Trung
tuần tháng 7/ 2019 vừa qua, văn phòng báo chí toà thánh thông báo : Đức Thánh
Cha Phanxicô rất đau buồn, vì chỉ trong năm 2018, đã có 216.078 người công giáo
Đức tuyên bố bỏ đạo. Hiện nay có 23 triệu người công giáo trên 83 triệu dân số Đức.
Chia sẻ nỗi buồn của vị cha chung, người viết ghi lại tâm tình đồng cảm, và một
vài suy tư của mình trước hiện tượng bỏ đạo ngày càng nhiều trên thế giới.
Trước
hiện tượng bỏ đạo “tập thể” và dồn dập, hội đồng giám mục Đức tỏ ra lo lắng và
ráo riết làm việc để tìm ra những nguyên nhân đưa đến hiện tượng đáng buồn này.
Đức Cha chủ tịch nêu ra ba nguyên nhân : vấn đề độc thân của linh mục, tình
trạng giáo sĩ trị, và giáo lý về đạo đức tình dục.
Qủa
thực, trong một xã hội mà khuynh hướng “vô thần lý thuyết” đang nhường chỗ cho “vô
thần thực tiễn”, nghiã là người ta không chỉ vô thần trên giấy tờ, khi viết lý
lịch, tự khai, nhưng vô thần trong toàn thể đời sống : từ suy nghĩ, lời nói,
việc làm đến thái độ ứng xử, thao thức, ước mơ. Và các chủ nghiã thực dụng, hưởng
thụ, hiện sinh đóng góp xây dựng nền tảng vững chắc của nếp nghĩ, nếp sống vô
thần này.
Bên
cạnh những người công khai từ bỏ Giáo Hội, chính thức tự gạch tên mình khỏi sổ
bộ của giáo xứ, giáo phận như hơn hai trăm ngàn người công giáo Đức đã bỏ đạo,
còn rất nhiều những người Công Giáo khác đã bỏ đạo cách khác “im hơi lặng tiếng”,
âm thầm nhưng không vì thế mà kém phần dứt khoát, quyết liệt.
Chúng
ta cùng nhìn vào ba nguyên nhân đã và đang đưa đến hiện tượng bỏ đạo:
1.
Những sai phạm về luật độc thân nơi các
linh mục ngày càng bị dư luận, truyền thông phanh phui, khai thác dữ dội trong
nhiều năm qua làm không ít người nghĩ đến việc xóa bỏ luật độc thân, như một giải
pháp hữu hiệu. Những người này đưa ra mẫu đời sống mục tử tương đối “bình an, ít
sóng gió về tình dục” nơi các linh mục có gia đình như bên Giáo Hội Chính Thống,
và Anh giáo. Tình trạng có gia đình, theo họ, tuy có ràng buộc, vướng bận vì trách
nhiệm làm cha, làm chồng và không hoàn toàn tự do cho mục vụ, nhưng tránh được
những lạm dụng tình dục cách này cách khác và những cám dỗ khó vượt qua khi ở một
mình.
Những
người này còn dựa vào đời sống có vợ con của các thánh tông đồ, trừ thánh Gioan
vì còn trẻ, và cho đó là sự chọn lựa khôn ngoan của Đức Giêsu. Lý chứng của Giáo
Hội khi chọn những người độc thân làm linh mục, vì Đức Giêsu, vị Thượng Tế Tối
Cao là người độc thân không được nhóm này đón nhận như một lý chứng thuyết phục,
bởi theo họ : nếp sống của các tông đồ mới thực là gương sống cần thiết và
khả thi cho các linh mục.
2.
Tuy là một vấn nạn được bàn cãi, tranh luận
từ bao nhiêu đời giáo hoàng, nhưng độc thân linh mục vẫn không được coi là “nguyên
nhân lớn” gây ra hiện tượng bỏ đạo ngày càng đông. Trái lại, não trạng giáo sĩ
trị mới thực là cái gai làm nhức nhối nhiều người.
Chủ
nghiã “Giáo Sĩ trị” được hiểu nôm na là tình trạng giáo sĩ thống trị giáo dân bằng
một đường lối độc tài, độc đoán, đôi khi khắc nghiệt dựa vào thần quyền. Nhưng giáo
sĩ trị cũng không loại bỏ tình trạng giáo sĩ thống trị nhau, khi giáo sĩ có chức
quyền đàn áp, khống chế các giáo sĩ kém cỏi, yếu thế khác. Chủ trương giáo sĩ
trị được xây dựng và bành trướng quyền lực, ảnh hưởng bằng tạo ra và củng cố các
cơ chế ở mọi mức độ trong sinh hoạt của Giáo Hội.
