Đã là người, ai cũng mơ
ước hạnh phúc, tìm kiếm hạnh phúc, dù mỗi người định nghiã, đánh giá hạnh phúc
khác nhau. Cũng vì khao khát hạnh phúc mà người ta không ngại làm bất cứ điều gì
để đạt hạnh phúc ước mơ, kể cả phải liều hy sinh chính mạng sống, như người tù
vượt ngục, người vượt biển đã bất chấp nguy hiểm tìm đến một nơi mà họ cho là có
hạnh phúc.
Nhưng tại sao con người
luôn khao khát hạnh phúc ? Thưa vì con người được sinh ra bởi Thiên Chúa là
nguồn hạnh phúc, con người được mang “gien” hạnh
phúc của Cha trên trời, Đấng tạo dựng, mà từ đời đời đã muốn con người được dựng
nên để chung hưởng hạnh phúc vô cùng của mình. Rất tiếc, vì có tự do, là hình ảnh
của Thiên Chúa, là kho tàng qúy giá, và vinh dự vượt bậc mà Thiên Chúa ban riêng
cho, con người đã từ chối hạnh phúc nguyên thủy Thiên Chúa dành cho mình, nên đã
lâm vào cảnh bất hạnh, là điều ngược với ý muốn của Thiên Chúa. Nhưng ngay cả khi
con người đã tự mình đánh mất hạnh phúc, Thiên Chúa vẫn xót thương và chính Ngài
đã đi tìm lại hạnh phúc mà con người làm mất, bằng chương trình cứu độ của Đức
Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.
Như thế, mục đích của mầu
nhiệm Nhập Thể làm người của Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa là chuộc lại Hạnh
Phúc mà con người vì tội lỗi đã làm mất. Hạnh Phúc đó là “được làm con Thiên Chúa” (Mt 5,9), “được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8), “được Thiên Chúa xót thương, an ủi” (Mt 5,5.7), “được Nước Thiên Chúa làm kho tàng,
gia nghiệp” (Mt 5,3.10), “được Nước Trời là nơi cư ngụ” (Mt 5,4), “được thoả lòng mong đợi” (Mt 5,6), và “được phần thưởng thiên đàng” (Mt 5,12).
Đó là hạnh phúc thật, hạnh
phúc đích thực, là “kho tàng
không bị hao hụt, hư nát…, mối mọt không thể đục phá và kẻ trộm không thể đào tường,
khoét vách lấy đi.” (Mt
6,20) ; đó là “hạnh phúc
thật dành cho những ai lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28) được công bố từ miệng
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa trong Hiến Chương Nước Trời từ núi Bát Phúc (x. Mt
5,1-12). Và suốt cuộc đời dương thế, Ngài đã dong duổi đến với nhiều người, thuộc
mọi giai cấp, thành phần, hoàn cảnh, tâm trạng để tất cả đều gặp Ngài là Con Đường
Hạnh Phúc đích thực, đời đời :
1.
Đức
Giêsu đã gặp những người băn khoăn trước ngã tư cuộc đời, và chưa tìm được con
đường Hạnh Phúc :
Họ là những người khao
khát hạnh phúc tuyệt hảo, hạnh phúc viên mãn, đã đến hỏi Đức Giêsu con đường nào
là con đường hoàn thiện, tức con đường bảo đảm trăm phần trăm hạnh phúc Nước Trời.
Và Ngài chỉ cho họ : “Ngươi
không được giết người, không được ngoại tình, không được trộm cắp, không được làm
chứng gian. Ngươi phải thảo kính cha mẹ, phải yêu đồng loại như yêu chính mình” (Mt 19,18-19), và điều cuối cùng
để nên hoàn thiện là “hãy bán
hết tài sản, đem cho người nghèo… Rồi hãy đến theo Tôi.” (Mt 19,21).
