Quang
cảnh ngày phán xét chung trong Tin Mừng Mátthêu chương 25 đặt ra cho chúng ta
nhiều suy tư về tương lai ở cuối đường đời, khi chúng ta phải theo nhau rời bỏ
cuộc sống trần gian này để bước vào đời sau, diện đối diện với Đấng đã sai chúng
ta vào đời. Cũng chính Ngài sẽ thẩm định phần thưởng và hạnh phúc đời đời của mỗi
người.
Quang
cảnh ngày chung thẩm ấy ngoài sự hiện diện của Thiên Chúa trên ngai vinh hiển, còn
có “tất cả các thiên sứ theo hầu”
(Mt 25,31), và “các dân thiên hạ được tập hợp trước
mặt Người” (Mt 25, 32). Và người lành, kẻ dữ được
chia ra hai bên trái, phải.
Thánh
Mátthêu đã ghi lại từng chi tiết những lời của Đức Giêsu khi nói về ngày “Thiên Chúa trở lại
trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.
Qua những lời ấy, chúng ta ghi nhận những điểm chính yếu sau đây:
1. Ngày
phán xét, không ai dấu được qúa khứ của mình :
Tất
nhiên, khi qua đời, con người không còn lệ thuộc thời gian, nên thời gian sẽ chỉ
còn là một hiện tại tròn đầy, bầy ra trước mắt, ở đó, mỗi người được thấy rõ ràng từng hành vi tốt, xấu mình đã “thực
hiện” “trong
tư tưởng, lời nói, việc làm”, và mỗi người sẽ tự biết
mình phải đứng ở vị trí nào : phía người lành, hay bên người dữ. Đồng thời,
chỗ đứng định mệnh và “đời đời”
ấy được tất cả mọi người biết, bởi đây là cuộc phán xét chung, khi “các
dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người”
(Mt 25,32).
Vì
thế sẽ chẳng có gì dấu giếm được, nên sẽ có rất nhiều bất ngờ ở ngày ấy, khi có
những người chúng ta cực kỳ khinh khi, coi thường, đối xử tệ bạc khi còn sống ở
dương thế lại là người đã âm thầm yêu thương và đóng góp nhiều nhất vào việc cứu
rỗi linh hồn ta ; cũng có những người bị xã hội, kể cả cơ chế giáo hội tẩy
chay, khai trừ, ruồng bỏ lại là những con người thánh đã nhẫn nhục hy sinh trọn
vẹn đời mình trong câm lặng, vì ích lợi chung và hạnh phúc của người khác, mà
chỉ hôm nay, trong ngày chung thẩm chúng ta mới được biết hết sự thật về con người
và việc làm của họ. Chúng ta sẽ không mấy khác những người lành và người dữ
trong ngày chung thẩm được Tin Mừng mô tả, khi họ sững sờ, bỡ ngỡ thưa với Chúa :
“Lạy Chúa, có khi nào chúng con đã thấy
Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà
tiếp rước ; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy
Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ?”
(Mt 25 37-39)
2. Số
phận đời đời của mỗi người gắn liền với người khác :
Số
phận đời đời của mỗi người gắn liền với người khác, vì không ai có thể lên thiên
đàng một mình, cũng không người nào có thể được cứu rỗi đơn độc, mà không dính
líu, can dự đến người chung quanh, bởi đường về Nước Trời là đường của đám đông
cùng đi theo Đức Giêsu, hành trình của toàn thể dân Chúa đồng hành, hướng đi của
toàn thể nhân loại cùng tiến về quê trời hằng phúc.
Số
phận đời đời của mỗi người gắn liền với người khác, vì mỗi người đều được trao
trách nhiệm và có bổn phận trên sự sống và hạnh phúc của người khác, như Thiên
Chúa Giavê đã hỏi Cain : “Aben, em ngươi đâu ?”
(St 4,9). Cũng câu hỏi này, Thiên Chúa sẽ hỏi mỗi người ở ngày chung thẩm.
