Pages - Menu

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

LỰC CẢN TRUYỀN GIÁO

Ai cũng biết bản chất của ơn gọi Kitô hữu là truyền giáo : làm chứng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, đã xuống thế gian, ở giữa con người và chết để làm giá cứu chuộc con người ; làm chứng Kitô giáo là con đường thật mà Đức Giêsu đã mở ra để con người đến hạnh phúc thật, con đường ấy là con đường Tình Yêu : Thiên Chúa yêu thương nhân loại và mọi người yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương họ. Vắn tắt, truyền giáo là loan báo và làm chứng Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, là Tình Yêu thương xót và Đấng Cứu Độ muôn dân.
Đức Giêsu đã nhiều lần khẳng định sứ vụ loan báo và làm chứng Tin Mừng là chính Ngài của những người được Ngài kêu gọi đi theo Ngài :
Chọn bốn môn đệ đầu tiên là Simôn cũng gọi là Phêrô, anh trai ông là Anrê, và hai anh em khác con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan, tất cả đang loay hoay quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá (Mt 4,18), Đức Giêsu lập tức cho các ông biết sứ vụ của mình khi trở thành môn đệ của Ngài : Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá (Mt 4,19). 
Hiện ra với Nhóm các Tông Đồ, sau khi sống lại và trước khi về Trời, Đức Giêsu không trao cho các ông sứ vụ nào khác hơn là : đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy (Mt 28,19).
Sứ vụ đó, dọc lịch sử của Giáo Hội, từ buổi cầu nguyện chung có mặt đầy đủ các tông đồ : Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê, Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mattthêu, Giacôbê con ông Anphê, Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và Giuđa con ông Giacôbê (Cv 1,13), sau khi nhìn thấy Đức Giêsu được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa (Cv 1,9), và đặc biệt trong ngày lễ Ngũ Tuần được chọn là sinh nhật của Giáo Hội, khi  Nhóm Tông Đồ, lần này có thêm ông Mátthia, người vừa được chọn thay thế Giuđa Ítcariốt, kẻ bán Thầy mình (x. Cv 1,26), khi Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần (Cv 2,3-4), cho đến ngày tận thế, sứ vụ loan báo và làm chứng Đức Giêsu Kitô ấy không bao giờ thay đổi, luôn là trách nhiệm của Giáo Hội, nghiã vụ của những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, và  lý tưởng, hạnh phúc của các nhà truyền giáo, thừa sai…Thánh Phaolô đã kết luận chính xác đòi hỏi thiết yếu và cấp bách này khi viết cho anh chị em tín hữu thuộc giáo đoàn Côrintô : Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng ! (1 Cr 9,16)    
Khốn cho tôi ! có nghiã : tôi là kẻ bất hạnh, vô phúc, mà là người, ai muốn mình bất hạnh, vô phúc bao giờ ?
Khốn cho tôi ! hàm ý một hình phạt nặng nề, bi thảm  tôi sẽ phải chịu.
Khốn cho tôi ! là lời nguyền rủa đáng sợ và làm rùng mình con người luôn khao khát hạnh phúc. 
Khốn cho tôi ! như án lệnh nghiêm khắc đóng chặt cánh cửa tương lai.
Qủa thực, tôi không thể ngờ hậu qủa lớn đến thế đối với người được chọn làm chứng nhân mà không mở miệng làm chứng ; tôi không dám nghĩ tai ương có thể kinh dị đến mức độ này, khi người được sai đi, nhưng không đi loan báo sứ điệp ; tôi càng bỡ ngỡ, ngạc nhiên  trước lời tuyên bố bạo gan, chắc nịch của thánh Phaolô như bản án viết sẵn cho người môn đệ  không hăng say giới thiệu Thầy mình cho thế giới. Và nếu qủa thật như vậy, thì truyền giáo không còn là chuyện nhỏ, chuyện bên lề, chuyện không quan trọng của Giáo Hội ; không còn là việc làm lúc rảnh rỗi, thú vui giải trí thời về hưu, việc làm thêm khi thất nghiệp, mà là việc hệ trọng, sinh tử, chuyện đại sự, chính yếu, việc không làm không được của mỗi người Kitô hữu.
Nhận ra tầm quan trọng của đòi hỏi truyền giáo, tôi muốn nhìn lại mình để biết mình đang ở đâu trên đường sứ vụ, với bài sai truyền giáo được chính Đức Giêsu trao tận tay ngày gia nhập Giáo Hội.
