Pages - Menu

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2019

VĂN BẰNG THƯƠNG XÓT


     Có đi xin việc làm mới thấy cái khổ và nỗi lo của ứng viên. Khổ đủ kiểu, lo đủ thứ. Lo hồ sơ bị từ chối ngay “vòng giữ xe”, sợ chứng chỉ, bằng cấp không đạt chuẩn thâu nhận; lo trang phục không bắt mắt, sợ rơi vào người phỏng vấn nghiêm khắc, khó tính, hay trúng phải câu hỏi hóc búa, không biết đường trả lời; lo lời ăn tiếng nói không duyên dáng, mặn mà, thuyết phục, sợ mất tinh thần trả lời “trậc giuộc” câu hỏi; lo bị hạch hỏi linh tinh, sợ giây phút phải nghe hai chữ “rất tiếc” chua chát hay bốn chữ xã giao, an ủi bực mình, vô nghĩa: “sẽ liên lạc sau”.
        Vì việc làm nào cũng đòi khả năng tương xứng, nên công ty, xí nghiệp, giám đốc nhân sự, ông chủ, bà chủ đều muốn biết và trắc nghiệm khả năng của ứng viên. Do đó, bằng cấp trở thành quan trọng, vì dù sao đi nữa, bằng cấp vẫn là tiêu chí, chứng cứ khẳng định mức độ khả năng của một người trong lãnh vực nhất định nào đó. Xí nghiệp cần tuyển nhân viên giao dịch thương mại với nước ngoài tất nhiên sẽ phải tìm người có khả năng sinh ngữ, và trình độ được đòi hỏi sẽ tuỳ theo mức độ quan trọng của công việc. Và bằng cấp được xem như bằng chứng duy nhất lượng giá khả năng ít là buổi đầu, ở khâu tuyển dụng. Tất nhiên ở đây chúng ta loại trừ những trường hơp được “giải quyết đặc biệt” như “con ông cháu cha”, mua chức mua chỗ bằng tiền hoặc bằng rất nhiều tiền. 
Nước thiên đàng trong Mátthêu chương 25 được Đức Giêsu mô tả không khác cảnh tuyển dụng nhân viên, ở đó tất cả mọi người đều phải trình diện trước Thiên Chúa cho cuộc tuyển chọn định mệnh, đi vào quê hương đời đời, phần thưởng vĩnh  cửu. 
Cũng gặp gỡ, phỏng vấn, nhưng khác các cuộc phỏng vấn, gặp gỡ xin việc của con người, Thiên Chúa không cần khả năng nào ngoài khả năng yêu thương , không đòi hỏi kinh nghiệm nào ngoài kinh nghiệm thương xót, không đánh giá thiện chí và năng lực nào ngoài năng lực và thiện chí cảm thương, chạnh lòng trước khổ đau, khốn quẫn của người khác. Thiên Chúa cũng không đặt tiêu chuẩn thu nhận, tuyên dương, khen thưởng trên thành quả hoành tráng bên ngoài, nhưng ở nồng độ yêu thương của trái tim, và khát vọng phục vụ những thân phận bọt bèo, bị quên lãng, bỏ rơi. 
        Hơn thế nữa, Ngài còn tỏ ra không mấy mặn mà trước những bằng cấp, chứng chỉ đủ loại, đủ hạng nhưng chỉ chú tâm đến chứng cứ của những hoạt động xuất phát từ tình yêu thương xót. Ngài càng hờ hững với những thể hiện của quyền lực kiểu thế gian với mục đích khống chế, làm người khác sợ và phải khúm núm phục dịch nhu cầu ích kỷ của riêng mình, mà chỉ chú ý từng việc làm dù rất nhỏ bé và âm thầm được thúc đẩy bởi lòng nhân ái, bao dung. Và bằng cấp Ngài đòi, chứng chỉ Ngài muốn, cũng như kinh nghiệm dầy dạn Ngài cần, đó là tình yêu thương được sống động thực hiện cho người chung quanh cùng sống. 
Cũng chính vì đòi hỏi vào thiên đàng là Bác Ái không được quan tâm và đặt lên hàng đầu, điều kiện vào Nước Trời là Phục Vụ trong yêu thương không được xếp hạng ưu tiên, kinh nghiệm đồng hành và đồng cảm với người nghèo khổ, bệnh tật, yếu đuối không được xem là điểm son làm vui lòng Thiên Chúa, và văn bằng Thương Xót là văn bằng Thiên Chúa đòi mỗi người phải trình khi Ngài trở lại không được nhận ra giá trị đích thực mà chúng ta có thể sẽ lấn cấn ở giờ Chúa đến. 
        Văn bằng Thương Xót ấy chính là giấy nhập cảnh Nước Trời, là thông hành bắt buộc phải có để được nhận vào vương quốc Thiên Chúa. Thương Xót không còn là việc phụ, có cũng được, không có cũng chẳng sao, nhưng là điều kiện quyết định số phận đời đời, mà không ai được phép miễn trừ. 
Quả thực, Đức Giêsu công khai khẳng định Thương Xót là điều kiên duy nhất để được nhận vào hàng ngũ “những người được Thiên Chúa chúc phúc”, “vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,35-36). Và nếu lòng thương xót không có hoặc cạn kiệt trong đời ta, thì tai họa sẽ khủng khiếp vô cùng khi Thiên Chúa thịnh nộ xua đuổi: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41). 
Ước gì tất cả cố gắng, kiến thức và thành quả chúng ta đạt được trong cõi đời được xã hội đánh giá cao sẽ không làm đảo lộn vị thế ưu tiên thứ nhất và vai trò quyết định của khả năng yêu thương; không  hủy bỏ kinh nghiệm bác ái không làm mất giá trị văn bằng Thương Xót, văn bằng mà tất cả kiến thức của thế gian này phải quy hướng về, vì là chìa khoá sẽ mở cho chúng ta Nước Trời như Đức Giêsu đã mặc khải qua Tin Mừng. 

Jorathe Nắng Tím