Không phải ai cũng thấy ma, nhưng phần đông đều sợ ma. Không thấy mà sợ, sợ vì không thấy. Sợ ma vì
thuở nhỏ được nghe những chuyện ma hãi hùng, kinh dị. Sợ ma vì hình dạng kỳ
quái của ma được trí tưởng tượng phong phú thêu dệt, nhưng sợ ma cũng vì ma làm
sợ như nhiều người bị ma nhập, ma hớp hồn, ma đeo đuổi, ma ám ảnh, ma chọc ghẹo.
Người ta sợ ma, nhưng không rõ ma
từ đâu đến, bản chất ma là gì, công việc của ma ra sao. Vì không biết rõ nên ý
tưởng về ma rất mông lung, mơ hồ và vì mơ hồ, người ta dễ dàng cho là ma tất cả
những hiện tượng khó giải thích trong thiên nhiên; vì mông lung nên cả người chết
cũng bị đẩy xuống làm ma: đám ma, thây ma, bãi tha ma.
Câu chuyện sợ ma vì thế có từ xa
xưa, khi thế giới có người chết. Đang sống thì gần gũi thắm thiết, quây quần
vui vẻ, nhưng chết là lập tức biến thành ma và người sống sợ hãi, tránh xa:
không dám một mình bên thây ma, không dám một mình trong nhà ma, không dám một mình
giữa bãi tha ma. Người chết khi vừa tắt thở là lập tức được chuyển hộ khẩu sang
thế giới ma huyền bí và từ nay sự có mặt của họ trong đời thường, giữa người sống
được coi là hiện tượng không bình thường như trường hợp hiện về của một số người
đã chết.
Tin
Mừng trong Tuần Thánh cũng kể chuyện sợ ma vào buổi sáng sớm khi các bà
Mađalêna, Salômê, Maria mẹ ông Giacôbê ra thăm mộ Đức Kitô và “thấy một thanh
niên, ngồi bên phải, mặc áo trắng” (Mc 16,1-8). Các bà sợ hú
vía vì tưởng là ma và “hốt hoảng tháo chạy”. Đàn bà sợ ma, hay ít ra cũng sợ ma
hơn đàn ông, nên khi thấy mộ mở toang, ghé mắt nhìn vào thì thấy một chàng trai
mặc áo trắng ngồi ngay chỗ đã liệm xác Thầy và tỉnh bơ mở lời: “Các chị tìm
Chúa Giêsu chịu đóng đinh hả? Ngài đã sống lại rồi, không còn ở đây nữa” (Mc
16,6), các bà sợ rụng rời chân tay và chạy về báo cho Phêrô và các tông đồ “Thầy
đã sống lại” (Lc 24,9-10). Biết phụ nữ vốn đồng bóng, nhẹ dạ, sợ ma, nên các
ông đã không tin và cho là chuyện bày đặt, hoang tưởng.
Thực vậy, các
tông đồ không vội tin và biến cố sống lại của Đức Kitô đã bị xếp vào chuyện giả
tưởng, chuyện ma nhảm nhí, bằng chứng là nhiều ngày sau đó, các ông vẫn “bán
tín bán nghi” những điều các bà kể. Tôma không tin đã đành (Ga 21,25), các ông
khác cũng không hoàn toàn tin, vì với các ông sự có mặt của Đức Kitô trong cõi
đời thường sau khi Ngài đã thực sự chết và chôn trong mồ chỉ là hiện tượng hiện
về của người chết, chứ không là sự kiện sống lại thật. Bằng chứng các ông đã gọi
Ngài là ma, khi Ngài hiện ra với họ (Lc 24,37). Để giúp các ông ra khỏi ám ảnh
sợ ma và nhận ra “Ngài đã sống lại thật từ cõi chết”, Đức Kitô đã nhắc các ông
nhớ lại lời Ngài đã căn dặn trước khi đi chịu chết: “Thầy sẽ sống lại” và giúp
các ông phân biệt “bóng ma, con ma” với thân xác sống lại từ cõi chết của Ngài.
1. Ngài đã trở về
cõi sống như con người sống động. Ma thường lởn vởn trong đời thường với bóng với
hình, dưới dạng này dáng kia, nhưng không hiện diện, sinh hoạt như con người cụ
thể, đang sống. Ma cũng chỉ thấp thoáng ẩn hiện, chứ không có mặt như con người
bằng xương bằng thịt, ăn nói, chuyện trò, chia sẻ, cảm thông.
Không là ma
hiện hình, không như người chết hiện về, Đức Kitô Phục Sinh mang thân xác sống động
của con người sống: “Chúng con hãy nhìn xem chân tay Thầy nè. Chính Thầy đây.
Hãy rờ chân tay Thầy mà xem, vì ma đâu có xương thịt như chúng con thấy Thầy
có” (Lc 24,39). Chúa đã trấn an các tông đồ đang nghi nan, sợ hãi tưởng Ngài là
ma, khi Ngài đến với các ông sau khi sống lại. Chính Ngài đã giúp các ông phân
biệt ma với người, khi chỉ cho các ông nguyên tắc: ma thì không có xương thịt sống
động như người sống.
