Đức Giêsu đến để phục vụ,
Giáo Hội noi gương Đức Giêsu phục vụ, chúng ta được đào tạo thành những con người
phục vụ. Cả ba chân lý trên, chúng ta đều nằm lòng, và như những tiếng chuông đồng
hồ nhắc nhớ chúng ta hằng giờ trong ngày. Vậy mà chúng ta vẫn bị lên án là không
phục vụ, Giáo Hội vẫn bị chỉ trích là quên sứ mệnh phục vụ, và thế giới ngày càng
xa cách, tránh né chúng ta, vì chúng ta tuy có phục vụ nhưng lại phục vụ với thái
độ của ông chủ, người có quyền, kẻ thi ân.
Thực vậy, không ai chối
cãi chúng ta phục vụ, nhưng chúng ta không phục vụ như người đến để phục vụ, như
Đức Giêsu đã tự khẳng định về Ngài: “Con
Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng
sống làm giá cứu chuộc muôn người”
(Mc 10,45), nghiã là tận căn rễ cuộc
đời, tận căn gốc sứ vụ, tận căn nguyên ơn gọi, chúng ta là người phục vụ đích
thực, chính danh, chứ không phục vụ trên danh nghiã, phục vụ theo thời vụ, nhưng
phải là một đời phục vụ như tôi tớ.
Khi nói với các môn đệ điều
trên, nhất là khi qùy xuống rửa chân cho các ông trong bữa tiệc ly, và giải thích
ý nghiã việc rửa chân : “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’ và là
‘Chúa’. Điều đó phải lắm, vì qủa thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là
Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho
nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,13-15).
Làm cho anh em đây, chính
là làm tôi tớ cho anh em, khi phục vụ anh em. Và một cách công khai, rõ ràng, Đức
Giêsu đã không kêu gọi chúng ta phục vụ anh em với thái độ nào khác, ngoài thái
độ của người tôi tớ đích thực, như Ngài đã đến trong thế giới để trở nên tôi tớ
đích thực và thực sự phục vụ mọi người, đến hy sinh cả mạng sống.
Thực vậy, lý do lớn nhất
cản trở chúng ta phục vụ người khác với thái độ phục vụ của tôi tớ như Đức Giêsu
muốn là do hầu hết đối tượng chúng ta phục vụ đều là những con người nghèo hèn,
yếu kém, dốt nát hơn chúng ta, nên rất khó có thể phục vụ họ với thái độ của tôi
tớ đích thực, vì ý thức vượt xa, vượt trội, vượt trên người đang được phục vụ bắt
chúng ta phải giữ một khoảng cách tâm lý, có khi cả thể lý khi phục vụ họ ;
vì đa số những người chúng ta phục vụ đều là những con người tội lỗi, nhiều
khuyết điểm hơn chúng ta, nên ý thức thánh thiện, cao cả, được tuyển chọn, được
xức dầu thánh hiến, được “đóng
ấn đời đời” nơi chúng ta như
lực cản vô hình đẩy chúng ta xa khỏi họ, không cho phép họ đến gần, dù ta được
sai đến để phục vụ họ ; vì phần đông những người chúng ta phục vụ không có
kiến thức thần học, kinh thánh, giáo luật như chúng ta, nên khó tránh khỏi ý thức
tự hào lúc nào cũng len lỏi không cho phép chúng ta đứng ngang hàng với họ, nói
chi qùy xuống rửa chân họ như tôi tớ.
Từ đó, chúng ta tuy có đến
để phục vụ, nhưng phục vụ với thái độ của kẻ cả, nghiã là tình nguyện đến
phục vụ vì thích hơn vì chu toàn một sứ mệnh, vì “muốn phục vụ cho vui” hơn vì thực hiện một nghiã vụ, vì phục vụ như chuyện
“làm cho đời mình phong phú,
thêm mầu sắc” hơn vì phục vụ
là Ơn Gọi suốt đời đeo đuổi. Thái độ “kẻ cả” được
nhận ra rất rõ khi chúng ta không mấy gì tha thiết, không mấy gì nồng nàn, cũng
chẳng có gì gắn bó với đối tượng trong khi phục vụ ; khi phục vụ chóng vánh
cho xong, thu quén phục vụ sao cho gọn, để rồi phục vụ biến thành những “show phục vụ” được lập trình có giờ khắc, hết
giờ là đóng cửa, hạ màn, dẹp sân khấu, mà không bao giờ phục vụ được đi vào máu
để sống chết đêm ngày với con người phục
vụ.
