Suy
Niệm TIN MỪNG Chúa Nhật 4 Mùa Chay
Trở về là tiếng chuông ngân nga suốt mùa chay
trong các bài đọc thánh lễ, kinh nguyện phụng vụ ; cũng là tiếng lòng thổn thức
của tội nhân trên đường về.
Nhưng trở về thế nào và trở về từ đâu ?
Câu trả lời chính xác nhất được tìm thấy trong dụ
ngôn “Người con hoang đàng” của Tin Mừng Luca qua những bước chân trở về của
anh, sau thời gian dài bỏ nhà đi hoang, và tiêu tán hết tài sản được chia (Lc
15, 11-32).
Tin Mừng cho thấy : anh đã trở về từ một nơi rất
xa mái ấm mà anh đã bỏ đi ; trở về từ
tình trạng tiền tiêu hết mà bụng thì đói meo, phải ở đợ, muốn lấy cám heo ăn
cho đỡ đói cũng không được; trở về từ tình hình sức khỏe xuống dốc; trở về từ
tình huống không còn bạn bè nghĩa thiết, em út xinh đẹp, đàn em năng nổ, răm rắp
tuân phục (x. Lc 15, 14-17).
Đó là những cọc mốc ghi dấu chân anh trở về,
nhưng không là khởi điểm của đường về, vì chân có bước đi được là do lòng đã
quyết, nên trái tim, tâm hồn mới chính là khởi điểm của đường về. Anh đã quyết định điểm xuất phát của hành trình trở về
khi “anh hồi tâm và tự nhủ : Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm
dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói !” (Lc 15, 17).
Nếu trở về là về lại với ai đó, thì hồi tâm là về
lại với mình, để lòng gặp lòng, ta gặp ta, “cái tôi” soi gương trong “cái
mình”, để không nhân vật, sự vật nào có thể làm vách ngăn, màn che, tường chắn
giữa “cái tôi” nguyên hình, nguyên trạng và “cái tôi” phấn son, hoá trang, giả
dạng ; không còn thế lực nào có thể làm sai lệch “cái tôi” thật bên trong luôn
được che giấu, và “cái tôi” giả hiệu bên ngoài được khoe khoang, trưng bầy;
không còn cơ chế, quy luật, tổ chức nào có thể làm sai kích cỡ, trọng lượng, phẩm
chất giữa “cái tôi” riêng tư của tâm hồn và “cái tôi” xã hội. Và chỉ như thế, cuộc trở về với chính mình mới thành
công, và ta mới thực sự gặp được ta.
Thực vậy, ta gặp lại ta, ta tìm gặp lại chính
mình là công đoạn then chốt của hành trình trở về, bởi để trở về với bất cứ ai,
trở về bất cứ nơi nào, trước tiên phải trở về với chính mình, nếu không, hành
trình trở về không có điểm xuất phát, điểm khởi hành, để rồi mãi mãi sẽ chẳng
có bước chân lên đường, vì chủ thể mất định vị, định hướng.
Sở dĩ người con hoang đàng trong Tin Mừng đã
không trở về ngay những ngày đầu khi vừa ăn tiêu hết sạch tiền và phương xa ấy
vừa chớm xẩy ra nạn đói khủng khiếp (Lc 15, 14), mà nấn ná, chần chừ mãi cho đến
khi không còn gì để nhét vào bụng, vì chẳng ai cho, và gần như chết đói (Lc 15,
16-17), mới lê tấm thân tàn tạ, đói rách trở về là vì anh đã chưa tìm được điểm
khởi hành, chưa định vị được chỗ anh đứng. Đến khi “hồi tâm, và tự nhủ” (Lc 15,
27), anh mới nhận ra mình là ai, đang ở đâu, và từ đó mới thiết kế chương trình
trở về, mới nghiên cứu con đường về lại nhà cha.
Ở khởi điểm hồi tâm, anh đã phải chiến đấu rất
cam go với chính mình, khi bị giằng co “nửa muốn ở, nửa muốn về”, vừa muốn trở
về nhà Cha để có cơm no áo ấm, vừa muốn tiếp tục ở lì trong thiếu thốn, cơ cực. Chính
cái tôi ương ngạnh, kiêu căng, cái tôi vĩ đại không bao giờ chịu nhỏ bé, cái tôi
hoành tráng không chịu ô nhục khi phải thu mình, “im hơi lặng tiếng”, cái tôi
quyền lực phát điên khi phải hạ mình, rũ áo, cái tôi tham lam ki cóp tiền của
khi phải mất mát, buông bỏ. Tất cả những cái tôi nặng nề, cồng kềnh, nhiêu khê,
phức tạp đó đã ghì trói bước chân lên đường của người con hoang đàng, phung phá
muốn trở về.
