“Toà
Án Nhân Dân cấp cao tại Hà Nội cho hay vừa hoàn tất hồ sơ bồi thường oan sai
cho ông Trần Văn Thêm, 82 tuổi, ngụ tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, người
phải mang thân phận tử tù suốt 44 năm, trong đó có hơn 2000 ngày bị giam giữ và 14.500 ngày tại ngoại, nhưng chưa được
minh oan… Theo hồ sơ vụ án, ngày 23.06.1970, ông Nguyễn Khắc Văn trong lúc cùng
ông Trần Văn Thêm đi mua hàng đã bị đánh chết. Năm 1973, ông Thêm bị Toà Án Nhân
Dân tỉnh Vĩnh Phú tuyên án tử hình về tội giết người và cướp tài sản. Năm 1976,
ông Thêm được ra tù, khi một người thú nhận là thủ phạm. Nhưng bị can này sau đó
tử vong, khi vụ án chưa xét xử… Phải chờ đến ngày 08.08.2016, Toà Án Nhân Dân tối
cao mới xác định ông Thêm không thực hiện hành vi phạm tội”.
Tôi
mạn phép tóm tắt vụ án oan sai của cụ Thêm do nhà báo Việt Dũng viết trên trang
Pháp Luật điện tử, thứ năm ngày 20 tháng 6 năm 2019. Câu chuyện buồn của cụ Thêm
chỉ là một trong vô số những chuyện buồn oan sai, oan uổng xẩy ra hằng ngày
trong xã hội, mà sự thật ngày càng qúy hiếm, vì khó tin, khó tìm.
Qủa
thực, không thiếu những oan sai, oan uổng lớn nhỏ có mặt trong mọi sinh hoạt của
cuộc sống làm chết cả đời người, tan nát cả gia đình, đổ vỡ cả hiện tại, tương
lai, bôi đen, xóa bỏ tất cả công trạng oanh liệt của qúa khứ huy hoàng.
Câu chuyện của cụ Thêm tuy rất buồn, nhưng
cũng còn được phần nào an ủi vì những năm tháng tù đầy oan uổng đã được Nhà Nước
giải oan, bồi thường, tuy số tiền bồi thường không đền bù được những mất mát, thiệt hại mà suốt 44 năm ông cụ,
và gia đình phải gánh chịu vì tội danh “cướp của, giết người”.
Bên cạnh câu chuyện oan sai được may mắn giải oan, bồi thường, chắc chắn còn vô
số những câu chuyện oan uổng khác không được minh oan, bị bịt đầu mối, bị ngàn đời
lãng quên, bị ép phải xếp hồ sơ, nói chi đến bồi thường vật chất, phục hồi danh
dự.
“Đó
là chuyện oan sai, oan uổng chỉ có ngoài đời, còn trong đạo chẳng bao giờ xẩy
ra”. Đó là ý nghĩ và xác tín thường gặp
nơi những tín hữu quyết tâm bảo vệ bằng mọi giá uy tín, danh dự, sự thánh thiện
hoàn hảo của đạo. Người viết thông cảm với những đồng đạo đơn sơ này, nhưng không
vì thế mà hèn nhát, a dua phủ nhận một sự thật trong đạo cũng không kém bẽ bàng
như ngoài đời, đó là kết án oan uổng người vô tội. Và sự thật đáng buồn đó đã được
Tin Mừng Mátthêu kể lại như sau :
“Đức
Giêsu bị điệu ra trước mặt quan tổng trấn”, ông này hỏi Người :
“Ông là vua dân Do Thái sao ?”.
Đức Giêsu trả lời : “Chính ngài nói đó”.
Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố cáo Người, thì Người không trả lời một tiếng.
Bấy giớ tổng trấn Philatô hỏi Người : “Ông
không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao ?”
“Nhưng Đức Giêsu không trả lời ông về một điều nào,
khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên” (Mt 27,11-14).
