Suy Niệm TIN MỪNG
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH, Năm C
Ở vào
thời buổi bạo lực, cái thời mà lòng nhân ái, vị tha bị coi là xa xỉ ; cái buổi
mà người hiền lành, khiêm tốn, từ tâm,
quảng đại, bao dung bị xếp vào hàng lạc hậu, khờ khạo, ngờ nghệch, hay rởm đời,
thì ý niệm nhân từ và hiền lành qủa thực không biết có nên bàn tới hay không ?
Bởi rất khó bàn, vì trong xã hội thực dụng,
được xem như thửa đất lý tưởng cho bạo lực phát triển, người ta không còn muốn
nghe bàn những chuyện không mang lại lợi nhuận, tiện ích, mà nhân ái, từ tâm là
mặt hàng
hầu như ế ẩm “kiên định”,
lỗi thời “mãn tính”,
lạc cung “thường
xuyên”,
và lệch nhịp “cố hữu”.
Bởi
rất khó bàn, vì người nhân lành ngày càng bị diệt bằng nhiều cách, và trở nên qúy
hiếm đến độ không còn dễ gặp trong đời hình
ảnh, dáng dấp những người hiền lành, nhân từ đích thực, và hậu qủa là một ngày
không xa, người ta sẽ đánh mất ý niệm nhân
lành, nói cách khác, con người sẽ không còn gần gũi, quen thuộc, nhưng dần xa lạ
với lòng nhân ái, tình yêu nhân loại của mình.
Qủa thực, chưa bao giờ bức tranh xã hội lại
rực đỏ mầu bạo lực như hôm nay: bạo lực khắp nơi, từ tổ ấm gia đình đến học
đường, phố xá, từ trong đạo ngoài đời, từ tuổi trẻ đến tuổi già, từ học trò đến
thầy cô, từ ngôn từ đến hành động, từ cách ăn nói đến cách ăn mặc, từ dáng đi đến
kiểu lái xe… Tắt một lời, trong nhà ngoài ngõ, đâu đâu cũng thấy bóng bạo lực rình
rập, đe dọa và cuộc sống ngày càng bất ổn, bất an.
Chính trong bối cảnh xã hội bạo lực đáng
lo, đáng sợ, đáng buồn đang làm chúng ta thất vọng, Đức Giêsu đã sống lại, và
hiện diện giữa chúng ta.
Ngài đã sống lại từ cái chết do bạo lực ;
sống lại từ cái chết được bạo lực thai nghén, hình thành, cấu trúc ; sống
lại từ cái chết được tính toán và lập trình bởi những con người có trái tim rực
lửa bạo lực của hận thù.
Vâng, chính ghen ghét, hận thù đã dẫn đến tư
tưởng bạo lực, lời nói bạo lực, việc làm bạo lực, và bạo lực luôn mang đến hỗn
loạn, và chết chóc, trái ngược với bình an và sự sống là hoa trái tất yếu của yêu
thương, nhân hậu, thương xót, bao dung…
Đức Giêsu đã sống lại như Mục Tử nhân lành để
đàn chiên của Ngài không bị bạo lực của ganh ghét, hận thù, hiện thân của ma qủy
khống chế, sát hại.
Tin Mừng Gioan chương 10 cực tả chân dung Mục Tử
nhân lành, ở đó có đối kháng gắt gao, có chiến tuyến rõ rệt giữa Đức Giêsu và
thủ lãnh thế gian : “Những việc tôi làm nhân
danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông
không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi
biết chúng và chúng theo tôi”.
Đối kháng ấy được nhận ra : Một bên là Đức Giêsu, chủ chăn nhân lành, một
bên là “kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và
phá hủy.” (Ga 10,10) ; một bên là Đức Giêsu,
“Mục
Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn
chiên”,
bên kia là “kẻ
làm thuê”, không quan tâm gì đến chiên, vì chiên
không thuộc về hắn, “nên khi thấy sói đến, hắn bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên
tán loạn” (Ga 10, 12).
