Pages - Menu

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2019

PHÓ THÁC!

https://www.youtube.com/watch?v=lAGBsHINLjk
   Đặt hy vọng, kỳ vọng hay phó thác, tín thác, ký thác đều chung một động thái, chủ đích, và ý nghĩa là trao gửi chính mình, đời mình, tương lai, hạnh phúc của mình trong bàn tay yêu thương có sức thực hiện điều mà tự mình không thực hiện được của người mình yêu mến và tin tưởng.
   Như thế, để có tinh thần phó thác, chúng ta phải đáp ứng ít nhất hai đòi hỏi:

   1/ Phải yêu mến, tin tưởng, trung thành : 
    Không yêu sẽ không tin, nhưng đang yêu mà bỗng dưng vì một thất tín trầm trọng, hoặc lừa dối nào đó dẫn đến mất niềm tin, thì tình yêu cũng đành phải “cao bay xa chạy”, mà hành vi phó thác đòi cả hai điều kiện : Yêu và Tin, bởi ta không thể đặt hy vọng, trao gửi hoài bão trong tay người mà ta không yêu, không tin.
Cũng có trường hợp ta chỉ yêu, nhưng không tin, khi đối tượng không đủ khả năng bảo đảm lòng tin của ta, thí dụ đối tượng ta có bổn phận yêu thương lại là người quá trống trải, nhẹ dạ, không kín tiếng kín miệng, và có thể mang lại nguy hiểm cho ta vì sự ngây ngô, khờ khạo đáng thương của họ.
   Yêu mến, tin tưởng tuy cần thiết nhưng chưa đủ, vì còn cần lòng trung thành, bởi không trung thành, ta sẽ phó thác đời ta cùng một lúc trong tay nhiều người, theo kiểu “bắt cá hai tay”, và như thế, phó thác sẽ không còn ý nghĩa và giá trị đích thực và trọn vẹn của nó. 
   Như thế, phó thác là chọn lựa ở mức độ cao của tình cảm, vì đòi phải yêu, tin và trung tín. Mức độ phó thác ấy càng cao, khi tình yêu, niềm tin tưởng, lòng trung thành nơi người ta phó thác càng sâu thẳm, vững chắc. Về phía người ta tìm đến phó thác tất nhiên cũng phải là người yêu thương và sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ ta. 