Sống động như
con người đang sống, Đức Kitô Phục Sinh đã nói tiếng nói của người sống, ăn uống
như người sống, dùng thức ăn của người sống (Lc 24,42-43), đi lại như người sống,
cư xử như người sống, lý luận như người sống, trách móc như người sống (Mc
16,14). Và câu chuyện đường Emmau giữa Ngài với hai môn đệ đã chứng minh điều
này (Lc 24,13-35).
Là người sống,
không là ma hiện hình, Đức Kitô Phục Sinh, không những chỉ suy nghĩ, lý luận,
hành động như người sống, mà còn yêu thương, diễn đạt tình cảm của người sống,
như người sống. Trước khi trao quyền Giáo Hoàng cho Phêrô, Ngài âu yếm hỏi ông
nhiều lần: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,15-17).
Ma không sinh hoạt được như người sống, vì ma không có
xương thịt như người để có mặt cụ thể trong không gian, thời gian cố định. Trái
lại, khi phục sinh từ cõi chết, Đức Kitô sống đời sống người thật trong thân
xác có xương có thịt của con người, nếu có khác là khác thân xác được sống lại
từ cõi chết. Sự có mặt của Ngài sau khi sống lại với các tông đồ và nhiều người
là sự có mặt của một con người sống, sống động, chứ không chỉ động như bóng ma
động đậy trước gió, như dáng ma di động trên ngọn cây, như hình ma động nhẹ
trên mái nhà. Chính sự sống “sống động” trong thân xác sống lại thật của Đức
Kitô đã cho các tông đồ và nhiều người nhận ra Ngài đã sống lại thật như lời
Ngài phán hứa.
2.
Hứa sẽ sống lại và đã sống lại như lời
đã hứa, đó là điểm quan trọng trong biến cố sống lại của Đức Kitô. Ma không hứa trước với ai điều gì.
Ma bất ngờ hiện hình làm người sợ, ma bất ngờ trêu chọc làm hoảng hồn, hú vía.
Khác với ma, Đức Kitô đã nói trước việc Ngài sẽ sống lại. Ngài chủ động chứ
không thụ động trong cái chết. Ngài biết trước, chuẩn bị trước tâm hồn các tông
đồ để các ông không xao xuyến, thất vọng khi dặn dò: Thầy sẽ trở lại với chúng
con (Ga 14,18) vì Thầy sẽ bị giết, nhưng sau ba ngày Thầy sẽ sống lại (Lc
18,33; Mc 9,30). Nói trước việc gì và sự việc xảy ra như đã nói là bảo chứng của
người có quyền, làm chứng người ấy làm chủ vận mệnh, hoàn cảnh, thời thế. Người
nói trước là người nắm vững tương lai và người nắm trước tương lai là người có
quyền trên lịch sử. Người có quyền và làm chủ lịch sử, vận mệnh là ai, nếu
không phải Thiên Chúa, vì con người, không ai có thể nắm chắc trong tay vận mệnh
đời mình và tương lai của “lịch sử”. Đức Kitô đã quả quyết: sau ba ngày Ngài sẽ
sống lại, không chỉ với các tông đồ mà với mọi người. Cũng chính vì lời quả quyết
quá sắt thép, chắc nịch mà các ông thượng tế, ký lục, luật sĩ mới bực mình vì
khó nghe, cho là phạm thượng, vì đúng như họ nghĩ: chỉ có Thiên Chúa mới dám bạo
miệng nói như Ngài: “sau ba ngày, Ta sẽ sống lại”.
Trên
đường Emmau, hai môn đệ vẫn chưa hoàn hồn sau cái chết của Thầy, nên còn ủ dột,
sợ hãi. Họ đi bên nhau trong lặng lẽ thất vọng và không nhớ gì đến lời Thầy
mình căn dặn. Phải chờ cho đến khi Đức Kitô nhắc họ nhớ lại lời hứa sẽ sống lại
sau ba ngày từ cõi chết và khi Ngài bẻ bánh, họ mới nhận ra Ngài là người đã đồng
hành với họ (Lc 24,13-34).
Như thế, cái chết nơi Đức Kitô nằm
sẵn trong chương trình, kế hoạch cứu độ của Ngài và là cột mốc giữa sự sống và
sự sống lại. Đức Kitô, tuy đã chết như con người, nhưng cái chết không có quyền
trên Ngài, không có quyền biến Ngài thành thây ma và sự có mặt của Ngài sau khi
sống lại không được coi như hiện tượng người chết hiện về. Cái chết chỉ đóng
vai trò trung chuyển ngắn hạn, tạm thời mà không có quyền trên Ngài. Cái chết
chỉ là một bước nối sự sống và sự sống lại nơi Ngài. Ngài đã sống lại như người
sống, vì Ngài là sự sống. Ở Ngài, sự chết phải đầu hàng và hoàn toàn bị tiêu diệt.