Sự khác biệt giữa chủ chăn nhân lành và kẻ
trộm, kẻ làm thuê chính là sự hy sinh mạng sống. Kẻ trộm “hy
sinh”
chiên vì mình, vì kẻ trộm lấy tiền bạc, gia sản, và cả mạng sống của chiên vì tư
lợi, để “vinh thân phì gia”,
trong khi chủ chăn nhân lành hy sinh chính mình vì chiên, như Đức Giêsu đã qủa
quyết : “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”
(Ga 10,15). Chính sự hy sinh của mục tử nhân lành đã không để chiên bị bọn cướp
bắt đi và giết hại (Ga 10,28) ; chính sự hy sinh hiến mạng của chủ chăn đã
cứu chiên khỏi chết ; và chính sự sống được trọn vẹn dâng hiến, hy sinh của
chủ chăn qủa cảm, nhân hậu đã “cho chiên được sống và
sống dồi dào” (Ga 10,10 ).
Vâng, quà tặng lớn nhất mà Đức Giêsu ban
tặng chính là sai đến trong thế giới những “mục
tử nhân lành như lòng Chúa mong ước”. Chúa không mong ước gì
ở mục tử Ngài chọn và sai đến với đoàn chiên của Ngài ngoài tấm lòng nhân từ và
hiền lành của chính Ngài là mục tử “hiền lành và khiêm nhường
tận đáy lòng”.
Vì thế, Ngài không cần những mục tử giỏi
giang nhưng hống hách, những mục tử có tài nhưng ngạo mạn, những mục tử khoa bảng
nhưng thủ đọan, những mục tử “tang bang tế thế”
nhưng hời hợt, những mục tử “trên cả tuyệt vời”
trong quản trị nhưng tâm hồn vô cảm, những mục tử khôn khéo nhưng tham vọng, những
mục tử chỉn chu nhưng lười biếng, những mục tử nghiêm trang nhưng băng giá, lạnh
lùng.
Đức Giêsu chỉ mong ước các môn đệ của Ngài mang lấy trái tim mục tử nhân lành của
chính Ngài, bởi mục tử có lòng nhân từ mới
có thể yêu thương, biết rõ và “gọi tên từng con chiên”
(Ga 10,3) ; mục tử hiền lành thì chiên mới nghe được tiếng mục tử và mới dám
đi theo (Ga 10,4), vì biết sẽ được dắt đến đồng cỏ xanh tươi và không phải thiếu
thốn gì (Ga 10,9) ; mục tử có trái tim nhân hậu mới đủ sức nhẫn nại mà lắng
nghe những tâm sự “không
đầu không đuôi” của đám chiên nghèo, thất học ; mục
tử đầy lòng khoan dung mới có thể thấu hiểu và xót xa những mảnh đời chiên ghẻ
lở, đáng thương ; và trên hết, mục tử giầu lòng thương xót như Chúa Cha là
Đấng giầu lòng xót thương mới có thể hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.
Qủa thực, nếu quà tặng lớn Đức Giêsu Phục Sinh đã ban cho thế giới là các mục tử nhân lành, giầu lòng thương xót để mọi
người được bình an và được sự sống đời đời, thì mất mát, thiệt hại lớn cho thế
giới cũng sẽ là sự tha hoá của các mục tử được sai đến, khi các ngài không còn
lòng nhân hậu, tính hiền lành, trái tim thương xót như Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành
để bảo vệ, che chở, hướng dẫn, và hy
sinh chính mình cho sự sống của đoàn chiên, như lòng Chúa mong ước.
Đây cũng là dịp để mỗi người Kitô hữu ý thức
tầm quan trọng mang tính mầu nhiệm cứu độ của các mục tử được Chúa sai đến cho
thế giới và bổn phận yêu mến, kính trọng, cộng tác, nâng đỡ, nhất là cầu nguyện
cho các vị.
Lậy Đức Giêsu Phục Sinh là Mục Tử rất nhân
lành ! Xin ban cho chúng con nhiều mục tử nhân lành, giầu lòng thương xót
như Chúa hằng mong ước.
Jorathe
Nắng Tím