Tin Mừng Gioan cũng tường thuật cùng một
nội dung, nhưng thêm phần về “sự thật” :
Ông Philatô hỏi : “Vậy ông là vua sao ?” Đức
Giêsu đáp : “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi
đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích làm chứng cho sự thật. Ai đứng về
phià sự thật thì nghe tiếng tôi”. Ông Philatô hỏi Người :
“Sự thật là gì ?”
(Ga 18,37-38). Và Đức Giêsu đã yên lặng, không trả lời ông Philatô câu hỏi “Sự
Thật là gì ?” của ông.
Vâng, chính Đức Giêsu đã bị những người đồng
đạo Do Thái tố cáo oan uổng trước toà quan tổng trấn Philatô, đại diện toàn quyền
đế quốc Rôma đang thống trị trên đất nước Ngài. Bị oan uổng tố cáo, bị oan sai
kết án tử hình đóng đinh vào thập giá, Đức Giêsu đã là một trong những nạn nhân của những oan sai, oan uổng do bộ máy
tôn giáo vô cảm, vô hồn ; là một trong những “phạm
nhân” vô tội bị tước đọat mạng sống, do
lòng dạ nham hiểm, độc ác của những người lãnh đạo guồng máy “Giáo
Lý , Lề Luật” ; là người tín hữu đáng thương
vì gánh nặng oan khiên của cơ chế độc đoán vì dựa trên thần quyền. Hơn ai hết, Đức
Giêsu đã chịu một bản án hoàn toàn oan uổng, một cái cái chết hoàn toàn oan
sai, một hình phạt oan khiên, oan ức ngay “trong
đạo”, do “người
có đạo” được các thượng tế, chức sắc đạo
diễn và khéo léo mượn bàn tay “người đời , ngoài đời”
thực hiện.
Thiết nghĩ đến lúc này, bạn và tôi có thể đồng ý với
nhau : trong đạo hay ngoài đời, con người đều có thể bị chụp mũ, tố cáo oan
uổng, hay bị kết án, trừng phạt oan sai, vì “người
đời”
hay “người có đạo”
cũng chỉ là những con người với tất cả giới hạn của tư duy, kiến thức, ý chí, đạo
đức, nói tắt là giới hạn của “cái Tâm, cái Tầm”,
đồng thời bị ràng buộc bởi vô vàn tương quan tốt, xấu, và chịu vây hãm bởi nhiều
áp lực, ảnh hưởng thiện - ác chằng chịt, lẫn lộn.
Từ quan điểm chung này, chúng ta cùng
nhau khám phá sự thật của oan uổng, oan sai vừa bằng cặp măt nhân loại, vừa với
cái nhìn đức tin :
1. Có
oan uổng, oan sai, vì có Sự Thật bị
phủ nhận:
Trong cả hai câu chuyện : một “oan
sai trong đạo” với người vô tội là Đức Giêsu bị kết
án đóng đinh, một “oan uổng”
ngoài đời với phạm nhân vô tội là cụ Trần Văn Thêm bị mang án “Cướp
Của, Giết Người” suốt 44 năm, sự thật của con người
nạn nhân và sự thật về hành vi của nạn
nhân đều không được xã hội quan tâm, lắng nghe, tìm hiểu thấu đáo và công tâm nhìn nhận.
Không được quan tâm lắng nghe, nên những bản
tự khai lý lịch nhân thân, tường trình vụ việc của cụ Thêm đã không được Toà Án
lưu ý tìm hiểu, nghiên cứu. Những quan chức làm công tác phá án, thẩm định hồ sơ,
quyết định án lệnh đều đã không chạm được sự thật của một con người vô tội, người
công dân lương thiện, người nông dân chân chất, không hề tra tay cướp của, giết
người.
