Suy Niệm TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 23 Thường Niên, Năm C
Chắc
trên thế gian này không có ai như Đức Giêsu : vừa mới bắt đầu sứ vụ truyền
giáo, giới thiệu đạo, và khởi sự muà thu nạp môn đệ thay vì mị dân, dùng lời
ngon ngọt, “có cánh”
để thu hút “fan”
hâm mộ, đã không ngại nói với đám đông đang đi theo mình : “Ai
đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình
nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi,
thì không thể làm môn đệ tôi”
(Lc 14,26-27).
Đòi
hỏi thật khó và điều kiện được nhận làm môn đệ qúa gắt gao đã làm nản những cõi
lòng phấn khởi, làm chùn những bàn chân thoăn thoắt, nhún nhẩy hân hoan buổi đầu
gặp gỡ. Đức Giêsu qủa thực đã làm nhiều người thất vọng, vì không ngờ theo Ngài
vất vả, và phải trả giá mắc đến thế, với danh sách dài những giá trị phải từ bỏ
mà Ngài huỵch toẹt, không úp mở kê ra trước “bàn
dân thiên hạ”.
Và để thực hiện cuộc từ bỏ rướm máu này, Đức Giêsu đề
nghị người muốn theo Ngài phải làm những việc sau đây :
1.
Sử dụng tự
do khi chọn lựa :
Trong cuộc lựa chọn này, Đức Giêsu hoàn toàn tôn trọng
tự do của mỗi nguời, vì thiếu tự do sẽ không có chọn lựa, mà không chọn lựa thì
hành vi của chúng ta không mang một giá trị nào. Hành động “đi theo, đến với” Thiên Chúa là
việc làm của ý chí tự do, và ý chí đó được lý trí mời gọi suy xét, phân định kỹ
càng trước khi quyết định, để không như người xây tháp, hay như vị vua kia, vì
thiếu suy nghĩ, tính toán hơn thiệt đã ê
chề thất bại, và nhục nhã cầu hoà (x. Lc 14,28-32). Vì thế, Đức Giêsu mời những
ai muốn đi theo Ngài phải đi với tinh thần tự nguyện, đi trong tự do.
2.
Phân định để
thấy thang giá trị đích thực khi chọn lựa :
Người ta chỉ chọn khi do dự giữa hai hay nhiều giá trị,
chỉ lựa khi phải bỏ giá trị này, lấy giá trị kia, bởi nếu không có những giá trị
cùng lúc hiện diện, chúng ta không cần đến khả năng chọn lựa.
Khi nói chúng ta phải chọn hoặc cha mẹ, vợ con, anh chị
em, mạng sống mình, hoặc cuộc đời làm môn đệ đi theo Ngài, Đức Giêsu đã không
phủ nhận giá trị của những người thân yêu, và bản thân, mạng sống chúng ta, vì
những giá trị này đều do chính Thiên Chúa ban tặng khi cho chúng ta vào đời làm
người. Vì là quà tặng, hồng ân từ tay Thiên Chúa, nên không có lý do gì Thiên
Chúa lại hủy bỏ những giá trị ấy, nếu không có một lý do khác rất mạnh.
Lý do rất mạnh đó, chính là Thiên Chúa mới là giá trị
tuyệt đối, là nguyên lý của tất cả những giá trị tương đối mà chúng ta “đang có” như cha mẹ, vợ con, anh chị em, và “đang là” như mạng sống của chúng ta. Khi mời gọi chúng ta chọn
lựa, Thiên Chúa muốn chúng ta nhận ra thang giá trị, mà trên đó, Thiên Chúa là
giá trị tuyệt đối, nguồn phát sinh của mọi giá trị khác.
Khi nói đến tương đối, chúng ta hiểu rằng những giá trị
tương đối không thể đáp ứng những khao khát tuyệt đối, cũng không thoả mãn ước
vọng đi đến Tuyệt Đối luôn tiềm tàng trong mỗi người, và chỉ một mình Thiên Chúa
là Đấng tuyệt đối với hiện hữu tuyêt đối, tình yêu tuyệt đối, hạnh phúc tuyệt đối
mới cho chúng ta được thoả lòng.
Vì thế, khi đi theo Đức Giêsu để làm môn đệ Ngài, chúng
ta được nhắc nhở để nhận biết Thiên Chúa là Giá Trị tuyệt đối, vượt xa tất cả
những giá trị tương đối khác, nên Ngài phải chiếm ưu tiên thứ nhất trong chọn lựa
của ta, và tất cả các giá trị khác phải được tan biến trong Ngài, tùy thuộc vào
Ngài, vì tất cả đều quy chiếu vào Ngài, bởi từ Ngài mà có.
Điều này cho phép chúng ta hiểu rằng : Thiên Chúa
không bắt chúng ta từ bỏ theo nghiã bỏ rơi, bỏ liều, bỏ bê cha mẹ già, vợ dại
con thơ, anh chị em thân thương trong gia đình, nhưng muốn chúng ta phải đặt
Thiên Chúa lên trên tất cả các giá trị ấy trong chọn lựa của mình.
3.
