Pages - Menu

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

Thứ Tha - Hoà Giải

https://www.youtube.com/watch?v=wcmxNqvQVkc
Đời ai cũng có những biến cố: có biến cố làm chao đảo, “xất bất xang bang”, có biến cố như “bài học nhớ đời”, có biến cố dạy “biết thế nào là lễ độ”, có biến cố cho đời lên hương, có biến cố làm đời xuống dốc... Nhiều thể loại biến cố, nhiều tác dụng của biến cố, nhiều phản ứng trước biến cố, nhiều mức độ đón nhận biến cố và nhiều thay đổi lợi hại vì biến cố.
Với các tông đồ và giáo đoàn Kitô hữu đầu tiên, cuộc tử nạn và sống lại của Đức Kitô đã là một biến cố quá lớn quyết định vận mệnh của mỗi người và lẽ sống, lý tưởng của cộng đoàn. Những ngày sau biến cố sống lại, các tông đồ và cộng đoàn tín hữu đầu tiên đã ngập tràn niềm vui, nhất tâm, hiệp nhất (Cv 5,12), hăng say rao giảng và làm chứng Đức Kitô, Thiên Chúa đã chết và sống lại (Cv 2,22-24). Các vị làm phép rửa tha tội, ban ơn Thánh Thần (Cv 2,38), các vị nhân danh Đức Kitô chịu đóng đinh làm phép lạ đuổi quỷ, trừ tà, chữa bệnh cho nhiều người (Cv 1,6-7), các vị ra khỏi ranh giới Israel và đến với dân ngoại (Cv 13,44-46). Nhưng cũng như Đức Kitô, các vị bị cô lập, truy lùng, bắt bớ, đánh đòn, ném đá chết bởi các kỳ mục và kinh sư. Têphanô, chứng nhân đầu tiên đã lấy máu và mạng sống làm chứng cho Đức Kitô và cuộc tử đạo của ngài đã được ghi lại chi tiết trong Công vụ tông đồ (Cv 7,51-60).
Nhưng đâu là cốt lõi của biến cố đã thay đổi toàn bộ, nhanh chóng suy nghĩ, chọn lựa và nếp sống của các tông đồ? Đâu là điểm nhấn đã ảnh hưởng mãnh liệt trên các ông? Điều gì nơi Thánh giá của Đức Kitô đã làm chấn động nội tâm các ông? Từ những người háo danh trở thành người hiền hoà, nhẫn nhục; từ ganh tị, tranh chấp biến đổi thành khiêm tốn, yêu thương; từ nếp sống nhỏ nhen, ích kỷ trở nên vị tha, quên mình, các ông đã thực sự được đổi mới.
Chắc chắn các ông đã nhận được nhiều từ biến cố tử nạn và sống lại của Thầy: nhận ra sức nặng của hận thù đè trên đời người, sức nặng của quyền lực trấn áp người cô thân, yếu đuối, sức nặng của “mồm loa mép giải” vu cáo người vô tội, sức nặng của nghi ngờ, đố kỵ làm đui chột tâm hồn, lu mờ lương tâm, sức nặng của tham lam vật chất, danh vọng cấm vận đường tình của trái tim, hủy hoại tình hiệp nhất, huynh đệ. Các ông cũng nhận ra yếu đuối của con người và của chính các ông. Nhưng điều các ông nhận ra rõ nhất, ấn tượng nhất nơi Đức Kitô chịu đóng đinh, đó là trái tim thứ tha và hoà giải của Ngài. Đây là điểm đã đánh động và biến đổi con người các ông và nhờ thái độ sẵn sàng và dễ thương, nhờ tinh thần khiêm tốn phục thiện và ngoan ngoãn, bé nhỏ trước Thánh Thần, các ông đã học được bài học Thứ Tha và Hoà Giải nơi mầu nhiệm Thánh Giá.