2/ Phải chân nhận sự bất lực của ta và khả năng của người ta tìm đến phó thác :
Ký thác cho ai một việc là công nhận người ấy có khả năng, có lực để giải quyết, đảm đương. Nhưng xa hơn và quan trọng hơn công việc, khi phó thác chính đời mình cho một người thì người ấy chắc chắn sẽ phải có quyền, có tài, có lực hơn ta rất nhiều. Nếu không sẽ chẳng còn là phó thác trong nghĩa “trao thân gửi phận”, nhưng có nguy cơ trở thành “giao trứng cho ác”, và tự chuốc lấy tang thương, thất bại.
   Như thế, để phó thác cuộc đời cho ai, ta phải nhận mình ở vào tình trạng bất lực khi không kiểm soát, định đoạt được tất cả những gì đang hoặc sẽ xẩy đến, đồng thời chân nhận giá trị, khả năng, thế lực của người ta tìm đến phó thác.
Cụ thể khi phó thác ở Thiên Chúa, chúng ta cần xác tín trước hết một điều rất quan trọng, đó là Thiên Chúa yêu thương ta trước khi ta biết và yêu mến Ngài ; cứu chuộc ta trước khi ta yếu đuối bỏ Ngài ; gìn giữ ta cả khi ta đang điên cuồng, ngạo nghễ lên án Ngài chỉ vì Ngài là Tình Yêu, mà đã là Tình Yêu, Thiên Chúa chỉ có thể yêu, mà không thể ganh ghét, thù hận, bạo hành, báo oán, giận dữ, ác độc đối với bất cứ ai hay tạo vật nào của Ngài, nếu không, Ngài sẽ tự phủ nhận chính mình là Thiên Chúa.
   Hãy nghĩ đến hạnh phúc của người con được Thiên Chúa là “Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình” yêu thương. Được người đời có quyền cao chức trọng yêu thương đã là hạnh phúc lớn, nay có Thiên Chúa toàn năng yêu thương, hỏi còn vinh dự, hạnh phúc nào lớn hơn ? 
   Và hạnh phúc nắm bắt ngay được trong Thiên Chúa toàn năng đang yêu thương con người chính là con người không còn phải lo lắng, tân toan trên giòng đời xem ra vô thường, vì được Thiên Chúa ban cho hạnh phúc được phó thác trọn vẹn cuộc đời và tất cả mọi người, mọi việc, mọi biến cố liên quan trong tay Ngài.
   Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã quả quyết hạnh phúc của những tâm hồn biết phó thác : 
   “Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn ; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc... Hãy nhìn xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? ... Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng... : chúng không làm lụng, không kéo sợi ; thế mà ngay cả vua Sa lô môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6, 25-29). 
   Quả thực, phó thác như chim trời, hay cánh hoa đồng nội, con người sẽ chẳng còn bất hạnh vì quá khứ cắn rứt, dằn vặt, vì hiện tại bươn trải, nhọc nhằn, vì tương lai mịt mờ đe dọa, nhưng luôn bình an vì đã phó thác trong tay Chúa là Cha nhân hậu và bao dung quá khứ đầy bất toàn ; đã phó thác trong tay Chúa là Cha toàn năng hiện tại nhiều sóng gió, thử thách ; đã phó thác trong tay Chúa là Cha quan phòng cả giòng đời tương lai mịt mờ. Và như con thơ trong tay mẹ hiền, suốt đời sẽ chỉ biết yêu mẹ và nắm chặt tay mẹ mọi lúc, mọi nơi. 
   Nhiều người khi nghe hai chữ phó thác thì nhếch môi cười nhạt, trong ý nghĩ : “phó thác mà chết à”, bởi theo họ, chẳng có Thiên Chúa nào rảnh rang đến độ săn sóc cái đám lợi dụng chiêu bài “phó thác” để ươn lười, phè phỡn, không phấn đấu, làm việc. Có người liều mạng cắt nghĩa : như chim “không gieo, không gặt” và như hoa “không làm lụng, không kéo sợi”, ta đây vì phó thác nên cũng chẳng cần phải “chân lấm tay bùn”, làm ăn vất vả. Cắt nghĩa kiểu này thì nguy to cho cả họ, vì công việc của chim trời không là gieo, gặt, cũng như nhiệm vụ của bông hoa không là dệt tơ, kéo sợi. Nhưng đó chính là công việc của con người, mà Đức Giêsu dùng như hình ảnh để làm nổi bật tinh thần phó thác ở Thiên Chúa quan phòng.
   Người viết trộm nghĩ : nếu có ai đó ủng hộ quan điểm sai lệch trên, thì quả thực oan uổng cho các thánh trên trời và người lành dưới thế quá, bởi các vị đều là những người luôn phó thác đời mình trong tay Chúa, đồng thời say mê làm việc phục vụ mọi người.
Do đó, ta cần lưu ý thành kiến rất sai lệch và nguy hiểm ở một số đông đáng kế, đó là đồng hoá người lười biếng với người phó thác, và ngây ngô cho rằng: người sống phó thác là người chỉ nằm phó thác, “há miệng chờ sung rụng”, mà không thao thức, khắc khoải, ước mơ, dấn thân hoạt động, hay tận lực phấn đấu, tận tụy hy sinh thực hiện hoài bão.
   Khi Đức Giêsu dùng hình ảnh chim trời phó thác, Ngài chỉ cho đám đông đi theo Ngài cùng Ngài dõi theo những cánh chim đang bay trong trời rộng để làm vui thế giới, nhìn xem bầy chim sẻ đang ríu rít, líu lo nhẩy từ cành này sang cành khác để làm rộn ràng cuộc sống, cảm kích trước những chim mẹ đang chăm chú, chăm chỉ nhặt từng mụn bánh, từng hạt đậu nhỏ, khô lép rơi vãi trên sân đem về nuôi con. 