3. Đức Kitô trở lại sự sống như người chiến thắng. Ma hay
người chết hiện về đều lệ thuộc những điều kiện và quy luật của thế giới vô
hình và thế giới hữu hình; có nghĩa là không được hội nhập vào thế giới người sống
một khi đã rời bỏ thế giới sống, hữu hình. Trái lại, Đức Kitô hoàn toàn tự do hội
nhập vào thế giới sống động của con người sống, vì Ngài trở lại đời sống như một
người chiến thắng: chiến thắng thần chết, chiến thắng địa ngục, chiến thắng tội
lỗi. Trở về trong cương vị người chiến thắng, Đức Kitô đã tiếp tục công trình cứu
độ của Ngài bằng sai các tông đồ “đi làm chứng cho Ngài ở Giêrusalem, trong khắp
các xứ Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng thế giới” (Cv 1,8). Là người chiến
thắng, Ngài đến thăm và quy tụ tất cả những ai đã theo Ngài và trao cho họ sứ mệnh
loan báo Tin Mừng cho muôn dân cho đến ngày tận thế (Mc 16,15). Là người chiến
thắng, Đức Kitô đã không để gián đoạn sứ mệnh cứu thế qua việc trao cho các
tông đồ quyền nhân danh Ngài mà rao giảng, cai trị, thánh hoá muôn dân. Là người
chiến thắng, Ngài đã làm nhiều phép lạ trước mặt những người được Ngài hiện ra.
Chỉ có người chiến thắng mới thực hiện đến cùng kế hoạch và trao sứ mạng tiếp nối
kế hoạch của mình cho người khác.
4.
Đức Kitô Phục Sinh là Thiên Chúa. Sự kiện tự
mình sống lại từ cõi chết đã minh chứng điều này. Con người không thể tự mình sống
lại. Ngay cả người chết hiện về cũng chỉ hiện về khi có phép của Thiên Chúa.
Ông phú hộ trong Tin Mừng xin hiện về báo cho năm anh em ông đừng bắt chước ông
sống keo kiệt, vô tâm với người nghèo, nhưng ông đã không được Thiên Chúa cho
phép hiện về vì “đã có các ngôn sứ nhắc bảo họ” (Lc 16,27-31).
Là
Thiên Chúa khi tự mình sống lại, Đức Kitô đã hành xử quyền của Thiên Chúa khi
ban bình an cho các môn đệ (Ga 20,19). Ơn bình an là ơn thuộc về Thiên Chúa.
Con người không có ơn bình an để ban cho nhau. Con người chỉ chia sẻ cho nhau
ơn bình an nhận từ Chúa.
Là Thiên Chúa, Ngài ban Thánh Thần
cho các môn đệ (Ga 20,22), ban quyền tha tội (Ga 20,23), ban sứ mệnh giảng dạy,
thánh hoá và năng quyền làm phép lạ trừ quỷ, nói tiếng lạ, chữa bệnh tật (Mc
26,15-17). Chỉ Thiên Chúa mới ban được những quyền này, chỉ Thiên Chúa mới ban
được Thánh Thần, chỉ Thiên Chúa mới bảo kê hữu hiệu lời chứng của các tông đồ bằng
quyền làm phép lạ. Nếu không phải Thiên Chúa, làm sao Phêrô đuổi được quỷ, trừ
được tà, làm cho người què bẩm sinh đứng dậy mà đi khi ông “nhân danh Đức Kitô
chịu đóng đinh” (Cv 3,6). Nếu không phải Thiên Chúa, làm sao các tông đồ từ những
người hèn nhát đã được biến đổi thành những chứng nhân can đảm, tận tụy, hy
sinh đến sẵn sàng hiến mình chịu chết để làm chứng Đức Kitô chịu đóng đinh đã sống
lại. Không là Thiên Chúa, Đức Kitô đã không thể xây Giáo Hội của Ngài trên tảng
đá tông đồ Phêrô, hơn hai ngàn năm qua và cho đến tận thế, tảng đá đó vẫn kiên
vững trước bao sóng gió dập dồn, bao tấn công thô bạo, bao thù nghịch điên cuồng,
sát khí.
Sự sống lại của Đức Kitô là nền tảng
niềm tin của người Kitô hữu. Thánh Phaolô đã viết: “Nếu Đức Kitô không sống lại
thì lời giảng dạy của chúng tôi là hư vô và niềm tin của anh em là mơ” (1Cr
9,14). Nếu Đức Kitô không sống lại thì tội lỗi của chúng ta vẫn còn đó (1Cr
9,17) vì chúng ta không được ơn cứu sống, ơn trở nên công chính (Rm 4,25), ơn
được sống lại với Đức Kitô (Rm 6,8-9). Niềm hy vọng sống lại của chúng ta được
đặt nơi chiến thắng sự chết của Đức Kitô khi sự chết bị Ngài tiêu diệt: “Hỡi thần
chết, chiến thắng của ngươi ở đâu? Sức mạnh của ngươi ở đâu?” (1Cr 15,55).
Xin
cho Niềm tin và Hy vọng ở nơi Đức Kitô Phục Sinh thúc bách, nâng đỡ tình yêu ta
dành cho Ngài để như Phêrô, ta sẽ thân thưa với Ngài trong giờ lâm tử: “Lạy
Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa” khi được Ngài hỏi: “Con có yêu mến Thầy
không?”