Thánh Ý
Thiên Chúa là điều chúng ta phải chọn :
Khi mời gọi người môn đệ bỏ mọi sự, bỏ cả mạng sống, và
vác thập giá mình, Đức Giêsu đặt người môn đệ trước đòi hỏi vâng phục thánh ý
Thiên Chúa. Đây mới thực là cốt lõi của vấn đề và mới thực là điều Thiên Chúa
mong đợi ở người môn đệ, bởi bỏ mọi sự mà không vì muốn theo thánh ý Chúa, quên
cả cha mẹ, anh chị em mà không vì vâng phục ý muốn của Thiên Chúa, xoá cả mạng
sống mình mà không vì muốn làm như Thiên Chúa muốn, chấp nhận mọi hy sinh mà không
vì yêu mến Thiên Chúa, thì tất cả các từ bỏ đó, kể cả từ bỏ mình, khi vất vả vác
thập giá mình cũng đều vô ích, vô nghiã.
Sở dĩ người môn đệ phải sẵn sàng từ bỏ tất cả, kể cả
những người thân yêu nhất, và chính bản thân mình, vì không phải lúc nào ý riêng
của bản thân và ý của những người thân yêu cũng luôn phù hợp và thuận theo thánh
ý Thiên Chúa. Trong những trường hợp ý riêng đi ngược ý Thiên Chúa, ý cha mẹ, vợ
con, anh chị em nghịch chiều ý muốn của Thiên Chúa, thì người môn đệ trung tín
phải từ bỏ ý mình và ý người phàm, dù người ấy có thân thương, yêu qúy đến đâu để
tuân theo và thực hiện thánh ý của một mình Thiên Chúa.
Ý nghiã của từ bỏ là thế : từ bỏ ý riêng mình là
thập giá rất nặng nề phải vác, ý của những người thân là ràng buộc không dễ gỡ,
và thường phải quay quắt, đớn đau lắm mới gỡ được, và những ý này luôn có
khuynh hướng ngăn cản bước tiến của người môn đệ trên đường theo Đức Giêsu. Chính
vì thế, Đức Giêsu không ngừng nhắc nhở người môn đệ tinh thần từ bỏ với điểm nhấn
đôi khi rất gắt gao, quyết liệt : “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết. Còn anh, hãy đi theo tôi
loan báo Nước Thiên Chúa”
(Lc 9,60), vì “Ai
đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên
Chúa” (Lc 9,62).
Như thế, thánh ý Thiên Chúa là giá trị cao nhất mà người
môn đệ phải chọn và thực hiện, khi có giằng co với các giá trị khác. Đọc lịch sử
Giáo Hội Việt Nam, đã có những nhà truyền giáo tây phương bỏ cha mẹ, anh chị
em, quê hương, tương lai sáng lạn xuống tầu vượt đại dương đến một nơi không hề
biết, sống với những người không cùng màu da, tiếng nói, văn hoá, phong tục, chỉ
vì vâng theo thánh ý Thiên Chúa lên đường thi hành sứ vụ của người được sai đi.
Vâng, thánh ý Thiên Chúa mới là đối tượng chọn lựa của
người môn đệ, và trong mọi tình huống, người môn đệ không thể đặt bất cứ giá trị
nào khác lên trên thánh ý Thiên Chúa, là giá trị tuyệt đối, và lẽ sống của người
được gọi đi theo Đức Giêsu. Nói cách khác, người môn đệ là người hoàn toàn thuộc
về Chúa và thực hiện thánh ý Chúa chính là hạnh phúc tuyệt vời của đời họ. Thiếu
lòng yêu mến Thánh Ý, người môn đệ đánh mất căn tính “thuộc về Đức Giêsu”, và không xứng đáng là môn đệ của Ngài.
4.
Chọn thánh
ý Thiên Chúa là chọn phần tốt nhất :
Khi nói : “Ai muốn đi theo tôi, hãy bỏ mọi sự, vác thập giá mình
mà theo tôi”,
Đức Giêsu đã chỉ cho các môn đệ và tất cả những ai muốn đi với Ngài phần tốt nhất,
giá trị cao nhất, hạnh phúc lớn nhất, và phần thưởng đời đời phải chọn. Bằng chứng
là khi tông đồ Phêrô lên tiếng than thở : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ hết mọi sự mà
đi theo Thầy” (Lc 18,28), với ý muốn biết các ông sẽ được gì, khi đã bỏ mọi sự mà đi
theo Chúa ? Đức Giêsu đã khẳng định : “Thầy bảo thật anh em : chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ
vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời
này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18,29-30). Ngài còn nhấn mạnh : “Thầy bảo thật anh em : anh em là những người đã
theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự toà vinh hiển, anh em cũng
sẽ được ngự trên mười hai toà mà xét xử mưới hai chi họ Ítraen” (Mt 19,28).
Như thế, chọn Thiên Chúa và thánh ý của Ngài không phải
là lựa chọn của kẻ ngu muội, khi chọn cho mình phần ít oi, xấu xí, tồi tàn, kém
cỏi, thua thiệt, nhưng là chọn lựa của người khôn ngoan, biết chọn phần tốt nhất,
chọn giá trị cao cả nhất, chọn hạnh phúc lớn nhất, vì Thiên Chúa là Chân, Thiện,
Mỹ tuyệt đối và Ngài hằng yêu thương, quan phòng, chăm sóc những ai yêu mến, chọn
thánh ý Ngài làm lẽ sống và đi theo Ngài.
Xin Chúa ban cho chúng ta tình yêu nồng nàn, để có thể
từ bỏ tất cả, để thánh ý Chúa được thể hiện trên chúng ta trong suốt cuộc sống
trần gian này.
Jorathe
Nắng Tím