Triết học phân biệt căn tính,
bản tính và thuộc tính. Căn tính hay bản tính là cái làm nên hữu thể, cái căn
bản cho hữu thể được tồn tại. Căn tính người làm cho con người là người, căn
tính chó làm cho con chó là chó, căn tính nhà làm cho cái nhà là nhà mà không
phải là cái khác. Căn tính hay bản tính xác định chính xác từng loại, từng thứ
để giữa các thứ loại không lẫn lộn nhau.
Khác với căn tính, bản tính, thuộc tính là các tính chất
thuộc về một hữu thể, nhưng tự nó không làm nên hữu thể. Nó khác căn tính, bản
tính, vì thiếu nó hữu thể vẫn tồn tại.
Thí dụ : bản tính người làm nên con người, nhưng những tính
chất phụ thuộc như màu da, tiếng nói, trình độ văn hoá, tính tình, thông minh,
dốt nát... không làm con người không là người khi thiếu chúng, bởi chúng không
phải căn tính, bản tính người để làm nên con người, nhưng chỉ là những thuộc
tính luôn mang tính phụ thuộc, vì lệ thuộc căn tính, phụ vào cho bản tính.
Vì thế, khi chọn ai, theo ai, yêu ai ta chọn, theo và yêu
chính con người ấy, con người độc nhất, riêng biệt, không “chung chung”, không
thể thay thế, hoán chuyển hay pha trộn lẫn lộn. Người ấy có căn tính riêng
mà nhờ căn tính riêng biệt, độc đáo, đặc thù, độc nhất, ta không lầm người ấy
với những người khác, không lộn người ta yêu với nhiều người chung quanh tuy có
thể “hao hao giống”, nhưng “không bao giờ” là người ấy.
Cũng vậy, khi chọn một tôn giáo, chúng ta không thể không
biết Đấng thiêng liêng mà tôn giáo ấy tôn thờ là ai, Đấng chúng ta đi theo,
phụng sự, tin tưởng, cầu khấn và trao phó vận mạng đời này và tương lai đời sau
là Đấng nào? Vẫn biết không ít người phó mặc chuyện tôn giáo cho tổ tiên và an
tâm giữ đạo của cha mẹ, ông bà để lại mà không chút thắc mắc, đặt lại vấn đề.
Bên cạnh là những người dứt khoát không muốn tìm hiểu, vì coi tôn giáo không
cần thiết, mà còn là xì ke, thuốc phiện mê hoặc, phản khoa học, đi ngược trào
lưu tiến hoá của nhân loại.
Với chúng ta, những người lữ hành trên đường đi tìm Chân Lý,
Thiên Chúa của tôn giáo chúng ta đi theo và tôn thờ phải được lý trí thao thức,
khắc khoải đi tìm, bởi không biết sẽ không yêu, như hai người yêu nhau luôn
muốn biết tường tận về nhau. “Vô tri bất mộ” là thế!
Quả thực, vấn nạn Thiên Chúa là ai đã được đặt ra ngay từ khi
con người có mặt, bởi con người muốn biết nguồn cội của mình và nguồn cội ấy đã
luôn không thỏa mãn khao khát của con người nếu chỉ dừng lại ở con người, bởi
nguồn cội ấy chính là Thiên Chúa.
Khi chọn Ápraham, Thiên Chúa đã chúc phúc cho ông và chúc
phúc cho những ai chúc phúc cho ông (x. St 12,2-3), và hơn thế nữa, Thiên Chúa
còn khẳng định : “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St
12,3). Vì thế, ông “dựng bàn thờ để kính Đức Chúa và kêu cầu danh Đức Chúa” (St
12,8), Đức Chúa rất nhân hậu.
Với Môsê, Thiên Chúa nói với ông Ngài là Đấng Hiện Hữu (Xh
3,14), Đấng đang có mặt với dân Ngài trong mọi hoàn cảnh :
“Ta là Thiên Chúa của cha ông các ngươi. ..Ta đã thật sự quan
tâm đến các ngươi và cách người ta đối xử với các ngươi bên Ai Cập. Ta sẽ cho
các ngươi thoát cảnh khổ cực bên Ai Cập ... lên miền đất tràn trề sữa và mật
ong” (Xh 3, 16- 17).
Và suốt dòng lịch sử của Israël, dân riêng, Thiên Chúa đã cho
họ biết Ngài là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, thương xót, chậm bất bình và
nhân nghĩa, thành tín” (Xh 34,6).
