LÒNG THƯƠNG XÓT CHÍNH LÀ THIÊN CHÚA!
Từ
nhiều năm gần đây, phong trào Lòng Thương Xót nở rộ khắp nơi, và không ít người
trong chúng ta rơi vào tâm trạng hoặc như vừa tìm lại một cái gì đã lâu ngày bỏ
quên, đánh mất, hoặc vừa khám phá ra một điều gì rất mới lạ. Và vấn đề được đặt
ra là trong tư cách người Kitô hữu, có thực chúng ta vừa phát minh ra Lòng Chúa
Thương Xót hay vừa tìm lại Lòng Thương Xót ấy không ?
Thực
ra từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót trên nhân loại và cách riêng
với dân thánh của Ngài như Đức Maria, người nữ đầy ơn phúc và gạch nối giữa Cựu
Ước và Tân Ước đã phấn khởi ngợi khen: “Lòng thương xót Chúa trải qua từ đời nọ
đến đời kia” (Lc 1, 50).
“Từ
đời nọ đến đời kia” là không thời nào không có lòng thương xót ấp ủ, không lúc
nào vắng bóng lòng thương xót chở che, không nơi nào xa lòng thương xót gìn
giữ.
“Từ
đời nọ đến đời kia” là lòng thương xót không mới lạ, cũng không cũ rích, lạc
hậu đối với bất cứ thời điểm, giai đoạn nào của lịch sử.
“Từ
đời nọ đến đời kia” còn khẳng định sự can thiệp tích cực của lòng thương xót ở
hiện tại và bảo đảm chắc chắn sự hiện diện ở tương lai.
“Từ
đời nọ đến đời kia” còn chứng thực tính trung tín, bền vững đời đời của
lòng thương xót và nói lên tính vô cùng, bất tận của lòng thương xót ấy.
Nhưng
nếu lòng thương xót luôn có mặt và hoạt động trong suốt lịch sử của nhân loại
từ khi được tạo dựng và chỉ kết thúc khi “Con Người trở lại trong vinh quang để
phán xét kẻ sống và kẻ chết” (Kinh Tin Kính), thì cớ gì lòng thương xót ấy lại
bị coi như vừa được nhớ lại sau thời gian dài bị chôn vùi trong quên lãng, hững
hờ, hoặc như vừa được phát minh bởi một nhóm người nào đó.
Có nhiều lý do đưa đến tâm trạng thời
đại này :
Công
nghệ, kỹ thuật phát triển nhanh nâng cao đời sống kinh tế, đem lại nhiều
tiện nghi phục vụ cuộc sống đã cho ta cảm tưởng con người làm được tất cả và
không cần Thiên Chúa.
Chủ thuyết vô thần duy vật và nhiều chủ nghĩa
khác như duy lý, duy lợi, duy nghiệm, duy cảm, và thuyết thực dụng, tương đối
xoá dần cảm thức tôn giáo trong con người thời đại.
Tinh thần thực nghiệm “cân, đo, đong, đếm” của
khoa học làm phai dần ý thức siêu nhiên, thiêng thánh, và những gì thuộc mầu
nhiệm của Đức tin đều bị coi là hoang đường, mê tín.
Chủ trương và phong trào nhân quyền cực đoan
khi cho rằng Thiên Chúa cạnh tranh với con người và làm khổ con người đã dần
lấy đi chỗ đứng quan trọng của Thiên Chúa trong đời sống con người hôm
nay.
Từ
những lý do trên, con người không còn nhận ra mình là thụ tạo cần tình thương
của Đấng Chủ Tạo để tồn tại ; không còn nhu cầu được cứu độ để phải chạy đến
với Đấng Cứu Độ là Thiên Chúa nhân hậu ; mất hẳn ý thức về tội lỗi để không còn
thấy mình cần được thương xót, thứ tha. Vì thế mà lòng thương xót của Thiên
Chúa chỉ còn là ý niệm rất mờ nhạt, ý tưởng mơ hồ, viển vông, và quan điểm tàn
dư, cổ hủ, lạc hậu, không thức thời.