Cũng có người trong chúng
ta đến phục vụ với thái độ của “kẻ có quyền”,
vì thật sự chúng ta có quyền phục vụ khi muốn, và ngưng phục vụ khi cần ;
có quyền dấn thân giúp đỡ người khác khi thuận tiện, và đóng cổng không tiếp ai
khi thấy bất lợi cho mình ; nghiã là ngay trong khi phục vụ, quyền sinh sát
khi “nhân danh” Đấng này, dựa vào sức mạnh của quyền
hành, cơ cấu, tổ chức kia vẫn không chịu rời xa chúng ta, nên thường xuyên
trong thái độ, uy lực vẫn lăm le xuất hiện, thế lực vẫn hăm he thi thố, quyền lực
vẫn sẵn sàng ra tay, và thần lực vẫn giăng mắc bao phủ, tất nhiên tất cả các thứ
“lực” vừa kể đều sẽ dễ dàng và mau chóng “xuất hiện, thi thố, ra tay, chụp xuống đầu” những người chúng ta đang phục
vụ, vì họ là đối tượng “ngoan
hiền và ngon lành” nhất
đến nỗi chúng ta có thể vừa phục vụ vừa thống trị, vừa giúp đỡ vừa trấn áp, vừa
lui tới vừa khai trừ, vừa rửa chân vừa chịt cổ, vừa cho vừa đòi, vừa thân thiện
vừa nghiêm khắc, vừa phục vụ vừa bắt họ phục vụ…
Khi ở vào tình trạng này,
thái độ của chúng ta hoàn toàn không chút rõ ràng, vì tự bản thân, chúng ta đã
không muốn rõ ràng, minh bạch với chính mình, như Đức Giêsu đã thẳng thắn cho mọi
người biết về Ngài và lẽ sống của Ngài : “Tôi đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ”. Vì thế, thái độ ỡm ờ, lợi cả đôi
ba đàng này là hậu qủa của ích kỷ có tính toán, của lưu manh có đẳng cấp, của
thụ hưởng có lập trình mà không mấy ai có thể khiển trách, bởi trước mắt thì có
phục vụ, còn sau lưng, “hậu phục vụ” thì có “Giăng, Giời” nào hay biết.
Chúng ta cũng thường đến
phục vụ với thái độ của người thi ân, người ban ơn, ân nhân của nhân loại,
mà không mấy khi phục vụ như bạn hiền, như người thân, như tôi tớ, bởi chúng ta
luôn nuôi não trạng mình đã hy sinh nhiều cho tha nhân, mình đã dâng hiến cuộc đời
cho người khác, mình đã cật lực làm việc từ thiện trong khi bao nhiêu người khác
chỉ ngồi chơi, chẳng làm gì, hay còn tệ hơn : chỉ ngồi chờ xung rụng là sự
giúp đỡ của chúng ta. Não trạng là ân nhân vĩ đại, người thi ân tuyệt vời, nhà
từ thiện cao cả chiếm hết tâm hồn quảng đại của chúng ta và biến chúng ta thành
những con người hẹp hòi, bủn xỉn, so đo, tính toán ngay cả với người chúng ta đang
phục vụ. Vì nhỏ mọn, bủn xỉn, chúng ta sẽ dễ coi thường họ khi họ thường xuyên đến
xin chúng ta giúp đỡ ; vì so đo, tính toán chúng ta sẽ không ngại ngùng lên
giọng, lớn tiếng với những người vừa nhận phần quà, hoặc vừa được chúng ta an ủi,
chỉ vì trong chúng ta bất ngờ bừng tỉnh một điều là họ đã làm mất qúa nhiều thời
giờ của chúng ta.