Đức thánh cha Phanxicô là vị giáo hoàng kịch
liệt đả phá chủ nghiã giáo sĩ trị này. Theo Ngài : “Sự khốn nạn của chủ
nghiã Giáo sĩ trị là một cái gì đó vô cùng tồi tệ ! Và nạn nhân của chủ
nghiã này chính là dân chúng nghèo hèn và khiêm hạ, tức dân trông cậy vào Thiên
Chúa… Chúa Giêsu đã không đem những con người khiêm hạ ấy ra để làm trò đùa, nhưng
Ngài đi đến với các bệnh nhân, với những người nghèo, những người bị loại trừ,
những người thu thế và các tội nhân… Thậm chí Ngài còn đi đến cả với những cô gái
điếm. Cho tới tận hôm nay. Chúa Giêsu vẫn đang tiếp tục nói với chúng ta cũng
như với những kẻ bị quyến rũ bởi chủ nghiã Giáo Sĩ trị rằng : Những tội nhân
và những cô gái điếm sẽ bước vào Nước của Thiên Chúa trước các ngươi !” (Theo
Radio Vatican, bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 13.12.2016, Lm. Đaminh
Thiệu dịch - Nguồn : Hội Dòng Đaminh, Tam Hiệp).
Cũng
theo Đức Thánh Cha Phanxicô : chủ nghiã Giáo Sĩ trị đang đẩy nhiều người
ra khỏi Giáo Hội, vì nó bóp méo hình ảnh Giáo Hội và Ngài công khai tuyên chiến
với chủ nghiã nguy hiểm và tồi tệ này. Ngài còn nhấn mạnh : “Vấn đề này liên
quan đến toàn thể Giáo Hội” và là vấn đề cấp bách đối với Giáo Hội.
Chúng
ta không thể “vơ đũa cả nắm”, mà quên một số không nhỏ các linh mục thánh thiện,
âm thầm tận tụy phục vụ dân Chúa trong khiêm tốn, nhưng cũng không thể chối cãi
sức tàn phá kinh khủng của chủ nghiã Giáo Sĩ trị nơi một số linh mục chuyên quyền,
hống hách, tiền bạc, phe cánh. Các vị này cạn kiệt tình mục tử, nên không sẵn sàng
hy sinh mình vì đàn chiên, nhưng hy sinh đàn chiên vì mình. Các vị này cằn cỗi,
khô héo lòng thương xót, nên đánh mất tâm hồn “hiền lành và khiêm nhường”, và trái
tim “chạnh lòng thương” của Đức Giêsu đã ban cho các vị. Nơi các linh mục thuộc
hàng ngũ “Giáo Sĩ trị”, tiền bạc, danh vọng, chức quyền, phe cánh, ảnh hưởng
chiếm phần lớn cuộc đời, nên dễ hiểu khi đàn chiên các vị chăm sóc lần lượt bỏ đàn,
giáo hữu bỏ nhà thờ, giáo dân bỏ giáo xứ, tín hữu bỏ niềm tin, dân Chúa bỏ Giáo
Hội.
3.
Nguyên nhân sau cùng là giáo lý về đạo đức tình
dục của Giáo Hội.
Trong
một xã hội mà tất cả đều được phép, tất cả đều tự do, và không còn bất cứ cấm kỵ,
cấm cản, cấm đoán nào có thể áp đặt trên con người, thì giáo lý về đạo đức tình
dục của Giáo Hội bị coi là bức tường ngăn chặn bước tiến của xã hội, chủ trương
thoái hoá, lạc hậu, đi ngược trào lưu khai phóng của thời đại. Vì thế, trước giáo
lý vững chắc và thái độ kiên định của Giáo Hội trong những vấn đề như tự do phá
thai, hôn nhân đồng tính, quyền tái hôn tôn giáo đối với người đã ly dị…, người
ta khó chấp nhận và dễ dàng bất mãn, chống lại.
Rất
nhiều phong trào chống Giáo Hội Công Giáo về giáo lý đạo đức tình dục, và hoạt động
chống phá của các phong trào này ngày càng quyết liệt, dữ dội, và tất nhiên đã
gây nhiều sóng gió ngay trong nội bộ Giáo Hội, khi nhiều người có trách nhiệm
trong Giáo Hội bắt đầu có những dấu hiệu nghiêng ngả, nhượng bộ.