1.   Các ông đã nghe Đức Mẹ, Gioan, Mađalêna kể lại những gì Thầy đã nói, đã làm trên Thánh Giá. Là tông đồ duy nhất trong nhóm mười hai đã có mặt giờ hấp hối của Thầy, như người chứng quý hiếm, Gioan đã nhìn tận mắt, nghe tận tai Đức Kitô thoi thóp, mệt nhọc cầu xin ơn tha thứ. Cũng như Đức Mẹ, ông đã không bỏ sót một lời Thầy cầu nguyện cho những người đã đóng đinh Thầy, ông chứng kiến cảnh Thầy hứa Nước Trời cho người bạn tử tội, ông đã thấy, đã nghe và làm chứng trái tim Thầy thứ tha.
Háo hức muốn biết Thầy đã nói gì trước khi tắt thở, các tông đồ đã xúc động khi được nghe kể về lòng xót thương, tha thứ của Đức Kitô. Các ông ngạc nhiên lắm, vì ngỡ Thầy sẽ nói những chuyện khác quan trọng hơn, những chuyện liên quan đến Thầy và anh em; đàng này, Thầy chỉ lo thứ tha, bận tâm về chuyện tha thứ. Sứ mệnh tha thứ như chiếm trọn trái tim Thầy, ám ảnh đời Thầy, nên ở đâu, giờ nào, trong hoàn cảnh nào Thầy cũng bao dung tìm dịp tha thứ. Thầy nhạy bén với thứ tha, quấn quít với tha thứ, nên đâu có tội nhân, chỗ nào có tội lỗi là có Thầy, có lời Thầy tha thứ, có tình Thầy thứ tha, có ơn Thầy đổi mới (Lc 23,34.43).
Chính vì nhận ra trái tim thứ tha của Thầy mà các tông đồ đã không một lời oán trách, căm thù những người đã gây ra cảnh dâu bể cho Thầy trò; không sắp xếp, âm mưu báo oán, trả thù các người Biệt Phái gian ngoa, ác độc; không một thái độ thù nghịch đối với Hội Đồng Kỳ Mục; không xách động, bôi nhọ, lên án chính quyền đã bất công kết án Thầy; trái lại, các ông đã ôn hoà, lạc quan, vui vẻ và căn dặn nhau: “Hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng. Hãy duy trì sự hiệp nhất mà Thánh Thần mang lại bằng đời sống thuận hoà, gắn bó… Vì chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,2-6).
Không lời nào tình nghĩa, bao dung, dễ thương hơn khi xóa bỏ hận thù, quên đối kháng, đố kỵ để gọi mọi người là anh em cùng một cha. Không những thế, các vị còn tin tưởng: Thiên Chúa hành động qua mọi người và trong mọi người. Không còn thù địch, đối phương, nhưng chỉ còn những người con cùng cha, cùng một niềm tin, hy vọng.
Bởi đâu, động lực nào, sức mạnh nào, con người nào đã biến đổi tâm hồn các ông nên mới, quảng đại, bác ái và lạc quan, hy vọng như vậy? Chính gương thứ tha của Đức Kitô trên Thánh Giá đã thay đổi tâm hồn các ông và khởi đi từ tha thứ, các ông mang lấy tinh thần mới, con người mới, đời sống mới trong ơn Bình An của Đức Kitô phục sinh. Chính tình yêu tha thứ của Ngài trên Thánh Giá đã dạy các ông quên đi hận thù, đừng báo thù, thôi là địch thù, vì đó là đòi hỏi cấp bách của Tình Yêu Thánh Giá.
Tin Mừng được viết lại bởi các tông đồ đã không kể gì ngoài tâm tình bao dung và những lời tha thứ của Đức Kitô trên Thánh Giá. Điều này đã gây xúc động mạnh và tạo một khúc quặt mới trong đời các tông đồ. Các ông bắt đầu hiểu: Thánh Giá là công cuộc thứ tha và trên Thánh Giá, Thầy đã công khai tha cho tất cả mọi người, trong đó có cả các ông; bởi chính các ông cũng đã xử “không đẹp” với Thầy khi phản bội, chối từ, bỏ trốn, tránh mặt… Hơn ai hết, các ông biết giá trị của ơn tha thứ, vì hơn ai hết, các ông thấy mình cần được thứ tha.
Nhìn Đức Kitô hấp hối trong lời cầu xin ơn tha thứ, Gioan đã không thể cầm lòng. Ông ghi tạc từng lời Thầy và kể lại không thiếu một chi tiết để anh em cùng chiêm ngưỡng tình yêu vĩ đại của Thầy. Và các ông bảo nhau: phải biết thứ tha, hiền hoà, ngay thẳng và kính trọng những người phỉ báng, vu khống mình (1Pr 3,16).
