Mỗi lần về thăm quê hương, tôi lại
theo gia đình, bạn bè đi hành hương Đức Mẹ La Vang thuộc giáo phận Huế, Đức Mẹ
Tà Pao, Phan Thiết, Đức Mẹ Núi Cúi, Xuân Lộc, và Đền Các Thánh Tử Đạo, Hải
Dương. Đến đâu, tôi cũng nức lòng trước lòng thành tín sốt sắng
của đám đông hành hương gồm tín hữu công giáo cũng như tín đồ các tôn
giáo bạn, cả những anh em vô thần kín đáo, ẩn danh. Và ở đâu, hình ảnh đám đông
từ khắp nơi tuốn đến gặp Đức Giêsu trong tin mừng Mátthêu cũng trở lại trong
tim óc và “làm tôi hớn hở, vui mừng trong
Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi” (Lc 1,47), như
tâm tình dạt dào hạnh phúc của Đức Maria trong bài ca Ngợi Khen, Magnificat khi
Đức Mẹ đến thăm bà chị họ Êlisabét (x. Lc 1,39-56).
Tin Mừng Mátthêu thuật lại :
“Thế rồi,
Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dậy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng
Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn, tật nguyền trong dân. Danh tiếng Người
đồn ra khắp xứ Xyri. Thiên hạ đem đến
cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền : những kẻ bị quỷ
ám, kinh phong, bại liệt ; và Người đã chữa họ. Từ miền Galilê, vùng Thập
Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan, dân chúng lũ lượt
kéo đến đi theo Người” (Mt 4,23-25).
Ngắm
nhìn anh em từ khắp miền đất nước tuốn đến hành hương, cầu nguyện, tôi thấy đám
đông dân chúng kéo đến găp Đức Giêsu ngày xưa ở Galilê cũng không khác đám đông
đồng bào lương giáo rủ nhau đi tìm Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, Đức Maria, Mẹ rất thánh của Ngài, các thánh Tử
Đạo cha ông, những chứng nhân Đức Tin hào
hùng, và gương mẫu Đức Ái qủa cảm.
1 . Hành
Hương đi tìm :
Phần đông những người đến hành hương đều là
những người đi tìm. Sở dĩ đi tìm, vì trên hành trình cuộc đời, họ đã
tìm nhưng chưa gặp, hoặc đã gặp nhiều, nhưng không là Đấng họ mong ngóng, trông đợi :
a. Họ
cần tìm một Đấng đáng tin, Đấng không lừa dối, gạt gẫm, bịp bợm ; Đấng
không ép họ uống “buà mê thuốc lú”, Đấng không
ngôn hành bất nhất, không lợi dụng lòng thành, tính đơn sơ, hồn nhiên, chất
phác và hoàn cảnh khó khăn, ngặt nghèo, bế tắc của họ để làm tiền, và biến họ thành “con
tin” suốt đời lệ thuộc một thế lực thần linh
làm sợ hãi.
b. Họ
cần tìm một Đấng quyền năng nhưng nhân hậu, uy lực nhưng đầy lòng thương xót,
thấu suốt mọi sự nhưng rộng lượng bao dung, nói tắt là thương họ, vì đời người
nào xem ra cũng ít nhiều bị bầm dâp bởi bạo lực, và là nạn nhân của bất trung, bất nhân, bất nghiã.
c. Họ
cần tìm một Đấng có trái tim người mẹ để được ủi an, vỗ về ; có tình
thương của người cha để vực dậy, nâng đỡ,
có tình yêu của mục tử sẵn lòng hiến mạng sống vì sự sống và hạnh phúc của đàn chiên, bởi đời họ ngổn
ngang trăm nỗi sầu tủi, thương đau, nhục
nhằn.
d. Họ
cần tìm một lẽ sống, một lý do cho đời sống
hướng đi, ý nghiã, giá trị, vì bấy
lâu phần đông trong họ đã sống mà không biết tại sao sống, sống để làm gì, chết
rồi đi đâu, về đâu , nhất là tại sao phải sống để rồi phải chết ? Không ai
đã trả lời thoả đáng những vấn nạn ngày đêm dằn vặt, thiêu đốt tâm can này. Vì
thế, họ đi tìm Đấng có quyền ban cho họ niềm vui sống, hạnh phúc sống, mặc dù
cuộc sống không luôn đẹp như mơ, không luôn hiền như biển lặng.
