ĐỨC GIÊSU VÀ ĂN UỐNG
Không
vị giáo chủ nào, cũng không thiên chúa nào lại bị người đời trách móc về chuyện
ăn uống như Đức Giêsu. Cả ba Tin Mừng Mátthêu 9,10-13, Máccô 2,15-17 và Luca 5,
29-32 đều tường thuật về chuyện Ngài bị những người Pharisiêu phê bình, “sửa lưng” vì chung bàn với người tội lỗi :
“Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một
người tên là Mátthêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người. Khi Đức Giêsu
đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn
với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người
rằng : “Sao
Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy ?” Nghe thấy thế, Đức Giêsu nói : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người
đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này : Ta muốn lòng nhân
chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi
người tội lỗi”
(Mt 9,9-13).
Qủa thực, có nhiều tôn
giáo cũng tôn thờ Thiên Chúa, nhưng những thiên chúa ấy không “làm người”, như Đức Giêsu, Thiên Chúa của Kitô giáo,
nên không có chuyện thiên chúa chung bàn, dùng bữa với phàm nhân, nói chi đến chuyện “ăn uống với quân tội lỗi” như người Pharisêu đã lên tiếng trách móc
Đức Giêsu trong Tin Mừng.
Nhưng ở
Đức Giêsu, “Thiên
Chúa làm người”,
chúng ta thấy Ngài đã có nhu cầu ăn uống của con người, ăn uống như loài người,
ăn uống với mọi người, và chuyện ăn uống đã chiếm một chỗ quan trọng trong suốt
năm tháng dong duổi truyền giáo của Ngài.
1. Đức
Giêsu có nhu cầu ăn uống :
Là Thiên Chúa, nhưng không phải thiên chúa vô
hình, thiêng liêng, mà là “Thiên Chúa làm người” có da thịt, vóc dáng, hình hài, có giọng nói, tiếng cười,
có tình cảm buồn vui, thương nhớ, hạnh phúc, cô đơn. Cũng vì là “Thiên Chúa làm người” như con người, Thiên Chúa ấy cũng biết đói,
biết khát và cần ăn uống để sống và làm việc như bất cứ con người nào.
“Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó,
Người thấy đói”
(Mt 4,2). Vì thấy Đức Giêsu đói, nên ma quỷ mới đến gần và cám dỗ Ngài : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền
cho những hòn đá này hoá thành bánh đi !” (Mt 4,3).
Trên thánh giá, Đức Giêsu thì thào “Tôi khát !”. Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy
miếng bọt biển thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng
Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói : “Thế là đã hoàn tất !” “Rồi Người gục đầu xuống và trút linh hồn” (Ga 19,28-30).
2. Đức
Giêsu thương những người đói khát, thiếu thốn lương thực hằng ngày và lo cho họ
ăn uống :
Kinh
nghiệm đói khát của những người ở tù, hay đi lạc trong rừng lâu ngày làm chúng
ta nổi da gà khi nghe kể. Nhưng còn khủng khiếp, rợn rùng hơn khi nghe những người vượt biên sống sót kể cơn đói khát,
khi tầu gẫy bánh lái, hết dầu, giạt trôi vào hoang đảo chỉ có cát, mà không có
bất cứ thứ gì có thể nhai, hay uống được. Và họ đã phải ăn thịt nhau : người sống
ăn thịt người đã chết để sống còn.
Hơn ai hết, Đức Giêsu hiểu cái khổ của đói,
biết cái đau của khát, và trong đau khổ
của đói khát luôn kèm theo cái tủi nhục của người nghèo, thiếu ăn, nên Ngài rất
thương những ai lâm cảnh đói khát :
“Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo
dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê : “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây ?” (Ga 6,5). Câu hỏi đầy quan tâm, ăm ắp
thương yêu đám đông đi theo và nghe Ngài giảng dạy đang đói khát dưới cái nắng
thiêu đốt, cháy bỏng.
Tin Mừng Mátthêu và Máccô ghi lại đầy đủ lòng
cảm thương của Đức Giêsu trước đám đông đang đói khát : Đức Giêsu gọi các
môn đệ lại mà nói : “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở với Thầy đã
ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, sợ rằng họ bị xỉu
dọc đường”
(Mt 15,32 ; Mc 8,1-4).
Và với năm chiếc bánh, hai con cá, Đức Giêsu đã
hoá bánh ra nhiều cho cả đám đông ăn no nê, còn dư mười hai thúng đầy. Số người
ăn có đến năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà, trẻ em (x. Ga 6,9-14).