Cũng ở khởi điểm hồi tâm, anh đã trải qua cuộc đấu
tranh nội tâm rất gay go, với nhiều ray rứt trước viễn ảnh ngày mai không có gì
bảo đảm, vì cho đến lúc này, trở về với anh cũng vẫn là một mạo hiểm, mạo hiểm
vì không biết thái độ của Cha và anh hai ra sao ? Anh sẽ được tha thứ hay khước
từ ? Lý do khiến anh còn phân vân, lo lắng là vì anh chưa đi vào trọng tâm của
hồi tâm. Trọng tâm ấy chính là nhận ra dung mạo nhân từ, dáng dấp yêu
thương, trìu mến của Cha trong đời làm con của mình, nên chỉ đến lúc nghẹn ngào
thốt ra từ cửa miệng đắng chát hai tiếng “Cha tôi” khi đang tự nhủ, anh mới đứng
lên và bước đi được (x Lc 15, 18. 20).
Như thế, khi hồi tâm trở về lòng mình, trở về với
con người thật, trần trụi của mình, anh tưởng đã gặp những “cái tôi” của mình,
nhưng thực ra anh đã gặp Cha anh. Chính vì gặp Cha mà anh đã mạnh dạn tin tưởng
trở về, bởi nếu chỉ gặp những “cái tôi” hoang đàng, phung phá, tiều tụy, đói rách, bệ rạc của mình, chắc chắn
anh đã không đủ can đảm đứng dậy, trở về.
Hồi tâm như thế là trở về với sự thật của “cái
tôi” khờ dại, nông nổi, non nớt, yếu đuối, tội lụy, ngông cuồng, phản phúc
để tìm gặp hình bóng yêu thương, nhân hậu, bao
dung, toàn năng, cứu độ của người Cha Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện trong
chính những bất toàn, bất trung, bất nghĩa của con cái Ngài đã sinh ra và cứu
chuộc ; là về lại với mình để thấy mình cần tình Cha tha thứ, cần tay Cha chữa
lành, cần Lời Cha hướng dẫn, cần máu thịt Cha nuôi sống, cần sự chết của Cha hồi
sinh, và cần ơn Cha đổi mới.
Hồi tâm như thế cũng là về lại nhà mình, nhưng
không về để cố chấp bám víu “cái tôi” cũ
nát, bám chặt cái mình đã hư hỏng, nhưng ra khỏi mình, rời bỏ “cái tôi” để mang
lấy chính Tình Yêu thương xót của Cha trên trời, Đấng kiên nhẫn đợi chờ ngay đầu
ngõ, vì đường tội nhân trở về gặp Ngài cũng là đường Ngài đến tìm tội nhân.
Tóm lại, trở về không là trở về gặp mình rồi ở lại
với mình, nhưng gặp con người thật của mình như điểm xuất phát để ra khỏi mình
và đi gặp Chúa, từ bỏ chính mình để đi theo Chúa, như Đức Giêsu đã tuyên bố : “Ai
muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình” (Mt 16,24).
Từ bỏ mình như thế là không ở với mình như người
tham lam không chịu rời xa lâu đài ích kỷ, hay như kẻ kiêu căng cố thủ pháo đài
quyền lực, nhưng ra khỏi lâu đài của cải để gặp Thiên Chúa là Cha đang cư ngụ
trong những người nghèo khó, bị bỏ rơi ; là cởi trói mình khỏi “cái tôi” gian
ngoa, ác độc, hồ đồ vu khống, hung bạo, bất công để tìm về Thiên Chúa là Cha
trong Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường, tự hạ làm thân nô lệ, tôi tớ phục vụ,
và của lễ đền tội mọi người.
Và trở về từ nay sẽ là bỏ mình chọn Chúa, ra khỏi
cái tôi ích kỷ để đến với anh em, từ bỏ con người cũ đầy tham vọng để khiêm tốn
đồng hành, gánh vác, chia sẻ với những người kém may mắn. Và quan trọng hơn tất cả là trở về với hạnh phúc của
người con luôn mang trong mình hình ảnh Cha giầu lòng thương xót, và trái tim
Cha bao dung, nhân hậu. Người Cha Thiên Chúa ấy đã không để con mình nói hết lời
thú tội, xin lỗi, nhưng mừng vui khôn tả mời hết làng trên xóm dưới đến ăn tiệc
mừng “con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 32).
Xin cho chúng con thấu hiểu : Chúa mới là khởi
điểm và đích điểm của hành trình trở về, và dạy chúng con không đào bới tội xưa, lỗi cũ làm hành trang ngày về, nhưng suốt cuộc đời, ở bất cứ đâu, và trong mọi
cảnh huống sẽ chỉ có tình Thiên Chúa xót thương là hành trang duy nhất của đời
chúng con trên đường trở về.
Jorathe Nắng Tím