e. Họ
cần tìm một Đấng Cứu Độ đích thực, để không chỉ cứu họ khỏi đau ốm, tật nguyền,
khỏi khó khăn gia đình, bế tắc kinh tế, trắc trở tương quan, mà còn chữa lành những căn bệnh
thiêng liêng, tinh thần, nội tâm mà chỉ họ và Đấng ấy biết.
Do đó, khi đến linh địa, người hành hương không chỉ đến cốt để
xin ơn này ơn nọ, khấn vái nhu cầu này nhu cầu kia, rồi khi được ơn, và nhu cầu
tọai nguyện thì hí hửng tạ ơn, cúng tiền, nhưng khi phải tay trắng trở về thì
lòng buồn rười rượi, khó chịu, bực bội, than trách.
Có nhiều quan điểm chống lại việc xì xụp
khấn vái xin ơn ở những nơi hành hương, vì cho rằng người ta đã quên bổn phận
quan trọng nhất của người tín hữu là thờ phượng, ngợi khen và sẵn sàng đón nhận
thánh ý Thiên Chúa, nghiã là không để việc xin ơn cho mình làm lu mờ việc thờ
phượng Chúa và đón nhận thánh giá Chúa trao.
Thực ra, khi đặt vấn đề này, chúng ta đừng
quên đám đông ngày xưa đã kéo đến với Đức Giêsu trước hết vì họ đã được nghe
danh tiếng của Ngài qua người này người nọ. Danh tiếng ấy là Người “đã chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn, tật nguyền trong
dân (Mt 4,23), và họ đã đem đến cho Người
mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền : những kẻ bị quỷ
ám, kinh phong, bại liệt” (Mt 4,24). Và Tin
Mừng khẳng định : “Người đã chữa họ” (Mt 4,24).
Như thế, Đức Giêsu đã vui lòng đón nhận đám
đông đến với Ngài với tất cả bệnh hoạn, tật nguyền của thân thể. Bằng chứng là
Ngài đã làm phép lạ chữa họ, bởi Ngài biết
và thấy họ đến với Ngài với cây thánh giá sần sùi nặng trĩu trên vai họ và trên hành trình thánh giá với “thánh giá cuộc đời”
đủ loại, đủ cỡ, với sức nặng của đau đớn thân xác, khổ đau tâm hồn, của đói
rét, nợ nần, mặc cảm, bị đời đàn áp, vu khống, tẩy chay, xử tệ, bỏ rơi, bắt nạt, ăn hiếp, kết án oan uổng. Họ đến với Chúa với thánh giá có sẵn trên vai,
nặng trĩu trong hồn, chứ không thảnh thơi, ngon lành, vô can như khách du lịch.
Với đôi mắt của Thiên Chúa đầy lòng xót
thương, Đức Giêsu nhìn thấy thánh giá của mỗi người đến với Ngài trên đường
hành hương ; Đức Mẹ cảm được sức nặng thánh giá trên vai mỗi người hành
hương, vì Mẹ đã từng vác ; các thánh Tử Đạo hiểu được nỗi lo sợ và yếu đuối
của phận người bé bỏng, mong manh trong gian truân, thử thách, nên chúng ta
không cần phân loại anh chị em đến hành hương thuộc loại nào, đội ngũ nào, khi
tự cho mình quyền phân biệt ai đến để chỉ xin ơn và ai đến để thờ phượng. Thiết tưởng việc đó không
thuộc quyền của chúng ta, vì đôi mắt của chúng ta thường thiển cận khi phán xét
anh em. Đàng khác, chúng ta cũng phải học với thánh tông đồ Philípphê tinh thần cởi mở , hồn nhiên, và trân trọng người khác trong truyền giáo khi
trả lời ông Na -tha- na -en : “Cứ đến
mà xem !” (Ga 1,46), khi ông này muốn
biết Đức Giêsu là ai.