Như thế, “bán hết tài sản, cho người nghèo và đi theo Đức Giêsu” là đoạn đường cam go cuối cùng
phải vượt qua để đạt hạnh phúc trọn vẹn mà Thiên Chúa hứa ban. Điều này cho chúng
ta thấy vật chất là chướng ngại đáng quan tâm, của cải là cản trở không nhỏ đối
với người môn đệ trên đường về Hạnh Phúc. Không phải vô ý, vô tình hay ngẫu nhiên
mà Đức Giêsu luôn nhắc nhở các môn đệ của Ngài mối nguy của Tiền Của : “Không ai có thể làm tôi hai chủ,
vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể
chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24). Đó cũng là lý do Đức
Giêsu, khi công bố Hiến Chương Nước Trời trên núi Bát Phúc đã khởi đầu bằng “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ” (Mt
5,3).
Qủa thực, Tiền Của được
xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu của bất hạnh : tâm hồn bất an
vì toan tính thủ đoạn làm tiền, gia đình,
gia tộc bất hoà vì tranh giành của cải, bạn bè cắt đứt tình bằng hữu cũng vì lắt
léo, lung tung chuyện vật chất, và người ta không mấy khi được bình an, hoà thuận,
hạnh phúc với Tiền Của. Tiền Của cũng dễ làm tâm hồn chúng ta lạnh lùng với Thiên
Chúa và hờ hững, dửng dưng với Nước Trời, vì Tiền Của có một ma lực thu hút rất
mãnh liệt, khủng khiếp đến nỗi khi đã lọt
vào rồi thì vô cùng khó thoát ra, vì lòng tham của con người vô đáy và như Đức
Giêsu cảnh báo : “Kho
tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi ở đó” (Mt 6,21), nên nếu kho tàng là Tiền Của thì tâm trí, trái tim của
ta cũng đặt hết ở Tiền Của, gắn chặt với Bạc Tiền, đóng đô ở Vật Chất, trong
khi những thứ này đều không bảo đảm cho ta hạnh phúc thật, như người phú hộ kia
cứ mải mê tích trữ của cải mà không biết rằng : Chỉ nội trong đêm nay, người
ta sẽ đòi mạng, thì của cải sẽ về tay ai ? “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm
giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,20-21). Với những người còn băn khoăn, do dự
trước nhiều con đường, Đức Giêsu đã chỉ cho họ chính Ngài là Con Đường Hạnh Phúc
đích thực và mời gọi họ “Hãy
đi theo Tôi” (Mt 4,19), vì “Tôi là Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6).
2.
Đức Giêsu đã gặp những con người không hạnh
phúc vì nghi ngờ con đường đức tin mình chọn :
Vì được mời gọi, thu hút,
lôi cuốn bởi rất nhiều con đường. Có đường tình, đường tiền, đường danh vọng, đường
khoa bảng, đường quan chức, và đường nào cũng thênh thang rộng mở, mồi chài, hấp
dẫn. Chính vì thế, chúng ta có thể rơi vào tình trạng nghi ngờ con đường mình đang
đi, và không hạnh phúc với tâm trạng nghi nan liên lỷ, và cám dỗ thường xuyên đổi
đường, chuyển hướng. Đó là tâm trạng của người đàn bà xứ Samari mà Đức Giêsu đã
gặp bên bờ giếng Giacóp :
Người đàn bà này rất đặc
biệt : bà không nghi ngờ, thắc mắc gì ngoài đức tin và tôn giáo bà đang theo. Đặt vấn đề với Đức Giêsu
về niềm tin, sau khi thấy Ngài nói trúng phóc đời tư và tình duyên trắc trở của
mình : “Thưa ông, tôi
thấy ông thật là một ngôn sứ... Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên
núi này ; còn các ông lại bảo : Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ
phượng Thiên Chúa” (Ga
4,20), bà đã nói lên mối nghi ngờ từ rất lâu đốt cháy tâm can bà.