Đằng
khác, số phận đời đời của mỗi người gắn liền với người khác, vì Thiên Chúa không
kêu gọi từng người và ban cho từng người đức tin để giữ riêng cho mình, thủ kỹ
cho bản thân, bởi đức tin được trao ban không để bảo vệ kỹ lưỡng, để cất kỹ trong
tủ sắt làm của riêng, như người nhận một yến bạc của ông chủ đã không kinh
doanh làm lời, nhưng “đem chôn giấu yến bạc dưới đất”
(Mt 25,25) đã bị ông chủ giận dữ kết án : “Hỡi
đầy tớ tồi tệ và biếng nhác ! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu
nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gửi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi
đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ”, và ông ra lệnh “quăng
nó ra chỗ tối tăm bên ngoài : ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng”
(Mt 25,26-27.30), trái lại, đức tin ấy phải được chia sẻ, lan toả, tiếp tục
trao ban cho người khác, như nến cháy nhận được từ Thánh Thần phải được thắp sáng
trong trái tim, giữa nhà, ngoài ngõ, trên đường phố, trong cuộc đời của người
chung quanh bằng đức ái.
Vì
thế, đức tin chúng ta nhận được không phải để được bảo vệ, nhưng đức tin ấy sẵn
sàng chấp nhận bị va chạm, bị xứt xát, bị xưng trán, u đầu, chấp nhận “chân
lấm tay bùn”, “đổ
mồ hôi, sôi nước mắt”, sớm hôm tần tảo, khó nhọc để được
lớn lên, trưởng thành, sinh sôi nẩy nở, và đơm hoa kết trái xum xuê bằng đời sống
đức ái, bằng dấn thân chia sẻ, bằng phục vụ vô vị lợi anh em, những người đang
cần được chia sẻ, ủi an, cần tình yêu hiến mình để được “sống
và sống dồi dào” (Ga 10,10), như thánh Giacôbê đã khẳng
định : “Một thân xác không hơi thở là một xác
chết, đức tin không có hành động là đức tin chết”
(Gc 2,26). Hành động ở đây chính là hành động của đức ái, vì “nhờ
hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà
thôi” (Gc 2,24). Nói cách khác, đức tin
cần đức ái như thân xác cần hơi thở, cần máu để sống.
3.
Yêu thương là tiêu chuẩn
đánh giá tội - phúc :
Thiên
Chúa không ban ơn cứu độ một cách tự động như làm rơi thẻ thông hành vào Nước
Trời từ trên cao, để ai nấy nhặt được sẽ đem về cất kỹ, chờ ngày chết, an nhiên
đi vào thiên đàng, mà không cần phải làm việc gì, hay đáp ứng đòi hỏi nào khác.
Sự thật hoàn toàn không như vậy, bởi Đức Giêsu đã cho chúng ta biết rất chính xác
tiêu chuẩn phải đạt để được nhận vào làm công dân Nước Trời khi nói về ngày
chung thẩm : “Hỡi những người được Cha Ta chúc phúc,
hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.
Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta
là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ;
Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han”
(Mt 25,34-36). Và Thiên Chúa đã làm mọi người bất ngờ khi tự đồng hoá mình với
những người hèn mọn, cơ cùng nhất : “Ta bảo thật các ngươi :
mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây,
là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Như
thế, không ai sẽ có thể lên thiên đàng một mình đơn độc khi chủ trương khư khư ôm
chặt đức tin cho mình, cuồng tín bảo vệ đức tin của mình bằng mọi giá, mà không
làm sáng danh Đấng mình tin, không làm người khác yêu mến Đấng mình tôn thờ, không
làm người chung quanh đón nhận Đấng mình phụng sự là Thiên Chúa Cứu Độ “giầu
lòng thương xót, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung”
bằng sống đời tương trợ, bác ái, qủang đại chia sẻ, và ân cần phục vụ ; cũng
chẳng có người được lên Trời khi chỉ lo cho riêng mình lúc còn sống, chỉ “thu
gom, vun vén” cho phần rỗi của mình khi khoẻ mạnh,
gặp thời, mà không nghĩ đến hạnh phúc của người chung quanh, không can dự đến cảnh
khốn quẫn, tang thương, vất vả của người khác , không chia sẻ, góp phần làm nhẹ
gánh thương đau, giảm bớt nỗi tủi sầu của đồng loại, bởi một lần nữa thánh tông
đồ Giacôbê nhắc nhở : “Đàng khác, có người sẽ
bảo : Bạn, bạn có đức tin ; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi
thấy thế nào là tin mà không hành động ; còn tôi, tôi sẽ hành động để cho
bạn thấy thế nào là tin. Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm
phải. Cả ma qủy cũng tin như thế, và chúng run sợ”. “Hỡi
người đầu óc rỗng tuếch, bạn có muốn biết rằng đức tin không có hành động là vô
dụng không ?” (Gc 2,18-20), và thánh tông đồ
Gioan đồng lòng cảnh báo: “Chúng
ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương,
thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương,
thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”
(1 Ga 4,7-8). Và không biết Thiên Chúa, thì làm sao mong Thiên Chúa biết đến tên
mình mà gọi vào Vương Quốc của Ngài ngày chung thẩm ?