Vì có sự thật mà nên nông nỗi oan uổng,
oan sai, khi sự thật không được tôn trọng, không được tìm tòi, nghiên cứu, thẩm
tra kỹ lưỡng trước khi tuyên án. Vì có sự thật, nên khi sự thật vô tình hoặc cố
tình bị ai đó, nhất là những người có quyền lực trong tay lấp liếm, che đậy, bóp
méo, tráo đổi, uy hiếp, áp đặt, cắt bỏ, tẩy xóa, hủy hoại thì hậu quả không thể
tránh là người mang sự thật phải chịu mọi oan uổng, gánh mọi oan khiên, và bị
oan ức giập vùi, tiêu diệt. Vì có sự thật, nên oan uổng phát sinh khi sự thật bị
gian dối ém nhẹm, bị hận thù tấn công, bị bạo lực bức tử, nghiền nát.
Đứng trước sự thật đang bị các thượng tế,
kỳ mục và đám đông “cả vú lấp miệng em, lấy thịt đè người”,
Đức Giêsu đã không nói gì khi thấy Sự Thật bị
hãm hiếp trắng trợn, và Con Người Thiên Chúa đang mang trên mình Sự Thật
toàn vẹn và đích thực bị đám đông “mồm loa mép giải”
bóp hầu, chịt cổ, không cho lên tiếng. Ngài đã không nói đuợc tiếng nói của Thiên
Chúa là Sự Thật, không nói được lời của con người có Sự Thật, nên đã không trả
lời câu hỏi của quan tổng trấn Philatô : “Sự
thật là gì ?”, bởi lúc này đây, trước mặt Ngài, từ
trong đạo, ngoài đời, từ thần quyền đến
thế quyền, chẳng còn ai lương thiện để bận tâm tìm kiếm, đón nhận Sự Thật.
Vì thế, trong cuộc đời, nhiều người công chính
trước những “vu oan, giáng hoạ”
vô cớ, những vu khống, tố cáo bất công đã noi gương Đức Giêsu giữ yên lặng, bởi
chỉ yên lặng mới là câu trả lời còn chút giá trị cảnh cáo, nhắc nhở đám người
gian dối, hồ đồ, quyền lực đang lên án người vô tội bằng giết chết Sự Thật của
họ và về họ.
2. Có
oan uổng, oan sai vì có người làm chứng không được lên tiếng :
Nếu không có sự thật bị bóp méo, lật lọng thì
không có cảnh người mang sự thật bị lâm vào cảnh oan uổng “cười
ra nước mắt”. Bên cạnh thảm cảnh sự thật bị chà
đạp, và người mang sự thật bị trù dập, còn một thảm trạng không kém thương tâm,
đó là người làm chứng cho sự thật cùng chịu chung số phận bị dầy xéo.
Trong bất cứ vụ việc nào, sự thật luôn là chià khóa mở ra tất cả, giải quyết tất cả
một cách công minh, chính đại, không thiên vị ai, o ép bên nào. Đó là tinh thần
tôn trọng sự thật, yêu mến sự thật và làm toả sáng sự thật, bởi chỉ sự thật mới
thực sự giải phóng, hoá giải mọi sự, và hoà giải mọi người. Nhưng trong thực tế,
người ta không luôn lương thiện, không luôn công bình, nên oan trái mới phát
sinh, oan khiên mới nẩy mầm, oan uổng mới xuất đầu lộ diện và oan sai mới có cơ
hội tràn lan tàn phá.
Chính vì thiếu lương thiện và công tâm, mà
khi phân định, phán quyết, những kẻ có quyền trên người khác thường uốn sự thật
theo hướng thuận lợi, lái sự thật vào quy hoạch sẵn có, bẻ sự thật theo đồ án đã
lập trình bằng ngăn chặn tiếng nói của chứng nhân, ngăn cản sự can thiệp của người
làm chứng, ngăn cấm tương quan, liên lạc giữa người chứng và đối tượng bị đặt
thành vấn đề.
Tóm lại, bất cứ chứng nhân, chứng từ, chứng
cớ nào thuận lợi, có lợi cho sự thật đều bị xóa bỏ, cô lập, tẩy chay, từ chối.
