bải chối “không biết người này là ai” (Ga 18,25-27).
Thử thách tình yêu bao trùm thử thách niềm tin và hy vọng, vì khi đã yêu thiết tha, yêu nồng nàn, người ta sẽ tuyệt đối tin tưởng và trọn vẹn phó thác, hy vọng. Không thể tin hay hy vọng, nếu không yêu, cũng như không thể hy sinh khi tình yêu vắng bóng, nên thử thách căn bản và nặng nề nhất nơi con người vẫn luôn là thử thách của tình yêu.
Đức Maria đã yêu Đức Kitô, con mình bằng một tình yêu vô cùng bao la của tình mẫu tử, nên không một thử thách nào, dù lớn đến đâu có thể tách Mẹ xa khỏi Con. Cuộc đời Mẹ là cuộc đời có Chúa Giêsu, từ khi thụ thai đến ngày Chúa lên trời, bóng Mẹ luôn gắn liền dáng con. Dưới chân Thánh Giá có Mẹ đứng. Xác con tháo khỏi Thánh Giá, có Mẹ quỳ sẵn, ẵm đón yêu thương. Tình yêu của Mẹ lớn hơn sự chết, vượt xa mọi đe doạ và Mẹ đã trọn vẹn yêu thương, trọn vẹn trung thành, trọn vẹn đồng công cứu chuộc.
Gioan, tông đồ được Đức Kitô yêu cũng vượt thử thách của tình yêu và có mặt trên từng cây số cuộc tử nạn. Sở dĩ Gioan trung thành và không rơi vào cám dỗ phản bội, trốn chạy như các môn đệ khác là vì Gioan thiết tha yêu Thầy mình. Chính tình yêu đã dạy ông trung thành và hy vọng vào những điều Thầy căn dặn sẽ được thực hiện. Nhưng điều đáng chú ý hơn là sự gắn bó của Gioan với Đức Mẹ. Gioan ít rời xa Đức Mẹ nhưng luôn quấn quít bên Mẹ. Đức Kitô biết điều đó nên mới xin Gioan thay mình chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ. Đức Kitô biết Gioan quý yêu Mẹ mình và Mẹ cũng thương Gioan, nên mới xin Mẹ nhận Gioan làm con (Ga 19,26-27). Và Gioan đã không vấp ngã, không phản bội, không bỏ rơi Đức Kitô vì Gioan không rời xa Đức Mẹ. Đời người tín hữu cũng cần Đức Mẹ như Gioan để vượt qua mọi thử thách, nhất là thử thách của tình yêu.
Maria Mađalêna cũng không bỏ Đức Kitô, nhưng có mặt với Đức Mẹ dưới chân Thánh Giá. Chị là người say yêu Đức Kitô, người đã bất chấp tất cả dị nghị, nguy hiểm trước con người Giêsu rất đáng yêu mến mà chị tôn làm thần tượng. Tình yêu đã cho chị can đảm và nghị lực để đi với, ở cùng và tận tình lo liệu mọi chuyện cho người mình yêu. Tình yêu đã cho chị nhìn thấy Đức Kitô phục sinh và nghe được tiếng Ngài gọi (Ga 20,16). Tình yêu đã thúc bách chị chạy nhanh loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ và muôn thế hệ người ta nhắc tên chị trong hạnh phúc của người “đã yêu nhiều nên được tha nhiều” (Lc 7,47).
Bên cạnh thử thách phản bội, con người còn bị đặt trước một thử thách khác cũng không kém cam go, rướm máu. Đó là thử thách từ chối được tha thứ và không tin vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Đây là thử thách quyết định vận mệnh đời đời, thử thách mà con người thường xuyên bị thần dữ tấn công, cám dỗ nhất là trong giờ lâm tử, ở cây số cuối cùng của cuộc đời.
Từ chối được tha thứ khi cho rằng: tất cả đều đã quá muộn, không còn có thể cứu vãn, không còn hy vọng chuộc lại. Cám dỗ khủng khiếp này đã đổ ụp trên Giuđa khi ông không còn dám tin vào lòng xót thương vô điều kiện của Thầy mình. Vì không tin mình có thể được tha thứ tội phản bội, vì không tin vào tính “không giới hạn, không điều kiện” của tình yêu nơi Thầy mà Giuđa đã tự quyết định chấm dứt đời mình trong vô vọng. Ông đã bỏ Đức Kitô là tình yêu thương xót và hy vọng bao la cho người tội lỗi khi đầu hàng trước cám dỗ “tất cả đều đã quá muộn và không thể cứu vãn tình thế”. Thử thách tình yêu đã nặng nề, thử thách lòng thương xót của Thiên Chúa còn nặng nề hơn với ông, nên ông đã buông tay, thả đời mình trong tội lỗi và thắt đời mình trong thòng lọng tuyệt vọng (Mt 27,5). Ông đáng trách vì phản bội, nhưng đáng thương vì đã bỏ lỡ cơ hội được xót thương, tha thứ.

