Suy Niệm TIN MỪNG CHÚA NHẬT 24 Thường Niên, Năm C
Trong bài “Phong trào giải
thích Lòng Thương Xót”, người viết đã chú giải toàn thể chương
15 của Tin Mừng Luca với ba dụ ngôn về Lòng Thương Xót. Vì thế, trong bài chia
sẻ này, người viết xin được đặt trọng tâm vào thái độ của người con cả trong dụ
ngôn “người cha nhân hậu” là một phần của
Tin Mừng Chúa Nhật 24, thường niên, năm C.
Thánh sử Luca ghi lại chi
tiết thái độ của người con cả khi thấy cha mình
mừng mừng tủi tủi “chạy ra ôm cổ, rồi hôn lấy hôn để” thằng em hoang
đàng khi vừa thấy bóng nó từ đàng xa, lại còn bảo gia nhân đem áo đẹp nhất, xỏ
nhẫn qúy nhất, đi giầy sang nhất cho nó ; chưa hết, cha còn cho mời họ
hàng, bạn hữu, làng xóm đến dự tiệc mừng vì như cha nói : “con ta đây đã chết
mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24).
Trước lòng bao dung,
tha thứ vô điều kiện, và tình cha bao la, vời vợi của cha dành cho em mình, cậu
cả đã giận dỗi, và trách móc cha đã không đối xử công bằng với cậu. Thánh Luca
ghi rõ thái độ của cậu cả: “Lúc ấy, người con cả của ông đang ở
ngoài đồng. Khi
anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhẩy múa, liền gọi một người đầy
tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời : “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp
lại cậu ấy mạnh khỏe. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng
cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha : ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu
hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy một
con dê con để con ăn uống với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt
hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn mừng !” (Lc
15, 25-30).
Chúng ta nhận ra ở cậu
con cả :
1.
Thái
độ nghi ngờ, dò xét :
Thái độ đáng buồn thứ
nhất nơi cậu cả, đó là thái độ nghi ngờ, dò xét đối với cha mình, khi cậu “gọi một người đầy
tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì” (Lc 15,26). Là con trai lớn, lại tự nhận
luôn hầu hạ và không hề trái lệnh cha bao giờ, nhưng hôm nay với thái độ dò
xét, nghe ngóng này, anh con cả đã để lộ tấm lòng không chân thành, thiếu ngay
thẳng, càng không hồn nhiên, kính yêu cha mình, bởi nếu anh yêu cha thật lòng,
yêu cha hết lòng, tin tưởng cha trọn vẹn,
anh sẽ tự nhiên, thoải mái vào thẳng nhà, vì là nhà cha anh, để nghe, và thấy
những gì đang xẩy ra, nhất là để gặp cha, nghe cha nói, nghe cha chỉ bảo, dặn
dò với tất cả tình yêu của đứa con lớn, và hiếu thảo dành cho cha già. Nhưng ở
anh hôm nay tình yêu không đủ nồng nàn, nên tin yêu không đủ lửa nóng. Vì thế,
anh mới dò hỏi gia nhân như kẻ trộm lén lút, như người đi đánh ghen rình rập,
vì nghi ngờ tình cha nhân hậu.
Tra xét, dò hỏi một phần
cũng vì anh không bao giờ nghĩ có ngày cha anh lại chấp nhận cho cậu em du côn,
đàng điếm kia thấy mặt, nói chi đến cho vào nhà, lại mở tiệc tưng bừng, có “đàn ca tài tử”, trống kèn.
Thái độ này còn nói lên
tính kiêu căng, lấn lướt của anh đối với cha, vì anh nghĩ bất cứ sinh hoạt nào trong nhà, bất cứ thay đổi thời biểu nào dù nhỏ
to, bất cứ khách khứa xa gần nào ra vào đều phải được anh đồng ý, dù cha anh vẫn
sống khoẻ mạnh, và nắm toàn quyền điều khiển gia đình.
2.
Thái
độ giận dữ :
Bên cạnh thái độ nghi
ngờ, dò xét là thái độ giận dữ, và Tin Mừng ghi rõ : “Anh liền nổi giận,
và không chịu vào nhà” (Lc 15,28). Đùng đùng nổi giận vì ganh
ghét với em mình, do không chấp nhận việc cha anh tha thứ và nhận lại vào nhà
thằng con phung phá, hoang đàng là em anh. Anh càng không thể dằn lòng khi thằng
em “trời đánh” được cha ban lại cho mọi đặc ân, đặc lợi,
đặc sủng, đặc quyền của một qúy tử, như anh, nên vưà nghe gia nhân báo
cáo : “Em cậu đã về”, cơn giận đã bật tung, bùng nổ như ganh
ghét đã phút chốc phá tanh bành tâm hồn Cain, và thúc Cain ra tay giết chết Aben,
em mình, chỉ vì hiến lễ của Aben đã được Thiên Chúa khứng nhận (x. St 4). Cũng
lòng ganh ghét đó đã khiến người anh cả hôm nay trở nên kẻ thù “không đội trời
chung” với em mình, bằng chứng là anh đã không thèm vào
nhà, để chung một mái ấm, dưới một mái nhà với em út, sau bao ngày em đi hoang,
nay trở về với “thân tàn ma dại”.