Và đây là nguyên nhân làm oan uổng ngày càng trở thành tai hoạ khủng khiếp, và khiến oan sai, oan trái lan rộng, lan nhanh với một tốc độ chóng mặt làm chết đứng vô số người
lương thiện, công chính, vô tội nhưng không tiếng nói vì “thấp
cổ bé miệng”.
Trong
những năm vừa qua, thế giới sôi động vì nạn lạm dụng tình dục của một số
rất ít linh mục, và người ta bằng rất nhiều phương tiện không luôn lương thiện,
vô tư, công bằng đã lên án các vị cách hồ đồ, bất công, khi không tôn trọng sự
thật. Bằng chứng là nhiều vụ việc đã được giải oan, nhiều linh mục, giám mục bị
cáo gian,vu khống, lên án hết sức tàn nhẫn đã được minh oan, trả lại danh dự.
Trong những vụ việc được giải oan này, người ta nhận thấy hầu hết các nhân chứng
đáng tin cậy đều đã không được lên tiếng, không được lắng nghe bởi những người
có trách nhiệm.
Có lẽ không cần nhấn mạnh thêm nữa vai trò
của nhân chứng trong việc truy tìm sự thật, vì ai cũng biết : rất ít nhà lãnh
đạo có trách nhiệm có thể quan sát sự việc, thu thập chứng cứ, đủ khả năng và
khôn ngoan, cũng như độc lập để quyết định một cách khách quan, “chí
công vô tư”, mà không bị thành kiến, thiên kiến,
định kiến chi phối, không bị những người thân cận tạo sức ép, gây ảnh hưởng, không
bị khuynh hướng “cầu toàn, vo tròn hoàn hảo”
làm che khuất sự thật, không bị vinh quang của quyền lực và cám dỗ của “chỗ
đứng, chỗ ngồi” xô đẩy vào mù quáng, vô cảm trước
sự thật của một con người, hoặc về một biến cố, sự kiện nào đó.
Trở lại vấn đề nhân chứng bị bức tử, không
gì gần gũi, quen thuộc với người Kitô hữu hơn là dung mạo của thánh Gioan tiền
hô trong Tin Mừng Mátthêu : thánh nhân bị vua Hêrôđê chém đầu, không chỉ vì
ngài đã can ngăn vua không được lấy bà Hêrôđia, đang là vợ của anh mình là Philípphê,
nhưng vì ông còn là một đại ngôn sứ được
dân chúng kính trọng, ngưỡng mộ (x. Mt 14,4- 5). Tại sao phải giết ngôn sứ ?
Thưa vì ngôn sứ trước hết là nhân chứng, làm chứng cho người thật, việc thật.
Người thật đây là Đức Giêsu, và việc thật là sự hiện diện cứu độ của Ngài.
Ngay từ khi Đức Giêsu xuất hiện, Vua Hêrôđê
tuy không nói ra, nhưng bắt đầu ngại vì đánh hơi được danh tiếng và uy tín ngày càng lớn của Đức Giêsu
trong dân chúng. Điều này là mối đe dọa cho ngai vàng của ông, nên ông nhen nhúm
một kế hoạch triệt hạ Ngài, không để Ngài trở thành “siêu
nhân, siêu sao, thần tượng” thu hút quần chúng, vì
nguy hiểm cho vương triều ông đang trị vì.
Cơ hội đến, hay đúng hơn là giọt nước cuối
cùng làm tràn ly, nhất là trong cơn say nắng, say tình, Hêrôđê đã lạnh lùng ra
lệnh chém đầu Gioan ngay trong ngục (x. Mt 14,10). Giết được Gioan, nhân chứng
của Đức Giêsu, Hêrôđê nhẹ đi một bên vai gánh nặng lo cho ngai vàng có thể bị lung
lay, sụp đổ.