Vấn
đề của chúng ta là trước hiện tượng bỏ đao ngày càng nhiều, chúng ta phải làm gì
để chính mình không bị chao đảo, hoang mang, để rồi tự đầu hàng, qụy ngã, không
nhất thiết vì hèn nhát, phản bội, nhưng vì áp lực của đám đông, và vì nhận ra
chính mình cũng là nạn nhân như những người đã bỏ đạo.
Trước hết, chúng
ta cần biết : có nhiều khuynh hướng khác nhau trong phong trào bỏ Giáo Hội :
3.1
Bỏ
Giáo Hội, nhưng không bỏ Thiên Chúa ?
Vì cho Giáo Hội là cơ chế nặng nề làm phát
sinh nhiều ràng buộc rắc rối, nhiều khoản luật bất khả thi, nên một số chọn giải
pháp “dung hoà” là bỏ Giáo Hội, như rời bỏ một bộ máy hành chánh, từ chối một tổ
chức gây nhiều phiền phức, bực bội, nhưng không bỏ Thiên Chúa, vì bỏ Thiên Chúa
là một chọn lựa nhiều rủi ro, có thể chuốc vào mình nhiều tai hoạ vô hình, nhất
là phần rỗi đời sau.
Khuynh
hướng này hiện rất ăn khách và được coi là “thời trang tôn giáo” khá thịnh hành,
nhất là ở giới trẻ. Nhóm người này lý luận : tôn giáo là chuyện của mỗi người
với Thiên Chúa, và Thiên Chúa biết rõ thiện chí muốn gặp gỡ Ngài của từng cá nhân,
nên Giáo Hội, được xem như tổ chức trung gian sẽ không cần thiết. Và vì không cần
thiết, nên không cần phải duy trì, gắn bó.
Khuynh
hướng tin Chúa, nhưng từ bỏ vai trò trung gian của Giáo Hội đã phủ nhận hoàn toàn
Giáo Hội là Thân Thể mầu nhiệm có Đức Giêsu là Đầu (x. 1 Cr 12,12-30), và “Ngài
yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep 5, 25), và mặc
nhiên khuynh hướng này chỉ coi Giáo Hội là một tổ chức thuần trần thế, một cơ
chế trần tục không hơn không kém.
3.2
Bỏ
Giáo Hội, bỏ Đức Giêsu, nhưng không bỏ Thiên Chúa :
Vì
Đức Giêsu với Giáo Hội là một, như Thân Thể duy nhất, nên người ta khó có thể tách
rời Đức Giêsu, “Thiên Chúa làm người” ra khỏi Giáo Hội của Ngài. Trước bế tắc này,
không giải pháp nào hay hơn là phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu, chối bỏ Đức
Giêsu là Thiên Chúa và là con người, mà chỉ nhận nhân tính của Đức Giêsu, nghiã
là Đức Giêsu không là Thiên Chúa, nhưng chỉ là con người.
Nhờ
giải pháp này mà việc chối bỏ Giáo Hội không làm mất “chiếc phao phần rỗi” đã được
“cầu chứng”, “đặt sẵn” ở Thiên Chúa, một thiên chúa chung chung, tổng quát, không
có mặt trong lịch sử nhân loại như Thiên Chúa trong Đức Giêsu, Thiên Chúa của Đức
Giêsu, Thiên Chúa là Đức Giêsu mà người tín hữu công giáo tôn thờ, phụng sự
trong Giáo Hội của Ngài.
3.3
Không
bỏ cũng không theo Giáo Hội:
Khuynh
hướng sau cùng là “dở dở ương ương, không nóng không lạnh, hâm hâm dễ ói”. Đây
là hình ảnh những người công giáo bỏ đạo trong đời sống thực tế : họ không
chống đối Giáo Hội, nhưng thờ ơ, lãnh đạm, và ngại ngùng khi phải nhận mình là
Kitô hữu. Đời họ chỉ hai lần đến nhà thờ, mà cả hai lần họ đều không biết, không
thể tự mình quyết định : rửa tội khi vào đời, và làm phép xác khi lià đời.
Con
số giáo dân “hữu danh vô thực” này đã trở thành vấn đề lớn của Giáo Hội, bằng
chứng là công cuộc “tái truyền giáo”, nghiã là “truyền giáo lại cho những người
đã được rửa tội” đang là ưu tư và hoạt động hàng đầu của Giáo Hội toàn cầu.