Như thế, bao lâu chúng
ta không bỏ ra khỏi đầu não trạng “người
thi ân”, không tháo gỡ khỏi
trái tim vương trượng của “kẻ
có quyền”, không loại ra khỏi
hành trang lên đường cung kiếm của “kẻ
cả”, thì thái độ phục vụ như
đầy tớ, như bạn hữu (Ga 15,13-14), mà Đức Giêsu căn dặn và làm gương sẽ không
thể thực hiện trong đời phục vụ của chúng ta. Không thể thực hiện được, vì phục
vụ chỉ là sứ mệnh của bạn hữu hoặc đầy tớ, chứ không thể là công việc của kẻ có
quyền, của ông chủ, của đại ca, của người làm ơn làm phước, cho dù những đấng bậc,
chức sắc, quý vị “tai to mặt
lớn” này có “diễn” cỡ nào, có hoá trang đến đâu, có sửa giọng, sửa tướng
đến “cấp ba, cấp bốn” cũng vẫn không thay đổi được thái
độ, và việc phục vụ của các vị sẽ mãi hời hợt, ngoài da, ngượng nghịu và không
tránh khỏi những lần vô ý “làm
tổn thương” người được phục
vụ. Không thể thực hiện được, vì phục vụ là công việc của người dưới, người nô
lệ, người được thuê mướn, chứ không là công việc của lãnh đạo, lãnh tụ, lãnh chúa.
Những vị mang hàm “lãnh” này, dù có đeo trước ngực hai chữ Phục Vụ to đùng, có
treo biểu ngữ tung hô bước chân phục vụ, có tuyên bố long trọng hàng giờ chương
trình, kế hoạch, đường lối phục vụ, cũng không làm cho công việc phục vụ của các
vị lột hết tinh thần phục vụ cao đẹp và thánh thiện của Đức Giêsu và như Đức Giêsu
muốn.
Để phục vụ với thái độ
của người tôi tớ và như bạn hữu của Đức
Giêsu, thiết tưởng chúng ta phải :
1.
Phục
Vụ như Yêu Thương :
Phục vụ như yêu thương
là phục vụ do tình yêu thúc bách. Chính được Tình Yêu Đức Giêsu thúc bách mà chúng
ta phục vụ anh em mình, ngoài ra không vì một lợi nhuận, hậu ý nào khác. Chỉ
khi được thúc bách bởi Tình Yêu hiến mình tinh ròng và trọn vẹn của Đức Giêsu, Của
Lễ chuộc tội trên Thánh Giá và “Mục
Tử nhân lành sẵn sàng hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11), chúng ta mới có được thái độ phục vụ như
tình yêu mà Thiên Chúa muốn. Nói cách khác, phục vụ không tách khỏi tình yêu,
phục vụ không là thứ yếu, phụ tùng của tình yêu, nhưng phục vụ là tình yêu, yêu
thương là phục vụ. Đó là lý do ở ngày chung thẩm, chúng ta sẽ bị phán xét về tình
yêu qua những việc làm phục vụ anh em mình (x. Mt 25, 31-46).
2.
Phục
vụ như một bổn phận :
Phục vụ như một bổn phận
hoàn toàn khác phục vụ như một ý thích, bởi bổn phận là việc phải làm, còn ý thích
thì tự do : thích thì làm, không thích thì thôi. Bổn phận là việc phải chu
toàn bằng mọi giá, còn ý thích thì tùy theo cảm xúc, hứng khởi : vui sướng
thì gì cũng làm, buồn giận thì không làm gì hết. Chính vì không coi phục vụ là
bổn phận của người môn đệ Đức Giêsu, “Đấng đến không phải để được người khác phục vụ, mà phục vụ mọi
người, đến hy sinh cả mạng sống”,
mà chúng ta chưa có được tinh thần và thái độ của tôi tớ và bạn hữu như Chúa muốn
khi phục vụ anh em đồng loại. Trái lại, vì thiếu ý thức phục vụ như bổn phận,
chúng ta đã nhiều lần xúc phạm anh em
ngay trong khi phục vụ họ.
3.