Phêrô đâu có hơn gì ông trong hành động chối Thầy. Nộp Thầy hay chối Thầy, cả hai cùng là phản bội, cùng một thái độ từ chối, khước từ, xóa bỏ hình bóng Thầy trong đời, cùng là tình trạng cạn kiệt tình yêu, cùng một trách nhiệm trước lương tâm, cùng một xúc phạm, tổn thương phải đền bù. Nhưng Phêrô hơn ông khi ngước nhìn Đức Kitô, nhờ thế Phêrô đã vượt qua thử thách tuyệt vọng. Ông thua Phêrô quá đậm, dù hai người chung một nặng nề, chung một yếu đuối, chung một day dứt, tiếc nuối, hối hận, nhưng giờ chót, ông không đi chung với Phêrô đường về với Đức Kitô là lòng xót thương vô bờ bến. Ông khác Phêrô ở điểm quyết định cuộc đời khi không tin vào tình Thầy bao dung, nhân từ và tự ý tách mình khỏi tình thương của Thầy. Thua đậm vì cay cú, tự ái, thua nặng vì cứng lòng trước đòi hỏi của Nước Trời, thua đau vì từ chối ơn thứ tha, Giuđa đã mất hết tình yêu, lòng tin, niềm hy vọng nơi Đức Kitô. Ông đã quên: không có gì là quá muộn và không thể làm được với Thiên Chúa; chẳng thế mà ngay khi ông hôn Đức Kitô như dấu hiệu “Tôi hôn ai là đúng người ấy” (Mt 26,48) trong vườn cây Dầu, Đức Kitô vẫn âu yếm, nhân từ trăng trối: “Giuđa ơi, sao con làm vậy?” (Mt 26,50) Thầy luôn thương con và sẵn sàng tha thứ cho con. Nhắc ông nhiều lần trong bữa tiệc chia tay: “Chính con là người sẽ nộp Thầy” (Mt 26,25), Đức Kitô cũng chỉ muốn ông hiểu được chân lý quan trọng là “không có gì quá muộn trong tình Thiên Chúa xót thương”. Chúa cũng nhắc Phêrô: “Đêm nay, con sẽ chối Thầy” với cùng mục đích ấy. May mắn cho Phêrô vì ông đã nhớ lại lời Ngài và thống hối, ăn năn, trở về cùng ân tình thương xót để được thứ tha (Mt 26,75). Bám víu vào tình yêu, Phêrô đã học yêu thương với Đức Kitô để có thể vững dạ thưa với Ngài sau này: “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy” trước khi nhận trách nhiệm chăn dắt chiên mẹ, chiên con của Chúa. (Ga 21,15-17).

Người tội phạm bị đóng đinh bên phải Đức Kitô được gọi là người trộm lành. Ông đã từng gây nhiều thiệt hại cho người khác nên mới phải lãnh án tử hình. Nhưng ông đã trúng số độc đắc cặp tám cặp mười ở giờ chót khi lao mình vào lòng thương xót của Đức Kitô: “Lạy Đức Giêsu, khi nào về nước Ngài, xin hãy nhớ đến con” (Lc 23,42) và ông đã được vào Thiên Đàng ngay hôm đó với Ngài. Như Phêrô, người trộm lành có phúc này đã vượt xa Giuđa trong lòng can đảm dám tin vào tình Chúa xót thương và niềm hy vọng được tha thứ. Ông biết tội mình lớn và hình phạt tử hình là xứng hợp với tội ác đã gây ra, nhưng cuối “đường cùng” của cuộc đời, ông vẫn khiêm tốn hy vọng, niềm hy vọng của người tội lỗi biết mình bất xứng nhưng dám khẩn nài tình xót thương, bao dung, độ lượng. Ông không trốn chạy thực tại tội lụy, cũng không ngoan cố, kiêu căng ở lì trong chọn lựa đã lỡ làng, mà biết khiêm nhường xin một lối thoát, khiêm hạ xin được thứ tha. Nhờ ra khỏi kiêu hãnh, tự ái, ông đã nhận được lòng xót thương khi dám tin vào quyền năng vô cùng của lòng thương xót Chúa. Thử thách cam go, gay cấn nhất ông đã vượt qua khi Đức Kitô nhận lời nài xin của ông: “Ngay hôm nay, con sẽ ở trên Trời với Ta” (Lc 23,43).
Như Phêrô, Giuđa, người trộm lành, chúng ta không tránh khỏi những thử thách, cám dỗ, đau khổ, dằn vặt trước những chọn lựa và thử thách nào cũng kinh khủng, cám dỗ nào cũng nặng nề, dằn vặt nào cũng se dạ thắt lòng, đau khổ nào cũng rướm máu. Trong mọi thử thách, tình yêu và lòng ký thác vào lòng Chúa xót thương là hai thử thách cam go nhất. Nhưng qua thử thách, chúng ta sẽ đến gần Chúa hơn nhờ khám phá ra lòng xót thương của Ngài. Thử thách cũng sẽ mở ra niềm hy vọng được chung phần hạnh phúc với Ngài; bởi “nếu ta cùng chết với Ngài ta sẽ cùng Ngài phục sinh, nếu ta chịu khổ với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị” (2Tm 8,11-12). Và thử thách chính là đau khổ và sự chết cho tội lỗi ta chịu mỗi ngày vì yêu mến và trung thành với Đức Kitô trong đời người Kitô hữu.
Lạy Đức Kitô tình yêu thương xót, trước giông bão kinh hoàng, dữ dội của thử thách, xin cho con biết ngước lên Chúa và nương cậy vào Chúa. Xin Lời Ngài, Mình Ngài cho con tình yêu phó thác, tình yêu khiêm nhường, tình yêu tin vào lòng Chúa xót thương. Trên Thánh Giá, Chúa cũng đã chịu thử thách khi Chúa Cha vắng bóng, im lặng. Đến giờ con chết, liệu Chúa có thử thách con nặng nề như thế không? Xin thương xót con từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây để đời con luôn là lời cầu xin tha thiết của người trộm lành trên thập giá: “Lạy Đức Kitô giàu lòng thương xót, xin thương xót con”.