Thực
ra, cám dỗ bỏ Đức Giêsu, và Giáo Hội của Ngài là cám dỗ đã có từ những ngày đầu
khi Đức Giêsu quy tụ các tông đồ là rường cột của Giáo Hội. Bằng cớ là khi Đức
Giêsu nói với những người Do Thái : “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu
Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì
được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết” (Ga 6,53-54),
thì họ “tranh luận sôi nổi” và nhao nhao phản đối Đức Giêsu. Nhưng không chỉ những
người Do Thái đã cho là chướng tai, mà chính các môn đệ của Đức Giêsu đã nói với
Ngài : “Lời này chướng tai qúa ! Ai mà nghe nổi ?” (Ga 6,60). Và
Đức Giêsu biết : nhiều môn đệ đã muốn bỏ Ngài, vì giáo lý của Ngài qúa khó
nghe, qúa khó chấp nhận : “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được
ư ?” (Ga 6, 61), và với nhóm Mười Hai, sau khi thấy “nhiều môn đệ rút lui,
không còn đi theo Người nữa” (Ga 6,66), Ngài đã nói : “Cả anh em nữa, anh
em cũng muốn bỏ đi sao ?” (Ga 6,67).
Đó
là sự thực đau lòng, nhưng là sự thực đã xẩy ra ngay khi có mặt Đức Giêsu bằng
xương bằng thịt, bởi giáo lý khó nghe, khó chấp nhận của Ngài. Điều này nói lên
nguyên nhân làm nhiều người ngày xưa cũng như ngày nay và cho đến tận thế đã, đang
và sẽ bị cám dỗ bỏ đạo, khi giáo lý của đạo ngăn cản lối sống dễ dãi, buông thả,
hưởng thụ của họ, cũng như giáo lý của đạo đòi họ phải vượt qua những gì “cân, đo,
đong, đếm, và thí nghiệm được” của khoa học để đạt đến ngưỡng cửa của mầu nhiệm,
mà Đức Giêsu đã khẳng định khi nói về những người muốn bỏ Ngài mà đi, vì giáo lý
khó nghe của Ngài : “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích
gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6,53).
Thánh
Gioan Tông Đồ trong thư thứ nhất cũng đã đặt tội lỗi là nguyên nhân cắt đứt chúng
ta với Thiên Chúa : “Ai phạm tội, kẻ ấy là người của ma qủy, vì ma qủy phạm
tội từ lúc khởi đầu” (1 Ga 3,8).
Cũng
như hôm nay, nhiều người bỏ đạo, không vì giáo lý của đạo bị coi là sai lạc, phi
lý, cho bằng giáo lý của đạo ngăn cản đời sống bê tha, dung túng, sa đọa của họ,
và vì giáo lý đó, họ phải mang vào mình mặc cảm tội lỗi khi phạm tội, khi đi ngược
đòi hỏi của giáo lý, nên tốt hơn là bỏ đạo để không còn bị giáo lý làm phiền, làm
khó, làm khổ.
Như
đã trình bầy ở trên : một nguyên nhân khác dẫn đến bỏ đạo chính là phủ nhận
“Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người”. Nguyên nhân này cũng đã là nguyên nhân làm
nhiều người bỏ đạo thời các thánh tông đồ. Bằng chứng là cũng thánh Gioan tông đồ
đã cảnh báo tín hữu phải đề phòng những kẻ phản Kitô, nghiã là chống lại Đức Giêsu
là “Thiên Chúa làm người” : “Ai là kẻ dối trá, nếu không phải là kẻ chối rằng
Đức Giêsu là Đấng Kitô ? Kẻ ấy là tên phản Kitô, là kẻ chối Chúa Cha và Chúa
Con. Ai chối Chúa Con, thì cũng không có Chúa Cha ; kẻ tuyên xưng Chúa Con
thì cũng có Chúa Cha” (1 Ga 2,22-23).
Theo
thánh Gioan : việc đón nhận Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, Thiên Chúa làm người
là đòi hỏi rất quan trọng để bước đi trong ánh sáng, nghiã là để sống xứng đáng
là con cái Thiên Chúa, bởi không chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, người
ta cũng không chấp nhận Chúa Cha là Thiên Chúa, và tất nhiên : Thiên Chúa
không hiện hữu. Nói cách khác, khi từ chối mầu nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu, người
ta đương nhiên khước từ mầu nhiệm Thiên Chúa.