Căn tính Thương Xót của Thiên Chúa Israel đã tách biệt dân
riêng của Ngài khỏi các dân khác đang thờ các thiên chúa khác với những căn
tính hoàn toàn khác Ngài, Thiên Chúa của Ápraham, Isaác và Giacóp (Xh 3,16).
Là Thiên Chúa của lòng thương xót, căn tính của Ngài là Tình
Yêu, mà không là những thuộc tính như toàn năng, công minh chính đại, khôn
ngoan, thông biết mọi sự, vô thuỷ vô chung, phân minh thưởng phạt. Những thuộc
tính này không thay thế căn tính Tình Yêu nhưng được bao bọc bởi căn tính Tình
Yêu để hoạt động dưới sự hướng dẫn và tác động của Tình Yêu, nghĩa là toàn năng
cũng chỉ là toàn năng của tình yêu, công bình cũng chỉ là công bình trong yêu
thương, phân minh thưởng phạt cũng chỉ là thưởng phạt phân minh, công bằng vì
thương xót. Căn tính tình yêu thực sự bao trùm tất cả, và tất cả đều phải quy
hướng về.
Thực vậy, dòng dã lịch sử Israel, Thiên Chúa đã cưu mang,
khai sinh, nuôi dưỡng, giáo dục dân Ngài bằng tình yêu của người mẹ như ngôn sứ
Isaia đã viết : “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương
đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng
chẳng quên ngươi bao giờ” ( Is 49, 15); đã kiên nhẫn chịu đựng những cứng cỏi,
ương ngạnh, bất trung và phản nghịch của dân Ngài với tình yêu trung tín ( Xh
34, 7); đã quả cảm giữ đến cùng lời thề của giao ước yêu thương, dù không ngừng
bị bội phản. Tắt một lời, Thiên Chúa đã chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa tình yêu
khi không ngừng “thương xót từ đời nọ đến đời kia những ai kính sợ Ngài” (Lc 1,
50)
Tuy thế, không phải tất cả đã đón nhận Thiên Chúa là Tình
Yêu. Trái lại có nhiều người không chỉ khước từ căn tính tình yêu của Thiên
Chúa, mà còn muốn căn tính yêu thương ấy phải được thay thế bằng những thuộc
tính thực dụng khác như Thiên Chúa oai hùng, dũng mạnh để tức khắc nghiền nát
đối phương, lập tức “ăn tươi nuốt sống” kẻ thù; Thiên Chúa nghiêm khắc để thẳng
tay trừng phạt, không thương tiếc phường tội lỗi, sa đọa mà không chần chừ, do
dự, xót xa; Thiên Chúa tuyệt đối công minh, để việc gì cũng chiếu theo Luật mà
xét xử, không chút nương tay, khoan hồng; Thiên Chúa “chí công vô tư” đến vô
cảm, tàn nhẫn, không chạnh lòng thông cảm trước yếu đuối, lỡ lầm; Thiên Chúa
chi li, không sai lệch từng phân li công tội đến băng giá lạnh lùng khi xét xử;
Thiên Chúa ngăn nắp, trật tự như đòi hỏi của cơ chế hành chánh; Thiên Chúa chắc
nịch, “bất di bất dịch” như từng dấu chấm, dấu phẩy nặng nề, ì ạch cuộn mình
trong các khoản luật ngạo nghễ tự coi là tuyệt đối hoàn hảo và đời đời không
thể sửa đổi, cải tiến đang trói buộc tự do của những người con được mang hình
ảnh của cha mình là Thiên Chúa.
Những người này đã không bao giờ tìm thấy hạnh phúc trong
Thiên Chúa, Đấng có tên là Tình Yêu, và nhiều cuộc nổi loạn chống Thiên Chúa và
phá bỏ Giao Ước với Ngài đã từ đó phát sinh.
Đến thời Tân Ước, khi Đức Giêsu, Đấng là dung mạo đích thực
của Thiên Chúa Tình Yêu có mặt trong thế giới , giữa mọi người, Ngài cũng được
những người đương thời xôn xao thắc mắc hỏi nhau về căn tính của Ngài : “Ông
Giêsu này là ai vậy ?”, và chính Ngài cũng có lần hỏi các môn đệ : “Các con bảo
Thầy là ai?” (Mt 16,15).
Trong bất cứ khẳng định nào về căn tính, Đức Giêsu đều quả
quyết Ngài đến từ Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để thực hiện ý muốn của
Chúa Cha, và chính Ngài với Thiên Chúa Cha là một. Điều này xác định căn tính
của Ngài là căn tính của Thiên Chúa và Tình Yêu chính là căn tính ấy như thánh
tông đồ Gioan đã minh định không chút nghi ngại trong thư thứ nhất của ngài:
“Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu
bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và
người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì
Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7-8).
Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên sự thật ở Thiên Chúa là sự
thật của Tình Yêu, chứ không là sự thật trắng trợn bị lột trần bởi cán bộ điều
tra, quan toà; Đường của Thiên Chúa là đường Tình Yêu dẫn đến hạnh phúc, chứ
không là “đường đi không
Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16, 16), đến”, hay mê lộ, tử lộ,
ngõ cụt, đường cùng; sự sống nơi Thiên Chúa cũng là sự sống phát xuất từ Tình
Yêu, được nuôi dưỡng bằng Tình Yêu, chứ không là sự sống “không lẽ sống”, nên
lời tuyên xưng của thánh Phêrô : “ Thầy là Đức Kitô, khi thay mặt anh em tông đồ trả lời câu
hỏi của Thầy: “Các con bảo Thầy là ai ?” đã xác tín Đức Giêsu là Thiên Chúa,
Đấng là Tình Yêu hiện hữu, Đấng Hiện Hữu
trong Tình Yêu, Nguồn Sống đời đời phát xuất từ Tình Yêu hiện
hữu.
Thánh Gioan đã sống với Đức Giêsu và cảm nghiệm sâu xa
căn tính Tình Yêu của Thiên Chúa nên đã viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với
chúng ta được biểu lộ thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ
Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4, 9). “Và Người vẫn yêu thương
những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1).
Chân lý ấy được minh chứng hùng hồn bằng cái chết vì người
mình yêu, cho hạnh phúc của người mình yêu trên Thánh Giá của Đức Giêsu, “Thiên
Chúa làm người” , mà “ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ” (Cv 4, 12).
Thánh Giá còn là dấu chỉ của Thiên Chúa là Tình Yêu đã yêu con người đến cùng,
yêu đến hơi thở cuối cùng, cây số sau cùng, trong vô cùng của Tình Yêu.
Nếu thời Cựu Ước, nhiều người đã tạc bò vàng để thờ (Xh 32,
1-6), dù đã biết và đang sống dưới bóng yêu thương của Thiên Chúa là Tình Yêu,
chỉ vì không chấp nhận Thiên Chúa là Tình Yêu mà muốn Thiên Chúa phải là đấng
nào khác, với căn tính khác, thì dưới thời Tân Ước và cho đến tận thế, vẫn
không thiếu những người chống lại Tình Yêu là Thiên Chúa, tìm lật đổ, hạ bệ
Thiên Chúa là Tình Yêu, bởi Thiên Chúa Tình Yêu ấy cản trở mưu mô, thủ đoạn của
trí khôn họ; làm phiền toái con tim đầy gian tham, ích kỷ của họ; gây khó khăn
cho những toan tính hận thù, ganh ghét của tâm hồn họ; làm bực bội, xốn xang
lòng dạ không nhân nghĩa của họ; làm rối rắm, mệt mỏi lương tâm ngày càng biến
thái, tha hóa của họ; biến tâm can họ thành bãi chiến trường của những giằng co
giữa thiện và ác, trung thực và gian dối, tốt lành và xấu xa, thánh thiện và
quỷ quái, bởi được sinh ra từ Tình Yêu của Thiên Chúa, con người sẽ là hình
phạt hỏa ngục của chính mình khi đi ngược ơn gọi yêu thương của mình.
Được sinh ra bởi Thiên Chúa tình yêu, nên hạnh phúc đích thực
của con người không thể là gì khác ngoài tình yêu, cũng như nguồn duy nhất đem
lại hạnh phúc cho con người là Thiên Chúa Tình Yêu. Ở ngoài Thiên Chúa, không
tình yêu nào đảm bảo hạnh phúc viên mãn, tròn đầy. Vắng bóng Thiên Chúa là Tình
Yêu, tai họa của ganh ghét, hận thù, bạo lực sẽ đổ ập xuống đời con người như
lẽ tự nhiên, thường tình.
Quả thực, căn tính của Thiên Chúa trong Đức Giêsu là Tình
Yêu, và trong tình yêu, con người gặp được Thiên Chúa, mà gặp gỡ Thiên Chúa, đi
vào tương quan với Thiên Chúa chính là mục đích của tôn giáo, và niềm tin.
Kitô giáo là tôn giáo có Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu, nên
“ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong
người ấy” (1Ga 4, 16).
Và con đường có Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người đồng hành với
con người không
thể là con đường nào khác ngoài con đường Yêu Thương, vì Thiên Chúa là Tình Yêu
đã chọn đi trên con đường này để đến gặp loài người chúng ta.
Jorathe Nắng Tím