Do
đó, đường lên thiên đàng của mỗi người là đường đến với tha nhân, đường đi đến
gặp gỡ người khác, đường chia sẻ với mọi người, nhất là những người kém may mắn,
đang ở vào hoàn cảnh đáng thương, cần được giúp đỡ. Và đó chính là lý do: chúng
ta không thể lên trời một mình, nhưng ơn cứu độ có sinh ích cho ta hay không sẽ
tùy thuộc hành động bác ái ta làm cho anh chị em đang cùng sống, đang cùng ta đi
trên hành trình về Nước Trời.
Đạo
công giáo là đạo của Thiên Chúa tình yêu, và con đường đến với Thiên Chúa cũng
là con đường tìm gặp tha nhân. Thiên Chúa và con người cùng chung trên một tuyến
đường, bởi Thiên Chúa “đã làm người và ở giữa loài người
chúng ta”, nên sẽ không có đường đến với Thiên
Chúa mà không đến với con người, không có hẹn hò riêng tư với Thiên Chúa mà không
có bóng dáng con người, không có vinh danh Thiên Chúa mà thiếu hạnh phúc của
con người, bởi Thiên Chúa yêu thương con người và muốn thông ban hạnh phúc của
chính mình cho con người, nên con người không có lý do gì lại không qủang đại
thông ban tình yêu và hạnh phúc cho nhau.
4. Hành động làm đẹp lòng Thiên Chúa hơn cả là
phụng sự Ngài bằng mưu tìm hạnh phúc cho người khác, đặc biệt những người bé mọn,
bị bỏ rơi, bạc đãi:
Nếu
Thiên Chúa chọn yêu thương, phục vụ tha nhân là tiêu chuẩn thưởng phạt, và là điều
kiện để được nhận vào Nước Trời, thì làm vinh danh Ngài chính là thao thức và nỗ
lực mưu tìm hạnh phúc cho người khác. Nói cách khác, hạnh phúc của con người là
vinh quang của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa yêu thương, nên luôn mong ước con người
được hạnh phúc, bởi hạnh phúc là “gien”
của Thiên Chúa tình yêu mà con người được thừa hưởng.
Điều
này nhắc chúng ta một chân lý nền tảng : chúng ta được dựng nên để là những
đứa con hạnh phúc của Thiên Chúa là Cha nhân hậu, toàn năng và giầu có như hình
ảnh người cha trong Tin Mừng Luca chương 15, nên bất hạnh không là cứu cánh, cũng
không là ý muốn của Thiên Chúa, bởi tất cả những công trình Thiên Chúa thực hiện
đều có mục đích đem lại cho chúng ta hạnh phúc đích thực và đời đời. Đổ lỗi cho
Thiên Chúa là tác giả của đau khổ, lên án Thiên Chúa là nguyên nhân mọi tai ương,
bất hạnh chắc chắn là một bất công và xúc phạm rất nặng nề.