1.            Tôi chưa là môn đệ đích thực của Đức Giêsu 
Tuy mang danh là người Kitô hữu, tức người mang Đức Kitô trong cuộc đời, nhưng tôi không biết Ngài nhiều, cũng không cảm thấy gần gũi, gắn bó thiết thân với Ngài. Chính vì không biết rõ, nên tôi chưa nhận ra mình là môn đệ của Ngài.
Là môn đệ của ai ắt phải đi theo và ở với người ấy. Đó cũng là điều kiện để là môn đệ của Đức Giêsu, và đòi hỏi này đã được chính Đức Giêsu công khai nói với những người tình nguyện xin làm môn đệ Ngài : Anh em hãy đi theo Tôi ! (Mt 4,19), Anh em hãy ở lại trong tình thương của Tôi (Ga 15,9).  
Mang tiếng là môn đệ, là người thuộc về Đức Giêsu, nhưng không đi theokhông ở laị với Ngài, tôi chẳng biết gì, cũng chẳng hiểu nhiều về Ngài, vì có học  cầu nguyện với Ngài (Mt 6,9-13), học hiền lành và khiêm nhường (Mt 11,29) như Ngài đâu ; có nghe Ngài giảng Bát Phúc trên núi đâu (x. Mt 5,1-12) ; có chạnh lòng với Ngài trước bệnh tật, đau khổ của đám đông đói khát đâu (Mt 15,30-32) ; có bữa đói bữa no, con cáo có hang, chim trời có tổ nhưng thầy trò không có chỗ tựa đầu đâu (x. Lc 9, 57), nên  hôm nay, tôi  mới giật mình nhận ra : từ dạo được rửa tội đến nay, tôi vẫn chỉ là môn đệ hữu danh vô thực, như chàng thanh niên trong Tin Mừng đã buồn sầu bỏ đi khi Đức Giêsu nói với anh : Về bán hết tài sản, cho người nghèo, rồi đến theo tôi, vì anh ta có nhiều của cải (Mt 19,21-22), bởi Đức Giêsu muốn người đi theo Ngài phải thuộc trọn về Ngài, phải từ bỏ tất cả để không còn dính bén, vương vấn bất cứ ai, bất cứ sự gì, vì Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, anh hãy đi loan báo Nước Thiên Chúa, bởi Ai đã tra tay vào cày rồi mà còn ngoái lại đàng sau, thì không xứng đáng với Nước Trời. (Lc 9, 60.62).
Để trở thành người Kitô hữu hữu danh hữu thực, tức người môn đệ đích thực thuộc về Đức Giêsu, tôi thấy mình phải từ bỏ nhiều, vì không từ bỏ, không có cửa làm môn đệ, bởi điều kiện qủa thực rất cam go: Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (Mt 16,24).      
2.            Tôi chưa đủ tin yêu để có thể nói về Ngài :
Không đi theo sát chân Ngài, cũng không ngày đêm kề cận ở bên Ngài như các tông đồ, nên niềm tin của tôi nơi Ngài yếu ớt, và tình tôi dành cho Ngài hời hợt. Một vòng tròn lẩn quẩn bám chặt tôi : không đủ tin và yêu Ngài, tôi ngần ngại bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Không đi theo Ngài, tôi không biết gì về Ngài để có thể tin yêu Ngài. Và vì không đủ tin yêu, tôi đã không thể nói về Ngài, bởi người ta chỉ nói được về người mình tin, kể được về người mình yêu, như người mẹ yêu con lúc nào cũng say sưa nói chuyện con mình với mọi người.
Thánh Phaolô đã nhắc lại Thánh Vịnh 116 trong thư của Ngài gửi giáo đoàn Côrintô : Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói (2 Cr 4,13), để nhấn mạnh  tầm quan trọng của đức tin trong việc truyền giáo, và thấy rằng các tông đồ đã có lý khi xin với Đức Giêsu : Lậy Thầy, xin thêm đức tin cho chúng con (Lc 17,5).
3.            Tôi chưa tin ở ơn gọi được sai đi của mình :
Giáo Hội dậy : mỗi người Kitô hữu là một sứ giả của Tin Mừng, người được Thiên Chúa sai đi, nhưng lời dạy đó không thuyết phục tôi chút nào, vì tôi có thấy mình được sai đi đến nơi nào đâu, càng không được sai đi đến với ai, nên từ bấy lâu tôi chỉ thấy các giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ là những người được sai đến giáo phận, giáo xứ, giáo điểm … để truyền giáo, còn chúng tôi, những giáo dân bình thường, tầm thường, vô danh tiểu tốt, có ai cần đến chúng tôi và sai chúng tôi đi truyền giáo bao giờ ? 
