Suy Niệm TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 28 Thường Niên, Năm C
Nhiều
danh nhân đã nói : “Bài
học quan trọng mà con người phải học với thú vật chính là lòng biết ơn”.
Người
mà phải học với thú sao ? Nghe thật chói tai, ngang ngược, và cực kỳ phạm
thượng ! Nhưng với một chút lương thiện, chúng ta sẽ không còn coi đó là
hành vi xúc phạm nhân phẩm, hạ thấp nhân vị, vì qủa thực điều mà con người
chúng ta thiếu sót với nhau nhiều nhất, chính là lòng biết ơn.
Con
người là hữu thể xã hội, nên cần đến nhau, và tính tương thân tương trợ luôn gắn
liền, đeo đẳng đời sống, bởi không ai có thể sống, lớn lên, thành công, hạnh
phúc một mình, nhưng “người khác”
luôn là yếu tố quan trọng, không thể thiếu cho sự tồn tại và phát triển của bản
thân.
Biết
ơn được hiểu là tâm tình yêu mến, kính trọng dành cho người đã cứu giúp, chia sẻ,
nâng đỡ, ủi an, bênh vực mình dưới mọi hình thức, ở mọi mức độ, trong mọi hoàn
cảnh. Người biết ơn dành cho người thi ân tình cảm đăc biệt trong trái tim, và
chỗ đứng trân trọng trong đời sống của mình. Lòng biết ơn làm cho tương quan giữa
người ban ơn và thụ ơn luôn tốt đẹp, nhờ người thụ ơn nhận biết giá trị của ơn
đã nhận và tấm lòng cao cả, quảng đại, yêu thương của người đã ban ơn. Vì thế,
tương quan ấy được hình thành tốt đẹp hay không hệ tại ở tâm tình và thái độ của
người thụ ơn, chứ không ở người thi ân, vì người cho đi thường không tìm được đền
đáp, nhưng người nhận ơn không thể bỏ quên bổn phận đáp đền.
Trong
thực tế, sở dĩ người ta dễ quên ơn nhau vì biết ơn là một điều khó, một việc
khó làm, vì đòi một điều kiện không luôn dễ có, đó là lòng khiêm tốn :
khiêm tốn nhận mình yếu, nên cần đỡ nâng ; khiêm tốn biết mình thiếu, nên
cần được chia sẻ, giúp đỡ, bù đắp ; khiêm tốn thấy mình bất lực, nên cần hỗ
trợ, thêm sức ; khiêm tốn nhìn vào sự thật trần trụi, tiêu sơ, hoang vắng,
cằn cỗi của mình để thấm thiá hiểu rằng lòng tốt của người khác luôn cần cho
tôi. Nhưng hơn tất cả những cái khó vừa kể, cái khó đáng lo ngại nhất chính là
khó có thể giữ mãi lòng khiêm nhường khi đã thoát khỏi cảnh khốn khó, bước đuờng
cùng, ở đó mình đã thụ ơn, nhận ơn người, bởi ít ai muốn khoác mãi cho mình lớp
áo quá khứ tăm tối, cơ hàn khi đã thành công, và để giũ được quá khứ này, tốt
nhất là cạo sạch, đánh bóng quá khứ ấy bằng xóa tên người ơn như “nhân
chứng nguy hiểm” của một thời cần phải được xoá sạch.
Kinh
nghiệm bản thân chứng minh điều này : khi thiếu thốn, bần hàn, ta dễ khiêm
tốn để nhận ơn, cũng như dễ khiêm nhường để biết ơn, nhớ ơn, nhưng đến khi
không còn nghèo, hay khi vừa ra khỏi cảnh
khổ, ta không còn đủ khiêm tốn để tiếp tục biết ơn, nhớ ơn, đền ơn người đã
giúp đỡ, thi ân cho ta. Trái lại, không những không khiêm tốn biết ơn, ta còn gồng
mình kiêu hãnh chối bỏ quá khứ thiếu thốn, bệ rạc, bần cùng của mình bằng “xưng
hùng xưng bá” tỏ ra ngang cơ, “trên
kèo” ngay cả những người đã thi ân cho
ta, bởi không xóa ơn bằng xoá tên tuổi họ trong đời mình, không xù ơn bằng khai
tử sự có mặt ơn nghiã của họ trong tâm tưởng mình, ta sẽ không yên, vì luôn cảm
thấy như có ai đó cản trở bước tiến của đời mình ; ta sẽ mãi nặng lòng, vì
luôn bực bội, sượng sùng như có ai đó ngăn chặn đường lên của tương lai, bởi tự
mãn, kiêu căng không cho ta chấp nhận một qúa khứ đã được giúp đỡ, một lịch sử đã
được viết bằng những ngày thiếu thốn được trợ giúp, một lý lịch còn đậm những bi
thương, gẫy đổ đã được vực dậy, nhiều đọan đường đã đi qua đầy những gian
truân, quẫn bách được cứu thoát nhờ ân sâu nghiã nặng được phủ dầy. Chính vì thế,
ta sẵn sàng quên ơn, vô ơn những người đã làm ơn cho ta.
