Suy Niệm TIN MỪNG
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH, Năm C
Khi yêu, người ta không muốn xa nhau, và khi
phải chia lià, cách biệt, hai tâm hồn gắn bó, hai trái tim yêu thương không khỏi
thổn thức tâm sự, bồi hồi nhắn nhủ, và lưu luyến dặn dò nhau cặn kẽ từng chuyện
to nhỏ.
Chết
là chuyến đi xa biền biệt, đi mãi không về, đi sang bên kia thế giới, đi vào vô
tận, vô cùng mà kiếp nhân sinh hữu hạn, có cùng không thể biết, và đến, nên mức
độ thương tiếc, lưu luyến, nhớ nhung càng dữ dội, mãnh liệt, da diết, kinh khủng
hơn. Cũng vì chết là lệnh lên đường hầu như luôn bất ngờ, đột ngột, khó đoán,
khó lường, nhất là không thể trì hoãn, dời đổi giờ định mệnh ấy, nên những gì
muốn trăn trối, trao gửi, nhắn nhủ cho nhau, người ta đều phải chuẩn bị trước, dù
không có gì đáng vui trong việc soạn sẵn di chúc này.
Có
ông giám đốc viết di chúc dặn dò con cháu phải tiếp nối công trình kinh doanh của
gia đình ; có lãnh tụ ra lệnh cho thần dân phải kiên trì thực hiện đề cương, đường
lối ; có đại ca yêu cầu đàn em trả thù, rửa nhục cho mình trong di
chúc viết vội trước giờ lâm chung ; nhiều người công bố việc chia tài sản, nhà
đất ; số khác bàn giao nợ nần chưa thanh toán dứt điểm khi nói lời cáo biệt.
Tắt
một lời, trứơc chuyến đi vào cõi chết, trước giờ vĩnh biệt người thân, người sắp
chết, hoặc người muốn chuẩn bị chu đáo chuyến ra đi vào cõi vĩnh hằng của mình đều mượn lời hay
giòng chữ “di chúc”
để trăn trối cho người thân những điều quan trọng nhất ; trao lại cho người
còn sống những việc hệ trọng ; ký thác cho người mình yêu thương, tin cậy
những tâm sự sâu sắc, thầm kín và chân thực tưởng như chưa bao giờ bộc lộ ;
gửi gắm người còn ở lại những thao thức cháy bỏng tâm can, những ước mơ một đời
ôm ấp, những lý tưởng suốt đời theo đuổi, những đợi chờ đến giờ cũng chưa thành
tựu.
Đức
Giêsu, Thiên Chúa làm người cũng làm những điều con người thường làm trước giờ
chết ; cũng nói lời sau cùng trước chuyến đi vào cõi chết xa xăm, nơi
không ai biết trước hay có kinh nghiệm ; cũng thổn thức, nghẹn ngào căn dặn trước
giờ bị bắt ; cũng xao xuyến giờ chia ly ; cũng ngấn lệ, nghẹn lời trong bữa
tối sau cùng với những người mình yêu thương.
Tin
Mừng Gioan chương 13 cho chúng ta được đi vào khung cảnh của bữa tối ly biệt và
được sống tâm tình di chúc tình yêu của Đức Giêsu gửi trao các môn đệ thân
thương của Ngài trước giờ bước vào cuộc tử nạn.
Trước
hết, Đức Giêsu cho các môn đệ biết giờ chết của Ngài sắp điểm, nhưng giờ
chết ấy không là giờ sụp đổ toàn bộ, hay thất bại tan hoang, kinh hoàng, nhưng
là “Giờ
Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người”
(Ga 13,31).
Đức
Giêsu tự nguyện đi vào sự chết vì biết sự chết là con đường Ngài phải đi qua để
thực hiện trọn vẹn thánh ý Cha Ngài, nên với Ngài chết chính là sống, giờ chết
chính là giờ Ngài được Chúa Cha tôn vinh, khi sứ mệnh cứu thế của Ngài được
hoàn thành trọn vẹn như bài sai đã nhận : “vâng
phục cho đến chết và chết trên thập giá” để hiến mạng sống mình
làm của lễ cứu độ nhân loại (x.Pl 2,8).
Sau
khi cho các môn đệ biết giờ mình sắp lên đường đi chịu chết, Đức Giêsu đã nghẹn
ngào nói với các ông : “Thầy chỉ còn ở với anh
em một ít lâu nữa thôi” (Ga 13,33), và âu yếm căn dặn : “Thầy
ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy thương yêu nhau ; anh em hãy
thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là
môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau”
(Ga 13,34-35).
Khác
với nhiều người, Đức Giêsu đã không chia của chia tiền hay phân phát tài sản vật
chất cho các môn đệ, vì “con cáo có hang, chim trời
có tổ, nhưng Con Người không có cả chỗ tựa đầu”
(Lc 9,58), nên lấy gì mà phân phát, chia, cho ? Ngài cũng không có công
trình, sự nghiệp, chiến lược, kế hoạch nào để ký thác, trăn trối kế thừa, tiếp
nối.