5. Thiên
Chúa tự đồng hoá với người nhỏ bé, hèn mọn chính là chân lý Chúa Cha đã mặc khải
cho những người bé nhỏ, mọn hèn:
Chân
lý vĩ đại được Chúa Cha mặc khải mà Đức
Giêsu đã nói tới chính là “mỗi lần các ngươi làm
như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm
cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).
Đây
là chân lý mà Đức Maria đã được Thiên Chúa tỏ cho biết và Mẹ đã ca ngợi lòng thương
xót của Thiên Chúa trên phận hèn nữ tì của ngài trong kinh Tán Tụng Magnificat,
cũng là niềm hạnh phúc khôn cùng của các thánh từ tạo thiên lập địa đến tận cùng
của thời gian. Gần chúng ta hơn cả là thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người đã
hiểu và sống hết mình mầu nhiệm cao siêu này, khi không ngừng thốt lên trong nhật
ký “Một Tâm Hồn” : “Ôi
Thiên Chúa của con !”, như tiếng lòng tràn
ngập tin yêu của người con yếu đuối, bé bỏng trong vòng tay vô cùng yêu thương
của cha mình.
Tương
tự như thế, khi bảy mươi hai môn đệ tập họp lại báo cáo thành qủa truyền giáo
(x. Lc 10,17), Đức Giêsu đã “hớn hở, vui mừng”
và nói : “Lậy Cha là Chúa Tể trời đất, con
xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín, không cho bậc khôn ngoan thông thái biết
những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn”
(Lc 10,21).
Ngài
tạ ơn vì các môn đệ đã nhận ra quyền năng các ông có được đã không đến tự mình,
nhưng từ Thiên Chúa khi các ông nhân danh Ngài ; những phép lạ các ông thực
hiện đã làm kinh ngạc nhiều người đã không do khả năng của các ông, nhưng bởi ý
muốn của Thiên Chúa. Niềm vui của Đức Giêsu hôm ấy là tinh thần và thái độ bé
nhỏ, đơn sơ, hồn nhiên và tuyệt đối tín thác vào Ngài của các môn đệ khi các ông
kể lại những việc kỳ diệu các ông đã thực hiện được nhờ cậy dựa vào quyền năng
Thiên Chúa, khi các ông nhân danh Ngài.
Vâng,
người bé nhỏ, hèn mọn thì luôn khiêm tốn cậy nhờ, nương dựa ; người yếu đuối
không bao giờ dám vênh vang, kiêu hãnh, tự đại, tự cao, nhưng phó thác, trông cậy,
cầu khấn, van nài. Và đó chính là điều Thiên Chúa đợi chờ ở những người con Ngài
yêu.
Tóm
lại, thiên đàng rộng mở cho chúng ta cùng nhau bước vào, như hình ảnh của sách Khải Huyền : “Kià
một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi
nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng,
tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9), bởi trên hành
trình dương thế, tất cả chúng ta đều gắn bó mật thiết, liên đới chặt chẽ với
nhau, do có cùng một Cha trên trời, có cùng ơn gọi nên thánh, có cùng cùng đích
Thiên Chúa tình yêu, có cùng hạnh phúc được cứu độ, có cùng thân phận yếu đuối,
tội lụy, có cùng thử thách, cám dỗ, có cùng thách đố làm lành lánh dữ.
Quang
cảnh ngày chung thẩm hay cảnh tượng “những người đã đến sau
khi đã trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình
trong máu Con Chiên. Vì thế họ được chầu trước ngai Thiên Chúa”
(Kh 7,14-15). Đám đông cùng giặt áo mình trong máu Con Chiên của Khải Huyền nói
lên tính đồng tâm nhất trí, đồng lao hiệp lực, đồng hành, đồng hướng của những
người đi theo Đức Giêsu, và tất cả đã khẳng định : chúng ta không thể vào
Nước Trời đơn độc một mình, nhưng luôn vào với người khác, cùng vào với nhau, “tay
trong tay, vai kề vai” tiến vào Nhà Thiên Chúa, vì chúng
ta chỉ có một Cha chung, ở trên trời, và ở giữa chúng ta có Đấng Cứu Độ, tên Ngài
là EMMANUEL : Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Jorathe
Nắng Tím