Cuồng tín là tin điên
cuồng. Người cuồng tín là người tin không bình thường, nhưng dị thường ;
không quân bình tâm lý khi đón nhận chân lý, nhưng gắn bó với chân lý một cách
cực đoan, qúa khích, khi chủ trương đánh gục những ai không tin như mình. Cuồng
tín là hiện tượng của mọi thời đại và mọi nơi, tùy theo tầm vóc và mức độ ảnh hưởng
mà cuồng tín trở thành hiểm họa của thế giới loài người.
Để hiểu cuồng tín là gì
và hậu qủa cuồng tín mang lại nặng nề, tang thương như thế nào, tưởng không gì
tốt hơn là nhìn vào thái độ được biểu lộ nơi những người cuồng tín :
1. Người cuồng tín có thái độ kiêu căng, cực
đoan, độc đoán :
Cực đoan, độc đoán khi
chỉ nhận những gì mình tin là đúng, là thật, là hoàn hảo, và phủ nhận không tiếc
thương, không suy nghĩ đắn do, không đo lường, so sánh các giá trị khác, chỉ vì
những giá trị ấy không thuộc vào niềm tin của mình.
Người cuồng tín không có
khả năng nhân bản để lắng nghe, đón nhận, và chia sẻ những giá trị ở những niềm
tin khác ; cũng không có sức mạnh tinh thần để đối thoại, trao đổi các giá
trị đa chiều, đa phương với người có tín ngưỡng khác mình ; càng không được
trang bị nhẫn nại, và khiêm tốn để nhìn nhận những gì còn thiếu sót, khiếm khuyết
trong tôn giáo của mình.
Thái độ cực đoan, độc đoán
vô tình cô lập, tách rời người cuồng tín khỏi cộng đồng xã hội, và không ai bảo
ai, tất cả đều nhận ra họ là những con người lập dị, không giống ai. Họ lập dị
vì kiêu căng, tự mãn, tự phụ ; họ không giống ai vì cho mình vượt trội, ở
trên người khác khi độc đoán cho rằng chỉ
niềm tin, tôn giáo họ theo, tín điều, lề luật họ giữ, thiên chúa, thần thánh họ
thờ, đường lối họ chủ trương mới đích thực, đích xác, đích danh, đích đáng. Và
ngoài những gì họ thờ, họ tin, họ bảo vệ, tất cả đều sai lạc, sai trái, sai phạm.
Cũng vì nhìn chung quanh mình, ở ngoài mình đều sai trái, lỗi phạm mà người cuồng
tín tự thấy mình có quyền phải chỉnh đốn, thay đổi, giập tắt, tiêu diệt.
2.
Thái
độ bạo lực để tự bảo vệ mình và khống chế người khác không cùng niềm tin :
Người cuồng tín vì cực đoan,
độc đoán, nên nhìn những người không cùng niềm tin, không cùng chọn lựa với mình
như đối thủ, bởi tiên thiên họ thấy mình là thiểu số được tuyển chọn, số ít được
mặc khải, một nhóm nhỏ được cứu độ. Nhìn số đông quanh mình như đối thủ là phản
ứng tự nhiên của một số nhỏ tự coi mình là tuyệt vời, và mặc cảm bị đám đông tầm
thường, xấu xa, bất toàn dòm ngó, châm chích, chống phá cũng là ác nghiệp của
người cuồng tín. Và để tự bảo vệ vị thế thiểu số tuyệt vời, những người cuồng tín
chọn bạo lực, cũng như chỉ với bạo lực, họ mới có thể khống chế, áp đảo, tiêu
diệt được đối phương.
Do đó, trong tất cả các
phong trào cuồng tín to nhỏ, có tầm quốc gia hay quốc tế, chúng ta đều nhận thấy
yếu tố bạo lực luôn nổi bật, và là hiện tượng, thực tế không thể chối cãi, dù
nhìn duới bất cứ lăng kính, góc cạnh nào.
Người cuồng tín nại đến
đủ thứ bạo lực : tư tưởng baọ lực, lời nói bạo lực, việc làm bạo lực, vì với
người cực đoan, độc đoán, lòng kiêu hãnh, cao ngạo luôn thúc đẩy con người tìm đến
bạo lực như phương tiện duy nhất. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi người
cuồng tín say sưa nhân danh thiên chúa giầu lòng thương xót để “phân thây xẻ thịt”, chặt đầu, băm xác những người
dám lên tiếng tỏ ý bất đồng quan điểm, niềm tin ; không ngại vấy máu trẻ
thơ vô tội trong cơn say đức tin, khi họ càn quét, truy lùng, giết chóc những
người thuộc tôn giáo khác, mà họ coi là kẻ ngoại đạo đáng nguyền rủa, lên án,
khử trừ. Chúng ta cũng không bất ngờ nếu đe dọa cứ hằng ngày đến từ phía những
người cuồng tín tìm tấn công những cộng đoàn tín hữu không thuộc về họ.