Chưa kể tôi nào có kiến thức gì về giáo lý, thần học để có thể giải thích, cắt nghiã cho những người tôi rao giảng. Và điều cần nói, nhưng tôi không dám nói cho ai, đó là thân phận yếu đuối, bất xứng, nhiều tội của tôi. Vì thế, tôi không có cảm tưởng Thiên Chúa cần đến tôi, và sự có mặt của tôi không đóng góp thêm gì cho việc truyền giáo, nên tôi dửng dưng, phớt lờ trước những phát động truyền giáo của giáo xứ, giáo phận, và mặc cảm tội lỗi, cộng thêm khả năng yếu kém ngày càng đẩy xa tôi khỏi ý thức về ơn gọi và nghiã vụ truyền giáo của người Kitô hữu.
Hôm nay nhìn lại đời mình. Tôi thấy rất nhiều biến cố đã qua, công việc đã làm, nhưng khuông truyền giáo thì còn trống nguyên. Sở dĩ tôi bỏ trống  bổn phận truyền giáo, vì không biết nên không làm, không làm vì không biết, khi nghĩ mình phải giỏi, phải đạo đức, phải có vị thế, chức tước trong đạo mới rao giảng được, mà không biết đâu là điều kiện để làm sứ giả loan báo Tin Mừng, và đòi hỏi nào phải có đối với người được sai đi loan báo Đức Giêsu.
Trong thư gưỉ các tín hữu Côrintô về việc truyền giáo, thánh Phaolô đã viết : chúng tôi không rao giảng chính mình, mà chỉ rao giảng Đức Kitô Giêsu là Chúa, còn chúng tôi, chúng tôi chỉ là tôi tớ của anh em, vì Đức Giêsu (2 Cr 4,5). Ngài còn nhắc nhở : ơn gọi làm tông đồ, sứ vụ loan báo Đức Giêsu là kho tàng mà chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi (2 Cr 4,7).
Như thế, điều kiện để làm tông đồ, và đòi hỏi nơi người được sai đi không gì khác hơn là tinh thần phục vụ của người đầy tớ vì Tin Mừng, nghiã là khiêm tốn phục vụ anh em, với ý thức tất cả là hồng ân, tất cả do quyền năng phi thường của Thiên Chúa. Và chỉ khi điều kiện này được đáp ứng, tôi mới bình an nhận ra ơn gọi làm tông đồ của mình, mới tin mình được sai đi loan báo Tin Mừng, bởi làm tôi tớ thì chỉ cần trung tín và hy sinh, tận tụy, chỉ cần vâng lời chủ và tín thác vào quyền năng của chủ. Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để được Thiên Chúa yêu thương, tín nhiệm, còn mọi sự khác, Thánh Thần của Ngài sẽ ban cho và bù đắp.
Một nan đề cản trở việc truyền giáo cần được giải toả khác nữa, đó là truyền giáo không chỉ là lên tiếng giảng dạy, gặp gỡ khuyên nhủ, hướng dẫn, đồng hành, nhưng trước hết như thánh Phaolô qủa quyết : trong mọi sự, chúng tôi phải luôn chứng tỏ mình là những thừa tác viên của Thiên Chúa : gian nan, khốn quẫn, lo âu, đòn vọt, tù tội, loạn ly, nhọc nhằn, vất vả, mất ăn mất ngủ, chúng tôi đều rất mực kiên trì chịu đựng. Chúng tôi còn chứng tỏ điều đó bằng cách ăn ở trong sạch, khôn khéo, nhẫn nhục, nhân hậu bằng một tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối, bằng lời chân lý, bằng sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành ; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến ; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống ; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết ; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giầu có ; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả (2 Cr 6,4-10).