Trong tất cả những lần hiện ra với các môn đệ, Đức Kitô phục sinh đã không hề nhắc đến một lầm lỗi của ai, hay trách móc, kêu gọi trả thù, báo oán ai. Chỉ một lời chúc “Bình An cho chúng con” (Ga 20,19), Đức Kitô đã đem niềm vui tha thứ đến những tâm hồn hạnh phúc vì được thứ tha. Cái chết của Ngài đã đem lại bình an thực sự cho con người, vì đó là cái chết của tình yêu thứ tha; cái chết của Thiên Chúa bao dung không chấp lỗi lầm, không ghim tội nhân, không chờ cơ hội báo oán, trả thù. Cái chết ấy có tên gọi là Tình yêu tha thứ.
Mang lấy Thánh Giá trên mình, cho đời mình, người Kitô hữu cũng không thể làm gì khác là nhìn lên Đức Kitô đang thứ tha trên Thánh Giá. Ngoài Thiên Chúa đang thứ tha, người ta không gặp được Thiên Chúa nào khác trên thập tự. Vì thế, khi đeo Thánh Giá trên ngực, treo Thánh Giá trong nhà, đặt Thánh Giá trên bàn làm việc, người ta có thể thất vọng vì không gặp một Thiên Chúa như mình muốn; thất vọng vì Thiên Chúa không đáp ứng ngay những đòi hỏi rất “người” và rất “tôi” của mình; thất vọng vì Thiên Chúa không suy nghĩ, hành động theo “hộp điều khiển từ xa” với chương trình định sẵn, nhưng chắc chắn một điều, người ta sẽ không bao giờ thất vọng khi nhìn lên Thánh Giá để xin ơn tha thứ.
Thực vậy, chỉ là tội nhân, là người có tội, nhiều tội, người ta mới có nhu cầu được tha thứ, mới cần ơn thứ tha, mới thấy Thánh Giá cần treo một Thiên Chúa giàu lòng xót thương hơn ngự một Thiên Chúa “chí công vô tư”. Phải vấp ngã, sa đoạ, hoang đàng, phải bụi bặm, nhem nhuốc tình đời, tội đời mới hiểu thế nào là tình thứ tha, giá trị của nước và máu để thanh tẩy, chữa lành. Người thánh thiện là người có tâm tình của người có tội trước Thánh Giá. Họ là người sống mầu nhiệm Thánh Giá, không sống Thánh Giá như một mầu nhiệm ở xa chỉ để chiêm ngưỡng hay như báu vật chỉ để ngắm nghía, trầm trồ, nhưng như tâm tình chẩy trong máu làm cho trái tim sống động, rung động, cảm động. Đời sống người thánh thiện từ đó sẽ không ngừng mang nặng tâm tình thứ tha của Đức Kitô, Thiên Chúa giàu lòng thương xót để chỉ say mê tha thứ và tìm con người để thứ tha như Ngài.

2.   Tuy tha thứ là đòi hỏi của Đức ái, nhưng tha thứ thường được coi như công việc của trí khôn hơn là hành động cụ thể, sống động. Người ta có khuynh hướng xếp tha thứ vào phạm trù tĩnh hơn phạm trù động, thuộc sinh hoạt trí óc hơn việc làm của bàn tay đời thường. Vì thế mà ta vẫn thường phải nghe: “Tha mà không quên, tha nhưng để đó, tha thì tha vậy thôi”. “Tha mà không quên” là tha mà chưa thả, tha mà vẫn ghim đó, tha nhưng còn giữ tẩy, cầm trịch, nắm chắc đàng chuôi. “Tha nhưng để đó” là tha nhưng vẫn giữ ai đó làm con tin, tha nhưng còn tạm giam, kiểm soát, theo dõi, định kỳ trình diện. “Tha thì tha vậy thôi” tức chưa thôi tức tối, chưa thôi căm giận, chưa thôi nặng lòng. Tha thứ biến thành một tư tưởng thuần tư tưởng, ý nghĩ thuần ý nghĩ không ra được khỏi đầu để chạy xuống tim biến thành công việc của chân tay, thân thể. Vẫn biết: đầu điều khiển, quyết định, nhưng cứ giữ mãi trong đầu, chỉ ở trong đầu thì tha thứ sẽ mãi trừu tượng, vô hình, vô tướng để rồi biến thành một loại tha thứ vô tâm, vô cảm.