Mối nghi ngờ của bà rất
quan trọng, vì đụng chạm đến lẽ sống, ý nghiã và cùng đích của đời sống con người :
Thiên Chúa nào mới là Thiên Chúa thực, Thiên Chúa của người Do Thái hay Thiên
Chúa của người Samari và đâu mới thực là nơi Thiên Chúa ngự : trên núi
Garizim của người Samari, hay trong đền thờ Giêrusalem của ngừơi Do Thái ?
Bởi ở thời Đức Giêsu, người Samari và người Do Thái không còn giao lưu thân thiện,
nhưng trở thành thù nghịch của nhau, thù nghịch và khinh bỉ nhau đến nỗi bất cứ
một con vật hay sản phẩm nào không cần xuất xứ, mà chỉ đi ngang qua lãnh thổ
Samari thì đều bị coi là ô uế đối với người Do Thái.
Ngược dòng lịch sử, chúng
ta biết : khoảng năm 722 trước Công Nguyên, khi vương quốc miền Bắc và thủ
đô Samari bị chiếm đóng bởi quân Assyri, một làn sóng người ngoại quốc đã đến
nhập cư sinh sống trên vùng đất này, và đó là nguồn gốc của người Samari. Sách
các Vua quyển 2 đã ghi lại: “Vua
Assyri đã đưa người từ Babylon, Cutha, Ava, Khamát và Xơphácvagim đến định cư ở
các thành xứ Samari, thế vào chỗ con cái Ítraen. Họ chiếm Samari và ở trong các
thành của xứ này” (2 V
17,24). Sau thời lưu đầy, khoảng năm 538 trước Công Nguyên, người Samari chống
lại việc xây dựng tường thành của Giêrusalem, và hai thế kỷ sau, họ đã xây một đền
thờ khác trên núi Garizim làm nơi thờ phượng, và ở chân núi là thành phố lớn
mang tên Sichem. Kể từ đó, người Samari chọn núi Garizim làm nơi thờ phượng Thiên
Chúa Giavê, trong khi Giêrusalem vẫn là Đền Thờ của người Do Thái.
Người đàn bà Samari này
đã không than thở về nỗi bất hạnh đã năm đời chồng và hiện đang ở một mình, nhưng
ray rứt, bất an vì một vấn nạn đức tin : Niềm tin của bà có thực là niềm
tin chính đáng, và Thiên Chúa bà tôn thờ có thực sự ở trên núi này không ?
Hay bà đã tin lầm Thiên Chúa, và chọn sai nơi Thiên Chúa ngự ?
Mối nghi nan của bà cũng
là vấn nạn của nhiều người trên hành trình đi tìm Thiên Chúa, bởi ở giữa những ngã tư, ngã năm, ngã bẩy trên hành trình đi tìm
Thiên Chúa đã có những bảng chỉ đường không
đúng, những hướng đạo mù loà, những lãnh đạo tôn giáo bất xứng, kiêu căng, những
thầy dậy lười biếng, vô trách nhiệm không những đã chỉ sai đường, mà còn cấm cản,
làm khó dễ những người muốn gặp Thiên Chúa. Chính xã hội và cơ cấu tôn giáo thời
Đức Giêsu đã làm người đàn bà Samari, và rất nhiều người khác rơi vào tình trạng
“bán tín bán nghi” về niềm tin tôn giáo của mình.
Và đến hôm nay, mối nghi nan ấy vẫn còn là một nhức nhối khôn nguôi của nhiều
người…
Là Đường, Đức Giêsu đã
khai mở con đường hạnh phúc đích thực cho bà, bằng nói cho bà biết Ngài là ai, đồng
thời giải toả mối nghi nan đức tin của bà :
“Này chị, hãy tin
tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này
hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi
thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến
và chính lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa
Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người
như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng
trong thần khí và sự thật”
(Ga 4,21-24). Nghe đến đây, người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người
đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự. Đức Giêsu liền nói : Đấng ấy
chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4,25-26).