Qủa thực, hình ảnh nhà truyền giáo được thánh tông đồ dân ngoại mô tả một cách tuyệt vời, bởi truyền giáo trước hết và trên hết theo ngài chính là chọn lựa phục vụ tha nhân vì Đức Giêsu và thái độ tích cực sống Tin Mừng của nhà truyền giáo. Chính chọn lựa và thái độ sống  Đức Ái thánh thiện làm chứng hữu hiệu Đức Giêsu và làm cho Tin Mừng lan toả nhanh chóng, sâu rộng, vì trong Đức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị, chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái (Gl 5,6), và không có luật lệ nào chống lại hoa qủa của Thần Khí  (x. Gl 5,23) là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ (Gl 5,22-23). Và Thần Khí chính là Đấng dậy chúng ta loan báo Tin Mừng, hướng dẫn chúng ta làm chứng Đức Giêsu, thúc đẩy chúng ta lên đường Truyền Giáo.
Với lời dạy của thánh tông đồ dân ngoại, tôi nhận ra mình trong qúa khứ đã lầm lẫn, khi không tin ở ơn gọi được sai đi, vì đã không biết đâu là điều kiện của việc truyền giáo, đâu là công việc truyền giáo phải khởi đi, và giá trị của truyền giáo hệ tại ở hành vi nào ?          
4.        Tôi chỉ mới Ra Khơi sát bờ, mà chưa dám Ra Sâu, Ra Xa với Đức Giêsu :
Ngay cả khi nhiệt huyết truyền giáo bùng nổ, chương trình truyền giáo được phát động, tôi cũng chỉ dám thập thò dọc bờ, sát bờ, mà chưa dám xuống thuyền ra khơi, ra xa, ra sâu với Đức Giêsu. Có nhiều rào cản làm tôi ngại ngùng, dè dặt : đồng đạo dòm ngó, lườm nguýt, nếu tôi năng nổ đề ra những sáng kiến truyền giáo mới lạ, táo bạo ; người ta sẽ cho tôi là khùng, thiếu thực tế, vượt mặt, bao sân, lộn chuồng… ; cộng đoàn sẽ bực bội nghĩ tôi lấn lướt, tạo ảnh hưởng, chơi bạo lấy tiếng ngu.
Ngoài rào cản của đám đông, còn rào cản của người thân không muốn tôi dấn thân truyền giáo, vì không muốn tôi mất thời giờ, mà còn không muốn tôi chuốc họa vào thân, nhất là trong xã hội vô thần, thực dụng.
Nhưng rào cản có sức ngăn bước chân truyền giáo của tôi nhất, chính là tính ích kỷ, hưởng thụ, và sợ hãi của tôi.
Vì ích kỷ nên sợ mất mát, thiệt thòi khi đi xa, bỏ lại phiá sau căn cứ, pháo đài ; vì hưởng thụ, nên khó xa những thói quen tiện nghi, và những nếp gấp đem lại thoải mái cuộc đời ; vì sợ hãi nên bất cứ ai, sự gì  hăm he đe dọa sự sống, an ninh, quyền lợi của cái tôi đều làm tôi giật mình hốt hoảng, bàng hoàng lo lắng và vội vã tìm đường thối lui.
Vì thế, tôi chỉ dám ra khơi sát bờ, ra khơi sắn ống quần lội nước, ra khơi cho có ướt chân, ra khơi nhưng không cần bắt cá, ra khơi kiểu trình diễn văn nghệ dưới ánh sáng thu hình hoành tráng, mà tuyệt nhiên chưa bao giờ dám lên thuyền ra xa, quăng lưới chỗ nước sâu, vì ở đó có nhiều cá (x. Ga 21,4-6).       
Không dám ra xa, ra sâu, còn vì chủ trương  giữ đạo, và não trạng bảo vệ đức tin, chứ không thao thức truyền đạo, làm lan toả đức tin, chia sẻ niềm tin với mọi người. Não trạng này làm tôi sợ lạc dạo, mất đạo, nên  khư khư giữ chặt trong tay, giữ chắc cho mình, giữ kín trong nhà, trong nhóm, thay vì cho mọi người được biết, đươc tham gia, dự phần, hiệp thông. Chủ trương này làm tôi sợ người ta lừa đảo lấy mất đạo, nên phải xem xét, điều tra, tuyển mộ thật kỹ lưỡng những người muốn gia nhập. Thói quen co cụm ấy còn làm tôi sợ quyền lợi sẽ phải chia nhỏ, vì có thêm nhiều  thành viên mới, nên luôn dè dặt, do dự, ngại ngùng đưa anh em tôi ở ngoài vào làm vườn nho Giáo Hội.
Hôm nay nhìn lại mình trước mặt Chúa, tôi thấy tôi thực sự là đối tượng  của lời than thở, cũng là  trách móc khá nặng nề của thánh tông đồ dân ngoại : Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !.  