Qủa thực, lòng thương
xót khô cạn trong trái tim ganh ghét của người anh cả đã khiến anh “giận dỗi, không
chịu vào nhà” (Lc 15,28), cũng như tình huynh đệ héo tàn trong
tâm hồn Cain đã khiến Cain khùng điên và dụ em : “Chúng mình ra
ngoài đồng đi !» Và khi hai người đang ở ngoài đồng ra thì Cain xông đến
giết Aben, em mình” (St 4,8).
Không những căm thù em,
người anh cả hận cả cha mình, người cha mà anh tự nhận đã luôn hầu hạ và vâng lời,
vì cho rằng cha đã không công bằng, và đối xử bất công với mình. Khi giận dỗi
cha, người con cả đã sơ ý bộc lộ con người ích kỷ của mình, khi chỉ nghĩ đến
mình, mà không nghĩ đến tháng ngày mòn mỏi, đau ốm vì nhớ thương con ;
không nghĩ đến những buổi chiều một mình thui thủi, mắt đẫm lệ ngóng tin con ở
đầu ngõ, nhất là hôm nay không chung vui với niềm vui của cha, không làm lớn
hơn niềm vui ấy bằng thái độ hân hoan, niềm nở cùng cha và mọi người đang đón
bước chân trở về nhà của em mình.
Người con cả đã giận dữ
không chỉ vì ích kỷ, ganh ghét mà còn muốn độc quyền, không cho ai chung phần,
chia sẻ. Sau khi em bỏ nhà đi, anh không còn đối thủ, không còn cạnh tranh. Từ
nay chỉ một mình toàn quyền sở hữu, toàn quyền bá chủ, toàn quyền thao túng,
toàn quyền hưởng thụ. Nay em trở về, anh thấy mình bị đe dọa đủ mặt, vì sự hiện
diện rất bất lợi, nếu không muốn nói là nguy hiểm này. Trật tự anh đã thiết lập
từ bấy lâu, nay bị đảo lộn, vì thằng em điếm đàng trở về ; cơ chế chặt chẽ
anh áp đặt trong nhà từ ngày thằng em đòi chia của, đi hoang, bỗng nay bị xáo
trộn ; an ninh, an toàn đời sống anh đã dầy công xây dựng bất ngờ trở
thành chênh vênh, có nguy cơ sụp đổ, khi thằng em tưởng chết rồi nay sống lại,
tưởng mất rồi nay lại trơ trẽn trở về báo hại.
Tóm lại, người con cả
vì ích kỷ, ganh ghét, ghen tương, tham lam, và vô cảm đã không có chút tình cho
em, và cũng chẳng dành cho cha già niềm vui cuối đời là được gặp lại con mình “đã chết mà nay sống
lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,32).
3.
Thái
độ phỉ báng, bới móc, trù dập :
Ganh ghét đã không chỉ
làm điên người con cả với thái độ giận dữ không thèm vào nhà, mà còn đẩy anh đến
thái độ không mấy đẹp là phỉ báng, bới móc, trù dập em mình. Để làm nổi bật và
tăng thêm mức độ bất công của cha đối với mình, khi cha đón tiếp nồng hậu và
yêu chiều, chăm sóc thằng con mất nết, anh cả đã xử dụng ngón đòn bôi bác, bới
móc quá khứ không tốt đẹp của em và với giọng đầy khinh bỉ, phỉ báng, anh ta chẳng
nể nang gì cha già khi nặng lời khích bác : “Còn thằng con của
cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại
giết bê béo ăn mừng” (Lc 15,30).
Qủa quyết em mình chỉ
là một thằng giao du với bọn điếm, tức trắng trợn xếp em mình vào thành phần đĩ
điếm, hàng ngũ “đứng đường », đội quân tệ đoan xã hội. Anh cả,
vì ganh ghét, ích kỷ đã quên ai là em mình, ai cùng cha cùng mẹ với mình, ai đã
lớn lên trong cùng mái ấm gia đình, dưới cùng mái nhà tổ, cùng vòng tay ôm của
cha mẹ. Tất cả bị anh xóa trong tích tắc, nhường chỗ cho tố cáo, mạ lỵ, kết tội,
lên án.
