Lễ
Kính thánh Maria Mácđala
Tình Yêu
luôn được biểu hiện rõ nét nơi phụ nữ, vì tình yêu nơi người nữ bao giờ cũng nồng
nàn, tha thiết, sâu đậm và bền chặt hơn người nam. Chẳng thế mà ai cũng say mê
nói về tình mẹ bao la, và mơ ước khối tình chung thủy của vợ hiền.
Cũng vì gắn
bó với tình yêu hơn người nam, mà người nữ dễ “chết lên chết xuống” vì tình, dễ sập bẫy tình, dễ sa lưới tình, dễ chết đuối
trong biển tình, bởi khi yêu thì ngây thơ, khờ dại, khi thương thì chẳng tính
toán được thua, hơn thiệt, nhưng liều lĩnh, hết tình, hết mình. Đó cũng là lý
do phụ nữ khổ vì tình, đau vì tình hơn
người nam, và đàn bà “tai
tiếng” vì tình, chết vì tình
luôn chiếm đa số.
Trong Tin Mừng
có một phụ nữ mang nhiều nét giống hình ảnh vừa mô tả, tên Maria Mácđala mà
truyền thống cho là người phụ nữ trắc nết, “mang tiếng tội lỗi trong thành”, biết Đức Giêsu “đang dùng bữa tại nhà một ông Pharisêu, liền dem theo
một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc, lấy
nước mắt mà tưới ướt chân Người, và lấy dầu thơm mà đổ lên” (Lc 7,37-38).
Tất nhiên
những người cùng dự tiệc hôm đó, đa số là bạn bè của ông Pharisêu đã thắc mắc và
khó chịu trước cảnh tượng một vị đại ngôn sứ mà để người đàn bà trắc nết tha hồ
vừa khóc vừa hôn chân, rửa chân, xức dầu thơm lên chân mình giữa chốn đông người.
Và Đức Giêsu đã làm tất cả bỡ ngỡ, ngạc nhiên khi hỏi ông chủ nhà : “Một chủ nợ kia có hai con nợ :
một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả,
nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ
hơn ?”. Ông chủ nhà thưa :
“Tôi thiết tưởng là người đã
được tha nhiều hơn”. Đức Giêsu
bảo : “Ông xét đúng lắm” (Lc 7,41-43). “Vì thế tôi nói cho ông
hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến
nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,47).
Tuyệt vời
nguyên tắc tha thứ và điều kiện để được tha thứ của Đức Giêsu : yêu nhiều
thì được tha nhiều, yêu ít thì được tha ít. Và Thiên Chúa đã chỉ căn cứ vào tình
yêu, lấy tình yêu làm thước đo ơn sủng, mà không dựa vào một công trạng hay việc
làm nào khác của tội nhân.
Người
phụ nữ đã yêu nhiều và đựợc tha nhiều đó đã đi theo Đức Giêsu đên tận chân thánh
giá khi Ngài chịu đóng đinh (x. Ga 19,25), và một lần nữa lại chứng tỏ tình yêu
của mình với Đức Giêsu, khi “vào
sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ,
thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ”
(Ga 20,1).
Phụ nữ
khi đã yêu ai rồi thì yêu đến cùng như thế đó : yêu cả khi vinh khi nhục,
yêu lúc thành công, yêu khi thất bại, yêu khi sống, chết rồi cũng vẫn yêu. Và tình
yêu trở nên tuyệt vời ở tính bất diệt và lòng trung tín của người yêu và được yêu.
Qủa thực,
người phụ nữ tội lỗi “được
tha nhiều vì yêu nhiều” hôm
nào trong bữa tiệc ở nhà ông Pharisêu đã được chọn làm người loan báo Tin Mừng
Phục Sinh cho các Tông Đồ, sau khi được thấy Đức Giêsu Phục Sinh mà bà không nhận
ra Ngài (x. Ga 20,11-16). Chính Đức Giêsu sống lại đã đích thân ban cho bà vinh
dự “sứ giả của Tin Mừng Phục
Sinh” khi nói với bà :
“Hãy đi gặp anh em của Thầy
và bảo họ : Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17).
Xin Chúa
cho chúng con niềm tin ở Tình Yêu Chúa, và bất cứ trong tình trạng, hoàn cảnh nào,
dù yếu đuối, tội lỗi, tồi tệ, hoang đàng, bất xứng đến đâu cũng không để chết
niềm hy vọng ở Thiên Chúa là Tình Yêu và nơi Ngài, chỉ có Tình Yêu là đáng kể,
khi ơn Tha Thứ hệ tại ở Tình Yêu của
hối nhân, bởi “Ai yêu nhiều
thì được tha nhiều. Ai yêu ít thì được tha ít” (Lc 7,47).
Jorathe Nắng Tím