Khốn cho tôi không chỉ vì không biết giá trị ơn gọi truyền giáo, không biết thế nào là truyền giáo, không biết truyền giáo bắt đầu từ đâu, mà còn khốn vì có biết cũng không mạnh dạn lên đường do lười biếng, ỷ lại ; không lên thuyền ra khơi vì sợ khổ, ngại khó ; không dám ra sâu, ra xa vì  nhớ bến, tiếc bờ, không chịu thiệt thòi, mất mát, hao hụt những gì mình đã thu gom, cất giấu. Và trong tất cả những thiếu sót làm tôi trở nên người khốn nạn, vì đã không rao giảng Tin Mừng, là tim tôi  bắt đầu cạn khô tình yêu các linh hồn, hồn tôi dần chai đá, không còn thao thức, ước mơ, tìm kiếm hạnh phúc đời đời của mình và của anh em  trong Thiên Chúa, Đấng sai chúng tôi đi và sinh nhiều hoa trái. 
Để kết thúc tâm tình chia sẻ, người viết mời bạn đi vào lịch sử ơn gọi làm tông đồ dân ngoại của  thánh Phaolô, do chính ngài kể cho tín hữu thuộc giáo đoàn Galát :
Thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết : Tin Mừng tôi loan báo không phải do loài người. Vì không ai trong loài người đã truyền lại hay dậy cho tôi, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải. Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do Thái : tôi đã qúa hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do Thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng trang lứa : hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông.
Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng cho tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ơn sủng của Người. Người đã đoái thương mặc khải cho tôi Con của Người cho tôi để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại. Tôi đã chẳng thuận theo các lý do tự nhiên, cũng chẳng lên Giêrusalem để gặp các vị đã là Tông Đồ trước tôi, nhưng tức khắc tôi đã sang xứ Ả rập, rồi lại trở về Đamát. Ba năm sau tôi mới lên Giêrusalem diện kiến ông Kêpha và ở lại với ông mười lăm ngày. Tôi đã không gặp một vị Tông Đồ nào khác ngoài ông Giacôbê, người anh em của Chúa(Gl 1,11-19).
Rồi sau mười bốn năm, tôi lại lên Giêrusalem một lần nữa cùng với ông Banaba và anh Titô… Tôi lên đó vì được Thiên Chúa mặc khải, và đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại, cách riêng cho các vị có thế giá (Gl 2,1-2).
Với các vị có thế giá lúc bấy giờ các vị ấy có là gì đi nữa, điều đó không quan hệ đối với tôi : Thiên Chúa không thiên vị ai, các vị có thế giá ấy đã không đưa ra thêm điều gì cho tôi. Trái lại, các vị ấy thấy rằng tôi đã được ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho những người không được cắt bì. Thật vậy, Đấng đã hoạt động nơi ông Phêrô, biến ông thành Tông Đồ của những người được cắt bì, cũng đã hoạt động biến tôi thành Tông Đồ các dân ngoại. Vậy khi nhận ra ân huệ Thiên Chúa đã ban cho tôi, các ông Giacôbê, Kêpha và Gioan, những người được coi là cột trụ, đã bắt tay tôi và ông Banaba để tỏ dấu hiệp thông : chúng tôi thì lo cho các dân ngoại, còn các vị ấy thì lo cho những người được cắt bì (Gl 2,6-9).  
Qua tâm sự này, thánh Phaolô đã nói lên sự kỳ diệu được trở nên tông đồ của mình, dưới sức mạnh quan phòng của Thiên Chúa, và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, mà không qua nguyên tắc hay quy trình bình thường, đồng thời làm nổi bật tinh thần quảng đại, cởi mở và trái tim khao khát các linh hồn của thánh Phêrô, tức Kêpha và Nhóm Mười Hai Tông Đồ chính danh.
Ước mong tinh thần truyền giáo : khao khát làm vinh danh Thiên Chúa và yêu mến, tìm kiếm các linh hồn của các thánh tông đồ, nhất là của thánh tông đồ dân ngoại Phaolô trở nên tấm gương và nguồn trợ lực qúy báu cho tất cả mọi người Kitô hữu chúng ta trong Ơn Gọi và Sứ Vụ loan báo Tin Mừng, làm chứng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa giầu lòng thương xót, Đấng cứu độ loài người.
Jorathe Nắng Tím