Người nói với chị chính
là “Đường” đang chỉ cho chị con đường đức
tin đích thực. Con đường ấy không còn bị giới hạn, ngăn chặn, cấm cản bởi các
phe phái, cơ chế, chức sắc độc đoán, độc quyền, độc trị, nhưng mở ra cho mọi người
bất kể Do Thái hay Samari, dân ngoại hay con cái trong nhà, trí thức hay dốt nát,
giầu có hay nghèo hèn Con Đường Thiên Chúa; “Đường”
đang mời gọi tất cả mọi người bất luận nguồn gốc, thành phần cùng lên đường, vì
từ nay con đường Giêsu ấy không còn bị “giam cầm”, bắt
làm con tin trong đền thờ kiên cố này, hay bị “giam giữ”,
cô lập trong pháo đài trên núi kia. Trái lại, đó là Con Đường của Thánh Thần Sự
Thật, và Con Đường hạnh phúc của mọi người chính là “Đức Giêsu”,
Đấng đã tự mặc khải để cứu độ nhân loại, bằng mở ra muôn ngàn triệu lối ngõ, kênh
rạch, suối rãnh, đường bộ, đường sông, đường bay, đường sắt để mọi người đến được với Thiên Chúa, Đấng là Hạnh
Phúc đích thực, viên mãn, tuyệt đối, đời đời.
Hôm ấy bên bờ giếng, người
đàn bà Samari ngoại đạo đã hết âu lo, bối rối, nghi nan khi không biết đạo nào
là thật, thờ phượng Thiên Chúa ở đâu, giữ đạo làm sao, đi đạo thế nào cho “phải đạo”, nhưng hạnh phúc, bình an của Đức Giêsu vỡ oà trong
tâm hồn bà, khi bà thưa với Ngài : “Xin ông cho tôi thứ nước ấy”, (Ga 4,15), “nước đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14) mà ông vừa nói đó, “để tôi hết phải khát nữa” (Ga 4,15), và chị vui mừng hớn
hở chạy đi gặp nhiều người trong làng để kể lại mọi điều Đức Giêsu đã nói với chị,
và dân làng đã tin ở Ngài, và Ngài đã “ở lại với họ hai ngày” (x. Ga 4,39-42).
3.
Đức
Giêsu đã gặp những người không hạnh phúc vì tội lỗi của mình :
Vì tự thân tội lỗi là điều
xấu, nên hậu qủa của tội là vô trật tự, mất bình an, không hạnh phúc, như kinh
nghiệm bản thân của mỗi người sau khi phạm tội, vì ai cũng đã từng là tội nhân
cách này cách khác, không phạm tội này thì cũng ngã vì yếu đuối kia. Vì thế, tội
nhân là người đau khổ vì tội của mình, bởi lương tâm trong sáng, lương thiện là toà án nghiêm khắc,
công thẳng nhất.
Có nhiều căn bệnh tinh
thần, và cả những bệnh thể lý mang chung một nguyên nhân là sự bất an do tội lỗi
gây ra. Từ tình trạng không bình an trong tâm hồn, con người mất nghị lực và niềm
vui sống, bởi tội lỗi làm cho cuộc sống trở nên đắng đót, nặng nề, sầu thảm, và
dẫn con người đến chán chường, tuyệt vọng, hủy diệt.
Là Đường Hạnh Phúc, Đức
Giêsu đến trong thế giới, và tìm gặp người có tội để ban lại cho họ hạnh phúc của
người được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ.
“Có người thuộc
nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa tại nhà ông… Bỗng một phụ nữ vốn là người
tội lỗi trong thành biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem
theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đàng sau, sát chân Người mà khóc,
lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau và lấy dầu thơm mà
đổ lên. Thấy vậy, ông Pharisêu trộm nghĩ trong lòng : Nếu qủa thật ông này
là ngôn sứ, thì phải biết ngưiờ đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào :
một người tội lỗi !”. Đức
Giêsu lên tiếng bảo ông : “Này
ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông !”. Ông ấy thưa : “Vâng, xin Thầy cứ nói”. Đức Giêsu nói : “Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ năm
trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương
tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ?”. Ông Simôn đáp : “Tôi thiết tưởng là người đã được
tha nhiều hơn”. Đức Giêsu bảo :
“Ông nói đúng lắm”.