Thực
vậy, có oan uổng vì có sự thật không được truy tìm, không được nhìn nhận cách
chính đáng, cũng như có oan sai, vì có nhân chứng của sự thật không được lên tiếng
“làm chứng”,
hoặc có chứng cớ của sự thật không được quan tâm, có chứng từ của sự thật bị giấu
nhẹm, giả mạo, sửa đổi, đánh tráo. Trong tiến trình tìm kiếm sự thật mà người làm
chứng không được nói, hay có nói nhưng không được người có trách nhiệm lắng
nghe, hoặc người có quyền quyết định có nghe nhưng không tin, không ghi nhận,
không đối chiếu, không đặt lại vấn đề thì hậu qủa tất nhiên sẽ là một chuỗi dài
những oan sai, oan trái, oan khiên nghiến nát thân phận và cuộc đời của người
mang sự thật, và người làm chứng cho sự
thật.
3. Có
oan uổng, oan sai vì có con người không được tôn trọng :
Một xã hội mà con người được tôn trọng, và
nhân quyền được đặt hàng đầu thì tình trạng oan uổng, oan sai sẽ giảm bớt rất
nhiều. Do đó, khi người có trách nhiệm phân xử với ý thức tôn trọng đối tượng là
người đang bị tố cáo, điều tra, thì sai lầm trong phán quyết sẽ khó có cơ hội xẩy
ra, bởi người ta sẽ rất cẩn trọng, và khách quan ; rất bình tĩnh, khôn
ngoan và công bằng, nhân ái ; rất ý tứ, tỉ mỉ trong quan sát và lắng nghe ; rất dè dặt,
thận trọng trong mọi ý kiến, và phán quyết,
nhất là người có lòng nhân ái và tôn trọng người khác sẽ không lấy mình
làm chân lý khi phân xử ; không nhẹ dạ, hèn nhát, đồng loã, thiên vị, phe
cánh khi nhận định một vấn đề ; không để mình bị cuốn hút, lôi kéo bởi cá
nhân hay phe nhóm có thế lực, ảnh hưởng khi quyết định số phận của một người ;
càng không để thành kiến, tiếng đồn, dư luận, lời bàn vô trách nhiệm làm nao núng
khi kết luận.
Cũng vì nhân vị không được coi trọng, nên
người ta cẩu thả khi điều tra ; lười biếng khi nghiên cứu ; vô trách
nhiệm khi đưa ra đề nghị, quan điểm ; vô cảm, vô can khi quyết định ;
vô tâm, tắc trách khi phân xử. Chẳng thế mà ngoài những vụ xử oan uổng, oan
sai, còn nhan nhản đó đây những trường hợp oan uổng, oan sai trong y tế, ở học đường,
nơi công sở, ngoài đường phố như em Lê Thị Hà Vi, học sinh lớp Mười đã bị cưa
chân do tắc trách của bác sĩ, như anh Nguyễn Bá Dần 33 tuổi bị giải phẫu mà không
được xét nghiệm, chẩn bệnh kỹ lưỡng. Hậu qủa là anh đã từ chàng thanh niên khoẻ
mạnh, lực lưỡng bị oan uổng biến thành phế nhân ngồi xe lăn, hay như chị Nguyễn
Thị Kim Phụng, sinh 1980, nạn nhân vô tội bị tử vong, và sáu nạn nhân khác bị
thương nặng khi chiếc ô tô BMW do nữ đại gia Nguyễn Thị Nga say xỉn, không bằng
lái đâm bổ vào cán chết, gây thương tích oan uổng, khuya ngày 21.10.2018 tại ngã
tư Hàng Xanh, Sàigòn.