   Đức Giêsu đã không chỉ những con chim nằm kềnh, chổng gọng, phơi xác lười biếng, những con chim không hót líu lo, không bay nhảy, không chăm chỉ kiếm ăn, nhưng đàn chim được diễm phúc chọn làm hình ảnh phó thác hôm ấy gồm toàn những cánh chim vui sống, đang hăng say làm việc của mình, đang cố gắng chu toàn sứ mệnh của mình, đang tận tâm, tận lực lo cho đồng loại của mình.
Như những cánh chim sẻ, những bông hoa đồng nội cùng diễm phúc được chọn làm hình ảnh của Phó Thác hôm ấy cũng đang rung rinh, lả lơi tỏa hương thơm, khoe sắc đẹp trước gió để làm đẹp thế giới, làm phấn khởi lòng người như sứ mệnh của chúng khi được tạo dựng.
   Những bông hồng đỏ thắm biểu hiện tình yêu tha thiết, nồng nàn, những bông huệ trắng vươn cao như khát vọng trinh khiết, những nàng hướng dương, cúc vàng, trinh nữ, mimosa vừa rực rỡ vừa đằm thắm, dịu dàng cho hồn nhân thế vừa phơi phới, rạo rực, vừa trầm lắng, lâng lâng. Và cả đàn chim trời, cả rừng hoa muôn sắc hôm ấy đã tràn ngập hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa quan phòng.
Từ hình ảnh chim trời, hoa đồng nội, chúng ta nhận ra điều Thiên Chúa muốn ở những tâm hồn phó thác nơi Ngài.
   Phó thác không là “phó mặc” vô trách nhiệm, không là “thoái thác” hèn nhát. Trái lại, phó thác là luôn làm việc trong hiên tại như Thiên Chúa Ba Ngôi luôn làm việc ; luôn cố gắng chu toàn trong chính giây phút hiện tại trách nhiệm và sứ vụ được trao phó ; luôn chăm chỉ, tận tụy ngay “ở đây và lúc này” thực hiện chương trình còn dang dở, phải hoàn thành ; luôn thao thức và chăm chú lắng nghe lời thì thầm của Chúa Thánh Thần trong từng nhịp thở của trái tim ; luôn nhậy bén nhận ra những dấu chỉ của thời đại đế không bỏ lỡ cơ hội của ơn Cứu Độ ; nhất là luôn giữ ý thức và ý chí trên tuyến đường Thương Xót của Đức Giêsu vì đây mới chính là nền tảng của phó thác, nguồn suối của phó thác, sức mạnh của phó thác, bệ phóng của phó thác, và lẽ sống của phó thác.
Tại sao vậy ?
   Thưa vì con người chỉ có được diễm phúc phó thác quá khứ tội lỗi của đời mình trong tay Thiên Chúa vì Thiên Chúa giàu lòng xót thương. Giả như Thiên Chúa không giàu lòng xót thương, thử hỏi con người có cửa nào để được xoá hết lỗi lầm, tội lụy ? Do đó, không có lòng thương xót, thì chẳng có cơ may cho tội nhân được phó thác hết lỗi lầm đã vấp phạm.
   Nếu Thiên Chúa không là Tình Yêu thương xót, thì ai sẽ đủ sức che khỏi mắt Ngài những xúc phạm đáng luận phạt của mọi người và mỗi người đang phơi bầy trước mặt Ngài ? Và tội nhân là hết mọi người chúng ta chỉ có nước lẩn trốn khi Ngài nghiêm nghị gọi tên, mà chẳng bao giờ dám mơ cảnh con thơ phó thác ngủ yên trong tay mẹ hiền là Thiên Chúa. 
   Nếu Thiên Chúa không bao dung, thương xót, thì những người tội lỗi làm gì có ngày mai mà cần phải phó thác, vì 
tất cả mọi con đường hạnh phúc tương lai đều sẽ bị đóng lại.
Vì thế, phó thác chỉ thực sự có mặt trong tâm hồn khi tâm hồn nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu thương xót. Thiếu lòng thương xót của Thiên Chúa, phó thác sẽ vô ích, vô nghĩa, vì phó thác ở ai là tin, yêu, trung thành với người ấy, với một điều kiện tiên quyết : người ấy phải là người yêu thương ta và có khả năng cứu giúp, che chở, bênh đỡ, mang lại hạnh phúc cho ta. Vậy nếu Thiên Chúa, Đấng ta phó thác tất cả không yêu thương ta, thì ta phó thác cho Ngài làm gì, bởi Ngài sẽ chẳng đoái hoài, cũng chẳng quan tâm, chạnh lòng trước khốn khổ, quẫn bách, cơ cùng của đời ta. 
   Tóm lại, phó thác luôn hướng đến niềm hy vọng và bình an, nên chỉ trong lòng thương xót, phó thác mới sống được ; chỉ trên đất của lòng thương xót, phó thác mới nẩy mầm và lớn lên ; chỉ với nắng gió, mưa sương của lòng thương xót, cây rừng mới xanh lá và vườn kia mới cho hoa thơm, trái ngọt, bởi chỉ có lòng thương xót của Thiên Chúa dủ thương dân Ngài thì dân Ngài mới được niềm Hy Vọng, ơn Bình An, là Hanh Phúc con người hằng khát khao, mong đợi. 
   Mùa chay là mùa Thiên Chúa tỏ lòng thương xót dân Ngài, cũng chính là cơ hội dân Ngài đáp trả tình Ngài xót thương bằng phó thác linh hồn, thân xác, mọi sự, mọi việc, niềm vui, nỗi buồn, may mắn, trắc trở, thất bại, thành công, cả việc tốt lành và tội lỗi, cả người thân và kẻ bách hại, làm khổ, cả quá khứ, hiện tại, tương lai trong tay Thiên Chúa là Đấng toàn năng, giauf lòng thương xót luôn biết con cái cần gì và quan phòng, lo liệu tất cả.
Jorathe Nắng Tím