Nhiều khi ta đã vô tình giản lược tha thứ vào một ý niệm, một hình ảnh không hồn, không sự sống, không ăn nhậu gì đến da thịt, hoàn cảnh của con người thực, đang sống, khi thứ tha bị nhốt trong những lồng kín “trí khôn, tri thức” mà không được nhập thế vào đời, nhập thể vào chính con người đối tượng của thứ tha. Tha thứ lúc đó sẽ lơ lửng, mơ hồ và mau chóng tan như bọt xà phòng, vì tạm bợ như “Tha mà không quên”, nhất thời như “Tha nhưng để đó”, bất nhất như “Tha thì tha vậy thôi”. Tha thứ trong những trường hợp này đã bị biến thành một tấm biểu ngữ của lòng thương xót, tờ rơi quảng cáo cho một kế hoạch có giai đoạn, phấn son trên mặt chú hề đang làm ảo thuật đánh lạc hướng khán giả.
Không phải ngẫu nhiên, ngẫu hứng mà Đức Kitô đã nhấn mạnh việc “bỏ của lễ đã sẵn sàng ở đó mà đi về hoà giải với người anh em” (Mt 5,24), nếu tha thứ khơi khơi, kiểu tha không thả vừa kể được Ngài chấp nhận. Chắc chắn những kiểu tha “thả nổi, tà tà, tha như không tha” đã không thành sự trong ý muốn của Đức Kitô, nên Ngài mới đặt vấn đề “đi về hòa giải” để tha thứ trở thành tha thứ thật, tha thứ tận đáy lòng, tha thứ “tận củ tỷ, nguyên con”, tha thứ như hành động quyết liệt, cấp bách của bác ái.
Đòi hành động Hoà Giải đi kèm tha thứ, Đức Kitô muốn tha thứ của trí phải đáp xuống cuộc đời, nhào vào đời người, đến với con người sống động qua việc làm cụ thể, thực tế. Tha thứ lúc đó sẽ được hoà giải dẫn đến điểm hẹn gặp gỡ, cảm thông, yêu thương, chia sẻ là hoa trái của thứ tha đích thực.
Trên Thánh Giá, Đức Kitô đã không chỉ ậm ừ tha thứ, nhưng ngoái cổ nhìn, gắng gượng nói, lấy hết sức bình sinh cầu nguyện thành lời. Cử chỉ gắng gượng “nói với”, rướn mắt ngước nhìn, gồng mình nguyện xin là hành động gặp gỡ, tìm đến đối tượng hoà giải. Tha thứ của Đức Kitô không tĩnh, nhưng động; không chỉ là tư tưởng, ý nghĩ nhưng là việc làm, hành động; không im lặng, lạnh lùng nhưng mở lời nồng nhiệt; không ỡm ờ, cho qua chuyện nhưng xuất phát tận trái tim vào tận đời sống. Tha thứ của Đức Kitô trên Thánh Giá là ánh mắt hoà giải, môi miệng hoà giải, chân tay hoà giải, toàn thân con người hoà giải. Hình ảnh người cha nhân từ chạy ra đầu ngõ, mắt rưng lệ, hai tay ôm choàng lấy con, miệng líu lo mừng con trở về và hân hoan bảo gia nhân dọn tiệc là hình ảnh hoà giải của tha thứ. Ông đã tha cho cậu, nhưng không tha để đó, không tha rồi ngồi “ủ sụ một đống tối sầm”, hay tha nhưng còn giận, tha nhưng đòi con phải lý giải, tường trình, thú tội công khai, trịnh trọng xin lỗi. Người cha trong Tin Mừng đã hoà giải cùng nhịp với tha thứ; đã hành động hoà giải cùng ý nghĩ thứ tha; đã hiện thực hoá quyết định thứ tha bằng đôi chân, vòng tay hoà giải. Ông đã thực hiện đúng nguyên tắc, tiến trình của thứ tha như Đức Kitô muốn: tha thứ và đồng thời đi hoà giải với anh em.
