Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm nển tảng
của Kitô giáo, mầu nhiệm đã được chính Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người
mặc khải, không chỉ một lần, nhưng liên tục dọc suốt Tin Mừng. Đây là mầu nhiệm
nguồn mạch, từ đó Thiên Chúa ban Tình Yêu của Ngài cho nhân loại và mọi thụ tạo
khác, cũng là mầu nhiệm nói lên bản tính của Thiên Chúa là Tình Yêu hiệp thông
và thương xót.
Qủa
thực, chỉ riêng Tin Mừng Gioan, chúng ta cũng thấy tính liên tục mặc khải về mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi từ miệng Đức Giêsu :
1.
Đức
Giêsu là Con Một của Thiên Chúa Cha :
a.
Ngài đến từ Thiên Chúa Cha
: “Tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi
Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai
tôi” (Ga 8,42).
b.
Ngài ở trong Thiên Chúa Cha:
“Như
Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17,21)
c.
Ngài có tất cả những gì
Thiên Chúa Cha có : “Tất cả những gì con có đều
là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con”
(Ga 17,10).
d.
Thiên Chúa Cha yêu thương
Chúa Con, sai Chúa Con đến trong thế gian, và tín thác mọi sự cho Ngài :
“Thiên
Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,10), bởi “Chúa
Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người”
(Ga 3,35).
e.
Chúa Con đến trong thế
gian để thực hiện thánh ý của Chúa Cha :
Đức Giêsu nói với các môn đệ : “Lương
thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của
Người” (Ga 4,34). Và hơn thế nữa, “Người
Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm ;
vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Qủa thật, Chúa Cha yêu
người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy
những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc”
(Ga 5,19-20).
Thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn
Philípphê đã khẳng định : “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là
Thiên Chúa mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm
nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng
lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”
(Pl 2,6-8).
Và
lòng vâng phục ấy đã khiến Chúa Cha vô cùng sủng ái Ngài : “Sở
dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng
sống của tôi không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.
Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha
tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18).
2.
Chúa
Thánh Thần là Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con :
a.
Chúa Thánh Thần là Thần
Khí tình yêu và sự thật :
“Thiên Chúa là Thần Khí,
và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga
4,24).
Ngài là Đấng làm sáng tỏ mọi sự thật mà Chúa Con đã mặc khải, như Đức Giêsu,
Ngôi Hai đã nói với các môn đệ : “Thầy
còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.
Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ
không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại,
và loan báo cho anh em những điều sẽ xẩy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người
sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”
(Ga 16,12-14).
b.
Chúa Thánh Thần là Đấng
Bảo Trợ :
“Nếu anh em yêu mến Thầy,
anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho
anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật…”
(Ga 14,15-16). “Khi nào Thần Khí sự thật
đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật toàn vẹn”
(Ga 16,13).
c.
Chúa Thánh Thần là Đấng
làm chứng :
“Khi
Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là
Thần Khí sự thật từ nơi Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy”
(Ga 15,26).
3.
Thiên
Chúa Ba Ngôi là Tình yêu Hiệp Thông :
Đức
Giêsu đã luôn xác tín và sống tình yêu hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, nghiã
là trong tất cả mọi sinh hoạt, Ngài đều hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh
Thần. Nền tảng của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu hiệp thông giữa Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, bởi cả Ba Ngôi cùng một bản thể và chỉ là Một
Thiên Chúa.
Vì
thế ;
a.
Ở trong Đức Giêsu là ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi :
“Để
tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng
ta” (Ga 17,22).
b.
Tin Đức Giêsu, Ngôi Con là tin Thiên Chúa Ba
Ngôi :
“Việc Thiên Chúa muốn các
ông làm là tin vào Đấng Người đã sai đến”
(Ga 6,29).
c.
Biết Đức Giêsu là biết
Thiên Chúa Ba Ngôi :
“Nếu anh em biết Thầy,
anh em cũng biết Cha Thầy” (Ga 14,6) ; “Các
ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, hẳn cũng biết
Cha tôi” (Ga 8,19).
“Thầy là Đường, là Sự Thật
và là Sự Sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu anh em
biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy” (Ga 14,6-7).
d.
Đến với Đức Giêsu là đến
với Thiên Chúa Ba Ngôi:
“Chẳng ai đến với tôi được,
nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”
(Ga 6,45).
e.