Phục
vụ như sứ mệnh :
Sứ mệnh của người Kitô
hữu khi được gọi làm con Thiên Chúa là “yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người”. Phụng sự Chúa là phục vụ anh em, vì hạnh phúc của
con người đang sống là vinh quang của Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa yêu thương và
muốn tất cả mọi người được chung hưởng hạnh phúc của Ngài, nên sứ mệnh của chúng
ta là đem lại hạnh phúc đó cho anh em, bằng yêu thương, phục vụ anh em. Chỉ với
ý thức phục vụ như sứ mệnh, chúng ta mới không chà đạp, nghiền nát anh em và biến
họ thành phương tiện thoả mãn bản năng thống trị của mình trong khi phục vụ họ.
4.
Phục
vụ là niềm vui :
Làm việc cho lợi tức, túi
tiền của mình mà không vui đã bực bội rồi, nay phục vụ người khác mà không vui
thì khác gì thi hành án “khổ
sai chung thân”, nên rất khó
phục vụ mà không vui với niềm vui phục vụ. Đức Giêsu vui vẻ đón nhận thân phận
làm người như ngôn sứ Isai đã loan báo : “Đây là tôi tớ trung tín Ta đã tuyển chọn, đây là người
Ta yêu dấu : Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người
sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng
ai thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy,
tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt di, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng
và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12,18-21). Và như thánh Phaolô đã viết cho tín hữu
Philípphê : “Đức Giêu
Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà hông nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng
với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên
giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến
nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Như thế, chúng ta không
thể chối cãi được ý muốn làm “nô
lệ, tôi tớ, phàm nhân” của Đức
Giêsu Thiên Chúa với mục đích phục vụ nhân loại, và phục vụ cho đến chết trên
Thánh Giá làm giá cứu chuộc muôn người. Nhưng điều quan trọng là Ngài đã đón nhận
thân phận thấp hèn để phục vụ này trong niềm vui, trong hạnh phúc thể hiện tình
yêu vâng phục của Ngài với Chúa Cha, và tình yêu cứu độ của Ngài với nhân loại.
Chính vì ở trong niềm vui phục vụ, mà Đức Giêsu đã trấn an các môn đệ : “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào
Thiên Chúa và tin vào Thầy”
(Ga 14,1), “anh em cũng đừng
sợ hãi” (Ga 14,28), nhưng “hãy vui mừng vì tên anh em đã được
ghi trên trời” (Lc 10,20),
và “phần thưởng dành cho
anh em ở trên trời thật lớn lao”
(Mt 5,12).
Chỉ với niềm vui trong
Chúa, chúng ta mới phục vụ anh em bé mọn, nghèo túng, thất học, kém đạo đức, mà
không cau có, gắt gỏng, nạt nộ, trách móc xối xả, chửi bới tanh bành. Chỉ tìm gặp
niềm vui của Đức Ái trong phục vụ, chúng ta mới không xúc phạm nhân vị của người
nghèo, không làm tổn thương nhân phẩm của người tội lỗi, không khinh khi, chà đạp
nhân cách của người kém may mắn, bất hạnh khi phục vụ họ. Chỉ với niềm vui của tôi tớ muốn làm vui lòng chủ, chúng ta mới đem
lại hạnh phúc thật cho người anh em chúng ta phục vụ, vì họ sờ thấy được tình yêu
của Thiên Chúa và của chúng ta đang dành cho riêng họ. Chỉ với hạnh phúc của đầy
tớ trung tín tận tụy chăm sóc gia sản của ông chủ tốt lành là Thiên Chúa, chúng
ta mới nếm được sự ngọt ngào của tình yêu khi phục vụ “người bé nhỏ nhất trong anh em” (x. Mt 25,45).
Và để có được thái độ “phục vụ như yêu thương, phục vụ
như bổn phận, phục vụ như sứ mệnh và phục vụ là niềm vui”, chúng ta được Đức Giêsu truyền cho bửu bối
thần diệu, là Phục Vụ trong Khiêm Tốn, để
khi phục vụ, cũng như “khi
đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những
đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).
Xin Chúa cho chúng ta
biết phục vụ anh em với thái độ của phục vụ đích thực mà Chúa đã dậy và làm gương :
thái độ của người tôi tớ trung tín và bạn hữu thân tình sẵn sàng chết cho người
mình yêu thương, phục vụ.
Jorathe Nắng Tím