2. Hành Hương đi học :
Ngay sau đọan Tin Mừng chúng ta vừa chia sẻ
, thánh Mátthêu viết tiếp: “Thấy đám
đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng
dậy họ rằng : “Phúc thay ai có tâm hồn
nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa
làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. Phúc thay
ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. Phúc
thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Phúc thay ai có
tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chuá. Phúc thay ai xây dựng
hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống
công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta
sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần
thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”
(Mt 5,1-12).
Tin Mừng kể rất rõ : Đức Giêsu “mở miệng dậy
họ” (Mt 5, 2), nghiã là đám đông không
chỉ đến tìm Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, để
được Ngài chữa lành những vết thương trên thân thể và trong tâm hồn, mà còn đến
để học với Ngài, để nghe Ngài chỉ bảo “đường ngay nẻo chính”,
hướng dẫn vào cuộc sống hạnh phúc, bình an.
Đức Giêsu đã dậy đám đông đi theo Ngài con
đường hạnh phúc thật, khi đám đông bất hạnh vì đói ăn, thiếu mặc ; vì sầu
buồn, khóc lóc ; vì “mất số, mất cửa »,
có khi mất cả mạng sống do hăng say tranh đấu cho công lý, hoà bình ; vì bị
vu khống, mạ lị, tẩy chay, bách hại khi xả thân loan báo Tin Mừng Nước Thiên
Chúa. Trước mặt Ngài hôm đó là đám đông gồm những con người đau khổ, và Ngài đã
chạnh lòng thương họ. Ngài thương cuộc sống lầm than, lam lũ, vất vả của họ và
dậy họ Hiến Chương Nước Trời, khi mở ra cho những con người buồn nhiều hơn vui
này hạnh phúc Thiên Chúa dành cho họ.
Học với Đức Giêsu khi đi hành hương là học
khiêm nhường, hiền lành ; học nghèo khó, trong sạch ; học công bình,
xót thương ; học hy sinh, hiến mình ; học nhẫn nhịn, chịu đựng; học quả
cảm, kiên cường, nhất là học vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh,
tình huống, bởi mục đích của việc học là để mỗi ngày trở nên “đồng hình đồng dạng”
với Đức Giêsu hơn, nên một với Thiên
Chúa trong mọi sự như Đức Giêsu đã dậy :
“Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em
trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Vâng, đời
người Kitô hữu là cuộc hành hương dài, vất
vả. Trên đường hành hương này, chúng ta đi tìm gặp Thiên Chúa trong tâm hồn,
nơi anh em, giữa lòng Giáo Hội, qua các biến cố, và ở những nơi Ngài chọn để tỏ
lòng thương xót của Ngài.
Và
ở bất cứ cây số nào trên đường hành hương, Đức Giêsu đều hiện diện để làm nhẹ gánh
nặng cuộc đời chúng ta như lời Ngài hứa :
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng
nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng… Vì ách tôi êm ái, và
gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,28. 30).
Bên cạnh Đức Giêsu có Đức Maria, Mẹ Thiên
Chúa và Mẹ chúng ta. Mẹ sẽ dậy chúng ta điều cần thiết, đó là “Người bảo gì, thì anh em cứ việc làm theo” (Ga 2,5) : làm theo ý Đức Giêsu, như Đức
Giêsu chỉ dậy.
Sau cùng, chúng ta có các Thánh , là
Bạn và Chứng Nhân của Đức Giêsu luôn đồng hành để nâng đỡ, khuyến khích bằng “cầu thay nguyện giúp”,
và làm chứng Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ
giầu lòng xót thương đã hiến mạng sống để tất cả nhân loại chúng ta được
“sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Với tinh thần hành hương đi tìm Chúa và học
với Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng cuồng tín hoặc mê tín,
nhưng sẽ từng bước hành hương với Đức Tin của Hội Thánh, và cùng anh em đến gặp
Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ giầu lòng thương xót.
Jorathe Nắng
Tím