“Rồi quay về phiá
người phụ nữ, Người nói với ông Simôn : Ông thấy người phụ nữ này chứ ?
Tôi vào nhà ông : nước lã ông cũng không đổ trên chân tôi, còn chị ấy đã lấy
nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái,
còn chị ấy từ lúc vào đây đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu ông cũng không đổ
trên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ trên chân tôi. Vì thế, tôi nói
cho ông hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha hết, bằng cớ là chị
đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít” (Lc 7,36-47).
Đoạn Tin Mừng thật tuyệt
vời, tuyệt vời vì cho chúng ta thấy một Thiên Chúa đầy lòng xót thương tội nhân ; tuyệt vời vì Thiên
Chúa chỉ cần nơi người tội lỗi tình yêu trở về : trở về với tình yêu trong
giọt lệ thống hối, ăn năn ; trở về với tình yêu trên môi hôn ngọt ngào,
tha thiết niềm vui được thứ tha, đổi mới ; trở về với tình yêu giữa hương
thơm nức lòng hạnh phúc vừa được hồi sinh ; trở về với chính Thiên Chúa là
tình yêu, Đấng trung tín trong giao ước tình yêu với con người và chỉ mong đợi
người tội lỗi yêu nhiều để được thương xót nhiều, “yêu nhiều để được thứ tha nhiều” (Lc 7,47).
Đức Giêsu đã mở ra cho “Con Đường Tình Yêu cứu độ” cho người có tội nghèo nàn, không
có gì để chuộc tội ; bất lực, không khả năng để gỡ tội ; cô thân cô
thế, chẳng quyền thế, ảnh hưởng để chạy
tội. Con đường tình yêu cứu độ là chính Ngài và trên con đường tình này, người
có tội tìm lại hạnh phúc đích thực và trường cửu đã vì tội mà mất đi, như Đức
Giêsu đã âu yếm nói với người phụ nữ “được tha nhiều vì yêu nhiều” : “Con
hãy đi bình an” (Lc 7,50). Đi
bình an là đi trong hạnh phúc, đi bình an là lên đường hạnh phúc, đi bình an vì
đã gặp Đức Giêsu, Đường Hạnh Phúc của nhân loại.
Bên cạnh người phụ nữ
trắc nết tự tìm đến Con Đường Hạnh Phúc là Đức Giêsu mà Tin Mừng Luca vừa tường
thuật, còn một người phụ nữ khác “tội
tình, tội nghiệp, tội lỗi”
hơn, vì bị bắt qủa tang đang phạm tội ngoại tình. Chị ta không tự mình đến gặp Đức
Giêsu, nhưng bị những người Pharisêu dẫn giải đến trước mặt Đức Giêsu, và họ tố
cáo chị với Ngài, với ác tâm được nghe bản án “ném đá đến chết” theo luật Môsê từ chính miệng của Đức Giêsu, vị ngôn sứ đang nổi
tiếng và được dân chúng trọng vọng (x. Ga 8,1-5).
Thực ra, khi giải giao
chị đến trước mặt Đức Giêsu, những người Pharisêu có tâm địa ác ôn này đã biết
trước chị sẽ bị ném đá, vì tội ngoại tình bị xếp vào hạng “trọng tội” và hình phạt đương nhiên sẽ là ném đá cho đến
chết. Vì thế, họ nắm chắc trong tay cái chết của người đàn bà tội lỗi này, và
nghênh ngang, vênh váo hỏi Đức Giêsu : “Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà
này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?”
(Ga 8,5). Nghĩ sao gì nổi với tội tầy đình lại bị bắt qủa tang ? Nghĩ gì bây
giờ trước đám Pharisêu đang say máu người đàn bà có tội. Họ như đám diều hầu háu
đói chỉ chờ bổ nhào xuống trên xác người đàn bà đáng thương vì bị bắt qủa tang
ngoại tình.