Nguyên
nhân thứ hai này trùng khớp cho những ngày đầu của Giáo Hội, và Giáo Hội hôm
nay, cũng như mãi sau này : bỏ Giáo hội vì phủ nhận Đức Giêsu là “Thiên Chúa
làm người”.
Nguyên
nhân kế tiếp đưa đến bỏ đạo ở mọi thời chính là thiếu yêu thương, không bác ái,
vắng bóng lòng thương xót, bao dung. Qủa thực, phần đông người ta đã bỏ đạo vì
không thấy các môn đệ của Đức Giêsu yêu thương nhau như Đức Giêsu căn dặn ;
không được đón nhận với tình yêu bao dung, thương xót bởi những con người trong
Giáo Hội ; không được đối xử tử tế, huynh đệ trong lòng Giáo Hội ; không
có chỗ đứng trong nhà Giáo Hội và bị coi là kẻ xa lạ, người ngoài cuộc, kẻ bị
khai trừ, lên án bởi chính anh em mình trong gia đình Giáo Hội. Và bóng tối
ganh ghét, đố kị cứ ngạo nghễ đe dọa như những đám mây dầy đặc trên đầu : “Những
ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình
đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù loà” (1 Ga 2,11).
4.
Tóm
lại, thái độ của chúng ta trước hiện tượng nhiều anh em bỏ đạo, bỏ nhà Giáo Hội
ra đi thiết tưởng sẽ phải là :
4.1
Xác tín Đức Giêsu yêu
Giáo Hội của Ngài như phu quân yêu hiền thê, nên không thể tách rời Đức Giêsu
ra khỏi Giáo Hội của Ngài. Và điều rất quan trọng là Đức Giêsu không ngừng “thánh
hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời hằng sống, để trước mặt Người, có một
Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm
nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,26-27).
Khi xác tín điều này, chúng ta sẽ nhận
ra :
· Giáo
Hội gồm những con người yếu đuối, tội lỗi và luôn được Đức Giêsu kêu gọi nên tốt
hơn, thánh thiện hơn, xứng đáng hơn mỗi ngày.
· Đức
Giêsu yêu Giáo Hội, yêu những con người yếu đuối trong Giáo Hội, và bảo đảm việc
“thánh hoá, thanh tẩy” những con người bất xứng này của Giáo Hội, để Giáo Hội được
trở nên thánh thiện, tinh tuyền .
Điều
này giúp chúng ta không thất vọng trước những yếu đuối của Giáo Hội ; không
bất mãn, bất trung với Giáo Hội, khi người của Giáo Hội cư xử bất xứng với đấng
bậc của mình, bất công với đồng đạo, bất chính với xã hội, vì tin tưởng tuyệt đối
vào ơn đổi mới của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội. Chúng ta sẽ không lên án, nhưng
cầu nguyện với niềm tín thác ở Đức Giêsu và Lời Ngài hứa : “Thầy đây, đừng
sợ !” (Mc 6, 50), và “Thầy ở cùng anh em
mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
4.2
Xác tín Đức Giêsu là “Thiên
Chúa làm người” và Giáo Hội là nhà của Thiên Chúa giữa nhân loại, ở đó, “Thiên
Chúa làm người” cư ngụ, để con người được trở nên “đồng hình đồng dạng” với Thiên Chúa.
Với
xác tín này, chúng ta đón nhận những thiếu sót, khuyết điểm, lầm lỗi, tội lụy hằng
ngày xẩy ra trong Giáo Hội, trong đó có yếu đuối, tội lỗi của chính chúng ta, bởi
tất cả những con người thuộc về Giáo Hội đều đang trên đường theo Đức Giêsu để được
hoán cải, đổi mới, thanh tẩy ; đang trên hành trình tiến về Chân - Thiện -
Mỹ tuyệt đối là Thiên Chúa ; đang ngày đêm khẩn cầu lòng xót thương, ơn
tha thứ để được cứu độ.
Vì
thế, nếu tội lỗi là nguyên nhân đưa đến bỏ đạo, thì tinh thần và thái độ thống
hối sẽ giúp chúng ta yêu mến và gắn bó với Giáo Hội hơn, vì “nếu chúng ta thú
nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng
ta và thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính” (1 Ga 1,9), bởi “Chính Đức Giêsu
Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi,
nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga 2, 2).