Làm
người như chúng ta, Đức Giêsu cũng thấm thiá những vô ơn của con người :
hơn ai hết, Ngài đã suốt đời thi ân, giáng phúc, nhưng cũng hơn ai hết, gánh nặng
nghiệt ngã của vô ơn đã chồng chất làm guc ngã Con Người Thiên Chúa trên đường
thánh giá.
Trong
Tin Mừng Luca về “mười người phong hủi”,
chính Đức Giêsu cũng đã nói về câu chuyện vô ơn quen thuộc này của con người :
“Trên đường lên Giêrusalem, Đức
Giêsu đi ngang qua biên giới giữa hai miền Samari và Galilê. Lúc Người vào một
làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu
lớn tiếng : “Lậy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương
chúng tôi !” (Lc 17,11-13). Họ phải dừng lại đằng
xa vì Lề Luật cấm họ đến gần người khác, bởi người bệnh phong hủi bị coi là ô uế,
dơ bẩn, bị cô lập, tẩy chay xa khỏi cộng đồng. Nhưng Đức Giêsu chạnh lòng
thương khi nghe họ kêu xin lòng thương xót và đã chữa lành họ. “Một
người trong họ thấy mình được khỏi liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh
Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người
Samari. Đức Giêsu mới nói : “Không
phải cả mười người đều được sạch cả sao ? Thế thì chín người kia
đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại
bang này ?” (Lc 17,15-18).
Hỏi
“chín người kia đâu ?”,
Đức Giêsu muốn hỏi lòng biết ơn của con người đối với Thiên Chúa, cũng là nhắc
nhở lòng biết ơn của chúng ta đối với nhau, vì Ngài biết giá trị mang tính cứu
độ của lòng biết ơn, bằng chứng là Ngài đã thốt lên trước người đàn bà Samari
bên bờ giếng Giacóp : “Ước gì con nhận ra ơn Chúa ban !”
(Ga 4,10), để nói lên hồng ân tuyệt vời chúng ta nhận được từ Thiên Chúa và hạnh
phúc nhận ra ơn Ngài.
“Nhận ra”
ơn tức là biết ơn, và có biết ơn mới có thể đền ơn, đáp ơn. Với Thiên Chúa,
chúng ta chỉ có thể đáp đền ơn bằng “tôn
vinh Ngài”, như anh phung hủi duy nhất
có lòng “biết
ơn” đã trở lại tôn vinh Thiên Chúa.
Tóm
lại, trong cuộc sống, con người cần đến nhau, vì Thiên Chúa muốn như vậy, bởi
loài người được dựng nên để yêu thương, hạnh phúc trong Thiên Chúa và với tha
nhân, nên không thể không cần đến nhau, vì tình yêu, hạnh phúc luôn đòi đối tượng
là “người khác”.
Cần đến nhau nên trao ban và lãnh nhận, cần đến nhau nên “chị
ngã em nâng”, cần đến nhau nên có nhau “khi
khoẻ mạnh, lúc ốm đau, khi gian truân, lúc thịnh vượng”.
Vì thế cuộc sống xã hội sẽ là giòng chảy
không ngừng của “thi
ơn và biết ơn”, của “cho
và nhận”, mà trên đó người ban ơn cũng như
người thụ ơn đều chan hoà niềm vui, ngụp lặn trong hạnh phúc, bởi có lòng tốt qủang
đại trao ban và có trái tim biết rung niềm tri ân, cảm tạ.
Xin
Chúa dậy chúng con biết ơn Chúa để chúng
con luôn sống trong hạnh phúc vì được ngợi khen, phụng sự Chúa, như người phong
hủi “thấy mình được khỏi đã vui mừng
quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa”
(Lc 17,15). Và trong niềm vui say mê cảm tạ hồng ân Chúa, chúng con trở thành
niềm vui cho mọi người khi hồn nhiên, khiêm tốn sống đời người “biết
ơn”.
Jorathe
Nắng Tím