Trong Hiến Chương Nước
Trời, Đức Giêsu đặt người nghèo khó lên hàng đầu và công bố Nước Trời là của họ
(Mt 5,1). Hơn nữa, Ngài còn tự đồng hoá
mình với người đói khát khi nói với kẻ dữ : “Vì xưa Ta đói, ngươi đã không cho ăn, Ta
khát, ngươi đã không cho cho uống”, và với người lành : “Vì xưa Ta đói, ngươi đã cho ăn, Ta khát,
ngươi đã cho uống”,
bởi “mỗi
lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là
các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”, và “mỗi lần các ngươi không làm như thế cho
một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 42.35.40.45).
Thực vậy, Đức Giêsu biểu
lộ tình thương đặc biệt với những người đói khát, thiếu ăn, thiếu uống, nên đến
đâu Ngài cũng quan tâm đến chuyện ăn uống của người thân và những ai chung
quanh Ngài, như khi hiện ra với các môn đệ bên bờ hồ Tibêria sau khi sống lại. Ngài
nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” (Ga 21, 5), vì biết các ông đang đói, bởi
các ông đã thả lưới suốt đêm, mà không bắt đuợc con cá nào (x. Ga 21,3). Rồi “Ngài bảo các ông : Cứ thả lưới xuống
bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá. Các ông thả lưới xuống, nhưng không
sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (Ga 21,6) … “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn
than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây ! Ông
Simôn Phêrô lên bờ rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm
năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà không bị rách. Đức Giêsu nói : Anh em
đến mà ăn !”
Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?, vì các ông biết rằng đó là Chúa” (Ga 21, 9-12).
Đọc kỹ trình thuật, chúng
ta thấy không những Đức Giêsu quan tâm đến chuyện đói của các môn đệ khi bảo các
ông thả lưới bên phải mạn thuyền, mà còn đích thân dọn sẵn trên bờ bánh và than
để nướng cá. Thật không còn gì ân cần và yêu thương hơn !
3. Đức Giêsu ăn uống với mọi người, không từ
chối đồng bàn với ai để tỏ lòng trân trọng, và thương xót:
Những người Pharisêu trách
Đức Giêsu là đúng, bởi không ai có thể tin được một Ngôn Sứ cao cả như Ngài lại
đến ăn uống với bọn thu thuế gian tham, bóc lột, đồng bàn với đám tội lỗi nhiều
tai tiếng, như đã đến nhà ông Lêvi (x. Lc 5,27 -32), rồi Dakêu là trưởng phòng
thuế vụ, người bị mang tiếng làm giầu bằng tham ô, hối lộ (x. Lc 19,
1-10) ; Ngài còn ăn uống ở nhà ông Simôn Cùi ở làng Bêtania và để người phụ
nữ xức dầu thơm (x.Mt 26,6-13), hoặc ở tiệc cưới làng Cana, ở đó ngài đã làm phép
lạ cho nước hoá thành rượu ngon (x. Ga 2,1-11).
Qủa thực, Đức Giêsu đã bị những người đương
thời với Ngài kịch liệt chống đối nhiều chuyện, trong đó có chuyện ăn uống, đến
nỗi chính Ngài phải thốt lên :
“Tôi phải ví thế hệ này với ai ? Họ giống như lũ
trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói : Tụi tôi thổi sáo cho các anh,
mà các anh không nhảy múa ; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm
ngực khóc than”.
Thật vậy, ông Gioan đến không ăn, không uống, thì thiên hạ bảo : “Ông ta bị quỷ ám”. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như
ai, thì thiên hạ lại bảo : “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường
tội lỗi”
(Mt 11,16-19).
Nhưng họ
đã trách Đức Giêsu cách bất công vì không biết Ngài muốn gì, tìm gì khi ăn uống
với mọi người, kể cả những người bị xã hội tẩy chay, cô lập, lên án.
Ăn uống với mọi người, Đức Giêsu muốn ở giữa chúng
ta, như chủ chiên ở giữa đoàn chiên, như chủ chiên biết rõ từng con chiên và mang
lấy mùi của chúng, vì Ngài là Mục Tử nhân lành, “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 14-15), “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Ăn uống
với mọi người, Đức Giêsu muốn có mặt trong mọi cảnh huống của con người, để
chia sẻ tâm sự buồn thương, nâng đỡ yếu đuối, thất vọng và ủi an, ban niềm hy vọng
như đã ở lại dùng bữa tối với hai môn đệ trên đường Emmau khi “trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (x. Lc 24,28-31)
Ăn uống với người tội lỗi, Ngài muốn lòng nhân
từ, bao dung, thương xót, vì Ngài “đến không để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi
người tội lỗi » (Mt 9,13) ; Ngài đến đồng bàn với tội nhân để mang đến
ơn Cứu Độ, “vì
Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).