Thứ tha có hoà giải như thế sẽ không còn là thứ tha suông, thứ tha lấy lệ, thứ tha kiểu tạm tha, nhưng thứ tha có hoà giải sẽ là thứ tha đích thực, thứ tha thánh thiện, thứ tha của tình yêu thương xót, đồng thời cũng là thứ tha khó, thứ tha rướm máu, thứ tha đòi hy sinh; vì người ta sẽ không còn thứ tha nhau mà vẫn nhà ai nấy ở dù là hàng xóm láng giềng kề cận; tha thứ mà thề với lòng chẳng bao giờ thèm ghé thăm, chung vui, chia buồn; sẽ không còn tha thứ cho nhau mà “cạch mặt” nhau muôn kiếp để không còn “tay bắt mặt mừng” từ năm này sang năm khác; sẽ không còn kiểu tha thứ mà được dịp là chơi xấu, châm chích, xiên xỏ; không còn tha thứ mà hở ra là đo ván, giễu cợt, hạ uy tín nhau; không còn tha thứ mà thề nguyền “tru di tam tộc”, cấm con cháu lai vãng, đi lại; không còn tha thứ mà chỉ mặt, gọi tên nhau là “đồ này, đồ kia, thằng kia, con nọ” khi cần; không còn tha thứ kiểu “đầu môi chót lưỡi” mà lòng chất sẵn “một bồ dao găm”; không còn tha thứ mà áp chế nhau phải “tâm phục khẩu phục”, khấu đầu tạ tội; không còn tha thứ mà chờ sẵn, “căn me”, đợi sơ hở để té tát, bôi nhọ; không còn tha thứ mà “vui khi người gặp nạn, buồn khi người gặp may”. Trái lại, hoà giải sẽ là bước chân của tha thứ cho “người gặp lại người, người thương lại người, vì người đã vì người thứ tha”; hoà giải sẽ là bàn tay xiết chặt của thứ tha cho đôi bờ được nối lại, đôi ngả tìm về nhau, đôi giòng chảy ra biển lớn; hoà giải sẽ là dấu ấn, chứng nhận của giao ước thứ tha và nhờ bàn tay, đôi chân, dấu ấn Hòa Giải mà thứ tha sống thực trong tim người, có thực trong đời người, hiện thực trong cuộc đời. Hoà giải cho thứ tha chỗ đứng, chỗ ngồi trong nhà người khác. Hoà giải cho thứ tha nảy mầm, nở hoa trên ruộng đời người khác. Hoà giải cho thứ tha sức mạnh lên đường với người khác. Hoà giải cho thứ tha niềm vui cảm thông, chia sẻ với người khác. Hoà giải cho thứ tha sáng kiến xây dựng đời người khác. Hoà giải cho thứ tha bình an để tin tưởng, cộng tác với người khác và Hoà giải đem chính Chúa là tình yêu thứ tha vào trong mọi cuộc đời.
Bài học quan trọng và căn bản các tông đồ đã học từ Thánh Giá Đức Kitô, chính là Thứ Tha - Hoà Giải. Bài học được thông suốt nằm lòng kể từ lúc Đức Kitô phục sinh hiện đến ban bình an cho các ông, bình an của thứ tha, bình an của hoà giải khi tỏ cho các ông thấy dấu đinh và lưỡi đòng như dấu ấn của tình yêu. Bài học ấy được triệt để áp dụng sau đó trong suốt đời tông đồ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống ban sức mạnh, để đến phút cuối cuộc đời dưới gông cùm, gươm đao, các ông vẫn bình an với duy nhất một niềm vui thứ tha, hoà giải. Thánh Giá đã dạy các ông bài học nên thánh, nên thánh như Thiên Chúa cực thánh trong lòng xót thương thứ tha, hoà giải của Ngài. Chỉ với bài học này, Giáo Hội đã bền vững và mãi mãi vững bền, vì không có gì bền vững hơn lòng thứ tha và tinh thần hoà giải trong cuộc sống nhân gian này.