4.3
Xác
tín sức sống của Giáo Hội là Yêu Thương :
Giáo
Hội sẽ chết, nếu Giáo Hội không yêu thương ; Giáo Hội sẽ bị tiêu diệt, nếu
con cái của Giáo Hội từ chối yêu thương nhau ; Giáo Hội sẽ sụp đổ, nếu Đức
Giêsu là Tình Yêu và là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm là Giáo Hội không còn chỗ đứng,
và tất nhiên người ta sẽ bỏ Giáo Hội hết, vì không ai có thể sống trong hoả ngục
hận thù, ghen ghét, bạo lực, diệt vong. Thánh Gioan đã qủa quyết : sự chết
là hậu qủa của ghen ghét, hận thù, nên “kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự
chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết : không
kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó. Căn cứ vào điều này, chúng
ta biết được tình yêu là gì : đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như
vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1 Ga
3,14-16).
Như
thế, tình yêu là căn tính, dấu chỉ và là điều kiện để Thiên Chúa hiện diện, bởi
“Đâu có tình yêu thương, ở đó có Thiên Chúa”, trái lại, Thiên Chúa không có mặt
nơi ghen ghét, hận thù. Thế nên, Giáo Hội sẽ không giữ được con người mà bản tính
là khao khát tình yêu, nếu Giáo Hội vắng bóng Thiên Chúa là Tình Yêu, nhưng điều
đó sẽ không thể xảy ra, vì có Đức Giêsu, Đấng “yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh” (Ep
5,25) ; Ngài còn “nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh” (Ep 5,29), vì “chính Người
là Đấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người” (Ep 5,22).
4.4
Xác
tín cuối cùng là “Đấng ở trong chúng ta mạnh hơn kẻ ở trong thế gian” (1 Ga
4,4).
“Kẻ ở trong thế gian” là những kẻ không thuộc
về Thiên Chúa và đang ra sức lôi kéo chúng ta ra khỏi Giáo Hội, từ bỏ Đức Giêsu
Kitô là Thiên Chúa làm người. Đó là những
ngôn sứ giả, những kẻ phản Kitô, những cánh tay nối dài của Satan dối trá, ganh
ghét, bạo lực, chuyên gieo rắc chết chóc.
Thánh
Gioan đã chỉ cho chúng ta cách nhận ra ai là “kẻ ở trong thế gian”, kẻ phản Kitô,
kẻ chống lại Giáo Hội, cũng là cách phân định thần khí, vì có “thần khí dẫn đến
sự thật và thần khí làm cho sai lầm” (1 Ga 4,6), khi ngài viết : “Anh
em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi
Thiên Chúa hay không… Căn cứ vào điều này, anh em sẽ nhận ra thần khí của Thiên
Chúa : thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người
phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa ; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức
Giêsu, thì không bởi Thiên Chúa, đó là thần khí của tên phản Kitô” (1 Ga
4,1-3).
Vấn
để đã rõ : tất cả đều phải bắt đầu, và quy hướng về một mình Đức Giêsu Kitô,
Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ duy nhất, mà “nhờ Người, với Người và trong
Người” Thiên Chúa được chúc tụng, vinh danh, và toàn thể nhân loại được cứu rỗi.
Lạy
Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chọn Giáo Hội làm hiền thê yêu dấu. Xin thêm đức tin
cho chúng con những khi chúng con chao đảo, hoang mang, hoảng sợ trước “phong
ba, bão táp” dữ dội của Satan như muốn nuốt trửng, nhận chìm con thuyền Giáo Hội,
mà trên đó có chúng con là những tội nhân đang làm méo mó dung mạo của Giáo Hội
vì tội riêng mình. Xin giữ gìn chúng con khỏi nỗi thất vọng đắng đót, chua cay
của những người con chưa “toàn tâm toàn ý” yêu thương Giáo Hội là Mẹ mình, và
giải thoát chúng con khỏi cám dỗ nguy hiểm hơn tất cả mọi cám dỗ là bỏ đạo, bỏ
Chúa. Và xin nhắc bảo chúng con trong thử thách nặng nề lời tuyên xưng chất chứa
ân tình và tín thác của thánh tông đồ Phêrô : “Lạy Thầy, bỏ Thầy, chúng
con biết theo ai ? Vì chỉ Thầy mới
có Lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).
Jorathe
Nắng Tím