Ăn uống với mọi người, Đức Giêsu muốn có mặt để
giải quyết những bế tắc, cho niềm vui của mọi người được tron vẹn, và hạnh phúc
được nhân rộng, đồng thời tỏ cho mọi người chính Ngài mới thực là Đấng bảo đảm
cho niềm vui được bền vững, bất diệt như ở tiệc cưới làng Cana, ở đó Ngài đã cứu
đôi tân hôn, và hai họ khỏi “mất mặt” vì hết rượu giữa tiệc (x. Lc 2,1-11).
4. Đức
Giêsu nhận mình là lương thực đời đời để không ai phải đói khát :
Thương
xót người đói khát, Đức Giêsu nhận mình là lương thực để không ai phải đói khát :
“Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi,
hãy đến mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn
chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7,37-38) ; cũng như với người đàn bà xứ
Samaria, Đức Giêsu đã cho chị biết : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và
ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và
người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”, vì “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ
khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại
sự sống đời đời”
(Ga 4,10.14).
Là nước hằng sống cho đời khỏi khát, Đức
Giêsu còn qủa quyết : “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không
hề phải đói”
(Ga 6,35), “Tôi
là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
5. Mầu
Nhiệm Thánh Thể : Thiên Chúa trở thành Của Ăn, Của Uống và ở lại với nhân
loại cho đến tận thế :
Câu chuyện ăn uống, và trở nên lương thực đời
đời cho mọi người của Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” đã không dừng lại ở cuộc tranh luận sôi
nổi giữa người Do Thái với nhau quanh đề tài : Làm sao ông này có thể cho
chúng ta ăn thịt, và uống máu ông ta được ?
Qủa thực không gì sốc bằng chuyện ăn thịt người
và uống máu người. Man rợ và kinh tởm qúa ! Thế mà Đức Giêsu lại khẳng định :
“Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống
muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là
của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại
trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,54-56). Cũng vì qúa sốc mà các môn
đệ của Người liền nói : “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ?” (Ga 6,60).
Và đúng như lời Ngài nói, trước khi lên Giêrusalem
dịp lễ Vượt Qua để đi vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đã đi đến cùng chương trình yêu
thương, và cứu độ của Ngài bằng một sáng kiến cực kỳ độc đáo, mà loài người không
thể nghĩ ra, cũng chẳng hiểu nổi.
“Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào bàn cùng với các Tông Đồ.
Người nói với các ông : Thầy khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh
em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao
giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên tron vẹn trong Nước Thiên
Chúa”
(Lc 22,14-16).
“Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao
cho các ông và nói : Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm
việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy
và nói : “Chén
này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20).
Thật bất ngờ trong bữa ăn
cuối cùng trước khi lên đường đi chịu chết, Đức Giêsu đã chọn bánh, rượu là lương
thực quen thuộc hằng ngày nuôi thân xác con người để làm thành chính máu thịt mình
hầu nuôi sống linh hồn mọi người. Qua sáng kiến vô cùng kỳ diệu của bí tích Thánh
Thể, Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta :
a. Linh hồn cũng đói khát và cần được ăn, uống
để sống như thân xác.
b. Nếu bánh, rựợu, và các lương thực vật chất
khác nuôi được thân xác, thì chỉ Thịt và Máu Thiên Chúa mới nuôi được linh hồn
con người như Đức Giêsu đã tuyên bố : “Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông
đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để
ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuốngt. Ai ăn bánh này
sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho
thế gian được sống” (Ga 6,48-51).
c. “Thiên Chúa làm người” vì yêu thương con người đến cùng sẽ ở lại
với con người cho đến tận thế một cách sống động, thiết thực bằng trở nên Thịt
và Máu trong bánh, rượu được linh mục truyền phép trong thánh lễ.
Qủa thực, đã không có thiên chúa của bất cứ
tôn giáo nào đã yêu con người, gần con người, hiểu con người, sống như con người,
tự nguyện trở nên giống con người trong mọi sự, trừ tội lỗi, như Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta”.