Thấy Đức Giêsu là thấy
Thiên Chúa Ba Ngôi :
“Không
phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến,
chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha” (Ga 6,46).
f.
Sống Đức Giêsu là sống
Thiên Chúa Ba Ngôi :
“Ai ăn thịt và uống máu
Con Người, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54), “Như
Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ
ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”
(Ga 6,57).
g.
Yêu mến Đức Giêsu là yêu
mến Thiên Chúa Ba Ngôi :
“Thật vậy, chính Chúa
Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà
đến” (Ga 16,27).
h.
Phục vụ Đức Giêsu là điều
làm vui lòng Thiên Chúa Ba Ngôi :
“Ai
phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở
đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ qúy trọng người ấy”
(Ga 12,26).
i.
Tuân giữ lời Đức Giêsu
dậy là tuân giữ lời của Thiên Chúa Ba Ngôi :
“Ai yêu mến Thầy thì giữ
lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người
ấy… Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã
sai Thầy…” (Ga 14,23-24). Và “Đấng
Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dậy anh
em mọi điều, và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”
(Ga 14,26).
4.
Thiên
Chúa Ba Ngôi là Tình Yêu thương xót :
Tất cả hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi đều xuất phát từ Tình yêu thương
xót và thể hiện lòng thương xót. Tình yêu thương xót của Ba Ngôi Thiên Chúa “xót
thương” con người tội lụy và cứu con người
khỏi hư mất, nhưng được sống đời đời trong tình yêu thương xót của Ba Ngôi chí
thánh :
a.
Ý của Chúa Cha là mọi
người được cứu sống :
“Vì
tôi tự trời mà xuống , không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã
sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi
sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý
của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con thì được sống
muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”
(Ga 6,38-40).
b.
Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên
Chúa thực hiện Tình Yêu thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi bằng xuống thế gian làm
người và chịu chết để làm giá chuộc tội con người :
“Thiên
Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời. Qủa vậy, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến
thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người,
mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).
“Tôi chính là Mục Tử nhân
lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”
(Ga 10,11).
c. Chuá
Thánh Thần tiếp tục công trình cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa bằng hiện diện và
hoạt động trong Giáo Hội với sự sống và Tình Yêu hiệp thông của Thiên Chúa Ba
Ngôi :
Chính
Chúa Thánh Thần là khởi điểm của thời đại Giáo Hội trong ngày lễ Hiện Xuống và ban
cho Giáo Hội sức sống, sức mạnh từ trời và hướng dẫn, dạy dỗ Giáo Hội trên đường
làm chứng nhân, không khác gì Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ làm chứng của Ngài với
phép rửa ở sông Giođan :
“Ông Gioan thì làm phép
rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần”
(Cv 1,5).
“Anh
em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ
anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê,
Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
5. Tất cả chúng ta được mời
gọi sống Tình Yêu hiệp Thông và thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi :
Mầu nhiệm nền tảng, thiết yếu của Kitô
giáo là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm của Thiên Chúa là Tình yêu hiệp
thông và thương xót : Ba Ngôi hiệp thông với nhau, và ban cho con người được
hiệp thông với chính mình, đồng thời thương xót nhân loại.
Vì thế, bất cứ người Kitô hữu nào, dù ở địa
vị, vai trò, trách nhiệm nào cũng phải sống tình yêu hiệp thông và thương xót có
nguồn mạch là Tình Yêu hiệp thông và thương xót của Thiên Chúa Ba Ngôi, nếu không,
chúng ta không là người Kitô hữu đích thực.
Sở dĩ còn nhiều đối kháng, tranh giành, đấu
đá, tị hiềm, đố kỵ, phân biệt, kỳ thị, chia rẽ trong Giáo Hội là vì chúng ta chưa
ý thức đòi hỏi căn bản của đức tin Kitô giáo, đó là sống sự sống của Thiên Chúa
Ba Ngôi, bằng sống Tình Yêu hiệp thông với Thiên Chúa, và với anh em, đồng thời
sống lòng thương xót đối với tất cả mọi người, như Thiên Chúa Ba Ngôi là Tình yêu
thương xót.
Xin Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh tuôn đổ
trên chúng ta Tình yêu hiệp thông và thương xót của Ngài, để đời chúng ta như cây
thánh giá mỗi ngày cắm sâu hơn trong Thiên Chúa với tình yêu vươn cao hiệp thông
với Thiên Chúa và giang rộng thương xót anh em mình.
Jorathe
Nắng Tím