3. Thái độ bảo vệ cơ chế một cách mù quáng :
Người cuồng tín cần bảo
vệ cơ chế, vì cơ chế mới có thể bảo vệ “đức tin” cuồng
tín của họ. Không có cơ chế, hay cơ chế bị suy yếu, họ sẽ không thể hiện được
niềm tin si mê, điên khùng, qúa khích của họ.
Trong thực tế, người cuồng
tín ra sức bảo vệ cơ chế hơn bảo vệ tín điều, vì cơ chế mới thực sự là sức mạnh,
ở đó người cuồng tín cần bám vào để tồn tại. Rời xa cơ chế, hay bị cơ chế chối
bỏ, người cuồng tín mất điểm tựa, và bắt buộc phải tàn rụi, bởi một đức tin điên
cuồng không bao giờ có thể đem lại sự sống và bình an đích thực cho chủ thể của
nó.
Vì thế cơ chế trong cộng
đồng những người cuồng tín giữ một vai trò tối quan trọng, vì ngoài việc chỉ đạo,
thực hiện kế hoạch, đường lối, cơ chế còn giữ vai trò kiểm soát gắt gao, thanh
trừng nghiêm khắc tín đồ. Mọi vi phạm, vượt rào, trật hướng đều bị nghiêm cấm và
nghiêm trị.
4. Thái độ coi nhẹ sự sống và quyền sống của
người khác :
Vì độc đoán, độc quyền,
cơ chế cuồng tín áp đặt một chế độ, chính sách độc tài, độc trị xuất phát từ tâm
thức vượt trội và ở trên mọi người không cùng tín ngưỡng, niềm tin, chưa kể não
trạng nguy hiểm là bàn tay của thiên chúa để trừng phạt, truy diệt những kẻ ngoại
đạo đáng phải chết. Ngoài ra, người cuồng tín còn cho mình là thiểu số được tuyển
chọn không chỉ để tôn thờ, mà còn để sát phạt và chinh phục muôn dân cho thiên
chúa. Vì thế, thái độ coi nhẹ quyền sống, và các quyền tự do khác của những ngưéơi
không thuộc phe nhóm, tôn giáo của họ là thái độ được khuyến khích, ủng hộ, sẽ
dễ dàng dẫn đến những hành động phi nhân, vi phạm nhân quyền, làm tổn thương nhân
phẩm của người khác.
Lịch sử đã chứng minh sự
thật đau lòng trên qua hậu qủa kinh hoàng của những hành vi man rợ, dã man chống
lại con người như chính sách diệt chủng của nhiều phong trào cuồng tín trên thế
giới ngay ở thời đại chúng ta.
Tóm lại, đứng trước
phong trào cuồng tín ngày càng lan rộng trên thế giới, nhất là ở những nước kém
mở mang, chậm tiến, thiết tưởng chúng ta nên nghĩ đến phương án đề phòng, ngăn
chặn được xây dựng vững chắc trên nền tảng nhân ái, bao dung, cởi mở, tôn trọng
niềm tin của người khác, dù niềm tin ấy có khác biệt, kể cả đối nghịch với niềm
tin của mình.
Nhân ái, bao dung khi
chân nhận quyền sống, trong đó có quyền chọn lựa niềm tin, tôn giáo của người
khác ; cởi mở khi chân thành và lương thiện nhìn nhận và đón nhận những giá
trị ở các tôn giáo bạn ; tôn trọng khi ý thức và thực hành tình người đối
với mọi người, vì giá trị của một con người hệ tại ở tình yêu, và lòng tốt của
người ấy dành cho người chung quanh.
Chúng ta cũng đừng quên
một điều rất quan trọng là ngay giữa cộng đoàn cùng một đức tin, với anh em cùng
tôn giáo, chúng ta vẫn có thể “cuồng
tín” mà không biết, khi nặng
lời chỉ trích, chủ quan phê phán, khắt khe lên án những ai không “giữ đạo, bảo vệ đức tin, mở mang
bờ cõi Nước Chúa” một cách
chai cứng, qúa khích, quyết liệt như mình. Biết để cẩn trọng, xa tránh, vì cuồng
tín không làm đức tin trưởng thành, nhưng dần mòn làm băng hoại đức tin.
Được như vậy, thế giới
sẽ không còn “thánh chiến” đẫm máu, và những tai hoạ diệt chủng từ hận thù tôn giáo,
những cuộc tàn sát kinh hoàng do đạo quân cuồng tín sục sôi máu lửa từ nay được
chấm dứt, để mọi người được bình an, hạnh phúc sống niềm tin của mình.
Jorathe Nắng Tím