Vì làm người như con người, có nhu cầu của
con người như mọi người, mà Đức Giêsu đã ăn uống như mọi người, hiểu giá trị của
lương thực, tính gần gũi, quen thuộc, cần thiết của ăn uống. Ngài biết rất rõ :
thiếu ăn, thiếu uống, con người không thể tồn tại, và người đói khát là người bất
hạnh, đáng thương nhất, vì không hình phạt nào dã man, phi nhân, làm con người đau
đớn, dễ mất nhân cách hơn là bắt phải đói khát. Vì thế, Ngài luôn tỏ ra thương
người đói khát và quan tâm đặc biệt đến chuyện ăn uống, lương thực cho các môn đệ
và đám đông đi theo Ngài.
Vì “làm người” như chúng ta, Đức Giêsu Thiên Chúa đã trở
nên nhịp cầu trung gian giữa Thiên Chúa
và con người, gạch nối giữa con người và Thiên Chúa, điểm gặp của thế gian và
thiên đàng. Do đó, chỉ mình Ngài mới có thể biến bánh rượu là lương thực trần
gian để nuôi thân xác thành Thịt Máu của
Thiên Chúa, bánh các thiên thần, lương
thực thần linh để nuôi sống linh hồn; chỉ mình Ngài là “Thiên Chúa làm người” muốn con người được sống sự sống của
Thiên Chúa mới làm cho lương thực của thế giới này thành lương thực từ Trời, của
ăn bình thường do con người làm ra để nuôi xác biến thành của ăn thiêng liêng được
ban bởi Thiên Chúa để nuôi hồn; chỉ mình Ngài là “Thiên Chúa làm người” gần gũi con người mới làm cho bánh, rượu
trên bàn ăn mỗi ngày của phàm nhân thành Thịt Máu của Thiên Chúa trên bàn ăn đời
đời ; chỉ mình Ngài là “Thiên Chúa làm người” giầu lòng thương xót đã yêu thương và chung bàn với mọi người, kể cả tội nhân với những
tội tầy đình mới làm cho của ăn vật chất hay hư nát biến thành Lương Thực thần
linh ban ơn cứu độ, “cải tử hoàn sinh” ; chỉ mình Ngài là “Thiên Chúa làm người” từ bi, nhân hậu mới có thể trở thành Thịt
Máu ban sự sống đời đời cho con người qua tấm bánh, ly rượu ; và chỉ mình
Ngài, Đức Giêsu, “Thiên
Chúa làm người”
mới ăn thức ăn của con người, uống đồ uống của con người để con người được ăn thịt
Thiên Chúa, uống máu Thiên Chúa, hầu được sống chính sự sống của Thiên Chúa, như
thánh Phaolô đã viết : “Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Đức Kitô
sống trong tôi”
(Gl 2,20).
Như thế, câu chuyện ăn uống của Đức Giêsu không
còn là chuyện nhỏ, nhưng đã trở thành chuyện lớn trong “mầu nhiệm nhập thế, nhập thể” của Ngài, bởi Ngài đã không chỉ cho nhu
cầu “ăn
uống”
của con người ý nghiã, và giá trị nhân bản, mà còn cho nó ý nghiã và giá trị
thiêng liêng, thần diệu, khi dùng chính lương thực hằng ngày, rất quen thuộc của
con người để lập bí tích Thánh Thể, ở đó bánh rượu được làm ra do lao công của
con người được biến thành Thịt Máu của Thiên
Chúa.
Thực vậy, nhờ có “Thiên Chúa làm người” đã ăn uống, nên chuyện ăn uống không còn
bị coi là phàm phu, tầm thường, nhưng là chuyện quan trọng của con người, chuyện
liên quan đến Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nhu cầu ăn uống,
và Ngài đã ăn uống với con người, và cho con người được ăn uống chính Máu Thịt Ngài, như thần lương ban sự sống và hạnh phúc đời đời .
Và từ bữa Tiệc Ly của tối thứ Năm tuần thánh năm ấy,
chuyện ăn uống đã trở thành thiêng liêng, mầu nhiệm trong bí tích Thánh Thể,
khi Đức Giêsu Thiên Chúa đã chọn bánh rượu là lương thực cần thiết, quen thuộc,
và gần gũi con người để chính Ngài là Thiên Chúa được tiếp tục ở lại với con người
cho đến tận thế, như Lương Thực Thiêng Liêng cần thiết, gần gũi, thân quen để
linh hồn mỗi người được sống chính sự sống của Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” trong hạnh phúc đời đời của Ba Ngôi Thiên
Chúa.
Jorathe
Nắng Tím