Nhìn họ “phùng mang trợn mắt” tố cáo và làm áp lực để dã tâm
của họ được thoả mãn, Đức Giêsu không nói gì hết, cũng chẳng nhìn ai, vì Ngài
biết : đối tượng đáng thương và cần được thương xót lúc này là người đàn bà
tội lỗi tóc tai rũ rượi, hổ thẹn cúi mặt trước đám đông đang điên cuồng inh ỏi
lên án. Và Ngài đã là Đường sống của chị ở phút sau cùng : cứu chị khỏi án
tử ở giây phút chót, lấy chị ra khỏi cơn mưa đá dữ dội và cứu chị khỏi “bàn thua trông thấy” trong đường tơ kẽ tóc.
Đức Giêsu không những đã
cứu chị khỏi chết, mà còn ban lại cho chị hạnh phúc đã mất vì tội, khi ngẩng lên
và âu yếm nói với chị, sau hồi lâu lấy ngón tay nguyệch ngoạc những gì không ai
đọc được trên đất : “Này
chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?… Tôi cũng vậy, tôi không
lên án chị đâu ! Thôi chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8,10-11).
Vâng, ai dám lên án và
ném đá người đàn bà này trước thách thức của Đức Giêsu, Thiên Chúa của lòng thương
xót và là Đường Hạnh Phúc của tội nhân, khi Ngài hỏi đám đông : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ
việc lấy đá ném trước đi”
(Ga 8,7).
Tóm lại, có những người
bất hạnh đã tự đến với Đức Giêsu như người đàn bà trắc nết trong Tin Mừng Luca,
có những người bất hạnh bị áp giải đến với Ngài như người đàn bà ngoại tình bị
bắt qủa tang, và cũng có những người bất hạnh được Ngài tìm đến như người đàn bà
Samari ngoại đạo trong Tin Mừng Gioan, lại có những người không bất hạnh, nhưng chưa hẳn hạnh phúc như người
thanh niên có nhiều của cải của Tin Mừng Mátthêu. Tất cả đều là những người bất hạnh đi tìm hạnh phúc. Họ
là hình ảnh và hiện thân sống động của chúng ta, những người lữ hành trên đường
đi tìm hạnh phúc.
Trên hành trình này, có
lúc chúng ta tưởng đã nắm được trong tay trọn vẹn hạnh phúc, tưởng đã tự mình tạo
nên hạnh phúc, tưởng đã giữ được hạnh phúc mãi mãi dài lâu, tưởng đã không còn
hạnh phúc nào đích thực hơn hạnh phúc chúng ta đang có, nhưng cuối cùng, hạnh
phúc vụt bay, hạnh phúc trốn chạy, hạnh phúc phản bội, hạnh phúc bỏ ta lại một
mình đơn côi, trơ trọi, hoang vắng, và đến lúc ấy ta mới bừng tỉnh thấy hạnh phúc
không đẹp như mơ, hạnh phúc khó nuôi, khó ăn, khó ở, và dễ tan, dễ vỡ, để phải
chân nhận rằng : hạnh phúc con người đi tìm cho mình, hoặc tìm cho nhau, tạo
ra cho mình, hoặc mang lại cho nhau sẽ không bao giờ là Hạnh Phúc đích thực, Hạnh
Phúc bền vững, Hạnh Phúc trọn vẹn, Hạnh Phúc tuyệt đối, Hạnh Phúc đời đời, mà
chỉ một mình Đức Giêsu, “Thiên
Chúa làm người” mới là Hạnh
Phúc thật của con người, là Đường người tội lỗi phải đi để kiếp người, phận người,
đời người được tràn đầy Hạnh Phúc tuyệt đối và đời đời, quà tặng qúy giá của
Thiên Chúa Tình Yêu.
Jorathe Nắng Tím