Anh cả hăng say tố cáo đời tư hoang đàng, và trắng trợn
vạch trần lầm lỗi của em với ý định làm lay chuyển cha già, để cha đừng
thương xót nữa và đuổi cổ cậu em ra khỏi nhà, thay vì âu yếm đón nhận và trả lại mọi quyền làm con. Anh cả khôn khéo nhắc lại chuyện đòi
chia gia tài, cốt để làm cha nhớ lại và tiếc của, với hy vọng cha sẽ nổi sùng,
suy nghĩ lại và tống cổ thằng con hoang đàng tiếp tục ra đường.
Hình ảnh người con trai
lớn trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” không là hình ảnh
xa lạ với chúng ta hôm nay trong cuộc sống trong đạo ngoài đời. Đúng hơn, đây
chính là hình ảnh của chúng ta, bởi nếu
bình tâm suy nghĩ, dù ở vị thế nào trong đạo ngoài đời, dù mang phẩm hàm, chức
tước cao qúy đến đâu, không chắc có mấy người trong chúng ta tránh được những
thái độ tiêu cực của người con cả này. Hay chúng ta cũng giận dỗi, trách móc
Thiên Chúa bất công khi ban ơn cho người không đạo đức, thánh thiện như chúng
ta ? Cũng so đo, phân bì, tị nạnh khi những người dưới mắt chúng ta là
quân vô đạo lại gặp may mắn, làm ăn phát tài, con cái thành công hơn chúng ta ?
Cũng tìm cách điều tra, khai quật bí mật đời tư của người khác, rồi nặc danh
tung lên mạng với mục đích hạ bệ, đốn gục qua chiêu trò vu khống, phỉ báng, làm
mất uy tín, thanh danh, ảnh hưởng của họ ?
Qủa thực, trong đạo
ngoài đời, quanh chúng ta, và ngay trong chính chúng ta, ganh ghét, tị hiềm lúc
nào cũng sùng sục sôi như muốn bật tung, bùng nổ. Chẳng thế mà Thiên Chúa đã cảnh
giác: “Tội lỗi đang nằm phục ở cửa ; nhưng ngươi phải
chế ngự nó” (St 4,7). Tội lỗi đây chính là lòng ganh ghét, ganh
tị.
Chính lòng ganh ghét và
tẩy chay, loại trừ đã đóng kín cửa lòng, để không bao giờ chúng ta dám tin dùng
người đã một lần lầm lỡ, như Đức Giêsu đã tin dùng Phêrô, người môn đệ đã ba lần
công khai chối mình (x. Mt 26,34). Lòng ganh ghét và độc quyền chiếm hữu đã
khoá chặt đôi tay, để không bao giờ
chúng ta dám cho đi như người cha nhân hậu là Thiên Chúa đã ban lại tất
cả những gì người con hoang đàng đã tự mình làm mất, khi anh trở về. Lòng ganh
ghét và quyết tâm bảo vệ bằng bất cứ giá nào cơ chế, tổ chức, trật tự của pháo
đài Ích Kỷ đã niêm phong cửa vào trái tim, cấm vận các tương quan, để cuộc sống
mỗi người là một hoang đảo, chứ không là hành trình cùng “người khác” đồng hành.
Câu chuyện hôm qua của
dân Do Thái với Đức Giêsu, cũng là câu chuyện hôm nay của chúng ta với Đức
Giêsu, vì “Đức Giêsu hôm qua, hôm nay và mai ngày, mãi mãi vẫn
chỉ là một Đức Giêsu, Thiên Chúa”. Ngài đang nói với chúng ta, và nhắc nhở
: thái độ của người con cả trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” cũng là thái độ
thường ngày, thường thấy nơi chúng ta.
Ước gì tinh thần khiêm
tốn giúp chúng ta nhận ra mình qua tấm gương “thái độ của người
con cả”, để mỗi ngày chúng ta hiền lành, nhân hậu, biết “vui với ai mừng
vui, khóc với ai đang khổ sầu” (Rm 12,15), vì được đập chung nhịp
Thương Xót với trái tim yêu thương vô cùng của Thiên Chúa, người Cha chỉ biết trao
ban và cứu giúp, như người Cha nhân hậu với con cả thì “tất cả những gì
của cha đều là của con” (Lc 15,31), với con thứ đi hoang trở về
thì “chúng ta phải mở tiệc ăn mừng, vì con ta đây đã chết
mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24).
Jorathe Nắng Tím