Pages - Menu

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2019

TRƯỚC DI ẢNH NGƯỜI QÚA CỐ

                               Lễ cầu nguyện cho các Linh Hồn
Ngày xưa còn trẻ, mỗi lần đi đám tang, tôi chẳng bao giờ nghĩ phận mình cũng sẽ chết như người chết nằm trong quan tài trước mặt, và tỉnh bơ coi như người khác chết, còn ta bất tử… Lớn lên, rồi già theo thời gian lạnh lùng rảo bước, tôi nhận ra ở mình những dấu hiệu gần đất xa trời như đầu óc lẩm cẩm, chân bước liêu xiêu, mắt mũi, ruột gan, tim phổi thường xuyên bất ổn, lúc này tôi mới giật mình hoảng hốt : rồi một ngày không xa cũng sẽ đến phiên khép mình lặng lẽ trong quan tài buồn thảm.
Kinh Thánh  không ngừng nhắc nhở con người phải chết. Ngay từ chương 3 của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã phán : “Vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19), đến thánh Tông Đồ dân ngoại trong thư gửi giáo đoàn Corinthô cũng nhắc lại chân lý ngàn đời, không thay đổi này : “Mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết” (1 Cr 15,22).
Hôm nay nhìn lên di ảnh của ông bà, cha mẹ, họ hàng thân thuộc, bạn hữu xa gần trong ngày lễ cầu cho các linh hồn, tôi đọc được qua ánh mắt các vị những gì các vị muốn nói:
1.   Các vị cũng đã sợ chết, như chúng ta đang sợ.
Sợ ra đi một mình vào thế giới hoàn toàn xa lạ ; sợ bỏ lại người thân, cuộc đời ; sợ lỗi lầm còn chồng chất, tội khiên còn ngập tràn ; sợ “Chúa im hơi lặng tiếng” “bắt con phải chết cùng quân tội lỗi, với phường ác nhân” (Tv 28,1.3) ; sợ “Chúa chấp tội”  thì làm sao con đứng vững ? (x.Tv 130,3), sợ “bị lãng quên, như kẻ chết không người tưởng nhớ” (Tv 31,13).
2.   Các vị đã hy vọng như chúng ta đang hy vọng :
Hy vọng  trong Đức Giêsu phục sinh, như thánh Phaolô dậy : “vì nếu kẻ chết không trỗi dậy, thì Đức Kitô cũng đã không trỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong. Nếu chúng ta đặt hy vọng nơi Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,17-19).
Hy vọng được sống lại với Đức Giêsu : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người : đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6,8). “Anh em đã được cùng mai táng với Đức Kitô khi chịu phép rửa, lại cùng được trỗi dậy với Người, vì tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết” (Cl 2,12).
Hy vọng  được Chúa thứ tha mọi lỗi lầm, “vì Người là Đấng từ bi, và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta” (Tv 102, 8-10).
Hy vọng Chúa là người cha nhân hậu đã không chấp tội con mình, nhưng tình cha trước sau như một, vẫn “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ”  người con hoang đàng thống hối khi con còn ở đằng xa trên đường về, lại sai đầy tớ “mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”  (Lc 15,22-24).       
3.   Các vị đã cầu xin  ơn thương xót như chúng ta đang kêu cầu ơn thương xót cho các vị :
Ở giờ lâm chung, khi miệng lưỡi đã tê cứng, thân xác chết dần, các vị chỉ có thể ú ớ, thều thào như người tử tội bị đóng đinh bên phải Đức Giêsu : “Lậy Đức Giêsu, xin nhớ đến con trong Nước của Ngài” (Lc 23,42), và như những người bệnh tật, bị qủy ám ngày xưa đã sấp mặt trên đường đón Chúa đi qua và tha thiết khẩn nài : “Lậy Đức Giêsu, xin thương xót con !” .
Cùng với các vị và cho các vị, cùng toàn thể  Hội Thánh chúng ta dâng lời cầu : “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng, vui vẻ vô cùng. Amen”.
4.   Các vị đã bình an phó thác linh hồn trong tay  Chúa là Cha toàn năng và  giầu lòng thương xót, trước sự hiện diện từ mẫu của Đức Mẹ :
Vừa lặp lại lời cầu nguyện của Đức Giêsu trên thánh giá, giờ hấp hối : “Lậy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46), các vị vừa nắm chặt tay Đức Mẹ và bình an trút hơi thở cuối cùng, trong lời kinh thuộc lòng từ tấm bé : “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”.
Vâng, ở giờ lâm tử, chỉ còn Đức Mẹ là Đấng ủi an, trạng sư bênh đỡ có thần thế trước mặt Thiên Chúa, và là Đấng duy nhất biết con đường  ngắn nhất, nhanh nhất, dễ nhất đưa kẻ có tội về với Chúa Giêsu, nên vai trò của Đức Mẹ cực kỳ quan trọng ở giờ phút quyết định số phận đời đời của mỗi người. Vì thế, hạnh phúc của những ai yêu mến Đức Mẹ là được chết bình an trong tay Mẹ và được cùng Mẹ đi gặp Chúa Giêsu, Con Mẹ yêu dấu, khi linh hồn ra khỏi xác.
Tháng các Linh Hồn, như Bạn, tôi nhớ lắm và cầu xin ơn tha phần phạt cho những người khi còn sống đã yêu thương, cưu mang, sinh dưỡng, giáo dục, cứu giúp, nâng đỡ, ủi an, bênh vực  tôi trên hành trình cuộc sống của họ ; những người khi sinh thời đã đau khổ, nhục nhã, bị tổn thương, chịu thiệt thòi cách này cách khác vì tôi ; những người lúc sống đã vì tôi mà xa Chúa, do tôi mà mất đức tin ; những người ở dương gian đã không nhận được ở tôi lòng trắc ẩn, tình huynh đệ, việc làm bác ái ; những người khi còn sống đã có lúc kỳ vọng ở tôi rất nhiều, để khi chết mới thấy tôi chẳng có gì, chẳng ra gì, nhưng tội lỗi, tầm thường, và rất bất xứng ; cả những người tôi đã một lần ganh ghét, thù hận, giận dỗi hoặc giận dỗi, thù hận, ganh ghét tôi.
Tôi nhớ tất cả các vị và cúi mình cảm tạ, xin thứ lỗi !
Tôi thành kính tưởng niệm và cùng Hội Thánh thiết tha nguyện cầu cho tất cả các vị ơn Thương Xót và Bình An trong Đức Giêsu, là Thiên Chúa từ bi và nhân hậu  đến “để tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 19,10) ; là Mục Tử nhân lành “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10) ; là Đấng đã nói với Mácta, khi gọi Ladarô, em cô ra khỏi mồ : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).   
Trong niềm hy vọng vào Đức Kitô phục sinh, tôi hẹn gặp tất cả các vị trong Nước của “Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, chậm bất bình và rất đỗi khoan dung” luôn rộng lòng xót thương kẻ có tội.
 Jorathe Nắng Tím