Nhưng
lý do chính và căn bản đã tạo nên tâm trạng xa lạ, nếu không muốn nói là lạnh
lùng, dửng dưng, có khi đối kháng, thù nghịch với lòng thương xót là nhìn lòng
thương xót như một quan niệm, một tính cách, một sự việc, một cái gì đó, mà
không đón nhận lòng thương xót như một con người đích thực, một nhân vật sống
động, và con người ấy chính là Đức Giêsu, nhân vật sống động ấy là “Thiên Chúa
làm người”.
Đức
thánh giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị đã viết trong tông huấn “Đấng Cứu Độ loài
người - Redemptor Hominis” số 9 : “Lòng Thương Xót không phải là
một sự gì đó, nhưng là một con người : Đức Giêsu Kitô”.
Vâng,
chỉ khi nào chúng ta tin lòng thương xót là chính Đức Giêsu, chúng ta mới có
kinh nghiệm sống động sự hiện diện của Đấng là Thiên Chúa giầu lòng xót thương
luôn mời gọi chúng ta trở nên giống Ngài khi từng ngày sống lòng xót thương đối
với mọi người : “Anh em hãy thương xót như Cha anh em là Đấng luôn xót thương”
(Lc 6,36).
Chỉ
khi nào chúng ta nhận lòng thương xót là chính Thiên Chúa, chứ không là thuộc
tính trong các thuộc tính của Thiên Chúa, chúng ta mới không bỏ quên lòng
thương xót như điều kiện để được cứu độ, khi thực hành Lời căn dặn của Đức
Giêsu : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng lên án ai để không bị
kết án, hãy tha thứ để được thứ tha” (Lc 6,37).
Chỉ
khi nào chúng ta không còn nghi ngại đón nhận lòng thương xót như tiếp đón
chính Thiên Chúa vào cuộc sống, chúng ta mới hiểu được giá trị lớn lao vô cùng
của lòng thương xót khi làm điều Đức Giêsu dạy : “Anh em hãy cho thì sẽ được
Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy
tràn, mà đổ vào vạt áo anh em, vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ
đong lại cho anh em bằng đấu ấy “ (Lc 6,38).
Và
chỉ khi lòng thương xót không bị coi là phát minh thời thượng, phong trào ăn
khách, công tác lôi cuốn quần chúng, công trình mang về nhiều lợi nhuận, công
cuộc thi công lấy điểm, tìm lợi danh hay hoạt động kinh doanh cạnh tranh căng
thẳng, chúng ta mới có ánh sáng của Chúa Thánh Thần để nhìn thấy dung mạo của
Đấng là Lòng Thương Xót đang rộng lượng thứ tha khi ta đang phản bội, chối từ
Ngài như Phêrô ; mới nhận được cảm thức thiêng liêng của Thần Khí để nghe được
tiếng của Đấng kêu gọi và tuyển chọn ta, dù ta bất xứng và đang bắt bớ, bách
hại Ngài như Phaolô vừa ngã ngựa trên đường Đamát ; mới dám tuyên xưng : “Thiên
Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8), là “Lòng Thương Xót” (Nhật Ký của thánh
Faustina, số 374), mà không sợ bị anh em và nhiều người cho là điên khùng, ngớ
ngẩn, man man ; nhất là mới có tâm tình để cùng Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan
Phaolô đệ nhị cầu nguyện với Lòng Thương Xót Chúa trong Tông Huấn “Dives
in Misericordia” : “Nhân danh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại, trong
tinh thần của sứ vụ cứu thế luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại của Ngài,
chúng ta cùng cất tiếng khẩn khoản nài xin để Tình Yêu trong Chúa Cha, nhờ tác
động của Chúa Con và Chúa Thánh Thần tỏa sáng một lần nữa trong giai đoạn của
lịch sử này. Chính Tình Yêu mạnh hơn sự dữ, tội lỗi và tử thần biểu lộ và làm
chứng sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới hôm nay. Chúng ta cầu xin nhờ
lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ, đấng đã không ngừng tán tụng : “lòng thương xót
Chúa trải qua từ đời nọ đến đời kia”, và của tất cả những người đã thấy thực
hiện trong đời mình Lời của Đức Giêsu trên núi Bát Phúc: “Phúc cho ai có lòng
thương xót, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5,7).
Jorathe Nắng Tím