Hoàn
toàn khác với mọi con người, Đức Giêsu đã lấy chính mình làm “di
chúc”,
lấy chính bản tính Thiên Chúa là Tình Yêu của mình làm lời trăn trối, chọn Tình Yêu là
chính Thiên Chúa làm nội dung duy nhất của di chúc đời đời: “Anh
em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
Vì
“Thiên
Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8) nên ai yêu thương, người ấy “đã được
Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa”
(1Ga 4,7-8) ; vì Tình yêu là Thiên Chúa, nên “ai
ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa”
(1Ga 4,16 ) ; vì Tình Yêu là Thiên Chúa, nên người yêu thương bước đi
trong ánh sáng, sự thật (1Ga 3,19), được đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu (1Ga
4,17) và “đi từ cõi chết bước vào cõi sống”
(1Ga 3,14).
Để
lại di chúc đời đời là chính mình, Đức Giêsu đã trao ban chính bản thân mình,
như đã trao ban Mình và Máu làm lương thực nuôi muôn dân, đã trao hiến toàn thể
“con
người -Thiên Chúa” của mình làm giá cứu chuộc nhân loại.
Di chúc của Đức Giêsu đã không là nhà đất, hay những giá trị vật chất khác
chóng hư hao, nhưng là chính Ngài, “Thiên Chúa tình yêu”
, giá trị vô cùng, tuyệt đối mà không lòng trí nào có thể suy thấu và cảm nghiệm
trọn vẹn.
Di
chúc của “Thiên Chúa làm người”
để lại cho con người là di chúc tình yêu đã được sống : “Anh
em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Chính Đức Giêsu đã sống di chúc của mình với các môn đệ và với mọi người, bất kể
họ là ai trong suốt năm tháng làm người, ở giữa mọi người. Vì thế, di chúc ấy
không chỉ là lời nói suông, mệnh lệnh sáo rỗng, lý tưởng mơ hồ, đòi hỏi không
tưởng, thao thức vu vơ, ý muốn bất khả thi. Trái lại, chính Ngài đã sống di
chúc tình yêu, đã thực hiện di chúc tình yêu khi “yêu
thương chúng ta trước” (1Ga 4,19) và “yêu
đến cùng” (Ga 13,1), bởi “Tình
yêu cốt ở điều này : đó là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa,
nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai con Người đến làm của lễ đền tội
chúng ta” (1Ga 4,10).
Di
chúc tình yêu ấy còn được chứng thực, và đóng dấu bằng máu của “người
viết”
trên thánh giá, ở giờ hấp hối khi Thiên Chúa Tình Yêu gắng gượng thều thào :
“Lạy
Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm !”
(Lc 23,34).
Vâng,
tất cả môn đệ đi theo Đức Giêsu, trong đó có anh chị và tôi, chúng ta đều nhận
từ Đức Giêsu một di chúc chung, đó là di chúc của tình yêu, di chúc rất ngắn gọn,
nhưng gói trọn đất trời, ôm kín thời gian, đảm bảo hạnh phúc và sự sống đời đời,
vì đó là chính Thiên Chúa.
Thực
vậy, khi nói lời cáo biệt như di chúc, Đức Giêsu đã “để
lại”
cho chúng ta chính Thiên Chúa, đã “trối trăn”
chính Thiên Chúa cho chúng ta, đã “giữ chân”
Thiên Chúa ở lại với chúng ta cho đến tận thế, khi trao ban giới luật mới: “Anh
em hãy yêu thương nhau”.
Bởi
thế, từ đây sống di chúc tình yêu là sống Thiên Chúa, như thánh Phaolô khẳng định :
“Tôi
sống nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”
(Gl 2,20) ; sống di chúc tình yêu là sống trong Thánh Thần (1Ga 3,24), vì
Thánh Thần là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Với Thánh Thần, chúng ta không
còn sợ hãi (1Ga 4,18), nhưng được an lòng và “mạnh
dạn đến cùng Thiên Chúa” (1Ga 4,21).
Qủa
thực, không yêu thương nhau, người môn đệ sẽ không làm chứng được dung mạo
Thiên Chúa tình yêu của mình, nhưng sẽ làm lu mờ, phai nhạt, hoen ố, như Đức
Giêsu đã qủa quyết : “Mọi người sẽ nhận biết
anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau”
(Ga 13,35) ; không yêu thương nhau, tất cả sẽ sụp đổ, vì tâm hồn đã sụp đổ
trước đó, khi ghen ghét hận thù đến chiếm đóng ; không yêu thương nhau,
chúng ta “tự nguyện”
tự hủy diệt mình, hủy diệt nhau, mà không cần bàn tay can thiệp của ma qủy,
vì “kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự
chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết : không
kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó”
(1Ga 3,14-15).
Lạy
Thiên Chúa là Tình Yêu, xin giúp chúng con sống yêu thương hơn mỗi ngày giữa
bao cám dỗ của ganh ghét, thúc đẩy của tị hiềm, nôn nao của đố kị, cạm bẫy của
hận thù, lôi cuốn của bạo lực và thắp sáng trái tim chúng con tình yêu hiền
lành, khiêm nhừơng và thương xót của Chúa, để chúng con có thể sống di chúc
tình yêu của Chúa như Chúa đã thiết tha căn dặn,và ân cần trăn trối : “Anh
em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em !”.
Jorathe
Nắng Tím