4. Có
oan uổng, oan sai vì có những người có quyền nhưng thiếu khả năng, không đạo đức
và vô trách nhiệm :
Trong bất cứ vụ việc gây oan sai, oan trái,
oan uổng nào đều có người có quyền đã quyết định sai sự thật, trái “lẽ
phải”, ngược công lý. Phải có sai trái,
nghịch ngược với sự thật, mới có người vô tội bị hàm oan, người tử tế bị bắt bớ
oan uổng, người lương thiện bị tố khổ dã man, người tốt lành bị te tua trù dập,
người đang lành lặn thành phế nhân, người đang sống phải chết. Có kẻ nắm giữ
quyền sinh sát thiếu khả năng nhìn ra vấn đề, nắm bắt sự thật mới có cảnh “tan
gia bại sản”, bị vu khống oan uổng, kết án oan
sai. Có người kém đạo đức, thiếu tầm nhìn xa rộng, nhưng lại ở địa vị “cầm
cân nẩy mực”, nắm giữ quyền “phụ
mẫu” trên người khác, nên mới có cảnh
người yếu bị đàn áp, người nhỏ bị chà đạp, người nghèo bị bắt nạt, khinh khi.
Vì thế bao lâu còn những con người “thiếu
tầm, thiếu tâm” ở vào những vị trí lãnh đạo, hướng
dẫn, quyết định thì còn những oan sai, oan trái, oan khiên, oan uổng, và tiếng
khóc của người vô tội, máu của người bị oan vẫn ngút cao, mong thấu đến Trời.
Mong thấu đến Trời, vì chỉ có Thiên Chúa mới
hiểu được nỗi oan của người hèn mọn bị hàm oan ; chỉ có Thiên Chúa mới thấu suốt
sự thật của từng người, sự thật trong trái tim mỗi người đang bị người đời
hãm hiếp, hành hạ ; và chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng giải oan, minh oan cho người
cô thân cô thế, thấp cổ bé miệng, không phe cánh, thế lực, không tiền bạc lót đường,
mua chuộc kẻ quyền thế.
Vâng, trong đạo cũng như ngoài đời, không
thiếu những người buồn, cảnh buồn, chuyện buồn vì sự thật không được lương thiện
tìm kiếm, không được công minh nhận định, không được công bằng phán quyết, không
được chân thành đón nhận, cũng như con người không được tôn trọng đúng mức, nhất
là khi những con người ấy không thuộc phe cánh lãnh đạo, phe nhóm nắm quyền,
phe phái thế lực, phe đảng nhiều quyền lợi, ảnh hưởng.
Và tâm tình gửi đến Bạn, có thể đã một lần
là nạn nhân của những oan uổng, oan sai trong đạo, ngoài đời. Như Bạn, người viết
không thuộc luật trừ, không được miễn trừ, nên hiểu thế nào là nỗi đau, nỗi nhục,
nỗi khổ, nỗi oan ức khi sự thật của mình, sự thật về hành vi của mình bị thiên hạ ngạo mạn và lố bịch
ngồi xổm lên, rồi ba hoa đàm tiếu, đoán xét vô trách nhiệm. Nhưng chính trong
những nỗi niềm ấy, tôi và Bạn hiểu thêm một điều quan trọng, đó là sự yên
lặng cao cả, cao thượng và thánh thiện của Đức Giêsu trước chánh án Philatô “không
tâm, không tầm”, lại hèn nhát, ba phải ; trước
cáo trạng hồ đồ, ngụy tạo bởi các thượng tế và kỳ mục, tại phiên toà không nhân
chứng, không tiếng nói giải thích, biện hộ.
Thái độ yên lặng của Ngài thật cao cả, vì
vượt xa những thấp hèn đang nhận chìm sự thật ; thái độ thật cao thượng, vì
không đôi co, đấu đá với những con người chai lì, cạn kiệt chân lý và lòng nhân
ái ; thái độ tuyệt đối thánh thiện vì hiền lành và bao dung trước xúc phạm
nặng nề. Chính trong yên lặng ấy, yên lặng của Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, mà
người không biết cho là thất bại, đầu hàng, thua cuộc đang bừng sáng Tình Yêu của Thần Khí, Đấng đã sai vào đời, đến với thế
giới những sứ giả của Sự Thật giải phóng, Sự Thật cứu độ, như ngôn sứ Isai đã
loan báo, khi nói về Đức Giêsu :
“Thần
Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng
cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được
tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công
bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19), và cho
tiếng nói của người bị hàm oan được lắng nghe !
Jorathe
Nắng Tím